Home Quốc Tế Cuộc Chiến Chống Cơ Đốc Giáo Của Bắc Hàn: Quốc Gia Bách Hại Tôn Giáo Số Một Thế Giới

Cuộc Chiến Chống Cơ Đốc Giáo Của Bắc Hàn: Quốc Gia Bách Hại Tôn Giáo Số Một Thế Giới

by Sưu Tầm
30 đọc

Nhiều chính phủ đàn áp đức tin tôn giáo của người dân. Tuy nhiên, có một quốc gia nổi bật: Bắc Hàn hay còn gọi là Triều Tiên.

Việc có được thông tin chính xác về Cộng-hòa Dân-chủ Nhân-dân Triều Tiên là điều khó khăn vì nhà nước này vẫn duy trì “bế quan tỏa cảng” như Hàn Quốc từ thời xa xưa. Trước Thế-chiến II, các nhà truyền giáo đã hoạt động tích cực trên khắp bán đảo, lúc đó là thuộc địa của Nhật Bản, và hơn 1/5 dân số được cho là theo Cơ-đốc giáo vào năm 1948. Khoảng 300.000 đến 500.000 Cơ-đốc nhân được cho là vẫn còn ở Triều Tiên cho đến ngày nay. 1,2% đến 5,1% người tị nạn từ miền Bắc có liên quan đến các hoạt động bí mật liên quan đến tôn giáo.

CHDCND Triều Tiên bày tỏ thái độ thù địch không giấu giếm đối với bất kỳ ai có đức tin, đặc biệt là những người theo đạo Cơ-đốc—những tín đồ đặt lòng trung thành với Chúa lên trên lòng trung thành với nhà nước Bắc Hàn. Hội thánh ở đây cho phép dân sự của họ hoạt động và tổ chức ngoài vòng pháp luật của nhà nước độc tài. Cơ-đốc giáo cũng có mối quan hệ với một thế giới gần như bị Bình Nhưỡng đe dọa.

Tổ chức Open Doors gần đây đã xếp hạng Triều Tiên ở vị trí số một trong năm thứ 14 liên tiếp trong “Danh Sách Các Nước Cần Được Theo Dõi” của nhóm này. Open Doors giải thích: “Cơ-đốc giáo không chỉ bị coi là ‘thuốc phiện của người dân’ như điều bình thường ở tất cả các quốc gia như này; đạo Chúa cũng bị coi là học đòi theo phương Tây và đáng khinh. Những Cơ-đốc nhân cố gắng che giấu đức tin của mình để tránh bị bắt và bị đưa vào trại lao động. Vì vậy, việc trở thành Cơ-đốc nhân phải là một bí mật không thể tiết lộ với bất kỳ ai, ngay cả với những người trong gia đình, và hầu hết các bậc cha mẹ đều kiềm chế việc dạy con cái mình theo đức tin Cơ-đốc để đảm bảo rằng chúng sẽ không lỡ lời mà gây họa cho cả nhà.

Vào năm 2014, nhóm Viện-trợ các Hội-thánh Cần Sự Giúp Đỡ (Aid) đã công bố một báo cáo về cuộc đàn áp trong đó cho thấy khoảng 50.000 Cơ-đốc nhân hiện có thể đang ở trong các trại hình sự của CHDCND Triều Tiên. Tổ chức này cảnh báo rằng chế độ Kim Jong-un dường như đang thắt chặt kiểm soát đối với những người có khả năng bất đồng chính kiến, bao gồm cả việc đàn áp mạnh mẽ những người theo đạo Cơ-đốc. Aid báo cáo “Kể từ năm 1953, ít nhất 200.000 Cơ-đốc nhân đã mất tích. Nếu bị chính quyền bắt giữ, những Cơ-đốc nhân sẽ phải đối mặt với sự tra tấn hoặc trong một số trường hợp bị xử tử công khai.

Ngay cả Liên Hiệp Quốc, nơi có nhiều quan điểm trái chiều về nhân quyền, cũng đã đối đầu với CHDCND Triều Tiên hai năm trước. Một Ủy-ban Điều-tra đặc biệt đã chỉ ra “sự phủ nhận gần như hoàn toàn quyền tự do tư tưởng, lương tâm và tôn giáo”. Các tín đồ “bị cấm thực hành tôn giáo của mình” và bị trừng phạt nặng nề nếu không vâng lời. Chế độ cầm quyền “coi việc truyền bá đạo Cơ-đốc là một mối đe dọa đặc biệt nghiêm trọng.”

