Home Văn Phẩm Thập Tự Giá và Tình Yêu Chúa

Thập Tự Giá và Tình Yêu Chúa

by Ban Biên Tập
30 đọc

Có một câu chuyện có thật của người gác cầu quay như sau:

– Chiếc cầu quay dành cho người đi bộ và xe lửa, khi tàu đã đi qua, thì cầu được nâng lên cho người đi bộ. Trong lúc hạ cầu xuống, xe cộ phía trên phải dừng lại, xe lửa được đi qua theo giờ quy định. Ngày nọ, cậu con trai của người điều khiển tàu theo cha ra để xem cha điều khiển, trong lúc ông đang hạ chiếc cầu xuống, thì cậu bé tò mò và tinh nghịch đã trượt chân rơi xuống gầm cầu. Người gác cầu hốt hoảng vội điều khiển nâng cầu lên để cứu con, nhưng ngay trong lúc ấy một chuyến tàu hỏa đầy hành khách hú còi từ xa, nếu cứu con trai thì cả đoàn tàu sẽ rơi xuống vực thẳm, nếu hạ gầm cầu xuống thì con ông sẽ kẹp chết trong gầm cầu. Trong khoảnh khắc khủng khiếp ấy, ông đã quyết định hạ chiếc cầu cho đoàn tàu đi qua an toàn như mọi ngày, các nhân viên hỏa xa trên tàu vây tay chào ông, ông vây tay chào lại họ mà trong lòng tan nát, vì biết rằng sau khi tàu đi qua công việc của ông là tìm kiếm xác đứa con trai đem về an táng.

– Trong truyện Kiều của Nguyễn Du có một giai đoạn bi thương:

Sau khi nghe Kiều đàn ca, trao vật kỷ niệm, Kim Trọng cùng Kiều thề hứa trọn đời yêu nhau và sẽ đi tới hôn nhân. Nhưng bất ngờ Kim Trọng được người phụ việc đưa thư báo tin chú chết và bố nhắn về quê Lê Dương gấp lo việc tang chế.

Chuyện tình mới chớm nở và tình yêu đầu đang nồng cháy mà chàng phải từ biệt ra đi, Kiều làm sao không khỏi đau khổ? Cái buồn phải xa người yêu cùng với cái buồn Kim Trọng phải để tang chú ba năm khiến Kiều lo lắng cho thân phận mình. Xa mặt cách lòng, liệu thời gian có làm cho chàng thay lòng đổi dạ không? Riêng đối với Kiều thì nàng như linh cảm được sự phũ phàng, nên than thở:

“Ông tơ ghét bỏ chi nhau
Chưa vui sum họp đã sầu chia phôi”.
Dù sao đi nữa, Kiều vẫn một lòng:

“Đã nguyền hai chữ đồng tâm
Trăm năm thề chẳng ôm cầm thuyền ai”.

Kim Trọng ra đi thì gia đình Kiều đi dự tiệc bên ngoại trở về, bất ngờ bị hoạn nạn. Nhóm quan lại tham nhũng nghe lời thằng bán tơ vu oan cáo vạ mà không chịu điều tra thật hư, liền sai quân lính tới bắt trói cha và em trai của Kiều treo ngược lên cột, cướp đồ đạc, nữ trang và quần áo đẹp của gia đình Kiều.

Tài sản gia đình bị bọn sai nha “sạch sành sanh vét cho đầy túi tham”. Trước cảnh gia biến, Kiều đã quvết định để em mình là Thúy Vân cho Kim Trọng, nàng quyết định bán mình cho Mã Giám Sinh là kẻ lừa đảo để lấy tiền chuộc cha:

“Rường cao rút ngược dây oan
Dẫu là đá cũng nát gan, lọ người
Mặt trông đau đớn rụng rời
Oan này còn một kêu trời, nhưng xa

Một ngày lạ thói sai nha
Làm cho khốc hại chẳng qua vì tiền
Sao cho cốt nhục vẹn tuyền
Trong khi ngộ biến tòng quyền biết sao?

Duyên hội ngộ, đức cù lao
Bên tình bên hiếu, bên nào nặng hơn?
Để lời thệ hải minh sơn,
Làm con trước phải đền ơn sinh thành.

Quyết tình nàng mới hạ tình:
Dẽ cho để thiếp bán mình chuộc cha”.

