Home Chuyên Đề Đức Chúa Trời Hơn Các Thần Con Người Đặt Ra Như Thế Nào?

Đức Chúa Trời Hơn Các Thần Con Người Đặt Ra Như Thế Nào?

by Rick Warren
30 đọc

Đại dịch Cô-vy đã tạo ra một thần mới tại Ấn Độ: nữ thần Cô-rô-na. Kinh hoảng trước dịch bệnh, người dân Ấn Độ đã lập đền thờ nữ thần Cô-rô-na và cầu nguyện dâng lễ vật xin nữ thần thương xót thôi tàn phá (xem [1]). Theo họ, việc đặt thần ra thờ này đã giúp Ấn Độ vượt qua nhiều đại dịch trước, và nó cũng sẽ giúp đại dịch này chóng qua. Ta có thể thấy buồn cười, nhưng quả thật đặt ra thần để thờ rất dễ, vậy nên thế gian này mới hàng vạn các thần tượng khác nhau. Nhưng Kinh Thánh nói, Đức Chúa Trời là vị thần chân chính hằng sống (Giê-rê-mi 10:10), khác với những thần tượng vô tri vô giác mà con người làm ra (Thi Thiên 115:4-8). Bài này so sánh và cho thấy sự khác biệt giữa Đức Chúa Trời với thần Cô-rô-na cùng các thần khác trên thế gian mà con người đặt ra trên 7 khía cạnh: (1) tín ngưỡng, (2) tôn giáo, (3) quan hệ với tín đồ, (4) độ tin cậy của lời truyền, (5) quyền năng, (6) cộng đồng tín hữu, và (7) phước lành hứa ban.


Môi-sê và sự thờ phượng bò vàng mà người Y-sơ-ra-ên đặt ra

1. Về tín ngưỡng, Đức Chúa Trời là quyền năng cao nhất để ta tin cậy ngưỡng trông

Lòng con người hay đặt ra thần tượng để thờ vì nhu cầu tín ngưỡng. “Tín” là tin cậy, “ngưỡng” là ngẩng trông (từ điển Hán Việt). Tín ngưỡng là tin cậy ngẩng trông điều gì đó. Từ đó, người ta đặt ra các “thần” để “tượng” trưng cho các quyền năng mà mình tin tưởng trông cậy. Rồi họ thờ phượng dâng tế để hi vọng được phước lành từ quyền năng đó, như thờ thần Cô-rô-na để được tha khỏi bệnh, thờ con bò vàng để được trâu bò tài vật sinh sôi nảy nở, thờ thổ địa để được đất sinh hoa trái v.v…

Tín ngưỡng có mặt ở mọi xã hội có lẽ là vì nó cho con người niềm tin, hy vọng và sức mạnh để đối mặt với những bất an và khó khăn ở đời. Bệnh Covid do “thần” Cô-rô-na gây ra thật quá sức những người dân nghèo ở Ấn Độ. Họ phải chạy ăn từng bữa thì làm sao có điều kiện ở nhà cách ly, mua thuốc hay bình oxy. Nhưng tính ra thì tỉ lệ tử vong chỉ là 2%-5%, tức 100 người bị sẽ có 95-98 người sống sót và có kháng thể. Vậy ai may mắn sẽ sống sót và có miễn dịch, dịch bệnh rồi sẽ qua, cuộc sống sẽ tiếp diễn, đúng như kinh nghiệm của người Ấn Độ với các đại dịch ngày trước. Tuy 2-5 người thiếu may mắn sẽ tử vong, nhưng 95-98 người sẽ sống sót để kể lại kinh nghiệm này. Họ sẽ động viên thế hệ sau cứ bình tĩnh mà sống, chỉ cần thờ phượng dâng tế thần dịch bệnh thì rồi khổ nạn sẽ qua. Tín ngưỡng, như việc thờ phượng thần Cô-rô-na này, là liều thuốc tinh thần mạnh mẽ cho người ta định hướng, niềm tin, và sức mạnh để vượt qua những bất an và khó khăn trong cuộc sống.

Nữ thần Cô-rô-na vừa đặt ra ở Ấn Độ

Vì tính “liều thuốc tinh thần” này mà một triết gia đã nghĩ “Tôn giáo là thuốc phiện của dân chúng”. Tôi thấy ông ta nhầm lẫn giữa tín ngưỡng với tôn giáo (điều mà tôi sẽ nói ở phần sau), và ông suy nghĩ quá cực đoan. Tín ngưỡng giống viên Decolgen làm dịu cơn cảm sốt hơn. Nó không như thuốc phiện làm người ta bay bổng rồi tàn hại cuộc đời. Tín ngưỡng không như hứa một thiên đường đồng sở hữu, làm theo năng lực hưởng theo nhu cầu, nhưng kết quả là khiến hàng trăm triệu người chết vì thiếu đói, thanh trừng và lao động cưỡng bức. Như Decolgen uống quá liều có thể có hại, tín ngưỡng quá mức đôi khi có hại. Nhưng ở mức vừa phải thì nó cho con người niềm tin, hy vọng và sức mạnh để đối mặt với những bất an khó khăn của đời sống. Chi phí cũng rẻ, chỉ mất một chút tiền tế lễ.

Khi nói đến “tín ngưỡng”, người ta hay nghĩ đến việc tin thờ dân gian đơn sơ như con bò vàng, nữ thần Cô-rô-na. Nhưng tự nghĩa từ “tín ngưỡng” chỉ là tin tưởng ngưỡng vọng một điều gì. “Thần tượng” có thể là sự nghiệp, địa vị, tài sản vật chất (xem [6]), những thứ là nơi nương tựa tin tưởng ngẩng trông của nhiều người. Và người ta cũng đặt sự nghiệp, địa vị, tài sản lên trên nhất, dâng tế thờ phượng cách hết mình để được những phước lành chúng ban.

