Home Chuyên Đề Các Nhà Khảo Cổ Tuyên Bố Tìm Thấy Văn Bản Tiếng Do Thái Cổ Nhất Ở Israel, Bao Gồm Cả Danh Xưng Của Đức Chúa Trời

Các Nhà Khảo Cổ Tuyên Bố Tìm Thấy Văn Bản Tiếng Do Thái Cổ Nhất Ở Israel, Bao Gồm Cả Danh Xưng Của Đức Chúa Trời

by Sưu Tầm
30 đọc

Tiến sĩ khảo cổ học Scott Stripling và một nhóm các học giả quốc tế đã tổ chức một cuộc họp báo vào hôm thứ Năm (ngày 24 tháng 03) tại Houston, Texas, công bố những gì mà ông cho là bản chữ cái đầu tiên của tiếng Do Thái cổ—bao gồm danh xưng của Đức Chúa Trời, “YHWH”—từng được phát hiện ở Israel cổ đại. Văn bản này được tìm thấy ở Núi Ê-banh, được biết đến từ Phục-truyền Luật-lệ Ký 11:29 như một ngọn núi của sự nguyền rủa.

Nếu niên đại của Thời-đại Đồ-đồng muộn (khoảng năm 1200 trước Chúa) đã được xác minh, thì “bản khắc lời nguyền” nhỏ xíu, kích thước 2cm x 2cm này có thể là một trong những khám phá khảo cổ học vĩ đại nhất từ trước đến nay. Đây sẽ là lần đầu tiên việc sử dụng danh Chúa tại vùng đất của Israel được chứng thực và quay ngược thời gian để chứng minh người Y-sơ-ra-ên đã có chữ viết trong vài thế kỷ—cho thấy rằng người Y-sơ-ra-ên đã biết chữ khi họ vào Đất Thánh, và do đó có thể họ đã viết Kinh Thánh như một cách để ghi lại một số sự kiện đã xảy ra.

Đây là văn bản 1.000 năm có một,” Giáo-sư Gershon Galil của Đại-học Haifa nói với The Times of Israel hôm thứ Năm. Galil đã giúp giải mã nội dung ẩn bên trong của bản khắc chì dựa trên phương pháp quét chụp cắt lớp được thực hiện ở Prague tại Học-viện Khoa-học Cộng-hòa Séc.

Dựa trên phân tích về các bản quét và phân tích chì của hiện vật, Stripling và nhóm của mình xác định niên đại của bản khắc là vào cuối Thời-đại Đồ-đồng, trước hoặc khoảng năm 1200 trước Chúa. Theo đó đây chính là văn bản cổ xưa hơn hàng thế kỷ so với văn bản trước đó được ghi nhận là văn bản tiếng Do Thái cổ nhất ở Israel. Danh Chúa ở đây cũng sớm hơn 500 năm tuổi so với phát hiện trước đây về danh “YHWH” đã được chứng thực trước đó. Chữ viết từ một bảng chữ cái tương tự đã được phát hiện ở bán đảo Si-nai có niên đại vào đầu thế kỷ 16 TCN.

Tuy nhiên, các nhà nghiên cứu vẫn chưa công bố phát hiện này trên một tạp chí dành cho các nhà phê bình. Tương tự như vậy, họ vẫn chưa công bố những hình ảnh rõ ràng và bản quét của dòng chữ để các học giả khác cân nhắc.

Thách thức trong việc xác định niên đại an toàn của vật thể là trên thực tế bản khắc này không được phát hiện trong bối cảnh phân tầng được khai quật cẩn thận. Thay vào đó, nó được tìm thấy trong một cuộc kiểm tra lại phần đất đã đào lên vào ăm 2019 từ một đống rác thải được hình thành trong cuộc khai quật những năm 1980 tại Núi Ê-banh dưới sự chỉ đạo của Giáo-sư Adam Zertal. Sau đó, đất đã được phơi khô và sàng sảy rồi vào năm 2019, nhóm của Stripling đã sàng lọc lại bằng kỹ thuật sàng ướt được phát triển tại Dự-án sàng lọc Núi Đền, nơi Stripling từng làm việc. Stripling hiện lãnh đạo các cuộc khai quật đang diễn ra tại địa điểm gọi là  Si-lô trong Kinh Thánh.

