Home Chuyên Đề Nói Chuyện Với Một Bạn Tiến Sĩ Về Khoa Học Và Niềm Tin Cơ Đốc

Nói Chuyện Với Một Bạn Tiến Sĩ Về Khoa Học Và Niềm Tin Cơ Đốc

by Richard Huỳnh
30 đọc


Những nhà khoa học nổi tiếng tin có Đấng Sáng Tạo (Isaac Newton, Louis Pasteur, Robert Boyle…)

Trong tiệc Giáng Sinh của Hội Thánh (HT) Quốc Tế, có bạn tiến sĩ từ Pháp về nhắn tôi là em có đồng nghiệp là tiến sĩ từ Đức, bạn ấy nói tin theo khoa học chứ không tin theo tôn giáo. Em rất thích các bài viết của anh, anh có thể chia sẻ với bạn ấy được không? Và tôi đã có 2 giờ nói chuyện thú vị đến quên ăn với các tiến sĩ về chủ đề yêu thích là khoa học và niềm tin Cơ Đốc [1]. Tôi xin trình bày những ý hay về mối quan hệ giữa khoa học và tôn giáo, cũng như sao một nhà khoa học với suy nghĩ logic thực tế có thể tin có Đức Chúa Trời từ buổi nói chuyện.

Thực ra nói chuyện để hiểu suy nghĩ của nhau thôi, chứ trong một buổi rất khó thuyết phục một tiến sĩ tin Chúa. Trong đêm Giáng Sinh, các mục đồng chỉ cần thấy đoàn thiên sứ hiện ra phán truyền ngợi ca là lập tức chạy đến với Chúa Giê-xu. Còn các nhà thông thái phương Đông thì phải đi theo ánh sao cả ngàn dặm mới gặp được Ngài. Người bình dân có thể chỉ cần nghe loan báo Tin Lành là tin, còn tiến sĩ thì thường phải đi quãng đường dài.

Tôi đã thấy nhiều tiến sĩ tin Chúa, nhưng thường qua một quá trình dài tìm hiểu và trải nghiệm, chưa thấy ai tin ngay khi nghe. Xưa tại một lễ Giáng Sinh của HT Việt Nam ở Singapore, khi mục sư hỏi có ai muốn tin nhận Chúa không, tôi đã rất ngạc nhiên khi thấy một anh tiến sĩ từ Nhật về giơ tay. Sao tiến sĩ tin lẹ vậy? Hỏi thêm thì mới biết khi học ở Nhật, anh này tham gia CLB tiếng Anh của một HT Nhật nên đã biết về Tin Lành và rất quý HT. Giờ khi dự Giáng Sinh với HT Việt Nam, anh quyết định tin nhận Chúa. Hợp lý, HT tôi ở Singapore cũng có CLB tiếng Anh. Qua đó tôi đã thấy 2 anh tiến sĩ Việt Nam và vài bạn tiến sĩ Trung Quốc tin nhận Chúa. Có người học xong, đi Mỹ hay về nước, sau mới nhắn lại mình đã tin nhận Chúa.

Người càng học cao thì càng phải tìm hiểu và suy ngẫm nhiều rồi họ mới tin. Họ cần phải nghiên cứu để biết về Chúa và thấy được những biện minh thuyết phục. Hơn nữa, Francis Bacon, cha đẻ của phương pháp khoa học và chủ nghĩa duy nghiệm, là người đặt nền móng cho cuộc cách mạng khoa học, nói “Quả thật, một chút khoa học làm suy nghĩ con người nghiêng về vô thần; nhưng khoa học sâu sắc lại đem trí óc con người đến với tôn giáo” [2]. Để tin, các nhà khoa học cần phải vượt qua một chút ban đầu mà đạt đến sự sâu sắc đó. Ngoài ra, người ta thường đến với Chúa vì trải nghiệm tốt lành với Ngài và với hội thánh chứ không phải vì lý lẽ lập luận, như tôi thấy các CLB tiếng Anh của HT đã giúp nhiều tiến sĩ đến với Chúa hơn là các buổi tranh luận.

Tôi chẳng thể chép lại chính xác hai giờ nói chuyện, nhưng đây là các ý thú vị về mối quan hệ giữa khoa học và tôn giáo, cũng như sao một nhà khoa học với suy nghĩ logic thực tế có thể tin có Đức Chúa Trời:

1. Em tin ở khoa học chứ không tin ở tôn giáo.

Em có nghĩa rằng tất cả mọi điều “khoa học” nói đều là đúng? Anh từng làm nghiên cứu về phân tích và kiểm chứng hình thức (formal analysis & verification), xây dựng mô hình toán học và tính toán chứng minh với nó. Anh từng chứng minh một bài báo khoa học có chỗ sai [3], nhưng hơn chục năm nhiều giáo sư tiến sĩ đã trích lại mà không để ý. Từ đó, anh ý thức rằng khoa học nhiều khi chỉ suy luận trên mô hình thôi. Nhưng tính toán có thể bị sai, còn mô hình có thể bị thiếu hoặc lệch so với thực tế (do suy luận đơn giản hóa quá mức (oversimplification) hay khái quát hóa quá mức (overgeneralization)).

