Home Dưỡng Linh Nhận Biết Chúa – Phần 8: Chánh Niệm Của Cơ Đốc Nhân

Nhận Biết Chúa – Phần 8: Chánh Niệm Của Cơ Đốc Nhân

by AdrianChua
30 đọc

Trong thời hiện đại, nhiều người chúng ta đang bị cuốn vào một một lối sống có cường độ cao, căng thẳng và mất tập trung. Tâm trí của chúng ta thường bị sao lãng bởi nỗi đau của quá khứ hoặc những lo nghĩ về tương lai, dẫn đến căng thẳng, lo lắng không cần thiết và thậm chí là trầm cảm. Do đó, lo âu và trầm cảm mãn tính đang trở thành một đại dịch văn hóa. Và thật là bi thảm, ngay cả trong vòng các Cơ-đốc nhân, nhiều người cũng không nhận thức được một cách tỉnh táo và tiếp tục lao vào cuộc sống một cách thiếu suy xét, không nhận ra mình có thể là nạn nhân tiếp theo.

Định nghĩa về Chánh Niệm

Chánh niệm là một thuật ngữ được sử dụng để mô tả một phương pháp giúp tự tra xét những suy nghĩ, cảm xúc, cảm giác thể chất và tình cảm của một người. Nói một cách dễ hiểu, đó là một kỹ thuật thiền định bao gồm việc làm dịu tâm trí và nhận thức về cơ thể cũng như môi trường xung quanh chúng ta. Mục đích là để kiểm soát những suy nghĩ và cảm xúc mà không bị phản ứng quá mức hoặc bị hoàn cảnh lấn át. Việc thực hành này cho phép một người chỉ “ở” trong thời điểm hiện tại và không bị phân tâm bởi dòng suy nghĩ dồn dập liên tục.

Lý thuyết nói rằng khi chúng ta lưu tâm đến hiện tại, chúng ta có thể tránh được những cạm bẫy khi để cho quá khứ hoặc tương lai cướp mất của chúng ta cuộc sống hiện tại và không thể tận hưởng khoảnh khắc này. Một số người sử dụng các từ chánh định, tỉnh thức hoặc giác ngộ thay thế cho thuật ngữ này.

Theo các nhà tâm lý học, “Chánh niệm” được định nghĩa tốt nhất là một trạng thái tinh thần và cảm xúc cho phép chúng ta có phản ứng thận trọng nhất trong bất kỳ tình huống nào. Đó không phải phản ứng thái quá; đúng hơn thì, đó là hành động có suy xét. Điều này ngược lại với sự mất kiểm soát.

Nguồn gốc của chánh niệm

Trước giờ, chánh niệm luôn được liên kết với Phật giáo hoặc Ấn Độ giáo. Tuy nhiên, vì điều này đã được thực hành hàng ngàn năm, và không được ghi lại trong bất kỳ văn bản cổ của tôn giáo cụ thể nào, nên rất khó để xác định nguồn gốc ban đầu.

Chánh niệm đã được thực hành ở thế giới phương Tây trong 40 năm qua nhờ chương trình Giảm Căng Thẳng dựa trên việc thực hành Chánh Niệm (MBSR) của Jon Kabat-Zinn được phổ biến tại Đại-học Y Massachusetts trong những năm 1970. Kể từ thời điểm đó, hàng trăm nghiên cứu đã ghi nhận những lợi ích về sức khỏe tinh thần của việc thực hành chánh niệm. Nó giúp cải thiện sự chú ý, giảm căng thẳng và lo âu, cải thiện điều hòa cảm xúc và kiểm soát xung động, giúp giảm đau mãn tính, đồng thời nâng cao sự đồng cảm và lòng trắc ẩn. Một số nghiên cứu đầy hứa hẹn thậm chí còn chỉ ra rằng nó có thể có hiệu quả tương tự như thuốc ngăn ngừa tái phát trầm cảm. Những kết quả tích cực cụ thể này đã thúc đẩy sự phát triển của việc thực hành chánh niệm trong nhiều cơ sở y tế như một phương pháp có lợi cho sức khỏe tinh thần.

Kết quả từ quá trình làm việc nghiêm túc của anh ấy và công tác của những người khác, chúng ta thấy cách thực hành chánh niệm có thể thay đổi não bộ ở mức độ hóa học, và cuối cùng là cả mặt giải phẫu học, giúp giảm các triệu chứng lo âu và trầm cảm. Kể từ đó, chánh niệm đã thực hiện một bước chuyển đổi mạnh mẽ – từ tâm linh sang tâm lý học. Trong những năm gần đây, các nghiên cứu khoa học cũng khẳng định rằng thực hành chánh niệm rất tốt cho cơ thể và tâm hồn.