Các nhà khảo cổ khi được The Times of Israel tiếp cận đã không sẵn lòng bình luận về những ghi chép của họ cho đến khi xem xét bản quét và tài liệu nghiên cứu đầy triển vọng sẽ ra mắt trong thời gian sắp tới.

“Có một chút sai lầm khi thực tế là họ đã cho đăng trên tin tức trước khi giới khoa học công nhận và đồng ý cho xuất bản,” một học giả cho biết. Một người khác cảnh báo rằng vì anh không thể tự mình xem dòng chữ, nên không thể biết liệu những tuyên bố đó là sự thật hay là một trường hợp của “trí tưởng tượng thái quá”.

Tuy nhiên, cả hai người hoài nghi đều nói rằng “mọi thứ đều có thể xảy ra” và “điều đó có thể hợp lệ”, mặc dù hình ảnh vẫn chưa được công bố.

Mặc dù việc quảng bá một nghiên cứu chưa được xuất bản trên tạp chí học thuật là không thường xảy ra, Galil lưu ý rằng nhóm cảm thấy có nghĩa vụ phải chia sẻ tin tức về sự tồn tại của bản khắc này và những phát hiện ban đầu của họ vì khả năng thay đổi lịch sử của nó.

Một bản khắc lời nguyền trên ngọn núi của sự nguyền rủa

Bản khắc lời nguyền được phát hiện trong đất, ban đầu được lấy từ một địa điểm thờ tự ở Núi Ê-banh, gần Si-chem trong Kinh Thánh và ngày nay là Nablus. Núi Ê-banh xuất hiện trong Phục-truyền Luật-lệ Ký 11:29 như một nơi của “những lời nguyền rủa” và được một số Cơ-đốc nhân và người Do Thái tôn kính là nơi mà Giô-suê trong Kinh Thánh đã xây dựng một bàn thờ theo mạng lệnh đã ban ra trong Phục-truyền Luật-lệ Ký 27. Bàn thờ này được mô tả trong Giô-suê 8:31 là “một bàn thờ bằng đá nguyên khối, sắt chưa đụng đến. ”

Địa điểm được người dân địa phương gọi là “Al-Burnat” hay “mũ chóp” trong tiếng Ả Rập và được các nhà khảo cổ học coi là một minh họa cực kỳ hiếm và quan trọng về sự định cư của người Israel thời kỳ đầu. Đây là phát hiện duy nhất trong khu vực. Các nhà khảo cổ nhất trí xác định niên đại của địa điểm thờ tự này rõ ràng là vào đầu Thời-kỳ Đồ-sắt, vào khoảng thế kỷ 11 TCN, hoặc khi dân Y-sơ-ra-ên bắt đầu định cư trong xứ Ca-na-an. Các nhà khảo cổ học khác thì đẩy niên đại đó trở lại thế kỷ 12 hoặc cuối Thời-đại Đồ-đồng.

default

Giáo-sư Israel Finkelstein, một trong những nhà nghiên cứu hàng đầu thế giới về định cư Thời-kỳ Đồ-sắt trong khu vực cho biết: “Đây là một địa điểm quan trọng, thuộc về làn sóng định cư ở vùng cao nguyên trong giai đoạn đầu của Thời-kỳ Đồ-sắt.” Finkelstein nói với The Times of Israel vào tháng 2 năm 2021 khi có cáo buộc rằng Núi Ê-banh đang bị phá hủy bởi các thị trấn Ả Rập địa phương trong quá trình xây dựng một con đường.

Theo như tôi có thể đánh giá, nó có niên đại từ thế kỷ 11 TCN. Như vậy, điều này có thể được hiểu là đại diện cho các nhóm người đã thành lập nên Vương-quốc Y-sơ-ra-ên (Vương-quốc phía Bắc) vào thế kỷ thứ 10 TCN. Nói cách khác, đây là một địa điểm của Y-sơ-ra-ên xưa, ” ông nói với The Times of Israel.