Chuyện trên là toán nên dễ chứng minh chỗ sai, còn những chuyện trên trời hay từ xa xưa thì làm sao ta kiểm chứng? Tuổi vũ trụ từng được nói là 11.5 tỷ, rồi lên 13.5 tỷ, giờ có kính viễn vọng mới lại thấy khác và đang tính nhân đôi lên [4]. Hay đá từ núi lửa Saint Helen mới tạo thành 10 năm, đem đi định tuổi phóng xạ thì ra từ 300 ngàn đến 3.4 triệu năm tuổi [5]. Hay xương được nói của tổ tiên hải cẩu từ kỷ Miocene 25 triệu năm trước y hệt xương rái cá sông hiện nay [6]. Có nhiều thuyết tiến hóa khác nhau [7]. Người Neanderthal từng được xem là tổ tiên tiến hóa của loài người, nhưng giờ ra là cùng chủng loài với con người, kết hợp sinh sản được [8], v.v.. Đó chỉ là những suy đoán tri thức (educated guess), diễn giải nghe có lý nhưng chẳng thể kiểm chứng. Chúng lại hay thay đổi, nay nói thế này, mai thế khác…

Từ vài mảnh xương nhỏ, người ta dựng nên hình ảnh tổ tiên tiến hóa của con người

Kinh Thánh nói hãy đánh giá một người qua thành quả của họ (Ma-thi-ơ 7:20), không phải qua lời nói lý lẽ. Đừng cứ “khoa học” nói là tin, nhiều nhà khoa học cũng nghiên cứu theo danh vọng đồng tiền, ra bài hay là chết (publish or perish) [9]. Khoa học theo Francis Bacon là phải giúp con người quản trị thiên nhiên và tạo ra các kết quả tốt đẹp cho đời sống [2]. Điều gì ta đã thấy mang lại kết quả tốt đẹp cho đời sống mình thì hẵng lấy làm chắc. Thuyết tiến hóa, thuyết Big Bang đâu có áp dụng ích lợi gì cho cuộc sống, chỉ là những niềm tin và diễn giải về cách thế giới và muôn loài được tạo dựng của người vô thần.

2. Đồng ý là khoa học có thể có chỗ đúng sai và chỗ sai, nhưng khoa học đã đem lại những biến đổi to lớn với đời sống con người. Nó nhìn chung là tốt và ta cần theo.

Tôn Giáo Của Những Người Đoạt Giải Nobel Từ Năm 1901 đến 2000 [10]

Đồng ý là khoa học đã đem đến những biến đổi to lớn cho đời sống con người, nhưng tôn giáo cũng đem lại những biến đổi to lớn. Khi chưa có Cơ Đốc giáo, mạng người là rẻ mạt và dễ dàng bị vứt bỏ. Chuyện dâng tế hay bỏ rơi trẻ sơ sinh là thường thấy; góa phụ có thể bị chôn theo chồng; phần lớn con người sống kiếp nô lệ. Nhờ ảnh hưởng của Cơ Đốc nhân, chúng dần bị bãi bỏ. Cơ Đốc nhân còn đi đầu trong việc xây dựng bệnh viện, trường học, văn hóa nghệ thuật, xã hội bình đẳng giàu lòng yêu thương [11]. Ở Việt Nam, nhiều bản làng như Vi Rơ Ngheo ([12]) hay Sìn Suối Hồ [13] đã lột xác thoát khỏi nghèo đói nghiện ngập trở nên văn minh sạch đẹp khi tin nhận Tin Lành. Một tôn giáo dạy các giá trị sống tốt sẽ giúp xã hội hướng tới những điều tốt đẹp.

Khoa học và tôn giáo không mâu thuẫn. “Khoa Học nghiên cứu, Tôn Giáo giải nghĩa. Khoa Học cho con người tri thức là sức mạnh, Tôn Giáo cho con người sự khôn ngoan là sự kiểm soát. Khoa Học chủ yếu xem xét các số liệu, Tôn Giáo chủ yếu xem xét các giá trị. Hai điều này không đối lập,Chúng tương hỗ cho nhau. Khoa Học giữ cho Tôn Giáo khỏi ca hát rơi vào trũng tin điều phi lý làm què quặt và ngu ngốc đến tê liệt. Tôn Giáo giữ cho Khoa Học khỏi rơi vào vũng lầy của chủ nghĩa vật chất và vô đạo đức.” (Martin Luther King).

Phải thừa nhận là có nhiều người sùng đạo thiếu hiểu biết làm chuyện phi lý và ngu ngốc, nhưng tôi vẫn thấy họ lành hơn là người hiểu biết tài giỏi nhưng vô đạo đức và ham muốn vật chất. Thế giới hiện giờ khoa học phát triển nhưng giá trị sống lại trượt dài, dẫn tới thực phẩm độc hại, môi trường ô nhiễm, con người ngồi cả ngày trước màn hinh, sức khỏe giảm sút, các vấn nạn bệnh tâm lý, trầm cảm, nghiện ngập, gia đình đổ vỡ tràn lan… Khoa học là kiến thức, là sức mạnh, là ngọn lửa. Phục vụ cho điều thiện nó rất tốt, phục vụ cho điều ác nó rất đáng sợ. Để có đời sống tốt, ta cần có một tôn giáo dạy những giá trị tốt đẹp, rồi có khoa học để thực hiện chúng.