Vì con người cần có điều để tin tưởng ngưỡng vọng dựa vào trong cuộc sống, trái tim con người sẽ luôn tìm kiếm và tạo ra các thần tượng. Vậy nên ta hãy suy nghĩ thật kỹ và nghiêm túc để chọn vị thần mà mình tôn thờ. Giữa các thế lực quyền năng trên thế gian này, sao ta không chọn Đức Chúa Trời, đấng quyền năng cao trọng nhất làm nơi tin cậy ngẩng trông? Theo Kinh Thánh, con người có vô số thần tượng để lựa chọn, nhưng chọn phụng sự Đức Chúa Trời (Đức Giê-hô-va) là lựa chọn đúng đắn và khôn ngoan nhất. Nương tựa vào đấng chân thần, đấng toàn năng đã tạo dựng nên trời và đất, đấng làm chủ tể trị trên muôn vật, Chúa của Trời, đấng có lời dạy và lời hứa được ghi chép vào sách trong Kinh Thánh… rõ ràng là tốt hơn nương tựa những thần ngẫu nhiên nào đó. Có Đức Chúa Trời, ta chẳng sợ và cũng chẳng cần thần nào khác, vì Chúa là cao nhất và là đấng tể trị trên muôn vật, từ dịch bệnh, thời tiết, tới thiên đường

“Nếu anh em chẳng thích phụng sự Đức Giê-hô-va thì ngày nay hãy chọn ai mà mình muốn phụng sự, hoặc các thần mà tổ phụ anh em đã phụng sự bên kia sông, hoặc các thần của dân A-mô-rít trong xứ mà anh em ở. Nhưng tôi và gia đình tôi sẽ phụng sự Đức Giê-hô-va.”
– Giô-sua 24:15

Việc chọn sai thần để thờ có thể khiến ta tin cậy sai chỗ, nương tựa trên nền cát. Trong Kinh Thánh, dân Y-sơ-ra-ên hay lìa bỏ Đức Chúa Trời mà thờ phượng các thần các dân tộc xung quanh họ đặt ra. Họ còn 2 lần tự đúc tượng bò vàng, xưng nó là “thần đã đem ngươi ra khỏi đất Ai Cập”  rồi dâng tế thờ phượng (Xuất Ê-díp-tô Ký 32:1-6, I Các Vua 12:26-33), hệt như việc người Ấn Độ đặt ra và thờ phượng nữ thần Cô-rô-na này. Lựa chọn sai lầm này dẫn họ tới kết quả bi thương vì họ chọc giận Đức Chúa Trời còn các thần kia vô năng không có sức giúp đỡ cứu chuộc. Nó cho ta thấy tầm quan trọng của việc nghiêm túc lựa chọn điều mình tin tưởng ngẩng trông, vị thần mình nương tựa.

2. Về tôn giáo, Đức Chúa Trời dạy ta đường lối sống tốt nhất

“Nữ thần” Cô-rô-na hiện chỉ là tín ngưỡng thuần túy, chỉ thờ cúng dâng lễ để hi vọng được phước chứ không thấy dạy bảo gì. Sẽ tốt hơn nếu tín đồ được dạy thông điệp 5K mà làm theo để được thần bỏ qua: “Khẩu Trang – Khử Khuẩn – Khoảng Cách – Không Tụ Tập – Khai Báo Y Tế”. Khi đó, việc thờ phượng “nữ thần” bắt đầu trở thành một tôn giáo đơn sơ, nơi các tín đồ được dạy bảo về một đường lối nguyên tắc sống được thần ban phước.

Trong chữ tôn giáo (宗教) thì tông (宗- tông đọc trạc thành tôn) nghĩa là gia tộc, dòng phái. Nó ghép từ  là cái mái nhà, và  là bảo cho biết, vẽ hình ảnh là cái nhà dạy bảo. Giáo (教) nghĩa là dạy dỗ, truyền thụ. Tông giáo là những lời dạy bảo của nhà thờ tổ tông hay một dòng phái lớn như đạo Phật, đạo Cơ Đốc, đạo Hồi, đạo Khổng, đạo Lão, v.v… 

Hình ảnh chữ tông (宗) – nhà dạy bảo của dòng tộc

Ngày nay, khi nhắc đến tông giáo, người ta hay nghĩ đến các tổ chức tông giáo cùng các tòa nhà, nhân sự và các nghi lễ thờ phượng của nó. Nhầm lẫn này giống như nhầm giữa tiếng Anh với các tổ chức dạy tiếng Anh và các trung tâm, giáo viên và các hoạt động của nó. Như tiếng Anh, tông giáo là điều được dạy, còn các tổ chức tông giáo là nơi dạy. Trung tâm tiếng Anh có chỗ tốt chỗ xấu, giáo viên dạy có chỗ đúng chỗ sai, học viên có người học xong nghe nói lưu loát, có người học xong chẳng nhớ gì. Tông giáo cũng thế, tổ chức có chỗ tốt chỗ xấu, người theo có người thông hiểu áp dụng vào đời sống, cũng có người chỉ đến xem lễ rồi về. Vậy nên sẽ sai khi nói người kia theo đạo nọ mà thế này thế kia. Nó cũng như nói anh kia học tiếng Anh mà chẳng đọc viết được tiếng Anh vậy. Tùy người thôi.

Gia cần có gia phong, nước cần có phép nước. Gia tộc quốc gia mà mỗi người chỉ sống theo bản năng và suy nghĩ của mình thì sớm muộn sẽ lụn bại. Muốn thịnh vượng lâu dài, một gia tộc, quốc gia cần truyền dạy các triết lý đạo đức tốt đẹp, những kinh nghiệm sống và nguyên tắc hiệu quả cho con cháu mình. Đó là lý do vì sao những nước lớn hùng mạnh đều có những tôn giáo lớn làm nền tảng cho đời sống xã hội của mình.

