Home Dưỡng Linh Sự An Ủi Cho Một Tâm Trí Rối Bời

Sự An Ủi Cho Một Tâm Trí Rối Bời

by Sưu Tầm
30 đọc

“…Những người nhờ đức tin được gìn giữ bởi quyền năng của Đức Chúa Trời, để nhận sự cứu rỗi là điều sẵn sàng bày tỏ ra trong thời kỳ cuối cùng! Hãy vui mừng về điều ấy, dù bây giờ anh em còn chịu đau buồn trong ít lâu bởi muôn vàn thử thách.” (1 Phi-e-rơ 1:5-6)

Có hai điều chúng ta cần thừa nhận về sự đau khổ trong đời này – đó là, khổ đau thật sự tồn tại và nó gây tổn thương. Phiền não là hiện thực trong cuộc đời mỗi người lúc này hay lúc khác. Sự phiền não như vậy có nhiều hình thức, một trong số đó là đau khổ về tinh thần.

Khi viết cho anh em đồng đức tin về sự chịu khổ, Phi-e-rơ nhận ra rằng chúng ta có thể đau buồn theo nhiều cách khác nhau. Nỗi đau buồn cụ thể mà những độc giả đầu tiên của Phi-e-rơ phải gánh chịu là nỗi khổ tinh thần—Phi-e-rơ hoàn toàn nhận thức được rằng có muôn vàn thử thách dày vò tâm trí và nghiền nát tinh thần chúng ta.

Tuy nhiên, Phi-e-rơ không kết thúc bằng lời lẽ tuyệt vọng. Thay vào đó, ông đưa ra cho chúng ta những lời hứa mà chúng ta có thể bám vào.

Trước hết, Phi-e-rơ nhắc nhở chúng ta rằng thử thách của chúng ta chỉ kéo dài “trong ít lâu”. Bây giờ, “ít lâu” cần được hiểu dưới ánh sáng của cõi đời đời; cả một đời người cũng chỉ là “ít lâu” so với cõi đời đời! Như vậy, chịu khổ “ít lâu” hay cả đời đều nằm trong sự tể trị và trong khuôn khổ kế hoạch cũng như mục đích của Đức Chúa Trời dành cho con cái Ngài. Điều đó không có nghĩa là nỗi đau khổ đó sẽ ngắn ngủi—đặc biệt là khi chúng ta đang phải gồng mình chịu khổ. Đối với nhiều người, chịu khổ một phút có thể dài như một ngày, một ngày có thể như một năm, và một năm lại dường như vô tận. Nhưng chúng ta có thể bám vào lẽ thật này: cuộc sống khốn khổ hiện tại không kéo dài mãi mãi. Ngày hôm nay có thể cuộc sống của bạn đang đầy dẫy khổ đau, nhưng đến cuối cùng, sự cứu rỗi sẽ được bày tỏ ra.

Thứ hai, chúng ta có thể tin chắc rằng trong mọi giây phút mà chúng ta chịu khổ sự hiện diện của Chúa luôn ở cùng chúng ta. Trong bản ký thuật về sự cải đạo của Sau-lơ người Tạt-sơ, chúng ta thấy Chúa Giê-xu đồng cảm sâu sắc với nỗi khổ của dân Ngài: Ngài phán, “Hỡi Sau-lơ, Sau-lơ, sao ngươi bắt bớ Ta?” (Công-vụ 9:4). Tại sao Chúa Giê-xu lại nói như vậy trong khi Ngài đã về trời rồi? Đó là bởi vì, qua Đức Thánh Linh, Đấng Chhrist đã hiện diện với dân Ngài. Ngài ở giữa vòng dân sự. Thánh Linh của Ngài ở cùng họ, bảo vệ họ khi họ đi qua các trũng bóng chết hướng tới ngày cứu rỗi cuối cùng. Ngài cũng làm như vậy với chúng ta.

Trong Chúa Giê-xu, bạn có một Thầy Tế Lễ Thượng Phẩm vĩ đại, Đấng hoàn toàn có thể thông cảm với những khổ đau của bạn (Hê-bơ-rơ 4:15). Khi bạn bị cám dỗ để tin vào những lời dối trá rằng Chúa đã bỏ rơi bạn hoặc không ai hiểu được bạn đang phải trải qua điều gì, bạn có thể tin tưởng vào điều này: “không có sự khổ đau hay sầu thảm nào tấm lòng chúng ta đang phải chịu, mà Ngài không thể cảm nhận được ở trên cao.” Một ngày nào đó những đau buồn sẽ bị bỏ lại phía sau, chỉ còn vinh quang ở phía trước. Đó là lẽ thật mà bạn có thể vui mừng ngày hôm nay, bất kể ngày hôm nay có thể xảy ra chuyện gì.

Dịch & biên tập: Eunice Tu

Nguồn: truthforlife.org

Bài vở cộng tác hoặc góp ý xin gửi về tintuc@hoithanh.com

Bình Luận:

You may also like