Mâu thuẫn không phải là giữa khoa học và tôn giáo, người tin Chúa vẫn làm kinh tế khoa học rất tốt ([10], [14]). Mâu thuẫn là giữa niềm tin vô thần duy vật chất với niềm tin tôn giáo. Niềm tin vô thần duy vật chất tin rằng con người chỉ là xác thịt tạo thành từ phân tử. Chỉ có thể xác, không có linh hồn. Chết là hết, không có sự khen thưởng hay trừng phạt linh hồn sau đó. Suy ra chỉ có đời này để hưởng thụ, phải sống sao cho vui vẻ nhất, như chủ nghĩa Epicure [15]. Niềm tin vô thần duy vật chất dễ khiến người ta xem tiền tài vật chất hay vui thú xác thịt là các giá trị sống tối thượng.

Francis Bacon, cha đẻ của phương pháp khoa học và chủ nghĩa duy nghiệm, người đặt nền móng cho cuộc cách mạng khoa học có bài phân tích kinh điển về chủ nghĩa vô thần (“Of Atheism”) [2]. Ông nói nó là khoa học chút ít (nông cạn) và cũng có tính chất của một niềm tin tôn giáo. Nó đáng ghét vì phá hoại sự cao quý của con người, tước đoạt mất của con người điều giúp họ có thể vượt qua bản năng động vật thấp hèn của mình (như sói già phố Wall dù rất tài giỏi nhưng sống cũng chỉ theo giá trị của loài sói). Chỉ khi có kết nối tâm linh, tin ở sự bảo vệ và ơn phước thiên thượng, con người mới có sức mạnh để sống với các giá trị cao đẹp hơn.

Không phải niềm tin nào cũng như nhau. Thống kê tôn giáo của những người đoạt giải Nobel 100 năm qua cho thấy 65% là người Cơ Đốc, 21% người Do Thái, và xã hội họ văn minh thịnh vượng [10]. Người vô thần và suy nghĩ tự do chỉ chiếm 10%, phần lớn sống trong xã hội Cơ Đốc chứ còn xã hội vô thần như Liên Xô hay Bắc Triều Tiên có nhiều vấn đề. Nó cho thấy giá trị của Kinh Thánh: lối sống học theo sách vở, đoàn kết cộng đồng, yêu Chúa yêu người lân cận như mình… giúp khoa học xã hội phát triển tốt đẹp.

3. Em không tin ở tôn giáo, không tin vào những phép lạ siêu nhiên phản khoa học. Làm sao cả vũ trụ to lớn này lại có thể do một người làm ra?

Ảnh minh họa bên trong một tế bào

Francis Bacon nói “Đức Chúa Trời không bao giờ làm phép lạ để thuyết phục suy nghĩ vô thần, vì các việc bình thường của Ngài cũng đủ để thuyết phục nó[2]. Tự sự hiện diện của thế giới này đã là một phép màu. Có 4 lực vật lý cơ bản của vũ trụ: trọng lực, lực điện từ, lực liên kết hạt nhân mạnh, lực liên kết hạt nhân yếu. Nếu một trong chúng chỉ lệch đi vài phần trăm là vũ trụ sẽ sụp đổ [16]. Mỗi tế bào như một tàu vũ trụ phức tạp với các hệ thống xuất nhập, vận chuyển, thông tin, sản xuất, kho chứa… vận hành bởi hàng triệu cỗ máy phân tử (molecular machines) [17]. Và mỗi cơ thể sống là hàng tỷ tế bào với nhiều chức năng chuyên biệt kết hợp nhịp nhàng với nhau. Một bác sĩ giải phẫu viết cơ thể con người không thể do tiến hóa mà thành, vì các hệ thần kinh, hệ tim mạch, hệ miễn dịch, hệ điều tiết, hệ cơ xương… phải cùng hiện diện và phối hợp nhịp nhàng với nhau thì ta mới sống [18]. Biết về trọng lực, bên trong tế bào, hay cách một bộ phận cơ thể con người hoạt động là khoa học chút ít. Hiểu sự phối hợp nhịp nhàng chính xác từ giữa các lực cơ bản của vũ trụ tới các thành phần trong cơ thể sống cho thấy chúng phải được thiết kế bởi một lý trí thông minh, đó là khoa học sâu sắc.

Em nói không thể tưởng tượng vũ trụ to lớn này đều được tạo ra bởi 1 người. Nhưng từ xa xưa, các triết gia Hy Lạp đã suy đoán rằng thế giới này phải được thiết kế tạo dựng và vận hành bởi một lý trí thông minh thì nó mới có thể vận hành chính xác nhịp nhàng như vậy. Họ gọi đó là đấng Logos, tiếng Hy Lạp là Lời, Kinh Thánh tiếng Việt dịch là Ngôi Lời. Như lời nói biến các ý tưởng vô hình thành vật chất, Ngôi Lời là quyền năng đã diễn đạt những ý tưởng thiết kế của muôn vật thành vật chất và vận hành chúng theo ý mình đã định. Ngôi Lời đã thiết kế trọng lực và vận hành nó, cũng như Ngôi Lời đã thiết kế các tế bào và cơ thể sinh vật, và cả con người. Vì muôn vật được thiết kế tạo dựng cách thông minh, Ngôi Lời phải có lý trí thông minh, là một đấng, một người (theo nghĩa một thực thể thông minh – intelligent being).

