Home Chuyên Đề Một Truyện Ngụ Ngôn Hiện Đại

Một Truyện Ngụ Ngôn Hiện Đại

by Viethungpham.com
30 đọc

Cái lạnh có tồn tại không? Không, lạnh chỉ đơn giản là một thuật ngữ mô tả sự thiếu vắng nhiệt. Bóng tối có tồn tại không? Không, bóng tối chỉ là sự thiếu vắng ánh sáng. Quỷ có tồn tại không? Không, quỷ chỉ là sự vắng mặt của Thiên Chúa trong lòng con người. Đó là một ngụ ngôn hiện đại giàu ý tứ sâu xa.

TRUYỆN NGỤ NGÔN[1]

Tại một trường Đại học ở Thụy Sĩ, một vị Giáo sư thách thức các học trò của mình bằng câu hỏi sau đây:

–  Phải chăng mọi thứ đang tồn tại đều do Chúa tạo ra?

Một sinh viên mạnh dạn thưa:

–  Vâng, đúng như vậy ạ

Vị Giáo sư liền nói:

–  Nếu Chúa sáng tạo ra mọi thứ thì Chúa đã tạo ra quỷ dữ, bởi vì quỷ dữ đang tồn tại, vậy Chúa là quỷ dữ.

Anh chàng sinh viên ngớ người ra, không biết đáp lại ông thầy thế nào. Ông thầy đắc thắng kết luận rằng ông đã “chứng minh” rằng “đức tin vào Chúa” là chuyện hoang đường, và do đó là vô giá trị.

Một sinh viên khác, rất trẻ, giơ tay phát biểu:

–  Thưa thầy, em có thể nêu lên một câu hỏi được không ạ?

–  Tất nhiên! Vị Giáo sư trả lời.

Advertisement

Chàng sinh viên này đứng lên, nêu câu hỏi:

–  Thưa Giáo sư, cái Lạnh có tồn tại không ạ?

–  Câu hỏi gì lạ vậy? Tất nhiên là cái Lạnh phải tồn tại. Em chưa bao giờ cảm thấy lạnh hay sao mà còn hỏi như vậy? Vị Giáo sư trả lời với vẻ khó chịu.

–  Thưa Giáo sư, thực ra cái Lạnh không tồn tại. Theo các định luật vật lý, cái mà chúng ta gọi là Lạnh thực ra chỉ là sự thiếu vắng của năng lượng Nhiệt – năng lượng được truyền từ nơi có nhiệt độ cao hơn tới nơi có nhiệt độ thấp hơn. Nhiệt độ Zero Tuyệt đối là sự vắng mặt hoàn toàn của Nhiệt, chứ không phải cái Lạnh đang tồn tại. Con người đã tạo ra một thuật ngữ để mô tả trạng thái mà ta cảm thấy lúc cơ thể chúng ta thiếu vắng năng lượng Nhiệt mà thôi. Anh sinh viên thuyết giảng hùng hồn bằng những hiểu biết vật lý không thể tranh cãi. 

–  Và thưa Giáo sư, bóng tối có tồn tại không? Anh sinh viên tiếp tục chất vấn vị Giáo sư.

–  Dĩ nhiên là tồn tại! Vị Giáo sư trả lời ngay với vẻ tự tin.

–  Dạ, thưa Giáo sư, một lần nữa Giáo sư đã sai. Bóng tối không tồn tại. Bóng tôi thực ra chỉ đơn giản là sự thiếu vắng ánh sáng mà thôi. Ánh sáng có thể nghiên cứu được, chứ bóng tối thì không. Không thể bẽ gãy bóng tối được. Chỉ có thể rọi ánh sáng vào nơi được coi là bóng tối. Bóng tối chỉ là một từ ngữ mà con người tạo ra để mô tả trạng thái thiếu ánh sáng mà thôi. Một lần nữa, anh sinh viên dùng kiến thức vật lý sắc sảo để làm rõ các khái niệm mà loài người thường sử dụng nhưng không hiểu rõ chính những khái niệm ấy.  

Cuối cùng, dường như muốn thách đố vị Giáo sư, chàng sinh việc đó đặt câu hỏi:

–  Và bây giờ, thưa Giáo sư, quỷ dữ có tồn tại không?

