Home Dưỡng Linh Radio Mana Thuộc Linh – Phần 227: bông trái đầu tiên tại chân thập tự

Radio Mana Thuộc Linh – Phần 227: bông trái đầu tiên tại chân thập tự

by Radio Mana Thuộc Linh
30 đọc

Kinh thánh: Ma-thi-ơ 27:54-56

54 Thầy đội và những lính cùng với người canh giữ Đức Chúa Jêsus, thấy đất rúng động và những điều xảy đến, thì sợ hãi lắm, mà nói rằng: Thật người nầy là Con Đức Chúa Trời. 55 Vả, có nhiều người đàn bà đứng coi ở đàng xa, là người đã đi theo Đức Chúa Jêsus từ xứ Ga-li-lê để hầu việc Ngài. 56 Trong những đàn bà đó có Ma-ri Ma-đơ-len, Ma-ri, mẹ của Gia-cơ và Giô-sép, và mẹ hai con trai của Xê-bê-đê.

Lời ngỏ:

Quân đội của đế quốc Rô-ma là lực lượng vũ trang thiện chiến nổi tiếng thế giới được triển khai bởi các đế chế Rô-ma trong thời kỳ nguyên thủ kéo dài hơn nửa thế kỷ. Các sĩ quan và binh lính của quân đội Rô-ma là quân nhân rất thạo chiến trường. Thời gian họ phục vụ quân đội có thể kéo dài đến 25 năm; nhưng sau khi đế quốc bành trướng xong, được bình định rồi thì thường là 16 năm tại ngũ. Có 3 thành phần chính trong quân đội đế quốc Rô-ma. Thứ nhất là những vệ binh hoàng gia dùng để bảo vệ vua đồn trú tại Rô-ma. Thứ hai, là những đội quân lê dương gồm có quân đoàn chuyên nghiệp mang quốc tịch Rô-ma, và những đạo quân trợ chiến được cung cấp bởi các tỉnh là những đất nước chư hầu. Thứ ba, đó là lực lượng hải quân quản lý những tàu bè trên Địa trung hải.

Số lượng quân sĩ của quân đội Rô-ma tuỳ thời kỳ, có khi lên đến 60 Binh đoàn, và ít nhất là còn khoảng 25 Binh đoàn. Mỗi Binh đoàn của họ bao gồm khoảng 5 nghìn chiến binh chuyên nghiệp. Trong một Binh đoàn thì được chia thành 5 Trung đoàn. Như vậy, một Trung đoàn có thể gồm 1 nghìn quân sĩ, đứng đầu là Trung đoàn trưởng. Và mỗi Trung đoàn lại tiếp tục phân chia thành 10 Tiểu đoàn hay Đội đoàn. Cứ một Đội quản lý 100 binh sĩ, và đứng đầu là Đội trưởng.

Thầy đội trưởng người Rô-ma là nhà lãnh đạo về mặt quân sự với 100 lính trong tay. Ông đã cùng với những người lính của ông được giao nhiệm vụ xử lý vụ án hành hình Chúa Giê-xu và hai tên cướp khét tiếng thời bấy giờ. Thật ra, công tác này đã được lên kế hoạch là hành hình 3 tên cướp khét tiếng, trong đó là Ba-ra-ba là tên cướp cầm đầu. Thế nhưng, chỉ trong một đêm Chúa Giê-xu đã thay mạng cho tên cướp Ba-ra-ba khét tiếng đã được thả ra. Như vậy, thầy đội trưởng và 100 lính Rô-ma lần này càng phải thận trọng với nhiệm vụ lớn hơn. Bởi vì, họ phải cảnh giác đối phó với tay chân của những tên cướp có thể gây náo loạn khi chủ tướng Ba-ra-ba được thả ra và có khả năng đem tay chân đến để cứu hai đồng bọn sắp bị tử hình. Mặt khác, họ còn sợ vì vụ án này liên quan đến tôn giáo Do thái và những người tin theo Chúa Giê-xu đang gây chấn động cả nước Do thái. Vì thế, thầy đội trưởng đã trực tiếp điều binh khiển tướng và đứng gần cây thập tự giá của Chúa Giê-xu để quản lý theo chỉ thị trực tiếp từ quan tổng đốc Phi-lát.

