Home Dưỡng Linh Radio Mana Thuộc Linh – Phần 166: Đôi Cánh Hay Gánh Nặng

Radio Mana Thuộc Linh – Phần 166: Đôi Cánh Hay Gánh Nặng

by Radio Mana Thuộc Linh
30 đọc

Kinh thánh: Ma-thi-ơ 23:1-4

1 Bấy giờ Đức Chúa Jêsus phán cùng dân chúng và môn đồ Ngài rằng: 2 Các thầy thông giáo và người Pha-ri-si đều ngồi trên ngôi của Môi-se. 3 Vậy, hãy làm và giữ theo mọi điều họ đã bảo các ngươi; nhưng đừng bắt chước việc làm của họ, vì họ nói mà không làm. 4 Bọn ấy buộc những gánh nặng khó chịu, để trên vai người ta, còn mình thì không muốn động ngón tay vào.

Lời ngỏ

Chúng ta không còn xa lạ với hình ảnh tượng trưng cho người Việt Nam trong sách giáo khoa nước ngoài. Đó là hình ảnh về một người đàn ông trên vai là một gánh lúa vàng, hay người phụ nữ đội nón lá với gánh trái cây, hoa quả. Thật ra, đó là hình ảnh của những người cha, người mẹ. Cha mẹ đã vất vả với những gánh nặng để có đủ miếng cơm manh áo nuôi đàn con thơ ăn học nên người. Họ đã làm mọi sự để chắp cánh ước mơ cho những đứa con của mình. Đôi cánh đó mang những hoài bão lớn, và là tương lai tươi sáng cho gia đình, quê hương, đất nước.

Nếu bậc cha mẹ gán cho những đứa con thơ của mình những đôi gánh nặng nhọc quá sớm mà không cho chúng ăn học nên người thì giống như đang cướp lấy những đôi cánh ước mơ của chúng. Nếu vì một số lý do mà cha mẹ suốt ngày say sưa rượu chè, mê đắm trong cờ bạc, ăn chơi quá mức, hay chạy đua học đòi trưởng giả làm sang vì sĩ diện hão thì tương lai của con cái thường chịu vất vả, mang nhiều gánh nặng bởi hậu quả của cha mẹ .

Tương tự nếu những nhà lãnh đạo chính trị, những nhà lãnh đạo tôn giáo, những người thầy cô, những nhà đầu tư cũng xem người dân, giáo dân, đệ tử, người làm công như đối tượng để bòn rút, bóc lột, trút tất cả gánh nặng, công việc nặng nhọc lên họ cũng sẽ mang tới những hậu quả như vậy.

Trong phân đoạn Kinh thánh này, Đức Chúa Giê-xu bày tỏ những thầy thông giáo và người Pha-ri-si từng được giáo dân tôn trọng và gọi là giới tinh hoa trong Do thái giáo, là những nhà lãnh đạo thuộc linh nhưng đã không làm đúng trách nhiệm được giao phó. Những lời dạy của họ phần lớn là những lời được trích dẫn từ luật pháp của Chúa nên dân chúng phải tuân thủ. Vì luật pháp này đã được Đức Chúa Trời trao vào tay của nhà lãnh đạo Môi-se trong thời đầu lập quốc, nên vẫn luôn có giá trị và đáng phải noi theo. Những nhà lãnh đạo này tự nhận mình là giai tầng được thừa kế ngôi vị của Môi-se trong việc nghiên cứu những luật lệ này và truyền lại cho dân chúng nhưng họ không tuân thủ theo đúng luật pháp Chúa dạy.

Thêm vào đó, những nhà lãnh đạo tôn giáo Do thái, đứng đầu là thầy thông giáo, thầy tế lễ, người Pha-ri-si theo chủ nghĩa cực đoan, đã cố tình tạo ra những giáo thuyết khắt khe những định luật chi tiết, những quy tắc cứng nhắc cùng với những trách nhiệm nặng nề không hề có trong luật pháp của Chúa để ép buộc giáo dân phải nghe và làm theo. Những điều đó gọi là “luật truyền khẩu của người xưa”, hay những “luật lệ truyền miệng” là điều hoàn toàn do những con người tự đặt ra chứ không phải do Chúa dạy bảo. Họ cố tình đặt ra những điều lệ bất kính, bất nhân so với lời Chúa. Và họ cho rằng bản thân mình được miễn trừ, còn lại những người dân thường, những giáo dân bình thường là những người không am tường luật pháp bị giao cho những gánh nặng, trọng trách và áp lực phải thi hành đúng luật lệ. Nếu người dân không chịu làm theo thì bị phạt về tài chính, chịu nhiều tai tiếng, hay nặng hơn là bị loại bỏ khỏi đời sống cộng đồng. Đó là một hình phạt rất nặng, giống như tù chung thân, hay bắt đi lưu vong đến nơi xa lạ để cắt đứt mối giao thông với gia đình, người thân và cộng đồng.