Các tôn giáo thường kèm theo sự tín ngưỡng, từ thờ phượng ông bà tổ tông, người thầy sáng lập (đạo Lão, đạo Khổng, đạo Phật) đến vị thần đã truyền bảo (đạo Hồi, đạo Cơ Đốc). Đó là vì khi theo một tôn giáo, người ta tin tưởng ngưỡng trông vào lời truyền dạy cùng người đã dạy nó. Có điều thật tiếc là nhiều người theo tôn giáo chỉ như theo một tín ngưỡng. Họ chỉ dâng tế thờ phượng chứ không học và làm theo lời dạy. Họ giống như những học sinh đi học tiếng Anh chỉ để có danh nghĩa người học tiếng Anh, mà chẳng để tâm học nên chẳng hưởng được lợi ích gì từ tiếng Anh vậy.

Cũng như tín ngưỡng, trên thế gian có rất nhiều tôn giáo. Các tư tưởng triết lý lời dạy của các tôn giáo khác nhau sẽ dẫn đến những lối sống lối nghĩ khác nhau, đem lại kết quả khác nhau cho người học theo. Kinh Thánh biết điều này, và Kinh Thánh rất tự tin về lời dạy của Đức Chúa Trời so với các lời dạy, lẽ sống khác của thế gian

“Vậy, anh em phải giữ và thực hành các mệnh lệnh và luật lệ nầy, vì nhờ vậy mà các dân tộc sẽ thấy sự khôn ngoan và hiểu biết của anh em. Khi nghe về các mệnh lệnh nầy họ sẽ nói: ‘Chỉ có dân tộc vĩ đại nầy mới thực sự là một dân tộc khôn ngoan và hiểu biết!’ Vì có dân tộc vĩ đại nào có được một vị thần ở gần như chúng ta có Giê-hô-va Đức Chúa Trời ở gần chúng ta mỗi khi chúng ta cầu khẩn Ngài không? Có dân tộc vĩ đại nào có được những mệnh lệnh và luật lệ công minh như toàn bộ luật pháp mà ngày nay tôi đặt trước mặt anh em không? ”
– Phục Truyền 4:6-8

Đây có phải là lời nói suông? Trong Kinh Thánh, ta thấy rất rõ điều này. Khi người Do Thái sống đẹp lòng Chúa, như dưới thời Sa-mu-ên, Đa-vít-, Sa-lô-môn, họ thịnh vượng và vinh hiển. Khi họ nghịch lòng Chúa, họ bị chèn ép, lưu đày. Ngày nay, những người có Lời Chúa đạt được những thành tựu rất đáng nể. Theo thống kê Tôn Giáo Của Những Người Đạt Giải Nobel Từ 1901 tới 2000 (xem [3]) và thống kê Của Cải và Tôn Giáo (xem [4]), chỉ với 31.3% dân số, người Cơ Đốc và người Do Thái đạt 86.5% giải Nobel và sở hữu 56.1%  của cải thế giới. So sánh này dẫu có hơi quá đơn giản, nó phần nào thể hiện hiệu quả của đường lối Chúa so với các đường lối sống khác của thế gian.

Tôn giáo của những người đoạt giải Nô-ben từ năm 1901 đến 2000

3. Về quan hệ, Đức Chúa Trời có quan hệ tương giao cá nhân gần gũi với dân Ngài

Nữ thần Cô-rô-na cùng các thần khác của thế gian không có gắn bó cách cá nhân với người tin mình, và cũng không hứa hay giao ước gì với họ. Người tín ngưỡng chỉ có thể hi vọng sẽ được “thần” nghe lời và đáp cầu nguyện khi đến đền thờ dâng lễ và thờ phượng, lễ vật càng to chắc sẽ càng “thiêng”. Nếu thần có dạy thông điệp 5K hay tông giáo gì, người tin theo phải tự mình học làm theo chứ thần không hứa tương giao hay giúp đỡ gì.

Ngược lại, Đức Chúa Trời mong muốn có một mối tương giao cá nhân với những ai tin nhận Ngài. Với những người tin và sống theo Ngài, Chúa nhận họ làm con nuôi (Ê-phê-sô 1:5), cho họ gọi Ngài là Cha Trên Trời (Ma-thi-ơ 6:9). Chúa hứa sẽ luôn nghe lời cầu nguyện của họ (1 Giăng 5:15, Giăng 9:31, 1 Phi-e-rơ 3:12…), luôn ở cùng họ (Phục Truyền 31:6Thi Thiên 23:4Ma-thi-ơ 28:20…), dạy dỗ và nhắc nhớ họ (Giăng 14:26), v.v… Đây là một mối tương giao thân mật gần gũi như cha với con, người chăn với chiên mình (Thi Thiên 23:1). Điều này được trải nghiệm bởi Đa-vít (Thi Thiên 23), thánh Patrick ở Ireland (xem [9]), cùng vô số các Cơ Đốc nhân sống theo Lời Ngài và giữ mối quan hệ tương giao cầu nguyện với Ngài.

Vì vậy, việc phát triển mối tương giao cá nhân với Chúa là điều quan trọng nhất mà Cơ Đốc nhân cần làm. Các việc đi lễ, thờ phượng, dâng hiến, hay làm các công tác tôn giáo sẽ là vô nghĩa nếu thiếu nó. Thánh Patrick ở Ireland (xem [9]) là con chấp sự, cháu linh mục, nên hẳn hồi nhỏ ông cũng đi lễ đều đặn và được nghe cha ông nói nhiều về Chúa. Dẫu vậy, ông không phát triển mối quan hệ tương giao cá nhân với Chúa. Chỉ khi bị bắt cóc bán làm nô lệ ở xứ lạ, phải một mình chăn cừu giữa đồng vắng, vì quá cô đơn và thèm có người để tâm sự, ông quyết định trò chuyện với Đức Chúa Trời dù Ngài vô hình. Từ đó, ông mới phát triển mối tương giao cá nhân với Chúa và trở thành Thánh Patrick, người đã báp-tem cho hơn 100,000  người và biến Ireland thành một hòn đảo thánh. 