Nhờ sự canh phòng cẩn mật như thế mà Thầy đội trưởng và những tên lính cận vệ của ông chứng kiến sát sao từng chi tiết nhỏ liên quan đến Chúa Giê-xu. Khi Chúa Giê-xu vừa tắt hơi trên thập tự giá, thì những hiện tượng trời đất tối tăm, đất đá trên đồi núi rúng động mạnh khiến ông dù là một người ngoại bang cũng đã thốt lên lời kinh ngạc: “Thật người này là Con Đức Chúa Trời”. Đối với một người xuất thân là một chiến binh trong đoàn quân tinh nhuệ và sẵn sàng đối đầu với các đối thủ đáng gờm sử dụng vũ lực, nhưng với vụ án Chúa Giê-xu liên tục trong 3 giờ đồng hồ trời đất tối tăm ngay trong lúc thi hành án, và cơn động đất lớn khiến núi đá cũng vỡ ra xung quanh, đã khiến ông thốt lên điều mà ông chưa hề chứng kiến dù đã thi hành không biết bao nhiêu vụ án tử hình. Ông thừa nhận Chúa Giê-xu thật là Con của Đức Chúa Trời. Bởi vì, đối với ông thì Chúa Giê-xu thật là Đấng công bình và thật là Con của Đức Chúa Trời toàn năng. Chỉ có Ngài là Con Đức Chúa Trời thì mới có thể xảy ra những sự chấn động lớn trên thiên nhiên được. Cho dù quân đội Rô-ma có hùng mạnh như thế nào đi nữa thì cũng không thể tạo ra sự rúng động thiên nhiên lớn như vậy được. Không chỉ cá nhân của ông, nhưng có nhiều tên lính dưới trướng của ông cũng thấy và cảm nhận như vậy.

Rõ ràng là quyền năng thu hút của thập tự giá nơi mà Chúa Giê-xu chịu đóng đinh đã có tác dụng ngay. Đức Chúa Giê-xu đã từng tiên tri trước về việc này là: “Còn Ta, khi Ta đã được treo lên khỏi đất, Ta sẽ kéo mọi người đến cùng Ta” (Giăng 12:32). Hiển nhiên, trước đó Ngài cũng cứu được tên cướp Ba-ra-ba khỏi việc thi hành án tử hình. Ngay trên thập tự giá lúc đã bị đóng đinh thì Ngài đã kéo được một trong hai tên cướp bị đóng đinh chung trong một ngày. Thì đây, ngay tại chân thập tự giá sau khi Ngài vừa trút hơi thở cuối cùng để hoàn tất công tác cứu rỗi thì qua Thánh Linh Chúa đã kéo những người ngoại gồm thầy đội trưởng và những người lính Rô-ma về với Nước công bình của Cha. Họ có thể xem là những bông trái đầu tiên của thập tự giá sau sự chết của Chúa Giê-xu. Thập tự giá kinh khiếp gắn với án tử hình tội phạm nghiêm trọng của con người khát máu đã trở nên dấu hiệu của sự biến đổi đời sống đức tin của những con người vốn đã chai lì trước sự sống và cái chết của đồng loại.

Bên cạnh đó cũng có những người phụ nữ đã chứng kiến từ đầu đến giây phút cuối cùng trong quá trình xử tử hình Chúa Giê-xu. Họ là ai? Họ là những người nữ được Chúa giải cứu khỏi bầy quỷ dữ như Ma-ri Ma-đơ-len, những người mẹ đã cho con trai mình theo Chúa như Ma-ri mẹ Ngài, và Ma-ri vợ của Xê-bê-đê cũng là mẹ của Giăng và Gia-cơ. Họ đã theo Chúa từ khi Ngài rao giảng tại xứ Ga-li-lê. Và họ theo chân Ngài khi Ngài đến Giê-ru-sa-lem. Trong khi gần như tất cả các môn đồ là những người nam đã chạy trốn thì những người phụ nữ này đã không bỏ Ngài.

Kết luận

Thật vậy, chương trình của Đức Chúa Trời thật lạ lùng, con người chúng ta không thể thấu hiểu nếu không lấy đức tin mà xưng nhận và lấy lòng tin mà bày tỏ. Bởi Ngài đã dùng cây thập tự tượng trưng cho sự chết đau đớn làm dấu hiệu của tình yêu thương và tha thứ. Ngài đã dùng những tên cướp đáng chịu án tử để nói lên sự cứu chuộc tội lỗi của nhân loại. Ngài đã kéo những người trực tiếp xem hay thi hành án đóng đinh Ngài trên thập tự giá về lại với Nước công bình của Đức Chúa Trời bởi quyền năng cao cả trên thiên nhiên và trên cái chết. Ngài đã dùng những người nữ chân yếu tay mềm, bị xã hội xem thường trở nên những người anh hùng dám sát cánh với Ngài bất chấp sự bách hại để rồi trở nên những nhân chứng sống cho cả nhân loại.

Cầu nguyện:

Lạy Chúa,

Cầu xin quyền năng của Chúa qua sự kiện thập tự giá biến đổi tâm hồn chai sạn của chúng con và tâm linh đầy tội lỗi khiến chúng con không còn nhận ra Ngài là Con Đức Chúa Trời Hằng Sống. Cầu xin Chúa cho chúng con thật sự chứng kiến và cảm thông sự thống khổ của Ngài phải chịu vì tội lỗi và giá trả do tội lỗi mà chúng con đáng phải trả. Xin biến cải chúng con trở nên những bông trái của Thập tự giá, trở nên những nhân chứng sống cho phúc âm cứu rỗi của Ngài. Nhân danh Cứu Chúa Giê-xu. Amen.

Viết bởi Thiên Gia Vĩnh

Nguồn: radiomanavn.blogspot.com

Bài vở cộng tác hoặc góp ý xin gửi về tintuc@hoithanh.com

Bình Luận:

You may also like