Thi-thiên 3:4, “Tôi lấy tiếng tôi mà kêu cầu Đức Giê-hô-va, từ núi thánh Ngài đáp lời tôi.”
Bất cứ khi nào chúng ta muốn truyền đạt cảm xúc, chúng ta thường tìm đến Sách Thi-thiên. Dù tràn ngập niềm vui hay bị đè nặng bởi nỗi tuyệt vọng, luôn có một bài thi thiên phản ánh tâm trạng của chúng ta. Chúng ta thường thắc mắc về hoàn cảnh mà Vua Đa-vít gặp phải khi người viết một câu thơ cụ thể. Tuy nhiên, bằng cách nào đó các đoạn thi thiên dường như luôn phản ánh hoàn cảnh hiện tại của chúng ta. Như các nhà hiền triết đã nói, Đa-vít đã sáng tác các thi thiên theo cách phù hợp với cuộc đời của chính ông, của toàn thể Y-sơ-ra-ên và của mọi thế hệ.
Trong Thi-thiên 3, Vua Đa-vít đang ở giữa tình trạng khủng hoảng chưa từng có. Chạy trốn khỏi con trai của mình, Áp-sa-lôm, người đang tìm cách chiếm ngôi của vua cha, Đa-vít phải đối mặt với một kiểu phản bội đau đớn hơn bất kỳ sự phản bội nào khác. Những câu mở đầu của Thi-thiên 3 ghi lại cảm giác tuyệt vọng và lẻ loi cô độc. Đa-vít thừa nhận những kẻ chống lại người nhiều vô số, những người này nghi ngờ Đức Chúa Trời có thể giải cứu người.
Cuộc tấn công tàn bạo hôm thứ Bảy (7/10) là sự phản bội các nguyên tắc cơ bản của nhân loại. Khi những kẻ khủng bố tàn nhẫn cướp đi sinh mạng của những người vô tội, cả nước, giống như Đa-vít, cảm thấy choáng ngợp, bị bao vây tứ phía bởi hận thù và bạo lực. Giống như những kẻ thù của Đa-vít nghi ngờ Đức Chúa Trời có thể giải cứu người, kẻ thù của chúng ta cũng đặt câu hỏi và kiểm tra khả năng sống sót và phục hồi của dân Israel.
Tuy nhiên, người viết thi thiên không ở mãi trong không gian tuyệt vọng này. Người chuyển từ thở than sang bày tỏ niềm tin sâu sắc. Đa-vít nói về Đức Chúa Trời như tấm khiên bảo vệ. Việc đề cập đến Đức Chúa Trời là “Đấng làm cho tôi ngước đầu lên” là một lời nhắc nhở sâu sắc rằng, ngay cả khi đối mặt với sự tuyệt vọng, tinh thần của người vẫn không hề suy sụp.
“Tôi nằm xuống mà ngủ; Tôi tỉnh thức, vì Đức Giê-hô-va, nâng đỡ tôi.” Dòng này không chỉ phản ánh sự tin tưởng của Đa-vít vào Đức Chúa Trời giữa cơn khủng hoảng cá nhân mà còn gói gọn tinh thần Israel. Bất chấp nỗi kinh hoàng, cuộc sống vẫn tiếp diễn. Mọi người vẫn ngủ, thức dậy và tiếp tục công việc hàng ngày của mình, trông cậy vào sự quan phòng và bảo vệ của Chúa, cái khiên chở che của chúng ta.
Tiếng kêu tha thiết của Đa-vít, “Hỡi Đức Giê-hô-va, hãy chỗi dậy; Hỡi Đức Chúa Trời tôi, hãy cứu tôi!” là lời kêu gọi sự can thiệp từ ngôi thiên thượng. Như Đa-vít tìm kiếm sự giải cứu khỏi kẻ thù mình, Israel tìm kiếm sự giải cứu khỏi những người muốn chứng kiến sự diệt vong của họ. Niềm hy vọng và niềm tin vào công lý cùng sự bảo vệ thiên thượng hiện rõ trong lời cầu xin của Đa-vít. Lời khẳng định sự cứu rỗi thuộc về Đức Giê-hô-va nhấn mạnh ý tưởng rằng công lý và sự cứu rỗi tối thượng đến từ một Đấng có quyền năng cao hơn.
“…Nguyện phước Ngài giáng trên dân sự Ngài!”
Thi thiên khép lại bằng lời chúc phước trên dân Chúa, như một lời nhắc nhở về tinh thần dân tộc. Đó không chỉ là sự sống còn của cá nhân mà là sự sống còn và hạnh phúc của cả một dân tộc.
Trong thời điểm thử thách này, Thi-thiên 3 nhắc nhở chúng ta về tinh thần bất khuất của dân tộc Israel và niềm tin vững chắc của họ trước nghịch cảnh. Giống như Đa-vít vượt qua thử thách với niềm tin và sức mạnh được đổi mới, Israel cũng sẽ vượt qua cuộc khủng hoảng này một cách mạnh mẽ hơn, đoàn kết hơn và có mối liên hệ sâu sắc hơn với dân sự, đức tin và Đức Chúa Trời của họ
Dịch & Biên Tập: Eunice Tu
Nguồn: theisraelbible.com
Bài vở cộng tác hoặc góp ý xin gửi về tintuc@hoithanh.com