Home Chuyên Đề Bằng Chứng Về Sự Phục Sinh của Chúa Giê-xu

Bằng Chứng Về Sự Phục Sinh của Chúa Giê-xu

by Christianity.com
30 đọc

Trong tất cả những sự dạy dỗ của Cơ-đốc giáo, không có giáo lý nào quan trọng hơn sự phục sinh của Chúa Giê-xu Christ. Sự thật về sự sống lại của Ngài đã bị tấn công từ mọi góc độ. Những cuốn sách và phương tiện truyền thông xuất hiện mới đây thường xuyên đặt câu hỏi về sự phục sinh, khơi lại những giả thuyết trước đây về những gì đã xảy ra với xác của Chúa Giê-xu. Vì sự sống lại rất quan trọng đối với niềm tin Cơ-đốc, Cơ-đốc nhân phải có khả năng đưa ra câu trả lời cho những câu hỏi không thể tránh khỏi này.

Những ghi chép Phúc Âm về sự phục sinh

Bước đầu tiên để bảo vệ sự phục sinh của Đấng Christ khỏi những kẻ gièm pha là xác minh sự thật về các sự kiện lịch sử đã diễn ra như được truyền tải trong các sách Phúc Âm. Như nhà triết học William Lane Craig đã lưu ý trong cuốn sách Reasonable Faith (tạm dịch là “Đức Tin Hợp Lý”) của mình, “Vấn đề là các câu chuyện Phúc Âm là những bản ký thuật đáng tin cậy về mặt lịch sử hay những truyền thuyết phi lịch sử.

Ngôi mộ trống

Một trong những dữ liệu dễ xác định nhất về sự phục sinh là ngôi mộ trống. Vì những người sống ở Giê-ru-sa-lem đều biết địa điểm chôn cất Chúa Giê-xu, nên có lẽ họ sẽ không tin lời các sứ đồ tuyên bố về sự sống lại của Đấng Christ nếu ngôi mộ không trống. Việc chôn cất Chúa Giê-xu được chứng thực rộng rãi trong những lời chứng mà tự chúng đã có giá trị, từ những người đương thời, cả trong và ngoài Kinh Thánh.

Việc phụ nữ là nhân chứng chính của sự kiện ngôi mộ trống trong các ghi chép Phúc Âm là bằng chứng rõ ràng hơn hết về tính xác thực của câu chuyện. Lời nói của phụ nữ không được xem trọng và phụ nữ không được coi là nhân chứng đáng tin cậy trong nền văn hóa Do Thái ở thế kỷ thứ nhất, vì vậy nếu muốn đạt được sự tin cậy của nhiều người, sẽ thật ngu ngốc nếu các tác giả xây dựng một câu chuyện hư cấu dựa trên lời làm chứng của phụ nữ.

Trong khi hai người đàn bà đó đi đường, thì có mấy tên lính canh vào thành thuật lại cho các thầy tế lễ cả biết mọi việc đã xảy đến. Các thầy bèn nhóm lại cùng các trưởng lão đặng bàn luận, xong rồi, thì họ cho những lính đó nhiều tiền bạc, mà dặn rằng: Các ngươi hãy nói rằng: Môn đồ nó đã đến lúc ban đêm, khi chúng tôi đương ngủ, mà lấy trộm nó đi. Nếu điều ấy thấu tai quan tổng đốc, thì chúng ta sẽ khuyên giải người, và làm cho các ngươi khỏi lo sợ. Mấy tên lính đó lấy bạc, và làm theo như lời. Tiếng ấy đã đồn ra trong dân Giu-đa cho đến ngày nay.” (Ma-thi-ơ 28:11-15)

Có một câu chuyện hoang đường được lan truyền giữa những người Do Thái liên quan đến xác của Đấng Christ. Rõ ràng, người Do Thái cho rằng các môn đồ đã trộm xác Ngài. Điều này rất có ý nghĩa vì người Do Thái không phủ nhận ngôi mộ trống, mà thay vào đó, họ tìm kiếm một lời giải thích khác cho sự phục sinh. Ngôi mộ trống là một thực tế lịch sử đã được chứng thực rộng rãi.

Tuy nhiên, chỉ dựa vào ngôi mộ trống thì không đủ để những người vô tín chấp nhận việc Chúa Giê-xu đã sống lại. Có bốn giả thuyết nhằm bác bỏ sự phục sinh đã được đưa ra trong nhiều năm:

1. Thuyết âm mưu

Thuyết âm mưu nói rằng các môn đồ đã đánh cắp xác Chúa Giê-xu và tiếp tục nói dối về sự hiện ra của ngài với họ sau đó. Theo thuyết này, sự sống lại chỉ là một trò lừa bịp.

Giả thuyết này thường không được các học giả hiện đại chấp nhận vì một vài lý do:

Giả thuyết này không tính đến việc các môn đồ tin vào sự phục sinh của Đấng Christ. Rất khó có khả năng nhiều môn đồ sẵn sàng từ bỏ mạng sống của họ để bảo vệ một điều mà họ biết chỉ là bịa đặt.