–  Tất nhiên là nó tồn tại, như tôi đã đề cập ngay từ đầu bài giảng, rằng chẳng phải chúng ta đã và đang từng chứng kiến những vụ bạo lực, tội ác, … đã và đang xảy ra ở khắp nơi trên thế giới này hay sao? Đó chẳng phải là quỷ dữ sao? Vị Giáo sư khẳng định mạnh mẽ.

–  Không, thưa Giáo sư, quỷ dữ không tồn tại. Chàng sinh viên tuyên bố đầy tự tin. Tương tự như cái lạnh và bóng tối, quỷ dữ chỉ là một từ ngữ do con người tạo ra để mô tả trạng thái thiếu vắng sự hiện diện của Chúa trong trái tim con người mà thôi.

Nghe đến đây, vị Giáo sư trở nên đăm chiêu suy nghĩ, ông đeo cặp kính trắng lên rồi nhìn vào cuốn sách trên bục giảng, không nói thêm gì nữa.

Chàng sinh viên trẻ ấy chính là ALBERT EINSTEIN!

BÌNH LUẬN

Đây là một truyện ngụ ngôn do người đời thêu dệt ra, không rõ tác giả, và cũng không rõ thời điểm xuất hiện, nhưng nhiều năm nay đã lưu hành trên nhiều trang mạng ở Tây phương. Chàng sinh viên trẻ thông minh trong truyện được gán cho Einstein, cốt để nói lên một khẳng định triết học, rằng quỹ dữ chỉ đơn giản là sự thiếu vắng Thượng đế trong lòng con người mà thôi. Suy ngẫm kỹ thì thấy nhận xét này quả thật là giàu ngụ ý, vì thế có thể xem đây là một truyện ngụ ngôn hiện đại, phản ánh một hiện tượng đặc trưng trong xã hội hiện đại – một xã hội điên cuồng chạy theo vật chất và tôn vinh các giá trị vật chất đến nỗi vứt bỏ hoặc bỏ quên các giá trị truyền thống về đạo đức, về đức tin vào Đấng Tối Thiện – Đấng ban hành mọi định luật vũ trụ và những quy chuẩn đạo lý cho sự sống.

Với trẻ em và người yếu bóng vía, qủy dữ thường được mô tả bằng một bộ mặt dữ tợn, mắt trợn ngược, nhe nanh khoe vuốt, lộ rõ vẻ hung ác như thú dữ, … nhưng thực tế không phải như vậy. Bất kỳ ai nếu không được kiểm soát bởi một nền tảng đạo lý vững chắc hoặc được soi sáng bởi Lẽ Thiện tối cao đều có thể có lúc rơi vào tình trạng quỷ dữ. Nền tảng đạo lý ấy là cái gì, nếu không phải một đức tin mãnh liệt vào sự dẫn dắt và chi phối của một Đấng Tối Thiện?

Vậy sự thiếu vắng Thượng đế trong lòng con người, nếu có, thì đã xảy ra từ bao giờ?

Theo Kinh Thánh thì điều ấy đã có từ xa xưa lắm, chẳng hạn Sách Sáng Thế của Cựu Ước, Chương 6, câu 5-6 viết:  

“ĐỨC CHÚA TRỜI thấy sự gian ác của con người quả là nhiều trên mặt đất, và lòng nó chỉ toan tính những ý định xấu suốt ngày. ĐỨC CHÚA TRỜI hối hận vì đã làm ra con người trên mặt đất, và Người buồn rầu trong lòng”[2].

Theo Kinh Thánh, lẽ ra Chúa đã hủy diệt loài người bằng trận đại hồng thủy, nhưng rốt cuộc Ngài vẫn thương những người công chính nên đã quyết định cứu dòng họ ông Noah. Từ đó loài người lại sinh sôi nẩy nở thành ra nhân loại đông đúc như ngày nay. Dù đó là huyền sử hay lịch sử thì cũng vẫn là bài học triết học sâu sắc về Đạo làm người.