Việc tin có Ngôi Lời – đấng thiết kế vận hành vũ trụ giúp khoa học phát triển vì nó khẳng định các quy luật thiên nhiên là bất biến vì không có điều gì phản quy luật mà không được Ngôi Lời cho phép. Vậy nên tư duy Cơ Đốc không tin ở phép thuật, cầu linh, sao chiếu mệnh, tuổi, ngày giờ tháng năm, thuốc thần hay bất cứ cái gì có quyền năng siêu nhiên ngoài Chúa, và quyền năng Chúa thắng hơn mọi ma quỷ tà thần. Do đó họ không sợ bất kỳ cái gì siêu nhiên khi có Chúa. Đó là tiền đề của tư duy khoa học. Khi Cơ Đốc giáo suy thoái ở phương Tây, mê tín dị đoan như thiên văn, tử vi, phù thủy, bói toán, cầu hồn phát triển mạnh [19].

Đấng Logos – Ngôi Lời – Lý Trí Thông Minh Đã Thiết Kế, Hiện Thực Hóa, Và Vận Hành Vũ Trụ

4. Không thể tưởng tượng việc Ngôi Lời giáng sinh làm người và chết trên thập giá.

(Buổi chuyện trên chưa đến phần này, nhưng xin cho tôi đi tiếp tinh thần buổi nói chuyện)

Em thấy việc có Đấng Tạo Hóa là khó tưởng tượng. Nhưng điều còn khó tưởng tượng hơn là Kinh Thánh nói: ”Ngôi Lời đã trở nên xác thể, sống giữa chúng ta, đầy ân điển và chân lý” (Giăng 1:14). Ngôi Lời, đấng Logos, lý trí thông minh đã thiết kế muôn vật với sự phức tạp và chính xác lạ kỳ, lại chọn giáng sinh xuống trái đất này trong thể xác một con người yếu đuối, một em bé nghèo khó sinh ra được đặt trong máng thức ăn gia súc. Và còn kỳ lạ hơn, Ngôi Lời với quyền năng đã tạo dựng vũ trụ này, và có thể hủy diệt nó để tạo ra trời mới đất mới, lại chịu để cho những con người nhỏ bé yếu đuối sỉ nhục, đánh đập, đóng đinh xác thịt mình chết trên thập tự giá. Đây mới là điều thật sự không thể tưởng tượng, duy nhất chỉ có ở Cơ Đốc giáo [20], như Kinh Thánh nói: “Trong lúc người Do Thái đòi hỏi dấu lạ, người Hi Lạp tìm kiếm sự khôn ngoan thì chúng tôi rao giảng Đấng Christ bị đóng đinh vào thập tự giá, điều mà người Do Thái cho là sai lầm, còn dân ngoại cho là điên rồ.” (1 Cô-rinh-tô 1:22-23).

Thực sự thì một trong những lý do mà ta có thể tin Kinh Thánh chẳng thể bởi con người viết ra là vì con người chẳng thể tưởng tượng mà bịa ra vậy được. Chúa nói: “Ý tưởng Ta không phải là ý tưởng các ngươi, Đường lối các ngươi chẳng phải là đường lối Ta. Vì các tầng trời cao hơn đất bao nhiêu, Thì đường lối Ta cao hơn đường lối các ngươi, Ý tưởng Ta cao hơn ý tưởng các ngươi cũng bấy nhiêu” (Ê-sai 55:8-9). Người ở tầng tư duy thấp sẽ khó hiểu được suy nghĩ của người ở tầng cao hơn, giống như tướng sĩ khó hiểu được tính toán của Gia Cát Lượng hay Tư Mã Ý, mà đến Gia Cát Lượng cũng không hiểu được ý Trời. Nhưng ai tin và làm theo lời Ngài sẽ được hưởng phước hạnh: ”Nhưng đối với những người được kêu gọi, cả Do Thái lẫn Hi Lạp, thì Đấng Christ là quyền năng và sự khôn ngoan của Đức Chúa Trời. Vì điều xem như điên rồ của Đức Chúa Trời còn khôn ngoan hơn loài người; điều xem như yếu đuối của Đức Chúa Trời còn mạnh hơn loài người.” (1 Cô-rinh-tô 1:24-25).

Khi chưa hiểu rõ Chúa, ta sẽ thấy Ngài làm nhiều chuyện khó tưởng tượng và khó hiểu. Nhưng càng học Kinh Thánh, ta sẽ càng hiểu Ngài, và càng thấy logic của việc Ngài làm. Kinh Thánh có thể giúp ta hiểu lý do vì sao Ngôi Lời giáng sinh và chết trên thập giá [20], hay sao Chúa lại để cái ác hoành hành [21], và để Satan tự do đi lại cám dỗ con người [22].

