“Ở đây không có mùa xuân!” con gái tôi kêu lên.
Việc chuyển đến nơi ở mới luôn có những thách thức, nhưng việc thích nghi với thời tiết nơi đây thì khó khăn hơn một chút so với dự kiến. Các con tôi đã mong chờ những ngày hè rực rỡ, nhưng sau ba tháng nắng nóng gay gắt, giờ đây tất cả chúng tôi đều mệt mỏi và muốn thời tiết mát mẻ hơn. Có thể bạn không nhận ra, nhưng không có mùa đông thì cũng không có mùa xuân.
Cây cối, hoa cỏ luôn nở rộ ở Honduras. Nhiều người trên khắp thế giới sống trong những điều kiện khí hậu và sự thay đổi theo mùa khác nhau. Là người miền Tây Virginia bản địa, tôi đã quen với bốn mùa rất rõ rệt. Xuân-Hạ-Thu-Đông.
Dù ghét cái lạnh nhưng tôi không bao giờ bận tâm đến mùa đông ở quê nhà. Đó luôn là lời nhắc nhở hãy sống chậm lại, ở bên nhau và nhớ giữ ấm. Mùa xuân sẽ đến. Giờ đây khi không còn bốn mùa đó trong cuộc sống đời thường, tôi cứ canh cánh mãi trong lòng về một cuộc đời không có mùa xuân.
Một trái tim không có mùa xuân là một trái tim không có hy vọng.
Thời tiết mùa đông dù khắc nghiệt nhưng hứa hẹn một mùa xuân ấm áp sẽ đến.
Ngay cả trong cuộc sống, chúng ta có thể cảm thấy như đang sống trong một mùa “mùa đông” dài bất tận. Không có sự sống, không có hơi ấm hay tình bạn có thể khiến chúng ta cảm thấy rất cô độc. Khi mùa xuân đến. Sự sống mới sẽ đến.
Hàng năm, khi Lễ Phục Sinh đến rồi đi, bạn có thể cảm thấy như sự phục sinh đã bỏ quên mình. Sự buồn rầu, đau đớn, cô đơn, lo lắng, trầm cảm hoặc vô vọng đều tràn ngập. Tôi có thể nói điều gì đó khó nghe được không? Trước khi phục sinh một cái gì đó phải chết. Mùa đông phải đến trước.
Sự chết phải đến trước
Khi suy ngẫm về sự phục sinh của Chúa Giê-xu, chúng ta đừng quên một chi tiết quan trọng: Ngài phải chịu chết. Là Cơ-đốc nhân, sự chết của Ngài có nghĩa là sự sống mới cho chúng ta, nhưng trước hết phải có sự chết. Vì tội lỗi ở thế gian này, sự sống mới không bao giờ bắt nguồn từ hư vô. Ngay cả một hạt giống cũng phải chết đi trước khi nó bắt đầu nảy mầm.
Chúa Giê-xu nói về sự chết trong Giăng 12:24, “Thật, Ta bảo thật các ngươi: Nếu hạt lúa mì không rơi xuống đất và chết đi, nó vẫn chỉ là một hạt thôi; nhưng nếu chết đi, nó được kết quả nhiều.”
Trong cuộc sống của chúng ta, điều gì đó phải chết đi trước khi chúng ta trải nghiệm sự phục sinh của Chúa Giê-xu. Chúa Giê-xu đã nằm trong mộ ba ngày và lúc đó các môn đồ, những người yêu mến Ngài đều than khóc. Sự chết làm lòng chúng ta đau đớn. Có những giọt nước mắt, những vết thương và nỗi đau dường như không thể xoa dịu. Sự chết sẽ đau đớn nhưng nó phải đến trước. Chúa Cứu Thế Giê-xu biết tất cả nỗi đau buồn của chúng ta. Chúa Giê-xu nằm trong mộ ba ngày, Đấng từng nói chính Ngài là sự sống lại và sự sống giờ đang nằm trong mộ…
Ngôi mộ của bạn có thể là cảm giác bị mắc kẹt trên giường vì bệnh tật. Sự cô đơn có thể là một nhà tù. Hoặc có thể ngôi mộ của bạn là nơi làm việc với những người chế nhạo niềm tin Cơ-đốc của bạn. Ngôi mộ mà bạn cảm thấy có thể là nỗi đau buồn. Bạn đã mất đi người mình yêu và cuộc sống thật trống trải khi không có người đó?