Kinh Thánh Tân Ước cho chúng ta biết rằng Chúa Jesus ra đời cách đây 2023 năm để chuộc tội cho nhân loại. Kể từ đó, Châu Âu và sau đó là Bắc Mỹ rồi thế giới, nơi Đạo Chúa được phát triển mạnh mẽ để rồi trở thành tôn giáo lớn nhất thế giới ngày nay, đã có một thời gian dài ngót 2000 năm ổn định và phát triển vượt bậc. Trong giai đoạn lịch sử khá dài ấy, mặc dù có rất nhiều cuộc chiến tranh, nhưng về cơ bản, đạo lý làm người nói chung đã được giữ gìn theo những tiêu chuẩn xác định, chẳng hạn như “Mười điều răn” và “Tám mối Phúc thật”, …

Nhưng những thay đổi lớn dẫn tới khủng hoảng đức tin đã bắt đầu từ đầu thế kỷ 19. Rất khó để chỉ ra một thời điểm chính xác khởi đầu cho những thay đổi này, nhưng đại văn hào Lev Tolstoy, trong cuốn TỰ THÚ của ông, đã cho chúng ta một cột mốc khá rõ ràng để ghi nhớ: Đó là một sự kiện xảy ra vào năm 1838, khi Tolstoy mới 11 tuổi, một thằng bạn tên là Volodinka M ở trường bên hớt hải chạy tới loan báo một tin động trời: “Không có Thượng đế!”[3]. Cuộc khủng hoảng đạo lý bắt đầu từ đó, hay ít nhất là bắt đầu từ đó, tạo ra một khoảng trống về đạo đức không có gì để thay thế, bởi trước đó, Cơ đốc giáo là nền tảng đạo lý của xã hội Tây phương. Đó chính là lý do để cuối thế kỷ 19, Friedrich Nietzsche đã cho ra đời truyện ngụ ngôn “Gã Điên” (The Madman), trong đó gã điên cầm đèn giữa ban ngày chạy ra chợ kêu toáng lên: “Chúa đã chết!”[4]. Mọi người ở chợ cười cợt chế nhạo gã, bảo gã là điên, nhưng chính họ mới là những kẻ điên, vì họ không ý thức được tình trạng khủng hoảng đức tin mà gã điên đang kêu cứu …

Dần dần, triết lý thâm thúy của Tolstoy và của Nietzsche lan sang cả thế giới khoa học, vì chính khoa học cũng rơi vào khủng hoảng đức tin bởi chủ nghĩa “duy khoa học” (scientism) – chủ nghĩa tôn thờ khoa học như Chúa tể, bất chấp lời khuyên của Albert Einstein, rằng “Chúng ta nên cẩn thận đừng lấy trí tuệ làm mục đích của mình; Tất nhiên trí tuệ có sức mạnh cơ bắp, nhưng nó vô nhân tính” (We should take care not to make the intellect our goal; it has, of course, powerful muscles, but no personality)[5]. Có lẽ đó là lý do ra đời truyện ngụ ngôn về Einstein nói trên.

Kể từ đó – từ khi chủ nghĩa “duy khoa học” lên ngôi – một hàng rào ngăn cách khoa học với đức tin đã được dựng lên một cách giả tạo, đi ngược lại truyền thống của khoa học trước đó. Hàng rào đó rất vô lý vì nó tạo ra một nhận thức sai lầm rằng khoa học phủ nhận đức tin, hoặc khoa học là kẻ thù của đức tin, và rằng nếu đã có kiến thức khoa học thì ắt phải nghi ngờ đức tin. Đây là một sản phẩm tư tưởng do tầng lớp khoa học tầm tầm bậc trung hoặc bậc thấp tạo ra – những người có ít khoa học (theo cách nói của Louis Pasteur) – vì những nhà khoa học tài giỏi bậc nhất trong lịch sử đều tin vào Chúa.

Chủ nghĩa “duy khoa học” không những hủy hoại đức tin, mà hủy hoại cả chính bản thân khoa họcbởi khoa học vốn dĩ ra đời từ những công trình khoa học vĩ đại chứng minh rằng vũ trụ và sự sống là những kiệt tác của Đấng Sáng Tạo. Thật vậy, chủ nghĩa “duy khoa học” đề cao một thứ triết lý kỳ quái cho rằng vũ trụ và sự sống – bất chấp nó phức tạp và kỳ diệu ra sao – chỉ là kết quả ngẫu nhiên của sự kết hợp tình cờ của các nguyên tử vật chất mà thôi. Đại diện cho kiểu tư duy này là Thuyết tiến hóa Darwin, và những nhà khoa học tự phụ bậc nhất như Jacques Monod ở Pháp và Stephen Hawking ở Anh.