Cố Giáo-sư của Đại-học Haifa, Zertal, đã khai quật địa điểm này vào những năm 1980, bao gồm một bàn thờ hình chữ nhật lớn được xây dựng trên một bàn thờ tròn trước đó. Stripling cho biết bản khắc này được tìm thấy từ đống đất ban đầu được khai quật từ bàn thờ tròn này.

Ngay khi tôi nhìn thấy nó [bản khắc], tôi đã biết nó là gì vì những bản khắc lời nguyền này đã được biết đến. Trái tim tôi gần như nhảy ra khỏi lồng ngực,” Stripling nói.

Ngoài thực tế về một bản khắc bằng tiếng Do Thái cổ— nếu không muốn nói là cổ nhất—được tìm thấy ở vùng đất của Israel, Galil nói với The Times of Israel rằng điều này sẽ giúp chấm dứt cuộc thảo luận học thuật đang diễn ra về việc liệu người Y-sơ-ra-ên ngày xưa có biết chữ hay không.

Galil nói, “Chúng ta biết rằng ngay từ khi vào Xứ Hứa, dân Y-sơ-ra-ên đã biết viết, kể cả danh của Đức Chúa Trời. Điều đó không quá ngạc nhiên; người ta đã biết viết từ trước đó rồi,” ông nói thêm.

Bản quét được đọc bởi Galil và Pieter Gert van der Veen của Đại-học Johannes Gutenberg. Nói với The Times of Israel, Stripling cho biết bài đọc bao gồm các từ “arur” (bị nguyền rủa) và “YHWH” (bao gồm ba chữ cái chính của danh Chúa trong tiếng Hê-bơ-rơ).

Chúng tôi đã khôi phục được 40 chữ cái, 40 chữ cái ở bên trong và bên ngoài bản khắc. Và tất cả chúng đều nằm trong hệ thống chữ cái cổ xưa có từ Thời-kỳ Đồ-đồng muộn này, ” Stripling nói.

Galil nói với tờ The Times of Israel rằng văn bản này phần lớn được viết bằng hệ thống chữ của người Ca-na-an cổ xưa, với một số chữ tượng hình. Niên đại mới nhất theo phân tích đồ họa là vào khoảng thế kỷ 12, trong khi một số còn có niên đại sớm hơn.

Ông cho rằng phần lớn văn bản bằng tiếng Do Thái được người Y-sơ-ra-ên viết như một văn bản pháp lý nội bộ, một dạng khế ước xã hội, cảnh báo người theo hợp đồng điều gì sẽ xảy ra nếu anh ta không hoàn thành nghĩa vụ của mình.

Theo các nhà nghiên cứu, những chữ trên bản khắc đó đọc ra là: “Đáng rủa sả thay, đáng rủa sả thay, đáng rủa sả thay – Chúa YHW nguyền rủa ngươi / Ngươi sẽ chết vì bị nguyền rủa. Khi bị nguyền rủa ngươi chắc chắn sẽ chết. / Bị nguyền rủa bởi YHW – đáng rủa sả thay, đáng rủa sả thay, đáng rủa sả thay.

Galil cho biết cấu trúc vòng lặp song song này được tìm thấy ở những nơi khác trong Kinh Thánh, cũng như trong các văn bản của khu vực Cận Đông khác vào thời kỳ đó và thậm chí là trước đó. Nhưng cho đến nay, các nhà nghiên cứu vẫn cho rằng Kinh Thánh chỉ được viết ra—chứ không phải là sáng tác—hàng trăm năm sau khi xác định niên đại của văn bản này.

Bây giờ chúng ta thấy rằng ai đó có thể viết theo kiểu cấu trúc vòng này” vào thế kỷ 12 TCN. Ông nói, không nên bàn về việc liệu dân Y-sơ-ra-ên có biết chữ vào thời Vua Đa-vít hay không.

Người viết văn bản này có khả năng viết mọi văn bản khác trong Kinh Thánh,” Galil nhấn mạnh.

Dịch: Eunice Tu

Nguồn: timesofisrael.com

Bài vở cộng tác hoặc góp ý xin gửi về tintuc@hoithanh.com

Bình Luận:

You may also like