Không có khả năng ý tưởng về sự phục sinh có tồn tại trong tâm trí của các môn đồ trước đó, vì một việc như vậy không giống với sự tưởng tượng của người Do Thái về Đấng Mê-si. Học giả William Lane Craig viết, “Nếu Chúa Cứu Thế của bạn bị đóng đinh, thì hoặc là bạn trở về nhà hoặc nếu không thì bạn đã tìm cho mình một Chúa Cứu Thế mới. Nhưng ý tưởng đánh cắp xác Chúa Giê-xu và nói rằng Đức Chúa Trời đã khiến ngài sống lại từ cõi chết khó có thể nảy ra trong đầu các môn đồ.

Giả thuyết này không thể giải thích cho sự hiện ra với nhiều người sau đó của Đấng Christ phục sinh.

2. Giả thuyết cái chết không rõ ràng

Giả thuyết thứ hai cố gắng bác bỏ sự sống lại là giả thuyết về cái chết không rõ ràng. Quan điểm này cho rằng Chúa Giê-xu chưa chết hoàn toàn khi bị đưa xuống khỏi thập tự giá. Khi ở trong mộ, Chúa Giê-xu đã tỉnh lại và trốn thoát, do đó thuyết phục các môn đồ về sự phục sinh của ngài.

Quan điểm này khó đứng vững vì một vài lý do:

Một người với thương tích đầy mình thậm chí còn khó đứng dậy để đi lại bình thường, nói gì đến việc di chuyển một tảng đá khổng lồ đã bịt kín ngôi mộ, chế ngự được các lính canh La Mã và chạy trốn ngay trước mắt họ.

Lý thuyết này không thể giải thích cho việc các môn đồ cho rằng Đấng Christ phục sinh, vì nếu họ nhìn thấy Ngài sau khi Ngài sống lại, họ sẽ chỉ đơn giản nghĩ rằng ngài đã không chết.

Cũng thật là ngu ngốc khi nghĩ rằng quân La Mã, những người chuyên hành quyết tử tội, lại để lọt một người mà không đảm bảo rằng người đó đã chết thật sự.

Cuối cùng, với sự tra tấn về thể xác được mô tả trong các bản ký thuật của Phúc Âm, rất khó có khả năng Chúa Giê-xu có thể sống sót sau khi bị đóng đinh.

3. Giả thuyết nhầm mộ

Giả thuyết nhầm mộ cho rằng những người nữ bị lạc trên đường đến thăm mộ của Chúa Giê-xu và tình cờ gặp người canh giữ ngôi mộ trống. Khi người giữ mộ nói, “Chúa Giê-xu không có ở đây,” những người nữ đã hiểu sai ý và mất phương hướng, câu chuyện của họ sau đó được phát triển thành một huyền thoại về sự phục sinh.

Giống như các giả thuyết khác, hầu như không một học giả có uy tín nào ủng hộ quan điểm này. Có ít nhất ba lý do:

Đầu tiên, lý thuyết này không giải thích được những lần Chúa hiện ra sau sự phục sinh, và thật sai lầm khi nghĩ rằng một nhầm lẫn đơn giản như vậy có thể khiến một người Do Thái ở thế kỷ thứ nhất tin rằng một chuyện ly kỳ như việc người chết sống lại đã xảy ra.

Dựa trên những bằng chứng ban đầu có được về vị trí ngôi mộ của Chúa Giê-xu, hầu như không thể có chuyện những người nữ nhầm lẫn với một ngôi mộ khác.

Giả thuyết này nhấn mạnh người canh giữ mộ đã nói rằng Đấng Christ không có ở đó, nhưng lại bỏ qua cụm từ tiếp theo: “Ngài đã sống lại!”

Lu-ca 24:6, “Ngài không ở đây đâu, song Ngài đã sống lại.

4. Giả thuyết cái xác bị dịch chuyển

Giả thuyết cái xác bị dịch chuyển nói rằng Giô-sép, người thành A-ri-ma-thê đã đặt thi thể của Chúa Giê-xu trong ngôi mộ được chuẩn bị từ trước cho chính mình, nhưng sau đó đã chuyển xác đến nghĩa địa dành cho các tội phạm. Các môn đồ không biết xác Chúa Giê-xu đã được chuyển đi và do đó suy luận sai rằng ngài đã sống lại từ cõi chết.

Hầu như không có học giả hiện đại nào tin vào giả thuyết này do tính không xác thực của giả thuyết:

Giả thuyết này không thể giải thích cho việc Đấng Christ phục sinh hiện ra sau đó với nhiều người hoặc nguồn gốc của đức tin Cơ-đốc.

Không rõ tại sao Giô-sép không bác bỏ những lời chứng của các môn đồ bằng cách chỉ cho họ thấy nơi ông đã chuyển xác Chúa Giê-xu.