Kinh Thánh dùng hình ản người chăn với chiên để diễn tả quan hệ giữa Chúa và dân sự mình

Việc tương giao gần gũi với con dân mình chính là sự khác biệt vượt trội của Đức Chúa Trời với nữ thần Cô-rô-na hay các thần khác của thế gian, như lời Kinh Thánh 

“Có dân tộc vĩ đại nào có được một vị thần ở gần như chúng ta có Giê-hô-va Đức Chúa Trời ở gần chúng ta mỗi khi chúng ta cầu khẩn Ngài không? Có dân tộc vĩ đại nào có được những mệnh lệnh và luật lệ công minh như toàn bộ luật pháp mà ngày nay tôi đặt trước mặt anh em không?” (Phục Truyền 4:7-8) 4. Về độ tin cậy của lời dạy, Đức Chúa Trời ghi lại Lời Ngài trong Kinh Thánh

4. Về độ tin cậy của lời dạy, Đức Chúa Trời ghi lại Lời Ngài trong Kinh Thánh để không bị biến đổi

Giả sử nữ thần Cô-rô-na có dạy thông điệp 5K, nhưng nếu chúng không được ghi vào sách  thì sợ qua 1000 năm truyền miệng từ đời này qua đời khác thì không biết sẽ ra 5K gì, Khôn Ngoan – Kính Cẩn  – Kỹ Càng – Khiêm Tốn – Kín Đáo chăng. 5K đó nghe cao siêu hơn, nhưng thực ra chẳng liên quan gì tới 5K ban đầu. Ngược lại, lời dạy của Đức Chúa Trời được ghi lại trong Kinh Thánh và gìn giữ qua hàng ngàn năm không đổi thay. Nhờ đó, người tin Chúa có thể kiểm chứng và biết chắc Chúa thực sự đã dạy gì và hứa gì.

Lời dạy bị biến đổi nhiều nhất có lẽ của Thích Ca Mâu Ni (xem [7]). Thích Ca là xứ Thích Ca quê hương ông, Mâu Ni tiếng Phạn là nhà thông thái, Thích Ca Mâu Ni là nhà thông thái xứ Thích Ca. Ông nghiệm ra Tứ Diệu Đế (4 chân lý kỳ diệu), đặt ra Bát Chánh Đạo (8 con đường đúng) và dạy con người phải biết học hỏi, rèn luyện để kiềm chế ham muốn bản ngã xác thịt của mình, biết nhìn đúng, nghĩ đúng, nói đúng… để tránh các khổ não ở đời, đạt tới Niết Bàn – tiếng Phạn nghĩa là ngọn lửa đã tắt, chỉ trạng thái an vui vô vi vô ngã không còn lửa tham muốn trong lòng. Ông định nghĩa Phật như sau:

“Những gì cần biết rõ, Ta đã biết rõ. Những gì cần từ bỏ, Ta đã từ bỏ. 
Những gì cần tu tập. Ta đã tu tập. Do vậy, này Vị đạo sĩ, Ta là Phật” 
– kinh Brahmàyu

Nhà thông thái xứ Thích Ca (xem [7])

Có điều sau vài ngàn năm lưu truyền, với 3 lần biến đổi lớn gọi là 3 vòng xoay của đạo pháp (xem [11]), Nhà Thông Thái Xứ Thích Ca trở thành Phật Tổ quyền phép vô biên lật bàn tay hóa Ngũ Hành Sơn nhốt Tôn Ngộ Không mà ta biết ngày nay, Niết Bàn trở thành thiên đường của các Phật, và Phật trở thành người có quyền năng sáng tạo (biến ý nghĩ thành thực tại như hóa Ngũ Hành Sơn) và quyền năng cứu rỗi (cứu linh hồn con người vào Niết Bàn). Nghe thật hay, nhưng Thích Ca Mâu ni trong lịch sử còn không cản được vua Virudhaka thảm sát xứ Thích Ca (xem [12]) vì họ xúc phạm ông khi còn nhỏ. Thích Ca Mâu Ni nói dân mình đã gieo nhân thì phải gặt quả, đến ông cũng đành chịu.

Nếu Lời Chúa không được ghi chép thành sách Kinh Thánh và gìn giữ bởi Thánh Linh thì sự hiểu biết về Chúa hẳn cũng sẽ bị biến đổi như vậy. Trong lịch sử, dân Y-sơ-ra-ên đã nhiều lần bội đạo, đi theo các thần tượng xứ Ca-na-an vào, lãng quên lời Chúa. May có Kinh Thánh nên Lời Chúa mới được dạy lại khi vua quan và dân sự có lòng tìm kiếm (2 Các Vua 22:8Nê-hê-mi 8, v.v…). Giáo hội Do Thái đã hiểu sai lời Chúa đến nỗi Chúa viếng thăm họ mà họ không biết, còn đóng đinh Chúa của mình trên thập tự giá. Sau này, giáo hội thời trung cổ cũng dần lạc trôi khỏi lời Chúa, đến nỗi cần có cuộc Cải Cách Tin Lành đã kêu gọi những người tin kính Chúa quay lại với Lời Chúa trong Kinh Thánh thay vì đi theo những giáo luật, giáo lệ sai lầm của giáo hội thời đó (Xem [8]). 

Nhờ được ghi chép thành Kinh Thánh, Lời Chúa được gìn giữ chính xác từ đời này sang đời khác. Mỗi khi giáo hội hội thánh bị lạc trôi quá xa theo những luật lệ giáo lý của con người, Chúa có thể dùng Kinh Thánh để cải chánh và đưa dân sự quay trở lại với Lời Ngài. Với Kinh Thánh, ta có thể kiểm chứng và biết chắc Chúa thực sự dạy gì và hứa gì, chứ không phải dựa trên lời con người truyền miệng. Kinh Thánh khen người ở Bê-rê là biết “nghiên cứu Kinh Thánh để xét xem lời giảng có đúng không” (Công Vụ 17:11).