Một báo cáo mới của Christian Solidarity Worldwide (CSW) đưa ra cái nhìn chi tiết về cuộc đàn áp tôn giáo ở miền Bắc. Với tựa đề “Hoàn toàn phủ nhận: Vi phạm quyền tự do tôn giáo hoặc tín ngưỡng ở Bắc Hàn”, nghiên cứu đã vẽ ra một bức tranh bi thảm. Sự đàn áp đã là chính sách chính thức của nhà nước kể từ khi thành lập CHDCND Triều Tiên và các tín đồ “phải chịu khổ đáng kể vì bị ban lãnh đạo đất nước gắn mác phản quốc và phản cách mạng.”

Tất cả những người có đức tin đều bị phân loại là “thù địch”. Đáng chú ý là theo Shaman giáo (một hình thức tín ngưỡng cổ xưa thông qua những người trung gian để giao tiếp với các linh) thì tốt hơn theo Cơ-đốc giáo, và theo đạo Công-giáo thì đỡ tệ hơn một chút so với theo đạo Tin Lành. CSW xác định sáu giai đoạn khác nhau trong chính sách của Triều Tiên đối với tôn giáo.

Đức tin bị hạn chế trong vùng chiếm đóng của Liên Xô từ năm 1945-1948 và bị nhà nước mới Bắc Hàn đàn áp tích cực hơn cho đến năm 1953. Tự do tôn giáo bị “xóa sổ” từ năm 1954 đến năm 1971. Sau đó, chính sách chuyển sang sử dụng các tổ chức tôn giáo để trục lợi từ năm 1972 đến năm 1987. Từ năm 1988-1997 chế độ vận hành các cơ sở tôn giáo. Kể từ đó “sự đàn áp dữ dội đối với các hoạt động tôn giáo không chính thức ngày càng gia tăng.”

Trong một hệ thống mà người lãnh đạo chính trị về cơ bản được tôn sùng, mọi tín ngưỡng đều phải gánh chịu. Thật vậy, hiến pháp thực sự mô tả tôn giáo là “sự can thiệp của nước ngoài.”

Tuy nhiên, cả Shaman giáo và Phật giáo đều được coi là một phần của văn hóa Hàn Quốc và được cho là ít gây ra thách thức hơn cho chính quyền. Kết quả là có rất nhiều ngôi chùa Phật giáo và đền Cheondoist. Tuy nhiên, CSW lưu ý những người theo Phật giáo vẫn có nguy cơ “bị bỏ tù, lao động cưỡng bức, điều kiện sống và vệ sinh kém, bị lạm dụng, bạo lực và tra tấn”. Chế độ này ít đàn áp đạo Shaman hơn vì “tín ngưỡng này đã ăn sâu vào văn hóa và xã hội”. Trên thực tế, các quan chức đảng xem thầy bói là những đối tượng ít có âm mưu chống nhà nước hơn.

Cơ-đốc giáo là tôn giáo chịu bách hại nặng nề nhất. Một cựu nhân viên an ninh Triều Tiên nói với CSW rằng Cơ-đốc giáo “bị đàn áp rất nhiều vì về cơ bản, nó có liên quan đến Hoa Kỳ” và được cho là tạo cơ hội cho hoạt động gián điệp. Ngoài ra, thần học Cơ-đốc giáo coi các quy tắc chính trị phải chịu phục dưới quyền tể trị của Đức Chúa Trời.

Hầu hết các Cơ-đốc nhân phải thờ phượng một cách bí mật. Nếu bị phát hiện, họ “sẽ bị đưa đến các trại chính trị (kwanliso); tội ác chống lại họ trong các trại này bao gồm tử hình không cần xét xử, thủ tiêu, bắt làm nô lệ/cưỡng bức lao động, cưỡng bức di dời dân cư, bỏ tù tùy tiện, tra tấn, đàn áp, cưỡng hiếp và bạo lực tình dục cũng như các hành vi vô nhân đạo khác.” Các báo cáo của CSW đã ghi lại các trường hợp các tín đồ “bị thiêu trên thập tự giá, bị nghiền dưới bánh xe lu… và bị giẫm đạp dưới chân”.

Miền Bắc chỉ có năm nhà thờ Cơ-đốc giáo chính thức, tất cả đều nằm ở Bình Nhưỡng: ba hội thánh Tin Lành, một nhà thờ Công-giáo và một nhà thờ Chính-thống giáo Nga (mở cửa sau khi Kim Jong-il đến thăm Moscow và dường như rất thích kiến trúc này). CSW cảnh báo, “Mọi quyền tự do tôn giáo đều cực kỳ hạn chế và có thể chủ yếu nhắm vào du khách và người nước ngoài.” Trên thực tế, tôi đã đến thăm một nơi trong chuyến đi tới Triều Tiên cách đây một phần tư thế kỷ. Liên-đoàn Cơ-đốc [thuộc Nam Hàn] tuyên bố có sự tồn tại của 500 hội thánh tư gia, mặc dù về bản chất thì rất khó tính ra con số chính xác.