Jacques Monod, một nhà sinh học đoạt Giải Nobel về sinh lý học và y khoa năm 1965, tuyên bố:

“Theo định nghĩa, một quá trình hoàn toàn mù quáng có thể dẫn đến bất cứ điều gì; thậm chí có thể dẫn đến sự nhìn … Chỉ có cơ hội may rủi mới là nguồn gốc của mọi đổi mới, của mọi sáng tạo trong sinh quyển. Cơ hội may rủi thuần túy, cơ hội may rủi duy nhất, sự tự do tuyệt đối nhưng mù quáng là gốc rễ của công trình phi thường là sự tiến hóa”[6].

Đó là kiểu “nói lấy được”, “nói bất chấp người nghe”, “nói bừa”, “nói không cần có bằng chứng và logic”, … kiểu nói ấy để lộ ra hai điều: Một, Monod là một gã tự phụ, những tưởng Giải Nobel là thước đo của các “bậc thánh”; Hai, Monod rất kém hiểu biết về Lý thuyết xác suất, vì xác suất để cho cái gọi là “cơ hội may rủi” mà ông nói tới là một con số vô cùng bé, tương tự như xác suất để con khỉ gõ piano thành bản nhạc Romance của Beethoven. Một học sinh lớp 12 thông minh có thể hiểu điều đó, nhưng một người đoạt Giải Nobel như Monod không hiểu.

Còn Stephen Hawking thì nói “Vì có những định luật như Định luật hấp dẫn nên vũ trụ có thể tự sinh ra nó từ hư không”. Câu nói “bất hủ” và phản khoa học này của Hawking đã bị John Lennox, Giáo sư toán học tại Đại học Oxford, bình luận rằng “Vô nghĩa vẫn là vô nghĩa, dù cho nó được nói ra bởi những nhà khoa học nổi tiếng”.

Kiến thức sơ cấp có lẽ cũng đủ để bác bỏ Monod và Hawking: Nếu đổ tại cho sự ngẫu nhiên thì có nghĩa là không cần giải thích, không cần khoa học! Điều này phản lại luật nhân quả (The Law of Cause and Effect) mà toàn bộ khoa học dựa trên đó. Tóm lại, phát biểu của Monod và Hawking thực chất là sự thủ tiêu khoa học!

Để thấy rõ tính chất phản khoa học và phản truyền thống của những tuyên bố của những nhà khoa học nổi tiếng như Monod hay Hawking, tốt nhất là nên nhắc lại ý kiến của những nhà khoa học giỏi nhất mọi thời đại mà bất kỳ ai cũng phải ngã mũ kính trọng. Đó là (ý kiến của nhà khoa học được đặt trong ngoặc kép và tô đâm, kèm theo bản tiếng Anh và nguồn dẫn nằm trong chú thích ở cuối bản tiếng Anh):

Isaac Newton (1643 – 1727):

“Chủ nghĩa vô thần thật vô nghĩa. Khi tôi nhìn vào hệ mặt trời, tôi thấy trái đất ở một khoảng cách phù hợp với mặt trời để nhận được lượng nhiệt và ánh sáng thích hợp. Điều này đã không xảy ra một cách tình cờ”. (Atheism is so senseless. When I look at the solar system, I see the earth at the right distance from the sun to receive the proper amounts of heat and light. This did not happen by chance)[7].