Sống trong vũ trụ, trong cơ thể do Ngôi Lời tạo dựng, lẽ tự nhiên con người phải kính mến và vâng lời Ngài. Luật Trời tóm tắt là “Ngươi phải hết lòng, hết linh hồn, hết sức lực, hết tâm trí mà kính mến Chúa là Đức Chúa Trời ngươi; và yêu thương người lân cận như chính mình.” (Lu-ca 10:27). Nhưng ai dám nói mình luôn luôn hết lòng hết sức kính mến Chúa và yêu người lân cận như mình, chưa một lần vấp phạm? Chúa tốt lành nhưng Ngài không dễ dãi, phạm tội thì phải bị trừng phạt: “Đức Giê-hô-va chậm nóng giận, và đầy lòng thương xót, tha thứ tội lỗi và sự phản nghịch. Nhưng không kể kẻ có tội là vô tội, và phạt con cháu ba bốn đời vì tội của cha ông.” (Dân Số 14:18). Vậy nên Kinh Thánh nói “mọi người đều đã phạm tội, thiếu mất vinh quang của Đức Chúa Trời” (Rô-ma 3:23) và “tiền công của tội lỗi là sự chết” (Rô-ma 6:23).

Ngôi Lời giáng sinh xuống thế gian là để cứu con người khỏi sự trừng phạt này. Ngài sống một đời sống công chính vô tội, rồi lấy mạng mình chết thay để cứu chuộc những ai tin nhận. “Vì Đức Chúa Trời yêu thương thế gian đến nỗi đã ban Con Một của Ngài, hầu cho hễ ai tin Con ấy không bị hư mất mà được sự sống đời đời… Ai tin Con thì được sự sống đời đời, ai không chịu tin Con thì chẳng kinh nghiệm được sự sống đâu, nhưng cơn thịnh nộ của Đức Chúa Trời vẫn ở trên người ấy.” (Giăng 3:16,36).

Do đó, ai tin nhận Chúa Giê-xu sẽ được cứu chuộc và được sống đời đời bởi quyền năng và lời hứa của Đấng Sáng Tạo. Còn ai không tin sẽ không được cứu, sẽ vẫn bị phán xét và trừng phạt đời đời theo Luật Trời. Niềm tin Cơ Đốc là tin nhận Ngôi Lời, tương giao với Ngài qua cầu nguyện, và sống theo Lời Ngài là Kinh Thánh. Khi đó, ta sẽ sống đúng với mục đích tạo dựng của mình, hòa hợp với muôn vật, và hưởng các phước hạnh từ Ngài.

5. Làm sao ta có thể tin Chúa Giê-xu chính là Ngôi Lời?

Tri Thức Học (Epistemology) gồm có lẽ thật – niềm tin – biện minh với quan hệ như sau [23]:

Lý do tin (biện minh) là quan trọng. Nhưng nhiều niềm tin có lý lẽ thuyết phục vẫn ra vô ích trong thực tế, như vô số phỏng đoán về chứng khoán. Và có niềm tin nghe vô lý nhưng áp dụng quả là có kết quả, thường vì ta chưa có kiến thức để hiểu hay công cụ để thấy, như xưa có bác sĩ Semmelweis nói rửa tay khi khám bệnh giúp ngừa lây lan mà chẳng ai tin vì thời đó chưa biết đến vi trùng [23]. Vậy nên quan trọng nhất là một niềm tin có hữu ích trong thực tế hay không. Sau đây là 3 biện minh với bằng chứng thực tế để tin Chúa Giê-xu là Ngôi Lời nhập thế:

1. Bằng chứng về sự chết và phục sinh của Chúa Giê-xu.

Tấm vải liệm thành Turin – tấm phim âm bản 3D chụp trên vải gai ảnh xác Chúa Giê-xu

Làm sao để một người chứng minh quyền năng siêu nhiên chiến thắng sự chết? Người đó chết và phục sinh. Đừng tin lời về sự sống lại và sống đời đời của kẻ không sống lại từ cõi chết (giám định pháp y cho thấy thật sự chết, chôn trong mộ và canh giữ cẩn thận 3 ngày v.v…), vì làm sao ta kiểm chứng lời đó? Niềm tin Cơ Đốc đặt hoàn toàn trên một sự kiện lịch sử: sự chết và phục sinh của Chúa Giê-xu. Kinh Thánh nói “nếu Đấng Christ đã không sống lại thì sự rao giảng của chúng tôi là vô ích, và đức tin của anh em cũng vô ích” (1 Cô-rinh-tô 15:14). Còn nếu Chúa Giê-xu thực sự đã phục sinh, thì Chúa đúng là đến từ Đức Chúa Trời, đấng duy nhất có quyền năng siêu nhiên chiến thắng cái chết, và lời của Chúa là đáng tin cậy, vì “Đức Chúa Trời không phải là người mà nói dối, cũng chẳng phải là con loài người mà ăn năn. Điều Ngài đã phán, Ngài không thi hành sao? Lời Ngài đã hứa, Ngài chẳng thực hiện sao?” (Dân Số Ký 23:19)

Đây không phải là một huyền thoại từ thời tiền sử, mà là một sự kiện xảy ra giữa 3 nền văn minh cổ đại Do Thái – Hy Lạp – La Mã đầy tri thức sách vở, được chép lại theo lời chứng trong 4 sách phúc âm của Matthew,  Mark, Luke, và John. Nhà sáng lập trường Luật Harvard, luật sư và thẩm phán Simon Greenleaf, đã phân tích và kết luận lời chứng từ các sách Phúc Âm là đáng tin cậy theo chuẩn tòa án Mỹ, rằng sự phục sinh thật sự đã xảy ra trong lịch sử [24]. Đây không phải là một quy luật tự nhiên để chứng minh bằng lập lại thực nghiệm, nhưng là một sự kiện lịch sử có thể chứng minh vượt qua mọi nghi ngờ hợp lý (beyond reasonable doubt) [25]. Có nhiều lý do cho thấy Chúa Giê-xu thực sự đã phục sinh [26]. Sự phục sinh của Chúa Giê-xu là bằng chứng cứng (hard evidence) trong thực tế đời sống cho đức tin Cơ Đốc.