Trước khi Chúa có thể hành động trong đời sống chúng ta, chúng ta phải chết. Phao-lô nói trong Ga-la-ti 2:20, “Tôi đã bị đóng đinh vào thập tự giá với Đấng Christ, mà tôi sống, không phải là tôi sống nữa…” Sứ-đồ tiếp tục nói trong Ga-la-ti 5:24, “Những người thuộc về Đấng Christ Giê-xu đã đóng đinh xác thịt cùng với các đam mê và dục vọng mình trên thập tự giá rồi.”
Có thể cuộc đời bạn là một chuỗi những “cái chết” dường như không có hồi kết. Những điều đang dần giết chết hy vọng và niềm vui của bạn. Không còn sức lực để tiếp tục bước đi. Ở tận cùng của nỗi đau, Chúa đang chờ đợi. Không có cái chết nào là vô ích. Chúa luôn hành động, ngay cả trong lúc chờ đợi.
Tiếp đến là thời gian chờ đợi
Đôi khi Chúa không hứa ban sự sống mới ngay. Vâng, chúng ta có thể sống một cuộc đời tràn ngập niềm vui, tràn đầy sức mạnh và hy vọng. Nhưng sự sống có thể không nảy sinh ngay lập tức. Ngay khi hạt giống chết đi, nó không sinh bông trái ngay được. Giống như Chúa Giê-xu đã không sống lại ngay vào lúc Ngài chết mà chờ đợi trong mộ suốt ba ngày—đôi khi chúng ta cũng phải trải qua những mùa chờ đợi.
Chờ đợi là điều tồi tệ nhất. Tin tôi đi, tôi đã kinh nghiệm rồi. Nhưng sự chờ đợi của chúng ta không bao giờ lãng phí. Đôi khi Chúa bảo chúng ta chờ đợi, nhưng Ngài vẫn đang hành động. Kiên nhẫn chờ đợi không phải là điều chúng ta mong muốn khi gặp rắc rối, chịu cay đắng, gặp giông bão, bị mắc kẹt trong bóng tối… Tuy nhiên, nhiều lần Chúa kêu gọi chúng ta chờ đợi. Trong cuộc đời Giô-sép, dù chàng làm điều đúng và bước đi cùng Đức Chúa Trời nhưng Ngài không đưa chàng thoát khỏi những hoàn cảnh tồi tệ. Giô-sép vẫn bị lãng quên suốt hai năm trong tù. Bị mọi người lãng quên, trừ Chúa.
“Quan hầu rượu không nhớ gì đến Giô-sép, ông quên bẵng chàng đi.” (Sáng-thế Ký 40:23)
Chúng ta có tin rằng sự chờ đợi không bao giờ là lãng phí? Chúa chúng ta vẫn đang nắm quyền tối thượng. Chúa Giê-xu mời gọi chúng ta bước vào một đời sống kiên trì và đời sống đó không bao giờ là gánh nặng. Mỗi bước đi của chúng ta đã được lên kế hoạch. Được sắp đặt bởi Đấng Sáng Tạo. Chúng ta sẽ vấp ngã. Chúng ta sẽ làm mọi chuyện rối tung lên, đôi khi chúng ta sẽ chọn cách cay đắng, lo lắng và tức giận.
Những lúc khác chúng ta sẽ chọn con đường đúng đắn.
“Các bước của người thuộc về Đức Giê-hô-va được vững chãi…” (Thi-thiên 37:23)
Khi chúng ta vấp ngã, chúng ta sẽ được vực dậy lần nữa. Bàn tay đã đưa ra cho người phụ nữ bị bắt quả tang ngoại tình cũng đang đưa ra cho chúng ta. Đôi bàn tay đã nắm giữ mặt trăng vào ngày thứ tư của sự sáng tạo sẽ giữ lấy chúng ta. Đôi bàn tay đã làm cho người mù nhìn thấy sẽ soi sáng tấm lòng chúng ta để thực hiện bước tiếp theo. Chúng ta hãy tin cậy vào đôi bàn tay của Ngài.