“Chúng ta coi Kinh thánh của Chúa là triết lý cao siêu nhất. Tôi tìm thấy nhiều dấu hiệu chắc chắn về tính xác thực trong Kinh thánh hơn bất kỳ lịch sử thế tục nào” (We account the Scriptures of God to be the most sublime philosophy. I find more sure marks of authenticity in the Bible than in any profane history whatever).[8]

Tất cả những điều chỉnh tinh vi của thái dương hệ hoặc của vũ trụ nói chung mà Newton đã đề cập, là có mục đích rõ ràng chứ không phải ngẫu nhiên. Mục đích đó được gọi là “Nguyên lý vị nhân” (Anthropic Principle) – tức nguyên lý vì sự sống của con người – mà Stephen Hawking đã trình bày rất kỹ trong cuốn “Lược sử Thời gian” (A Brief History of Time) của ông, xuất bản năm 1988. Newton là một trong những nhà khoa học vĩ đại nhất mọi thời đại. Chủ nghĩa vô thần phản lại đức tin của Newton, nhưng chủ nghĩa vô thần không bao giờ đẻ ra được một nhà khoa học nào giỏi như Newton, mà chỉ đẻ ra những nhà khoa học tầm tầm bậc trung hoặc bậc thấp mà thôi. Giỏi lắm là đoạt được Giải Nobel – một giải thưởng chỉ nói lên sự tinh thông trong một nghề nghiệp chuyên ngành mà thôi, nhưng mấy vị như Monod lại tưởng mình là “thánh”, đúng là một trò hề.

Louis Pasteur (1822 – 1895):

“Hậu thế một ngày nào đó sẽ cười nhạo sự ngớ ngẩn của các triết gia duy vật hiện đại. Càng nghiên cứu tự nhiên, tôi càng ngạc nhiên trước công trình của Đấng Tạo Hóa. Tôi cầu nguyện ngay cả khi tôi đang làm việc trong phòng thí nghiệm” (Posterity will one day laugh at the foolishness of modern materialistic philosophers. The more I study nature, the more I stand amazed at the work of the Creator. I pray while I am engaged at my work in the laboratory).[9]

“Càng nghiên cứu tự nhiên, tôi càng ngạc nhiên trước công trình của Đấng Tạo Hóa. Trong những sinh vật nhỏ bé nhất của mình, Chúa đã đặt vào đó những đặc tính phi thường biến chúng thành tác nhân hủy diệt vật chất chết”. (The more I study nature, the more I stand amazed at the work of the Creator. Into his tiniest creatures, God has placed extraordinary properties that turn them into agents of destruction of dead matter).[10]

Louis Pasteur cũng là nhà khoa học khổng lồ. Ông là nhà sinh học vĩ đại nhất mọi thời đại, bởi vì kể từ ông và Gregor Mendel trở về sau, sinh học mới trở thành khoa học thực sự. Pasteur là người nêu lên 2 định luật cơ bản đầu tiên của sinh học, đó là Định luật Pasteur (Pasteur’s Law) về tính bất đối xứng của sự sống, và Định luật Tạo sinh (The Law of Biogenesis). Trước đó, sinh học không hề có một định luật nào cả, do đó, sinh học trước Pasteur, tức sinh học của Lamarck-Darwin, không có uy tín cao như vật lý học và hóa học. Các nhà tiến hóa rất sợ Pasteur, vì các định luật của Pasteur đều tự động bác bỏ Thuyết tiến hóa. Vì thế, các nhà tiến hóa luôn tìm cách né tránh các định luật Pasteur hoặc che đậy nó, hoặc cố tình làm giảm mức độ quan trọng của nó, đến nỗi có “nhà tiến hóa” ở Việt Nam tỏ ra sửng sốt ngạc nhiên khi được biết Định luật Pasteur mà vẫn không muốn tin rằng có định luật đó. Trên những sách báo của giới tiến hóa, khi họ buộc phải nhắc đến Định luật Pasteur, họ không dám gọi đó là ĐỊNH LUẬT. Tại sao vậy? Bởi nếu gọi là định luật, thì lập tức người đọc sẽ tự luận ra rằng Thuyết tiến hóa sai, vì các định luật này mâu thuẫn với Thuyết tiến hóa. Thí dụ điển hình là Giải Nobel hóa học năm 2021 vừa qua, được trao cho một công trình liên quan đến đặc trưng chirality bất đối xứng – một đặc trưng do Louis Pasteur khám phá ra từ năm 1848. Nhưng Hội đồng Giải Nobel, khi công bố Giải Nobel Hóa học 2021, đã không hề đả động đến Louis Pasteur. Hội đồng này bị lũng đoạn bởi các nhà khoa học theo Thuyết tiến hóa, vì thế ta không ngạc nhiên về nỗi sợ hãi của họ đối với tên tuổi Pasteur. Thực ra chính Pasteur đã tiên tri từ thế kỷ 19, rằng “Một ít khoa học làm ta xa rời Chúa, nhiều khoa học làm ta quay về với Chúa”. Hội đồng Nobel nếu không ít khoa học thì cũng không có nhiều khoa học đủ để trung thực với sự thật.