Cơ-đốc nhân có thể thực hành chánh niệm không?

Tôi thích những gì mà Dallas Willard đã nói, “Chỉ vì những người theo đạo Hindu ăn sáng không có nghĩa đó là điều xấu.” Theo tôi, chánh niệm có thể là phi tôn giáo. Tuy nhiên, Cơ-đốc nhân có thể thực hành chánh niệm một cách an toàn mà không đi vào lối mòn tâm linh sai trật chăng? Liệu đức tin Cơ-đốc có thể chấp nhận được sự thực hành này và kết hợp nó vào việc kỷ luật thuộc linh của chúng ta để nâng cao bước đi của chúng ta với Đức Chúa Trời và cho phép chúng ta biến đổi để ngày càng trở nên giống như Đấng Christ không?

Chúng ta có đang lưu tâm đến Đức Chúa Trời?

Ê-sai 17:10 – “Vì ngươi đã quên Đức Chúa Trời của sự cứu rỗi ngươi, không nhớ đến Vầng Đá trú ẩn của ngươi. Cho nên dù ngươi trồng vườn cây tốt nhất, lại ươm mầm giống nho ngoại quốc; Trong ngày ngươi trồng, ngươi thấy nó lớn lên, vào một buổi sáng, hạt giống đâm chồi nở hoa; Nhưng trong ngày buồn rầu đau đớn thì mùa màng mất hết!

Ở đây, Đức Chúa Trời phán với dân Ngài không phải trong tình yêu thương mà trong sự phật ý, vì họ đã sa sút, tâm linh họ ngủ mê và không lưu tâm đến Ngài là “Đức Chúa Trời của sự cứu rỗi họ” và “Vầng Đá trú ẩn của họ”. Kết quả là, họ đã gặt hái những hậu quả đau đớn – Chúa khiến công việc lao khổ của họ trở nên luống công.

2 Phi-e-rơ 3:1-2 – “Thưa anh em yêu dấu, đây là thư thứ hai tôi viết cho anh em. Trong cả hai thư, tôi đều nhắc nhở để khơi dậy trong anh em một tâm trí chân thực, để khắc ghi những lời tiên báo của các nhà tiên tri thánh cũng như những điều răn của Chúa và Cứu Chúa chúng ta do các sứ đồ truyền lại…

Từ hai câu Kinh Thánh này, chúng ta thực sự được khuyên là hãy lưu tâm, hãy nhớ đến ân điển cứu rỗi và sự bảo vệ của Ngài, lưu tâm đến đường lối của Ngài và đặc biệt là Lời Ngài. Có thể nào Sa-tan đang sử dụng thế giới quan về chánh niệm để cướp đi công tác biến đổi của Chúa Giê-xu Christ?

Chánh niệm theo chiều ngang so với chiều dọc

Chánh niệm thế tục mang tính cá nhân và theo chiều ngang, tập trung và chỉ chú ý đến bản thân mình. Tuy nhiên, chánh niệm Cơ-đốc là theo chiều dọc: chúng ta đang tập chú vào Đức Chúa Trời và mối quan hệ của chúng ta với Ngài. Đây là điều làm cho chánh niệm của Cơ-đốc nhân trở nên hoàn toàn độc đáo.

Nhiều Cơ-đốc nhân than thở về sự sao lãng trong đời sống cầu nguyện của mình. Tâm trí của chúng ta dường như dễ dàng bị xâm chiếm bởi những nhiệm vụ không thể hoàn thành hoặc chỉ đơn giản là lo lắng một cách thái quá. Kẻ thù muốn khiến chúng ta mất tập trung vì sự sao lãng khiến tâm trí chúng ta luôn lo lắng, căng thẳng và do đó khiến chúng ta dễ bị cám dỗ. Thực hành chánh niệm có thể giúp chúng ta tập trung trong thời gian cầu nguyện và chống lại những kiểu suy nghĩ gây lo lắng.

Chánh niệm, tự bản thân nó là một công cụ mạnh mẽ trong tâm lý học, nhưng nó trở nên đặc biệt mạnh mẽ khi được kết hợp với đức tin Cơ-đốc vì nó giúp chúng ta có được mối liên hệ thiêng liêng và giúp chúng ta trải nghiệm sự hiện diện của Đức Chúa Trời một cách sâu sắc và tươi mới.

Dịch: Eunice Tu

Nguồn: Adrian Chua

Bài vở cộng tác hoặc góp ý xin gửi về tintuc@hoithanh.com

Bình Luận:

You may also like