Tất cả những hy sinh đều xuất phát từ tình yêu, người lính xả thân vì tổ quốc, cha mẹ cam chịu nhọc nhằn vì tình yêu con cái, và con cái hy sinh để chuộc mạng sống cha mẹ trong hoạn nạn. Sự hy sinh nào cũng đòi hỏi lòng can đảm và sự chấp nhận, can đảm để thực hiện một nghĩa cử cao đẹp cho người khác, và chấp nhận là chịu lấy những thiệt thòi mất mát cho mình. Sự sống của hành khách trên con tàu là yếu tố quan trọng nhất, để cho người cha quyết định hy sinh đứa con của ông ta. Thúy Kiều quyết định hy sinh tình riêng, để bán mình chuộc cha và em, nàng đã hy sinh mối tình đầu với người tình Kim Trọng. Cũng vì không muốn cho loài người chết mất mà Đức Chúa Trời đã hy sinh Con một của Ngài là Chúa Giê-su giáng sinh làm người chịu chết trên thập tự giá đền tội cho cả nhân loại.

Chúa đã chết như vậy là để cứu chúng ta, Ngài cầu nguyện ở vườn Ghết-sê-ma-nê rằng:

“Cha ơi, nếu có thể được xin cất chén này khỏi con”.Ma-thi-ơ 26:39 Chén mà Ngài sắp uống là một chất độc chết người, là tội phạm ghê gướm cùng sự trói buộc của tội lỗi mà đáng ra con người phải gánh chịu, thì Chúa Giê-su phải gánh thay, đến nỗi Đức Chúa Trời xây mặt khỏi Ngài mà Chúa Giê-su phải kêu lên:

“Đức Chúa Trời tôi ôi! Sao Ngài lìa bỏ tôi”.Ma-thi-ơ 27:46

Tại sao Đức Chúa Trời không nhìn Ngài chết một cách đau khổ như vậy? Bởi vì Đức Chúa Trời không nhìn nhận tội lỗi, cho đến khi giá tội lỗi được trả xong, đó là khi Chúa Giê-su tuyên bố:

“Mọi sự đã được trọn; rồi Ngài gục đầu và trút linh hồn”.Giăng 19:30

Thập tự giá đau thương mà Chúa đã chết đã trở thành nguồn sức mạnh lớn lao, từ hình cụ nhục nhã, dã man đã trở thành biểu tượng của sự vinh hiển và tình yêu tuyệt vời. Ngày nay chúng ta đều chứng kiến thập tự giá trên các cơ quan từ thiện, bệnh viện, nhà thờ, hội Chữ thập đỏ, trong nhà các Cơ-đốc nhân, ngay trong cả nghĩa trang cũng có sự hiện diện của nó. Vậy, thập tự giá không được lạm dụng vào những bổng lộc riêng tư, không nên trang sức vào người bằng những báu vật, mục đích phô trương giàu sang quí phái, mà chúng ta phải kinh nghiệm một cách riêng tư, để chúng ta chứng quyết sự chết và tình yêu của Chúa, đồng thời chúng ta chiêm nghiệm quyền năng và sự diệu kỳ của thập tự giá.

Thập tự giá nơi đó, Ngài bị treo lên, Ngài đã chết để chúng ta được hạ xuống, chúng ta được sống, chúng ta nên cảm ơn Chúa vô cùng…

Bạn thân mến!
Tinh thần của Đức Chúa Jesus-Christ khi đến thế gian là để sống hy sinh và phục vụ:
– “Ngài đã hiện ra như một người, tự hạ mình xuống, vâng phục cho đến chết, thậm chí chết trên cây thập tự”.Phi-líp 2:8
– “Con Người đến không phải để được người ta phục vụ, nhưng để phục vụ và phó mạng sống làm giá chuộc cho nhiều người”.Ma-thi-ơ 20:28

Thay lời muốn nói!
Bạn và tôi hãy sống trong mầu nhiệm và năng quyền của thập tự giá bằng cách sống theo gương mẫu của Chúa Giê-su đó là tâm tình “Hy sinh và Phục vụ” và hãy hiện thực nó bằng cách chia sẻ tình yêu của Chúa đến với tha nhân, đến với mọi người…

Hồ Galilê – Mùa thương khó 2023

Bài vở cộng tác hoặc góp ý xin gửi về tintuc@hoithanh.com

Bình Luận:

You may also like