Lòng chúng ta được thêm sức khi trông đợi Chúa. Can đảm không phải là không sợ hãi mà là khả năng tiến về phía trước ngay cả khi bạn đang sợ hãi. Chúa chu cấp cho chúng ta trong sự chờ đợi. Hãy nhìn xung quanh và xem hôm nay Chúa đang chu cấp cho bạn như thế nào.
“Hãy trông đợi Đức Giê-hô-va; hãy mạnh mẽ và can đảm! Phải, hãy trông đợi Đức Giê-hô-va!” (Thi-thiên 27:14)
Sau khi chờ đợi chúng ta khám phá ra sự chết không phải là kết thúc. Sự chết của Chúa Giê-xu là của lễ hy sinh cuối cùng cho tội lỗi của chúng ta và việc Ngài được chôn trong mộ có nghĩa là đôi khi Chúa yêu cầu chúng ta chờ đợi. Lời nhắc nhở đẹp đẽ về chiến thắng của Chúa Giê-xu là trái tim Ngài đã đập trở lại. Sự sống mới đã trỗi dậy sau ba ngày đen tối.
Ánh sáng đã đến. Lòng thương xót đã đến. Chúng ta đừng quên Chúa Giê-xu vẫn đang sống ngày nay!
Thức dậy mỗi ngày với sự sống tươi mới
Có thể hôm qua chúng ta đã có một ngày tồi tệ. Nóng nảy và nước mắt đã làm nhòe đi khải tượng và khiến chúng ta không xác định được lối đi. Chúng ta đi ngủ với tâm trạng chán chường và mệt mõi.
Trước khi đi ngủ, chồng tôi thường nhắc nhở tôi về lòng thương xót tươi mới của Chúa vào mỗi buổi sáng. Đột nhiên, tôi nhận ra mình có lý do để mong chờ ngày hôm sau. Những nan đề có thể vẫn còn đó, nhưng lòng thương xót của Chúa thì tươi mới luôn!
Khi mặt trời chiếu vào phòng tôi vào sáng hôm sau, tôi lại được nhắc nhở về sự thành tín của Chúa. Nếu có một “chủ đề” cho cuộc đời và câu chuyện của tôi thì đó chắc chắn là sự thành tín của Chúa. Sự thành tín trong việc tha thứ, yêu thương và chữa lành của Ngài dành cho tôi. Chúng ta không sống trong một thế giới không có mùa xuân.
Bạn ơi, tôi không biết loại tổn thương, sự cô đơn hay tuyệt vọng nào đang hành hạ trái tim bạn, nhưng hãy biết điều này. Đức Chúa Trời thành tín ban lòng thương xót tươi mới. Mỗi ngày chúng ta có thể thức dậy trong niềm hân hoan…biết mình có thêm 24 giờ mới…và Chúa không nuôi lòng oán giận về quá khứ của bạn. Bạn cần nghe lẽ thật này: Chúa không nổi giận với bạn mãi.
Đây là cách chúng ta sống đời sống phục sinh. Chúng ta sống đời sống phục sinh khi chúng ta sống trong lòng thương xót của Chúa mỗi ngày. Lời hứa của mùa đông là mùa xuân đang đến. Có sự hứa hẹn khi hạt giống đức tin của bạn bị chôn vùi trong lòng đất sâu. Chúa vẫn thành tín khi chúng ta không nhìn thấy mặt trời.
Sự sống phục sinh vẫn luôn hiện hữu cho dù chúng ta đang phải chịu đau đớn.
“Nhờ lòng nhân từ của Đức Giê-hô-va mà chúng ta không bị tiêu diệt,Lòng thương xót của Ngài không bao giờ dứt. Mỗi buổi sáng, lòng thương xót của Chúa tươi mới luôn,Sự thành tín Ngài lớn biết bao. Tôi tự nhủ: “Đức Giê-hô-va là sản nghiệp tôi,Nên tôi hi vọng nơi Ngài.” Đức Giê-hô-va nhân từ với những ai trông đợi Ngài,Với linh hồn nào tìm kiếm Ngài. Thật tốt cho người yên lặng trông chờƠn cứu rỗi của Đức Giê-hô-va.” (Ca-thương 3:22-26)
Dịch & biên tập: Eunice Tu
Nguồn: crosswalk.com
Bài vở cộng tác hoặc góp ý xin gửi về tintuc@hoithanh.com