2. Trải nghiệm phước hạnh và sự giúp đỡ của Chúa trong thực tế đời sống.

Hầu hết mọi người tin Chúa đều không hiểu hết về sự kiến tạo kỳ diệu của thế giới để suy luận phải có Ngôi Lời Đấng Tạo Hóa, hay về lời chứng vượt qua mọi nghi ngờ hợp lý theo tòa án của các sách Phúc Âm. Lý do họ tin Chúa thường rất đơn giản: (1) lời Chúa dạy hay, (2) hội thánh là cộng đồng tốt, và (3) Chúa đáp lời cầu nguyện và giúp đỡ họ trong đời sống (không phải là ước gì được nấy, nhưng là an ủi giúp đỡ lúc khó khăn). Những ai có tương giao cá nhân với Chúa (chứ không chỉ tin theo gia đình) đều có thể chia sẻ về trải nghiệm sự an ủi giúp đỡ đáp lời cầu nguyện của Chúa trong đời sống mình. Điều đó giúp họ mạnh mẽ trong đức tin.

Có 2 chuyện đáp lời cầu nguyện nổi tiếng được lịch sử ghi chép. Một là khi Constantine đem quân đến Rome tranh ngôi hoàng đế La Mã với Maxentius, người có lợi thế sân nhà và quân đông gấp đôi mình. Khi đang lo lắng suy nghĩ, ông thấy trên trời xuất hiện cây thập giá và dòng chữ “trong dấu này, ngươi sẽ chiến thắng”. Ông liền vâng lời, thay toàn bộ quân kỳ La Mã bằng cây thập giá, rồi tiến quân và dành chiến thắng vẻ vang [27]. Từ đó, ông tin nhận Chúa Giê-xu, bãi bỏ việc bắt bớ và hết lòng ủng hộ sự phát triển của Cơ Đốc giáo khắp La Mã. Hai là khi vua Clovis của người Frank (Pháp), khi tuyệt vọng trước thế trận sắp bại, đã ngẩng mặt lên trời kêu cầu hỡi Chúa Giê-xu mà vợ ta nói, nếu Ngài cho ta thắng trận này, ta hứa sẽ tin theo Ngài. Thế trận liền đổi thay và ông chiến thắng [28]. Giữ lời hứa, vua Clovis cùng toàn dân tin nhận Chúa. Và từ người Frank, danh Chúa được truyền đi khắp châu Âu. Những đáp lời cầu nguyện thay đổi lịch sử thế giới này cho thấy Chúa tể trị trong đời sống con người.

Khải tượng của Constantine, tranh của Jacob Punel, thế kỷ 17

3. Tin Chúa là đặt cược có lợi ích kỳ vọng cao nhất trong các lựa chọn:

Ai sinh ra rồi cũng phải chết. Dù muốn hay không, ta phải đặt cược số phần đời đời của mình, ở niềm tin Cơ Đốc, niềm tin vô thần duy vật chất, Phật giáo, hay gì đó. Nhà toán học Blaise Pascal đã đặt ra bài toán đặt cược (Pascal’s wager [29]) để xem xét và cho thấy niềm tin Cơ Đốc là đặt cược tối ưu so với các lựa chọn khác:

Giữa các niềm tin, có cái nào có bằng chứng lịch sử để chứng tỏ quyền năng siêu nhiên chiến thắng cái chết của mình như sự phục sinh của Chúa Giê-xu? Có vị thần nào có quyền năng sáng thế, tạo dựng cơ thể con người, và hứa cho sự sống đời đời ghi rõ ràng trong sách thánh như Đức Chúa Trời? Có tôn giáo nào xây dựng xã hội văn minh khoa học phát triển như niềm tin Do Thái – Cơ Đốc [16]? Có vị thần nào được nhiều lời chứng tốt như Chúa Giê-xu?

Nếu niềm tin vô thần duy vật chất là đúng, thì việc theo niềm tin Cơ Đốc không có hại gì lớn. Người Cơ Đốc cũng làm kinh tế khoa học tốt như người thường [14]. Chết cũng là hết, chỉ không tích lũy tài sản tận hưởng thú vui vật chất hết sức (mà cái này dễ có hại).

Nếu niềm tin Cơ Đốc là đúng, thì tin theo vô thần duy vật chất hay thần nào khác là phản loạn với Đấng Tạo Hóa mình như Satan, sẽ bị trừng phạt đời đời trong lửa địa ngục [30]. Còn tin nhận Chúa Giê-xu sẽ được cứu chuộc khỏi trừng phạt và được sống đời đời phước hạnh với Ngài.

Vậy nên cả khi không thể chắc chắn hoàn toàn, niềm tin Cơ Đốc là đặt cược tối ưu giữa các lựa chọn. Nếu nó sai, ta không mất gì lớn. Còn nếu nó đúng mà ta không tin, ta sẽ bị trừng phạt đời đời vì tội phản loạn Đấng Tạo Hóa. Còn khi tin, ta sẽ hưởng phước hạnh đời đời với Ngài.