5. Về quyền năng, Đức Chúa Trời tể trị trên thiên nhiên muôn vật và thắng hơn mọi thần của thế gian

Nữ thần Cô-rô-na chỉ là một thần mới xuất hiện, nhỏ bé giữa hàng ngàn thần ở Ấn Độ, và chắc không dám đối địch với thần nào. Nữ thần cũng chỉ “chuyên” về dịch Cô-vy, và “thiêng” chỉ ở những vùng người ta tin thờ. Ngược lại, Đức Chúa Trời luôn thể hiện quyền năng tể trị của mình trên thiên nhiên vạn vật, trên tất cả các thần và các đế quốc hùng mạnh nhất, kể cả khi dân sự Chúa chỉ là đám dân nhỏ bé hèn mọn sống đời nô lệ trong xứ người.

Trước đế quốc Ai Cập hùng mạnh, Chúa phán: “Ta sẽ phán xét tất cả các thần của Ai Cập vì Ta là Đức Giê-hô-va.” – Xuất Ê-díp-tô Ký 12:12. Mười đại họa trên Ai Cập không chỉ thể nga hiện thần quyền của Đức Chúa Trời trên thiên nhiên, nó còn thể hiện quyền năng vượt trội của Chúa trên các thần Ai Cập[xem 5]: sông Nile là đánh nữ thần sông Isis, cóc nhái là đánh nữ thần sinh sản Heqet, muỗi là đánh thần bão Seth, ruồi mòng là đánh thần bụi rậm Uatchit, gia súc là đánh thần bò Apis, ghẻ chóc là đánh thần chữa bệnh Sekhmet, mưa đá là đánh thần bầu trời Nut, châu chấu đánh thần nông Osiris, bóng tối đánh thần mặt trời Horus, và cái chết con đầu lòng đánh vào Pharaoh, người Ai Cập coi như thần sống, thiên tử. 

Môi-sê trước Pha-ra-oh

Không chỉ Ai Cập, mà các đế quốc hùng mạnh khác cùng vua và các thần cũng bị Chúa phán xét. Khi vua Bên-xát-sa lấy ly tách từ đền thờ Chúa để uống rượu và ngợi khen thần của mình, hắn thấy một ngón tay viết lên tường Mê-nê, Mê-nê, Tê-ken, Phê-rết. “Mê-nê nghĩa là: Đức Chúa Trời đã đếm và chấm dứt số ngày của vua; Tê-ken là: Vua đã bị đặt trên bàn cân và thấy kém thiếu. Phê-rết là: Vương quốc của vua bị phân chia rồi giao cho người Mê-đi và người Ba Tư… Ngay đêm đó, Bên-xát-sa, vua Canh-đê, bị giết. Đa-ri-út, người Mê-đi, tiếp quản vương quốc.” (Đa-ni-ên 5:26-31). Và mọi chuyện xảy ra đúng như vậy.

Đức Chúa Trời còn thách thức các thần thế gian hãy thể hiện thần quyền bằng cách nói trước những điều sẽ xảy ra, ban phước hay giáng họa, và làm ứng nghiệm nó. Đây là những điều mà các thần do con người đặt ra, thần Cô-rô-na hay con bò vàng, không thể làm được.

“Hãy để chúng đến gần và nói cho chúng ta biết điều sẽ xảy đến! Hãy nói cho chúng ta những điều đã có từ trước,  Để chúng ta suy nghiệm, Và biết kết cuộc của nó; Hoặc nói cho chúng ta biết những gì sắp xảy đến. Hãy nói những việc sẽ xảy đến sau nầy, Để chúng ta biết các ngươi là thần; Cũng hãy ban phước hoặc giáng họa, Để chúng ta cùng nhau thấy và kinh ngạc. Nầy, các ngươi chẳng ra gì, Việc các ngươi làm cũng là vô ích; Kẻ chọn các ngươi thật đáng ghê tởm!” – Ê-sai 41:22-24

Như vậy, trừ việc làm viên thuốc Decolgen giúp người tin cảm thấy dễ chịu, các thần trên thế gian đều không thể phán trước điều sẽ xảy đến dù là phước hay họa, hoặc thể hiện quyền năng trên cả các vua hoặc các đế quốc hùng mạnh. Ngược lại, Đức Chúa Trời thể hiện quyền tể trị trên thiên nhiên vạn vật, nói trước những chuyện sẽ đến rồi khiến nó xảy ra, và phán xét cả các thần các đế quốc hùng mạnh nhất thế gian.

Nữ thần Cô-rô-na hay các thần khác của thế gian là những hình tượng do con người tạo dựng. Chúng chỉ thiêng với người tin, trong lĩnh vực được tin, thậm chí có hình hài tạo dáng theo cái người ta tin mà tạc tượng. Còn Đức Chúa Trời là đấng chân thần, quyền năng của Chúa không lệ thuộc vào việc người ta có tin mình hay không. Ngài ban phước cho kẻ đẹp lòng mình và giáng phạt kẻ phạm tội với Ngài tùy ý mình chẳng cần họ tin hay không.

6. Về cộng đồng tín hữu, Đức Chúa Trời cho chúng ta hội thánh

Cộng đồng những người tin nữ thần Cô-rô-na và nhiều thần trên thế gian chẳng có mối quan hệ gì với nhau. Có chăng chỉ là những người cùng tin và cùng thờ phượng tế lễ. Ngược lại, Đức Chúa Trời thiết lập hội thánh với mạng lệnh mọi người phải yêu thương, giúp đỡ, dạy dỗ, mang lấy gánh nặng cho nhau như anh em cùng một gia đình, chi thể của cùng một thân. Gia đình đó là gia đình của Đức Chúa Trời, thân đó là thân thể của đấng Christ.