Max Planck (1858 – 1947):

“Cả tôn giáo lẫn khoa học đều cần niềm tin vào Chúa. Đối với tôn giáo, Chúa là khởi đầu của mọi sự, và là nền tảng. Đối với khoa học, Chúa có mặt lúc kết thúc mọi lý luận, và là đỉnh cao nhất của mọi thế giới quan tổng quát hóa”. (Both religion and science require a belief in God. For believers, God is in the beginning, and for physicists He is at the end of all considerations … To the former He is the foundation, to the latter, the crown of the edifice of every generalized world view).[11]

“Bất kỳ ai nghiên cứu khoa học một cách nghiêm túc đều nhận thấy trên lối vào cánh cổng ngôi đền khoa học dòng chữ: Bạn phải có niềm tin. Đó là phẩm chất mà nhà khoa học không thể thiếu (bất kỳ một lĩnh vực khoa học” (Anybody who has been seriously engaged in scientific work of any kind realizes that over the entrance to the gates of the temple of science are written the words: Ye must have faith. It is a quality which the scientist cannot dispense with).[12]

Đừng quên rằng Max Planck là Ông tổ của Thuyết lượng tử – lý thuyết tạo nên cuộc cách mạng vĩ đại trong thế kỷ 20 và hiện nay. Không có Thuyết lượng tử sẽ không có khoa học computer, và không có khoa học computer sẽ không có xã hội hiện đại ngày nay. Đó là lý do để Planck nằm trong số những nhà khoa học vĩ đại nhất thế kỷ 20, và thú vị thay, một người như thế là khẳng định rằng Chúa là một điều kiện thiết yếu của chính khoa học, chứ không chỉ của tôn giáo. Về mặt triết học, Planck vô tình đã nói lên một hệ quả triết học của Định lý Gödel, rằng Chúa là chỗ dựa bên ngoài cho toàn bộ hệ thống vũ trụ, nếu vũ trụ là một hệ logic. Nói cách khác, ý kiến của Planck, rằng chính khoa học cần đến Chúa, là một ý kiến hoàn toàn phù hợp với hệ quả triết học của Định lý Gödel. Càng hiểu rõ Định lý Gödel bao nhiêu, càng thấy Planck đúng bấy nhiều, càng thấy rõ Chúa là một nhu cầu tất yếu và logic bấy nhiêu của hệ thống vũ trụ, tức là của chính bản thân khoa học. Vậy xin nhắc lại để nhấn mạnh: chính khoa học chỉ ra sự cần thiết phải có Chúa!   

Clive Staples Lewis (1898 – 1963)

C S Lewis là một nhà văn, học giả lớn người Anh, một Giáo sư văn học Anh tại Đại học Oxford, lập luận:  

“Giả sử đằng sau vũ trụ không có trí thông minh nào cả, không có bộ óc sáng tạo nào cả. Trong trường hợp đó, không ai thiết kế ra bộ não của tôi cho mục đích suy nghĩ. Các nguyên tử trong hộp sọ của tôi chỉ đơn thuần vì nhưng lý do vật lý hoặc hóa học, tự chúng sắp xếp lại theo một cách nào đó, mang lại cho tôi, như một sản phẩm phụ, cái cảm giác mà tôi gọi là suy nghĩ. Nhưng nếu vậy thì làm sao tôi có thể tin tưởng suy nghĩ của mình là đúng? Tương tự như làm đổ một bình sữa và hi vọng rằng sữa tự bắn tung tóe sẽ vẽ ra một bản đồ London. Nhưng nếu tôi không thể tin vào suy nghĩ của chính mình thì tất nhiên tôi cũng không thể tin vào những lập luận dẫn đến Chủ nghĩa vô thần, và do đó không có lý do gì để trở thành Người vô thần hay bất cứ điều gì khác. Trừ khi tôi tin vào Chúa, tôi không thể tin vào suy nghĩ của mình: vì vậy tôi không bao giờ có thể dùng suy nghĩ để không tin vào Chúa”.  (Supposing there was no intelligence behind the universe, no creative mind. In that case, nobody designed my brain for the purpose of thinking. It is merely that when the atoms inside my skull happen, for physical or chemical reasons, to arrange themselves in a certain way, this gives me, as a by-product, the sensation I call thought. But, if so, how can I trust my own thinking to be true? It’s like upsetting a milk jug and hoping that the way it splashes itself will give you a map of London. But if I can’t trust my own thinking, of course I can’t trust the arguments leading to Atheism, and therefore have no reason to be an Atheist, or anything else. Unless I believe in God, I cannot believe in thought: so I can never use thought to disbelieve in God)[13].