Tổng kết

“Đức Chúa Trời từ trên cao nhìn xuống loài người, Để thử xem có ai thông sáng tìm kiếm Đức Chúa Trời chăng.” (Thi Thiên 53:2) Tôi xin bạn tiến sĩ hãy cởi mở tìm hiểu và suy nghĩ việc tin nhận Chúa vì 3 lý do:

1. Không phải cái gì mang danh nghĩa “khoa học” cũng đúng. Nhiều thứ chỉ là suy đoán tri thức (educated guess), lập luận trên mô hình, nghe có lý nhưng chẳng thể kiểm chứng, hay thay đổi, nay thế này, mai thế khác… Cái gì ta đã áp dụng và thấy kết quả tốt đẹp cho đời sống mình hẵn lấy làm chắc. Thuyết tiến hóa, thuyết Big Bang, tuổi vũ trụ, tuổi hóa thạch… chỉ là những suy đoán chuyện xa xưa chẳng thể kiểm chứng và cũng chẳng có ích lợi thực tế. Chúng chỉ là suy đoán diễn giải về cách thế giới và muôn loài được tạo dựng của người vô thần. Càng hiểu sâu về vũ trụ và về cơ thể sống, ta sẽ càng thấy thiên nhiên muôn vật phải được thiết kế và vận hành bởi một lý trí thông minh, một Đấng Tạo Hóa.

2. Khoa học và tôn giáo không đối lập mà chúng tương hỗ. Mâu thuẫn chỉ là giữa niềm tin vô thần duy vật chất và niềm tin tôn giáo. Tin con người không có linh hồn, chỉ có thể xác đời này sẽ khiến ta chỉ sống theo bản năng, thỏa mãn các tham muốn xác thịt. Để có đời sống tốt, trước hết ta cần có tôn giáo dạy những văn hóa giá trị tốt đẹp, rồi có khoa học để thực hiện chúng.

3. Đức Chúa Trời là Đấng Tạo Hóa có quyền năng sáng thế và phục sinh với lời hứa ban cho sự sống đời đời ghi rõ trong Kinh Thánh. Cơ Đốc giáo là niềm tin có nhiều bằng chứng thực tế lịch sử nhất, từ sự phục sinh của Chúa Giê-xu tới những việc Chúa làm trên đời sống những ai kêu cầu Ngài. Tin Chúa là đặt cược có kết quả kỳ vọng tốt nhất trong các lựa chọn.

Để biết biện minh và trải nghiệm kết quả, ta thường phải tin, tìm hiểu và thực nghiệm, rồi mới thấy đúng/sai. Tư duy “thấy rồi mới tin” là thụ động đợi người ta mớm cho mình. Để kinh tế khoa học phát triển, ta cần có tư duy tin rồi tìm hiểu thực nghiệm để thấy. Để biết Chúa, ta cần thực nghiệm: tin nhận và xin Ngài đến bên đời sống mình, học Lời Ngài theo Kinh Thánh và áp dụng, nhóm lại với một hội thánh tốt. Tin, tìm hiểu, rồi ta sẽ thấy. Sẽ phải đầu tư thời gian công sức chút, nhưng tìm hiểu Chúa có thể là việc đầu tư đáng giá nhất ta làm trong đời này. Chúa ẩn mình để thử loài người, nhưng Ngài hứa ai tìm kiếm Ngài hết lòng sẽ được gặp: “Các con sẽ tìm Ta và gặp được, khi các con tìm kiếm Ta hết lòng.” (Giê-rê-mi 29:13).

Richard Huynh, người cũng đã dành thời gian tìm hiểu Kinh Thánh từ Sáng Thế Ký tới Khải Huyền trước khi quyết định tin cậy và phó thác đời mình cho Chúa [31].

Richard Huynh

Bài vở cộng tác hoặc góp ý xin gửi về tintuc@hoithanh.com

Bài Tham Khảo

[1] Khoa Học Và Đức Tin Cơ Đốc
https://bachkhoa.name.vn/khoa-hoc-va-duc-tin/

[2] Cha đẻ của phương pháp khoa học nói gì về niềm tin vô thần?
https://bachkhoa.name.vn/2023/03/29/cha-de-cua-phuong-phap-khoa-hoc-noi-gi-ve-niem-tin-vo-than/

[3] Scope-Aware Data Cache Analysis for WCET Estimation
https://ieeexplore.ieee.org/document/5767152/

[4] Thuyết Big Bang gặp rắc rối? Không vấn đề gì, chỉ cần nhân đôi tuổi vũ trụ!

https://bachkhoa.name.vn/2023/08/31/thuyet-big-bang-gap-rac-roi-khong-van-de-gi-chi-can-nhan-doi-tuoi-vu-tru/

[5] Núi St Helens vạch ra sai lầm của phương pháp định tuổi bằng đồng vị phóng xạ

https://bachkhoa.name.vn/2023/01/15/nui-st-helens-vach-ra-sai-lam-cua-phuong-phap-dinh-tuoi-bang-dong-vi-phong-xa/
[6] Hóa Thạch Tưởng Là Tổ Tiên Tiến Hóa Thất Lạc Của Hải Cẩu Chỉ Là Xương Rái Cá Ngày Nay

https://bachkhoa.name.vn/2023/08/04/hoa-thach-tuong-la-to-tien-tien-hoa-that-lac-cua-hai-cau-chi-la-xuong-rai-ca-ngay-nay/