Hội thánh, cộng đồng tín hữu, gia đình của Đức Chúa Trời

“Như vậy, anh em không còn là người xa lạ hoặc là người tạm trú nữa, nhưng là người đồng hương với các thánh đồ và là thành viên trong gia đình của Đức Chúa Trời…Trong Ngài, cả ngôi nhà được kết hợp với nhau và trở thành một đền thờ thánh trong Chúa. Trong Ngài, anh em cũng được xây dựng chung vào nhà đó, để trở nên nơi ngự của Đức Chúa Trời trong Thánh Linh.” – Ê-phê-sô 2:19

“Giống như trong một thân thể, chúng ta có nhiều chi thể, và các chi thể không có cùng một chức năng; thì cũng vậy, chúng ta tuy nhiều người, nhưng chỉ là một thân trong Đấng Christ; mỗi chúng ta đều là các chi thể của nhau. Chúng ta có các ân tứ khác nhau, tùy theo ân điển Chúa ban: Người được ân tứ nói tiên tri, hãy nói theo lượng đức tin; người được ân tứ phục vụ, hãy phục vụ; người được ân tứ dạy dỗ, hãy dạy dỗ; người được ân tứ khích lệ, hãy khích lệ; người được ân tứ ban phát, hãy ban phát rộng rãi; người được ân tứ lãnh đạo, hãy siêng năng lãnh đạo; người được ân tứ làm việc từ thiện, hãy vui vẻ mà làm.” – Rô-ma 12:4-7

“Hãy mang gánh nặng cho nhau; như vậy, anh em sẽ làm trọn luật pháp của Đấng Christ…Chớ mệt mỏi trong khi làm việc thiện, vì nếu chúng ta không nản lòng thì đến mùa chúng ta sẽ gặt. Vậy, đang lúc có cơ hội, chúng ta hãy làm điều thiện cho mọi người, nhất là cho anh em trong gia đình đức tin.” – Ga-la-ti 6:2,10

Ta ban cho các con một điều răn mới, ấy là các con phải yêu thương nhau. Như Ta đã yêu thương các con thể nào thì các con cũng hãy yêu thương nhau thể ấy. Nếu các con yêu thương nhau, thì bởi đó, mọi người sẽ nhận biết các con là môn đồ Ta.” – Giăng 13:34-35

Thành thật mà nói, thực tế hội thánh nhìn chung không đạt được như lời dạy của Kinh Thánh. Hội thánh cũng gồm những con người được Chúa kêu gọi ra từ thế gian nên họ vẫn còn mang theo mình những suy nghĩ của thế gian và những thói hư tật xấu của xác thịt. Trong hội thánh lại còn có lẫn lộn lúa mì và cỏ lùng, chiên và dê, người thực sự học theo lời Chúa và người chỉ đi xem lễ. Nhưng dù sao đi nữa thì người trong hội thánh vẫn có sự thông công giúp đỡ lẫn nhau hơn hầu hết người thờ phượng nữ thần Cô-rô-na hay các thần khác trên trên thế gian.

7. Về lời hứa, Đức Chúa Trời hứa cho ta sự sống đời đời với Ngài

Nữ thần Cô-rô-na nếu có ban phước thì chỉ là tha không hành, bệnh được khỏi, dịch được hết. Tỉ lệ tử vong vì Covid là 2%-5%, tức bình thường 100 người bệnh thì 95-98 người sẽ tự khỏi và có kháng thể để miễn dịch. Khi ai cũng có kháng thể thì dịch sẽ tự nhiên hết. Việc thờ phượng thần sẽ giúp người ta thêm sức mạnh tinh thần để tiếp tục sống và làm việc. Phước lành của thần Cô-rô-na tính ra cũng không đặc biệt lắm, để tự nhiên thì 95%-98%  ta vẫn sẽ sống và được hưởng dù có thờ phượng thần hay không.

Đức Chúa Trời cho chúng ta đường lối sống khôn ngoan nhất, nhận chúng ta làm con nuôi của Ngài, hứa sẽ nghe lời ta cầu nguyện và dẫn dắt đời sống của ta. Hơn thế nữa, Ngài cho chúng ta điều giá trị nhất mà chỉ có đấng Sáng Tạo toàn năng, Chúa của Trời mới có thể làm. Ngài cho ta sống đời đời với Ngài và được cứu khỏi những trừng phạt do vi phạm luật Trời:

Vì Đức Chúa Trời yêu thương thế gian đến nỗi đã ban Con Một của Ngài, hầu cho hễ ai tin Con ấy không bị hư mất mà được sự sống đời đời… Ai tin Con thì được sự sống đời đời, ai không chịu tin Con thì chẳng được sự sống đâu, nhưng cơn thịnh nộ của Đức Chúa Trời vẫn ở trên người ấy.” (Giăng 3:16,36).