Chẳng hạn như luật pháp của Chúa phán dặn mọi người phải đặt ưu tiên việc hiếu kính cha mẹ lên hàng đầu trong việc đối nhân xử thế. Nhưng những thầy thông giáo và thầy tế lễ cho rằng mình đã dâng mình cho Chúa rồi nên không còn có bổn phận hiếu kính nữa. Những người Pha-ri-si và quan lại cho rằng mình là nhà lãnh đạo tôn giáo và đất nước nên được miễn bổn phận phụng dưỡng bố mẹ. Đó không chỉ là sai lầm trong sự hiểu biết về luật pháp Chúa, mà còn cưỡng giải theo ý riêng để né tránh bổn phận và trách nhiệm mà đáng lẽ họ phải làm gương.

Trong khi đó hễ người nào nhận thấy sự sai lầm của luật lệ họ đặt ra, và kêu gọi quay trở về để làm đúng theo luật pháp của Chúa, thì lại bị họ cho là kẻ gây rối, phản động và lôi ra để ném đá. Chẳng hạn như trường hợp của Giăng Báp-tít đã ngăn cản vua Hê-rốt phạm tội tà dâm vì cướp vợ của em trai mình, thì bị cầm tù và chém đầu. Hay chấp sự Ê-tiên và những người tin theo Chúa Giê-xu đã kêu gọi hãy ăn năn tội lỗi và trở về cùng Chúa trong sự xưng công bình bởi đức tin, thì bị xem là kẻ gây rối và bị ném đá cho đến chết.

Vì vậy, khi Cơ đốc nhân chúng ta bằng lòng trở lại cùng Chúa nhờ Đức Chúa Giê-xu thì không được mắc phải những sai lầm tương tự như những thầy thông giáo và người Pha-ri-si. Chúng ta phải có kết quả xứng đáng với sự ăn năn như lời kêu gọi của Giăng Báp-tít. Nếu chúng ta là những nhà lãnh đạo đất nước thì hãy gánh những trọng trách lớn trước mặt Chúa để kính sợ Chúa mà yêu thương dân sự; đó là dám nói điều công bình theo luật pháp và sẵn sàng hy sinh để thực hiện trọn trách nhiệm trong nhiệm kỳ của mình. Nếu chúng ta là những nhà lãnh đạo tôn giáo thì hãy gánh những trọng trách thuộc linh để trình dâng cho Đức Chúa Trời, cầu xin Ngài đoái xem và hướng dẫn phương cách giải quyết nan đề thuộc linh trong vòng con dân Chúa vô tình hay cố ý mắc phải.

Nếu chúng ta là người ông người bà, người cha người mẹ trong gia đình thì hãy nhờ ơn Chúa mà sẵn sàng chịu gánh vác những trọng trách để yêu thương và nuôi dạy con cái mình theo con đường Chúa dạy. Đó không chỉ là trọng trách cung cấp nhu cầu vật chất đủ cho con cái mình ăn học nên người; mà còn là trách nhiệm hướng dẫn và dạy dỗ con cái mình trong đường tin kính Chúa và tìm cầu Ngài trong mọi việc. Chúng ta phải sống làm gương mẫu tốt trong đời sống thuộc linh với vai trò chắp đôi cánh yêu thương và khải tượng cho con cháu mình.

Kết luận

Đức Chúa Trời đã giao phó cho chúng ta những điều răn và phước hạnh cùng với những điều Ngài ban. Chúng ta là những người lãnh đạo trong gia đình, hay trong cộng động lớn nhỏ khác nhau, hãy nhận lấy trọng trách và gánh nặng này hầu có thể giúp thế hệ kế tiếp sớm thấy khải tượng và thực hiện được những ước mơ là chương trình tốt đẹp Chúa dành cho. Đừng nói mà không làm. Cũng đừng thêm những quy tắc khắt khe mà mình không thể làm cho những thế hệ kế tiếp; nhưng hãy yêu thương với tình yêu từ Chúa ban cho, và cùng Chúa Giê-xu đứng ra gánh vác những trách nhiệm thuộc linh để tạo điều kiện chắp cánh khải tượng cho thế hệ tương lai của Hội thánh và của dân tộc mình.

Cầu nguyện:

Lạy Chúa,

Nguyện cầu Chúa Giê-xu đã đến thế gian để kêu gọi hỡi những kẻ mệt mỏi và gánh nặng hãy đến cùng Ngài để được an nghỉ và chắp cánh ước mơ; xin đón nhận chúng con là những người đang mệt mỏi và cảm thấy nặng gánh trên cuộc đời này. Chúng con xin ăn năn tội lỗi mình, lời nói đã chưa thành hiện thực bởi chúng con chỉ theo đuổi lý tưởng của con người mà không phải lý tưởng của Chúa. Nguyện xin Chúa cho chúng con thấm nhuần lời Chúa để khi nói và hành động đều được sự xức dầu của Ngài, và nhờ sức lực thuộc linh từ Cha ban cho để làm thành kế hoạch mà Ngài bày tỏ cho chúng con thông qua Lời hằng sống của Ngài.

Nhân danh Cứu Chúa Giê-xu. Amen.


Viết bởi Thiên Gia Vĩnh

Nguồn: Radiomanavn.blogspot.com

Bài vở cộng tác hoặc góp ý xin gửi về tintuc@hoithanh.com

Bình Luận:

You may also like