Karl Popper (1902 – 1994)

Karl Popper là một nhà triết học lớn trong thế kỷ 20, khẳng định:

“Sự tiến hóa không phải là một sự thật. Thuyết tiến hóa thậm chí còn không được coi là một lý thuyết hay một giả thuyết. Đây là một chương trình nghiên cứu siêu hình và thực ra nó không phải là một môn khoa học có thể kiểm chứng được”.

Evolution is not a fact. Evolution doesn’t even qualify as a theory or as a hypothesis. It is a metaphysical research program, and it is not really testable science[14].

David Berlinski

David Berlinski sinh năm 1942, hiện 91 tuổi, là một Tiến sĩ toán học, Giáo sư toán học tại nhiều đại học lớn ở Mỹ, Pháp, và là nhà viết sách phổ biến khoa học. Ông từng tuyên bố có thể bác bỏ Thuyết tiến hóa một cách dễ dàng trong 5 phút, trong đó có những lập luận như sau:

“Nếu bạn tạo đột biến cho mã máy tính, máy tính sẽ gặp sự cố! Vậy tại sao đột biến ngẫu nhiên không làm hỏng những cỗ máy sinh học?” (If you introduce mutations to computer code, the computer crashes! Why then does random mutation not crash biological creatures?)

“Có những khoảng trống trong nghĩa địa hóa thạch, những nơi lẽ ra phải có những dạng trung gian, nhưng thay vào đó lại chẳng có gì cả. Không có nhà cổ sinh học nào phủ nhận điều này. Đơn giản đó là một sự thật. Học thuyết Darwin và hồ sơ hóa thạch mâu thuẫn với nhau” (There are gaps in the fossil graveyard, places where there should be intermediate forms, but where there is nothing whatsoever instead. No paleontologist … denies that this is so. It is simply a fact. Darwin’s theory and the fossil record are in conflict)[15].

Các nhà tiến hóa thường “tự vệ” bằng cách lái cuộc tranh luận về tiến hóa thành cuộc tranh luận giữa “khoa học” với tôn giáo, và họ thường giành “chiến thắng” nhờ đám đông vô thần ủng hội họ. Nhưng họ không thể đánh lừa những người như David Berlinski, vì Berlinski lật đổ Thuyết tiến hóa hoàn toàn bằng lập luận khoa học. Nếu bạn muốn bênh vực Thuyết tiến hóa, bạn hãy tranh luận với những người như Berlinski. Cụ thể bạn hãy đối mặt với hai sự thật mà Berlinski nêu lên:

1/ Nếu bạn tạo đột biến cho các mã computer, lập tức computer sẽ bị “crash” (hỏng hóc, sự cố). Vậy cớ gì bạn lại cho rằng đột biến của sinh vât có thể dẫn tới những biến đổi có lợi để tiến hóa? Rõ ra là bạn đoán mò, chẳng có bằng chứng nào cả. Thực tế mọi thí nghiệm về đột biến trên sinh vật (đặc biệt với ruồi giấm) đều cho kết quả trái ngược với dự đoán của Thuyết tiến hóa: Tất cả những sinh vật này đều thoái hóa: bệnh hoạn hoặc chết. Vậy giả thuyết của học thuyết Tân-Darwin về đột biến dẫn tới tiến hóa là một giả thuyết trái với khoa học computer, và trái với những hiện tượng thực tế có thể quan sát được, tức là phản khoa học.