Điều đáng sợ nhất sau khi chết là linh hồn ta sẽ trở về với Đức Chúa Trời để chịu phán xét theo luật Trời (chứ không phải theo luật của loài người). Chúa là đấng toàn tri, Ngài biết và phán xét cả những việc kín giấu, cả tới mọi lời nói vô ích ta nói:

Theo như đã định cho loài người phải chết một lần, rồi chịu phán xét.” – Hê-bơ-rơ 9:27
“Và tro bụi trở về đất như lúc đầu, Còn linh hồn trở về với Đức Chúa Trời là Đấng đã ban nó.” – Truyền Đạo 12:7
“Hãy kính sợ Đức Chúa Trời và tuân giữ các điều răn của Ngài, Đó là phận sự của con người. Vì Đức Chúa Trời sẽ đem ra xét xử mọi việc, Kể cả những việc kín giấu, dù thiện hay ác.” – Truyền Đạo 12: 13-14
Nhưng Ta bảo các ngươi, trong ngày phán xét, người ta sẽ khai trình mọi lời vô ích mình đã nói.” – Ma-thi-ơ 12:36

Trong đó, tội nặng nhất của loài người là tội phản nghịch Chúa. Là tạo vật của Chúa (Sáng Thế Ký 1), sống trên trái đất của Chúa (Thi Thiên 24:1), đáng lý loài người phải sống và làm việc theo lời Chúa. Nhưng họ lại sống như thể trái đất là của mình, chối bỏ Chúa và coi khinh lời Ngài. Đây chính là tội mà Sa-tan cùng các thiên sứ của hắn đã phạm và sẽ phải vào lửa đời đời (Ma-thi-ơ 25:41). Loài người ai chối bỏ phản nghịch Chúa như hắn sẽ phải cùng chịu hình chung với hắn. Chúa là đấng Công Chính, Ngài không thể trừng phạt Sa-tan mà tha thứ cho người phạm cùng tội được.

Đó là lý do Chúa phải sai Chúa Giê-xu, Con Một của Ngài, đến thế gian để chịu chết cách đau đớn trên thập tự giá. Chúa phải chịu hình phạt nặng nhất, cái chết đau đớn nhất, để ai tin nhận Ngài dù tội lỗi nặng thế nào cũng sẽ được trả đủ, được xem là vô tội, xưng là công bình trước mặt Đức Chúa Trời. Đến ngày phán xét, khi đến trước mặt Chúa, họ sẽ không phải chịu hình phạt lửa đời đời vì tội phản nghịch như Sa-tan hay điều gì khác, vì Chúa Giê-xu đã chịu thay và trả thay cho họ.

Chúa hứa trời mới đất mới và thân thể mới cho ai yêu mến Ngài (Khải Huyền 21:1-5)

Không chỉ được cứu chuộc khỏi tội lỗi, bởi Chúa là đấng Sáng Tạo toàn năng, Ngài có quyền năng cho họ một thân xác mới mạnh mẽ, đẹp đẽ, bất tử như của Chúa Giê-xu (Phi-líp 3:21, 1 Cô-rinh-tô 15:42-44, 2 Cô-rinh-tô 5:1), cùng sống với Ngài trong trời mới đất mới mà Chúa sẽ tạo dựng cho những ai yêu mến Ngài (Khải Huyền 21:1-5).

Tổng Kết

Đại dịch Cô-vy đã tạo ra một thần mới tại Ấn Độ: nữ thần Cô-rô-na. Kinh hoảng trước dịch bệnh, người dân Ấn Độ đã lập đền thờ nữ thần Cô-rô-na và cầu nguyện dâng lễ vật xin nữ thần thương xót thôi tàn phá, theo kinh nghiệm truyền đời (xem [1]). Điều này thực ra hợp lý vì khi mắc bệnh, tỉ lệ tử vong chỉ là 2%-5%, ai sống sót sẽ có kháng thể miễn dịch. Khi mọi người đều có kháng thể rồi thì dịch sẽ tự khỏi. Vậy nên dịch bệnh rồi sẽ qua, và hơn 95% người sẽ tiếp tục sống và truyền lại kinh nghiệm này cho đời sau.

Việc tạo ra thần tượng, một “thần” để “tượng” trưng cho một quyền năng thế lực nào đó như nữ thần Cô-ro-na, là nhu cầu tín ngưỡng của con người. Họ cần có điều gì đó để tin tưởng ngưỡng trông để đối mặt với các nan đề ngoài tầm kiểm soát của mình trong cuộc sống, như việc thờ phượng thần Cô-rô-na giúp người Ấn Độ có niềm tin, hy vọng và sức mạnh rằng dịch sẽ qua và mình sẽ được may mắn để bình tĩnh sống giữa đại dịch. Tín ngưỡng là có ích về mặt tâm lý như vậy nên con người đâu đâu cũng có tín ngưỡng. Người nào, xã hội nào cũng tôn thờ, tin tưởng, ngưỡng trông những quyền năng nào đó để có định hướng sức mạnh trong cuộc sống. Họ có thể đặt ra hình “thần” “tượng” trưng cho các điều đó để thờ phượng dâng tế, như con bò vàng, nữ thần Cô-rô-na, các thần Hy Lạp, v.v… hay tôn thờ phụng sự cách vô hình như tiền tài, địa vị, quan hệ… Trái tim con người là một cỗ máy tạo thần tượng vì nó luôn cần điều để tin tưởng ngưỡng vọng giữa cuộc sống khó khăn.

Kinh Thánh biết rõ thói quen tạo thần tượng của loài người, nhưng Kinh Thánh chỉ ra Đức Chúa Trời là vị thần chân chính và hằng sống (Giê-rê-mi 10:10), khác với những thần tượng vô tri vô giác mà con người làm ra (Thi Thiên 115:4-8). So với các thần do con người đặt ra như nữ thần Cô-rô-na, Đức Chúa Trời có những khác biệt sau:

  1. Về tín ngưỡng, trái tim con người luôn tìm kiếm các thần tượng, những thế lực quyền năng để trông cậy trước những khó khăn trong cuộc sống. Đức Chúa Trời là chân thần và là đấng quyền năng cao trọng tổng quát nhất. Ngài là chỗ dựa thực sự vững chắc để ta tin cậy ngưỡng trông trong đời.
  2. Về tôn giáo, nhiều thần tượng của loài người chỉ để tôn thờ dâng lễ để được phước, còn Đức Chúa Trời dạy cho dân sự mình đường lối sống tốt nhất. Khi họ sống theo lời Ngài, họ được thịnh vượng. Ngày nay dân biết Lời Chúa, người Cơ Đốc và người Do Thái, đạt 86.5% giải Nobel và 56.1% của cải thế giới dù chỉ chiếm 31.3% dân số (xem 3 và 4) , phần nào chứng thực lời hứa của Kinh Thánh.
  3. Về quan hệ với người tin, thần tượng của loài người không có gắn bó cá nhân với tín đồ mình. Còn Đức Chúa Trời nhận họ là con nuôi, dạy họ gọi mình là cha trên trời, và hứa sẽ luôn ở cùng, nghe lời cầu nguyện, dẫn dắt và dạy dỗ họ.
  4. Về độ tin tưởng của lời dạy, thần tượng của loài người nếu có dạy lẽ sống thì cũng chỉ qua lời truyền miệng của loài người, khiến lời dạy bị biến đổi qua các thế hệ. Rõ nhất là Thích Ca Mâu Ni, từ Nhà Thông Thái Xứ Thích Ca dạy Tứ Diệu Đế Bát Chánh Đạo, học sống đúng nghĩ đúng làm đúng, kiềm chế ham muốn xác thịt, dập tắt lửa lòng (Niết Bàn), sau 1000 năm truyền khẩu trở thành Phật Thích Ca có quyền năng sáng tạo và cứu linh hồn, lật tay hóa Ngũ Hành Sơn nhốt Tôn Ngộ Không và đứng đầu Tây Thiên. Ngược lại, Đức Chúa Trời ghi lại lời Ngài qua Kinh Thánh, gìn giữ nó qua các thế hệ và dùng nó để cải chánh dân sự Ngài mỗi khi hiểu biết về Ngài trở nên quá sai.
  5. Về quyền năng, các thần tượng của loài người chỉ “chuyên” một lĩnh vực nào đó, và “thiêng” ở nơi được tôn thờ, và ‘thua” các thần của các dân mạnh hơn, như thế sức của “họ” lệ thuộc sức dân “họ” vậy. Còn Đức Chúa Trời có quyền năng trên muôn loài vạn vật. Ngài có thể phán xét các thần của Ai Cập, tiêu diệt đội quân A-si-ri và hủy diệt Ba-by-lon là những đế quốc hùng mạnh thời đó, dù dân Ngài chỉ là nhóm người nhỏ yếu đuối ở đó.
  6. Về cộng đồng tín hữu, những người tôn thờ các thần thế gian thường không có quan hệ gắn bó với nhau. Ngược lại, Đức Chúa Trời thiết lập hội thánh với mạng lệnh mọi người phải yêu thương, giúp đỡ, dạy dỗ, mang lấy gánh nặng cho nhau như anh em trong cùng một gia đình, chi thể của cùng một thân.Tiếc là hiếm hội thánh thực sự làm được điều này.
  7. Về lời hứa, hầu hết thần tượng trên thế gian chỉ hứa những điều thuộc thể không đặc biệt lắm, người may mắn và năng lực cũng có thể đạt được. Duy Đức Chúa Trời với quyền năng sáng tạo mới có thể hứa cho ta sự sống đời đời trong thân thể mới nơi trời mới đất mới của Ngài.

Người viết: Richard Huynh

Bài vở cộng tác hoặc góp ý xin gửi về tintuc@hoithanh.com

Tài Liệu Tham Khảo

  1. Vì sao người Ấn Độ thờ ‘nữ thần Corona’ giữa đại dịch?https://vietnamnet.vn/vn/doi-song/chuyen-la/vi-sao-nguo-i-a-n-do-tho-nu-tha-n-corona-giu-a-da-i-di-ch-covid-19-741454.html 
  2. Đặt Chúa Lên Hàng Đầu: 7 Thần Tượng Thời Hiện Đại Có Nguy Cơ Chiếm Lãnh Đời Sống Của Chúng Ta https://hoithanh.com/59560/dat-chua-len-hang-dau-7-than-tuong-thoi-hien-dai-co-nguy-co-chiem-lanh-doi-song-cua-chung-ta.html 
  3. Thống Kê Tôn Giáo Của Những Người Đoạt Giải Nobel Từ 1901 tới 2000 https://commons.wikimedia.org/wiki/File:Religion_of_Nobel_Prize_winners.png
  4. Thống Kê Của Cải Và Tôn Giáo
  5. https://en.wikipedia.org/wiki/Wealth_and_religion
  6. Kinh Thánh nói gì cho chúng ta về 10 đại họa trên Ai Cập
    https://zondervanacademic.com/blog/what-the-bible-tells-us-about-the-10-plagues-of-egypt 
  7. 7 Thần Tượng Thời Hiện Đại Có Nguy Cơ Chiếm Lãnh Đời Sống Của Chúng Ta https://hoithanh.com/59560/dat-chua-len-hang-dau-7-than-tuong-thoi-hien-dai-co-nguy-co-chiem-lanh-doi-song-cua-chung-ta.html 
  8. Từ Nhà Thông Thái Xứ Thích Ca đến Đấng Christ https://bachkhoa.name.vn/2021/04/03/tu-nha-thong-thai-xu-thich-ca-den-dang-christ/ 
  9. 4 Biến Đổi Xã Hội Đầy Quyền Năng Của Cuộc Cải Cách Tin Lành
    https://bachkhoa.name.vn/2021/04/03/bon-bien-doi-xa-hoi-day-quyen-nang-cua-cuoc-cai-cach-tin-lanh/
  10. Cầu nguyện là gì qua cuộc đời thánh Patrick
    https://bachkhoa.name.vn/2021/03/07/cau-nguyen-la-gi-qua-cuoc-doi-thanh-patrick/  
  11. Ba vòng xoay của bánh xe đạo pháp
    https://thuvienhoasen.org/a16774/ba-vong-quay-cua-banh-xe-dao-phap
  12. Vua Virudhaka thảm sát xứ Thích Ca
    https://lotus-happiness.com/historical-events-leading-end-shakyas-clan/

Bình Luận:

You may also like