Sự tồn tại của các tổ chức Cơ-đốc được nhà nước công nhận dường như cho thấy sự khoan dung đối với tôn giáo, nhưng CSW lưu ý, bằng chứng cho thấy nhà nước “sử dụng các cơ sở, tổ chức và thể chế chính thức này cho các phương tiện chính trị” và điều này không có gì đáng ngạc nhiên. Thật vậy, báo cáo trích dẫn kết luận của những người khác rằng “Triều Tiên sử dụng các tổ chức tôn giáo như một chiến lược sinh tồn để tìm kiếm hàng hóa và sự hỗ trợ cũng như cải thiện hình ảnh của họ với các tổ chức tôn giáo khác trên toàn thế giới—đặc biệt là các tổ chức từ Hàn Quốc.

Trên thực tế, một phái đoàn Công-giáo Hàn Quốc đã đến thăm miền Bắc vào tháng 12 năm ngoái theo lời mời của Hiệp-hội Công giáo Bắc Hàn. Một phát ngôn viên của Hội-đồng Giám-mục Công giáo Nam Hàn cho biết, các chuyến đi trước đây đã được tổ chức cùng với các chương trình viện trợ. CHDCND Triều Tiên từ lâu đã tìm kiếm sự viện trợ từ bên ngoài để trang trải chi phí cho các chính sách thất bại của mình.

Tuy nhiên, theo CSW, vẫn có tin tốt: “Kể từ những năm 2000, các hoạt động tôn giáo của các tổ chức Cơ-đốc giáo không được nhà nước công nhận đã gia tăng, một phần do ảnh hưởng của những người vượt biên qua Trung Quốc và sau đó bị trả về Triều Tiên, mang theo đức tin Cơ-đốc mà họ đã tiếp nhận ở Trung Quốc.” Thật trớ trêu là Trung Quốc, vốn vẫn tiếp tục đàn áp các tín đồ tôn giáo, nhưng chưa đến mức độ như CHDCND Triều Tiên, lại trở thành nguồn truyền giáo cho miền Bắc.

Bắc Triều Tiên có thể là nơi tồi tệ nhất trên trái đất đối với một người theo đạo, cực kỳ thù địch với các tín đồ. Bất chấp nỗ lực của chế độ nhằm tỏ ra thân thiện với các nhóm và tổ chức quốc tế, các tín đồ phải đối mặt với những hình phạt tồi tệ nhất có thể tưởng tượng được khi sống theo đức tin của họ.

Mặc dù vấn đề đàn áp là hiển nhiên nhưng đó không phải là giải pháp. CSW kêu gọi chính phủ CHDCND Triều Tiên cải cách—chắc chắn là con đường đúng đắn duy nhất, nhưng dường như cực kỳ khó xảy ra. Nhóm này cũng khuyến nghị đưa Triều Tiên ra Tòa-án Hình-sự Quốc-tế, tuy nhiên, tòa án này không thể tiếp cận Bình Nhưỡng mà không có sự hợp tác của họ. Nếu áp lực của phương Tây được hỗ trợ bởi các lệnh trừng phạt kinh tế và các mối đe dọa quân sự không ngăn được Triều Tiên phát triển vũ khí hạt nhân, thì họ sẽ không tạo ra những thay đổi chính trị làm suy yếu sự kiểm soát của chế độ.

Tuy nhiên, về lâu dài, bản thân sự phát triển của Cơ-đốc giáo có thể là phương thuốc tốt nhất. Phương Tây nên xem xét các chiến lược nhằm giảm thiểu mối đe dọa từ việc thay đổi chế độ bằng vũ lực, khuyến khích tăng cường sự tham gia của quốc tế và cải thiện khả năng tiếp cận thông tin với hy vọng thúc đẩy nội lực để thay đổi từ bên trong.

Sự đàn áp tôn giáo có nguồn gốc xa xưa nhưng vẫn còn là một tai họa trong thời đại chúng ta. Không nơi nào cuộc tấn công vào những người có đức tin lại độc ác hơn ở CHDCND Triều Tiên. Những người có thiện chí trên toàn thế giới nên hy vọng, cầu nguyện và hành động vì tự do cho người dân Triều Tiên.

Dịch: Eunice Tu

Nguồn: forbes.com

Bài vở cộng tác hoặc góp ý xin gửi về tintuc@hoithanh.com

Bình Luận:

You may also like