2/ Thuyết tiến hóa tuyệt đối vô bằng chứng hóa thạch loài trung gian. Đây là nhận định mà không một nhà cổ sinh học nào dám chối cãi. Trong cuốn “Về Nguồn gốc các loài”, Chương IX, chính Charles Darwin đã thú nhận rằng nếu không có bằng hóa thạch loài trung gian thì học thuyết của ông sẽ sụp đổ. Thực tế, học thuyết Darwin ĐÃ SỤP ĐỔ!

PVHg, Sydney 10/10/2023

Bài vở cộng tác hoặc góp ý xin gửi về tintuc@hoithanh.com

PHỤ LỤC:

A professor of a University challenged his students with the following question: “Did God create everything that exists?”.

A student bravely answered bravely: “Yes, he did”.

The professor then asked: “If God created everything, then he created evil. Since evil exists (as noticed by our own actions), so God is evil”.

The student couldn’t respond to that statement causing the professor to conclude that he had “proved’ that “belief in God” was a fairy tale, and therefore worthless.

Another student raised his hand and asked the professor: “May I pose a question?”. “Of course” answered the professor.

The young student stood up and asked: “Professor, does Cold exists?”

The professor answered: “What kind of question is that?… Of course the cold exists… haven’t you ever been cold?”

The young student answered: “In fact sir, Cold does not exist. According to the laws of Physics, what we consider cold, in fact is the absence of heat. Anything is able to be studied as long as it transmits energy (heat). Absolute Zero is the total absence of heat, but cold does not exist. What we have done is create a term to describe how we feel if we don’t have body heat or we are not hot”.

“And, does Dark exist?”, he continued. The professor answered “Of course”. This time the student responded, “Again you’re wrong, Sir. Darkness does not exist either. Darkness is in fact simply the absence of light. Light can be studied, darkness can not. Darkness cannot be broken down. A simple ray of light tears the darkness and illuminates the surface where the light beam finishes. Dark is a term that we humans have created to describe what happens when there’s lack of light”.

Finally, the student asked the professor, “Sir, does evil exist?” The professor replied, “Of course it exists, as I mentioned at the beginning, we see violations, crimes and violence anywhere in the world, and those things are evil”.

The student responded, “Sir, Evil does not exist. Just as in the previous cases, Evil is a term which man has created to describe the result of the absence of God’s presence in the hearts of man”.

After this, the professor bowed down his head, and didn’t answer back.

The young man’s name was ALBERT EINSTEIN.


[1] Xem bản tiếng Anh trong Phụ Lục ở cuối bài viết này.

[2] The Lord saw how great the wickedness of the human race had become on the earth, and that every inclination of the thoughts of the human heart was only evil all the time. The Lord regretted that he had made human beings on the earth, and his heart was deeply troubled (Genesis 6:5-6)

[3] “Faith and Reason / Đức tin và Lý trí” https://viethungpham.com/2016/03/25/faith-and-reason-duc-tin-va-ly-tri/

[4] https://viethungpham.com/2014/11/27/the-madman-by-nietzsche-ga-dien-cua-nietzsche/

[5] https://www.brainyquote.com/quotes/albert_einstein_100659

[6] A totally blind process can by definition lead to anything; it can even lead to vision itself … Chance alone is at the source of every innovation, of all creation in the biosphere. Pure chance, only chance, absolute but blind liberty is at the root of the prodigious edifice that is evolution…  https://www.azquotes.com/author/23431-Jacques_Monod

[7] https://www.brainyquote.com/quotes/isaac_newton_753054#:~:text

[8] https://www.goodreads.com/quotes/9025847-we-account-the-scriptures-of-god-to-be-the-most

[9] https://en.wikiquote.org/wiki/Louis_Pasteur

[10] https://myemail.constantcontact.com/Louis-Pasteur–Something-in-the-depths-of-our-souls—tells-us-that-the-world-may-be-more-than-a-mere-combination-of-events–.html?soid=1108762609255&aid=Ry5ytf6y-MU

Bình Luận:

You may also like