Nghĩa địa dành cho các tử tội, rất có thể, nằm khá gần với địa điểm đóng đinh, vì vậy sẽ không có lý do gì để Giô-sép không chôn cất Chúa Giê-xu ở đó ngay từ đầu. Trên thực tế, việc di chuyển thi thể sau khi đã được chôn cất là trái với luật pháp Do Thái.

Chúa Giê-xu hiện ra với nhiều người sau khi phục sinh

Sứ-đồ Phao-lô, một người quen biết với các môn đồ đầu tiên, tuyên bố rằng nhiều người đã nhìn thấy Đấng Christ phục sinh sau khi Ngài chết và sống lại.

“…Ngài hiện ra cho hơn năm trăm anh em xem thấy, phần nhiều người trong số ấy hiện bây giờ còn sống, nhưng có mấy người đã ngủ rồi. Đoạn, Ngài hiện ra cho Gia-cơ, rồi cho các sứ đồ. Rốt lại, sau những người ấy, Ngài cũng hiện ra cho tôi xem…” (1 Cô-rinh-tô 15:6-8)

Rõ ràng là Chúa Giê-xu đã thực sự hiện ra với những người mà Phao-lô đề cập đến. Ngay cả Bart Ehrman, nhà phê bình nổi tiếng về Tân Ước, cũng thừa nhận, “Chúng ta có thể chắc chắn rằng một số môn đồ của Ngài tuyên bố đã nhìn thấy Chúa Giê-xu còn sống.”

Tất cả các sách Phúc Âm đều nói về sự hiện ra sau khi phục sinh của Đấng Christ. Sẽ thật là lố bịch nếu cho rằng hàng trăm người này đều nhìn thấy cùng một ảo giác. Một số học giả lập luận rằng trong những dịp khác nhau, những nhóm người khác nhau đã có kinh nghiệm nhìn thấy Chúa Giê-xu. Do đó, họ đặt câu hỏi liệu có phải là Chúa đã hiện ra với thân xác thực sự hay không. Tuy nhiên, Phao-lô không dành chỗ cho một trải nghiệm tâm lý đơn thuần. Sự hiểu biết mà ông nhận được qua sự mặc khải về thân thể phục sinh đảm bảo rằng những gì ông muốn nói là Đấng Christ đã thực sự hiện ra bằng xương bằng thịt.

Sự phục sinh là lời giải thích hợp lý nhất cho sự hiện ra của Đấng Christ sau khi chết. Giả thuyết các môn đồ bị ảo giác—không giải thích được sự kiện ngôi mộ trống—cũng không giải thích được từ đâu mà các môn đồ có niềm tin vào sự sống lại.

Sự tồn tại của Cơ-đốc giáo

Sự bắt đầu và phát triển của Cơ-đốc giáo cũng là bằng chứng của sự phục sinh. Đối với người Do Thái, Đấng Mê-si được xem là một vị tướng khải hoàn và ngồi trên ngôi cai trị của Đa-vít, chứ không phải là một người sẽ bị đóng đinh và chết đi.

Sự phục sinh của Chúa Giê-xu đã xóa tan kết thúc bi thảm tại thập tự giá. Đấng Mê-si, Đấng đã chết, nay lại sống! Sự sống lại đã chứng thực và xác minh những lời tuyên bố mà Chúa Giê-xu đã đưa ra về chính mình Ngài. Nguồn gốc của Cơ-đốc giáo chỉ dựa trên sự kiện Chúa Giê-xu Christ sống lại từ cõi chết.

Điều hiển nhiên là Chúa Giê-xu Christ đã thực sự sống lại từ cõi chết một cách đắc thắng vào ngày thứ ba sau khi ngài chết. Không có giả thuyết thay thế nào có thể giải thích thỏa đáng về ngôi mộ trống, sự hiện ra sau khi chết của Chúa Giê-xu và nguồn gốc của đức tin Cơ-đốc.

Khi cửa đương đóng, Đức Chúa Giê-xu đến, đứng chính giữa môn đồ mà phán rằng: Bình an cho các ngươi! Đoạn, Ngài phán cùng Thô-ma rằng: Hãy đặt ngón tay ngươi vào đây, và xem bàn tay Ta; cũng hãy giơ bàn tay ngươi ra và đặt vào sườn Ta, chớ cứng lòng, song hãy tin! Thô-ma thưa rằng: Lạy Chúa tôi và Đức Chúa Trời tôi! Đức Chúa Giê-xu  phán: Vì ngươi đã thấy Ta, nên ngươi tin. Phước cho những kẻ chẳng từng thấy mà đã tin vậy!” (Giăng 20:26-29)

Dịch & biên tập: Eunice Tu

Nguồn: christianity.com

Bài vở cộng tác hoặc góp ý xin gửi về tintuc@hoithanh.com

Bình Luận:

You may also like