[7] Theories of evolution throughout history

https://adntro.com/en/blog/genetic-curiosities/theory-of-evolution-throughout-history/
[8] Are Neanderthals and Homo sapiens the same species?

https://www.livescience.com/archaeology/are-neanderthals-and-homo-sapiens-the-same-species

[9] Publish-or-perish: Peer review and the corruption of science
https://www.theguardian.com/science/2011/sep/05/publish-perish-peer-review-science

[10] Có phải tôn giáo là đối nghịch với khoa học?
https://bachkhoa.name.vn/2023/01/28/co-phai-ton-giao-la-doi-nghich-voi-khoa-hoc/

[11] Thế Giới Sẽ Ra Sao Nếu Chúa Giê-xu Chẳng Từng Giáng Sinh?
https://bachkhoa.name.vn/2023/11/07/the-gioi-se-ra-sao-neu-chua-gie-xu-chang-tung-giang-sinh/

[12] Làng Vi Rơ Ngheo (Kon Tum) vươn lên từ Tin Lành
https://bachkhoa.name.vn/2023/10/11/lang-vi-ro-ngheo-kon-tum-vuon-len-tu-tin-lanh/

[13] Làng Tin Lành Sìn Suối Hồ
https://www.oneway.vn/tin-tuc/lang-tin-lanh-sin-suoi-ho-34398.html

[14] Chuyện Cơ Đốc nhân
https://bachkhoa.name.vn/guong-co-doc-nhan/

[15] Triết lý của Epicurus
https://en.wikipedia.org/wiki/Epicureanism

[16] Stephen Hawking đã sai: 3 lý do phải có Đức Chúa Trời
https://bachkhoa.name.vn/2023/07/02/stephen-hawking-da-sai-3-ly-do-phai-co-duc-chua-troi/

[17] Có phải có “hữu cơ” nghĩa là có sự sống? Thế nào là vật chất sống?

https://bachkhoa.name.vn/2023/01/24/co-phai-co-huu-co-nghia-la-co-su-song-the-nao-la-co-su-song/

[18] Bác Sĩ Phẫu Thuật Nói Cơ Thể Con Người Không Thể Do Tiến Hóa Mà Thành
https://bachkhoa.name.vn/2023/07/20/bac-si-phau-thuat-noi-co-the-con-nguoi-khong-the-do-tien-hoa-ma-thanh/

[19] As Traditional Religion Declines, Superstition—Not Atheism—Is the Big Winner
https://intellectualtakeout.org/2018/05/as-traditional-religion-declines-superstition-not-atheism-is-the-big-winner/

[20] Điều Gì Duy Nhất Chỉ Có Ở Cơ Đốc Giáo?
https://bachkhoa.name.vn/2023/04/06/dieu-gi-duy-nhat-chi-co-o-co-doc-giao/

[21] Vì sao Đức Chúa Trời lại để kẻ ác lộng hành và sự gian ác đầy dẫy trên đất?
https://bachkhoa.name.vn/2023/05/29/vi-sao-duc-chua-troi-de-ke-ac-long-hanh-va-su-gian-ac-day-day-tren-dat/

[22] Sao Chúa lại không nhốt Satan lại để hắn hết cám dỗ loài người?
https://bachkhoa.name.vn/2023/07/09/sao-chua-lai-khong-nhot-satan-lai-de-han-het-cam-do-loai-nguoi/

[23] Thấy rồi tin, hay tin rồi thấy? Vai trò của niềm tin trong tri thức học
https://bachkhoa.name.vn/2023/02/12/thay-roi-moi-tin-hay-tin-roi-moi-thay-vai-tro-cua-niem-tin-trong-tri-thuc-hoc/

[24] Testimony of the Evangelists by Simon Greenleaf (1783-1853)

https://www.famous-trials.com/jesustrial/1051-evangeliststestimony

[25] 10 Câu Trả Lời Nhanh Cho Những Lập Luận Của Người Vô Thần Theo Giáo Sư John Lennox
https://bachkhoa.name.vn/2023/05/03/10-cau-tra-loi-nhanh-cho-nhung-lap-luan-cua-nguoi-vo-than-theo-giao-su-john-lennox/

[26] 7 điều chứng tỏ sự phục sinh của Chúa Giê-xu là sự thật
https://bachkhoa.name.vn/2021/04/04/7-dieu-chung-to-su-phuc-sinh-cua-chua-gie-xu-la-su-that/

[27] Battle of the Milvian Bridge

https://en.wikipedia.org/wiki/Battle_of_the_Milvian_Bridge

[28] Battle of Tolbiac
https://en.wikipedia.org/wiki/Battle_of_Tolbiac

[29] Pascal’s Wager

https://en.wikipedia.org/wiki/Pascal%27s_wager

[30] Địa Ngục Đáng Sợ Như Thế Nào Theo Kinh Thánh?
https://bachkhoa.name.vn/2023/05/05/dia-nguc-dang-so-nhu-the-nao-theo-kinh-thanh/

[31] Ở Singapore Gặp Chúa

https://bachkhoa.name.vn/2021/04/03/o-singapore-gap-chua/

Bình Luận:

You may also like