Home Chuyên Đề Israel Phát Hiện Ra Dòng Chữ 3.500 Năm Tuổi Từ Vùng Đất Ca-na-an Trong Kinh Thánh

Israel Phát Hiện Ra Dòng Chữ 3.500 Năm Tuổi Từ Vùng Đất Ca-na-an Trong Kinh Thánh

by Sưu Tầm
30 đọc

Một dòng chữ 3.500 năm tuổi được khai quật gần đây ở Tel Lachish là văn bản cổ nhất từng được tìm thấy ở Israel cung cấp những hiểu biết sâu sắc chưa từng có về sự phát triển của các bảng chữ cái đầu tiên, một nghiên cứu được công bố trên tạp chí Antiquity hôm 15/4/2021.

Dòng chữ, là sự kết hợp của sáu chữ cái chia thành hai dòng riêng biệt, được khắc trên một món đồ gốm được tìm thấy tại địa điểm khai quật nằm ở vùng Shephelah, miền trung nam Israel.

Hiện vật được phát hiện vào năm 2018 trong cuộc khai quật do Viện Khảo-cổ học Áo tại Học-viện Khoa-học Áo tiến hành.

Cuộc khai quật của chúng tôi bắt đầu vào năm 2017,” Tiến sĩ Felix Höflmayer, tác giả chính của bài báo và đồng giám đốc của cuộc khai quật tại Tel Lachish cho biết. “Chúng tôi đang tìm kiếm chuỗi các-bon phóng xạ để xác định quá trình chuyển đổi từ giữa đến cuối thời đại đồ đồng.

Tel Lachish (La-ki trong Kinh Thánh) là một trong những địa điểm khảo cổ quan trọng nhất ở Israel. Trong thời kỳ đó – khoảng giữa thiên niên kỷ thứ 2 TCN – nơi này là trung tâm của người Ca-na-an.

Thành phố này cũng được nhắc đến nhiều lần trong Kinh Thánh. Theo Sách Giô-suê, dân Y-sơ-ra-ên đã phá hủy nó khi họ chinh phục Xứ Y-sơ-ra-ên vào cuối hành trình lang thang trong đồng vắng sau cuộc Xuất-hành khỏi Ai Cập.

Lachish sau đó đã trở thành một thành phố quan trọng của người Y-sơ-ra-ên trong Vương-quốc Giu-đa, cho đến khi bị người A-si-ri phá hủy vào thế kỷ thứ 7 TCN.

Bản khắc có niên đại được xác định rất chính xác là cách đây 3.500 năm, nhờ vào rất nhiều mẫu hữu cơ được thu thập cùng với nó, chẳng hạn như hạt giống, cho phép các nhà nghiên cứu xác định niên đại bằng phương pháp các-bon phóng xạ.

Höflmayer giải thích, “Một dòng chữ khác được tìm thấy vào những năm 1930, mà một số người tin rằng có thể có từ 100 năm trước, nhưng vì nó được khai quật cách đây rất lâu, nên không thể xác định niên đại bằng phương pháp các-bon phóng xạ. Hơn nữa, nhiều chuyên gia nghi ngờ về hệ thống chữ cái được sử dụng.

Phát hiện mới đặc biệt có ý nghĩa vì nó thu hẹp khoảng cách giữa những bằng chứng sớm nhất về hệ thống chữ cái được phát hiện ở vùng Si-na-i và những bằng chứng gần đây hơn về bảng chữ cái Xê-mít (một hệ ngôn ngữ bắt nguồn từ Trung Đông).

Ông nói, “Chúng ta biết rằng bảng chữ cái đầu tiên được phát minh ở Si-na-i vào khoảng thế kỷ 19 TCN. Nó xuất hiện trở lại muộn hơn nhiều ở miền nam Levant (các quốc gia tiếp giáp  phía đông Địa Trung Hải), chỉ vào khoảng thế kỷ 13 và 12, nhưng chúng tôi không có manh mối nào về những gì đã xảy ra giữa hai thời kỳ này.”

Trước khi phát hiện ra dòng chữ, các chuyên gia tin rằng chữ viết có thể đã được người Ai Cập mang đến Levant, vì các nhà khảo cổ thường đề cập đến một khu vực bao gồm Israel hiện đại, lãnh thổ Palestine, một phần của Lebanon và Jordan.

Höflmayer cho biết, “Vào cuối thời đại đồ đồng, từ năm 1550 đến năm 1200 TCN, khu vực này nằm dưới quyền của đế chế Ai Cập. Người Ai Cập đã áp đặt hệ thống hành chính và chữ viết của riêng họ, và nhiều chuyên gia cho rằng bảng chữ cái ban đầu có thể đã được giới thiệu trong bối cảnh này. Nhưng bây giờ chúng ta có thể thấy rằng nó đã được sử dụng ít nhất là vào thế kỷ 15 TCN, khi chưa có sự thống trị quy mô lớn như vậy của Ai Cập.

Höflmayer nói rằng mặc dù các chữ cái được nhận diện trên mảnh gốm vỡ và cấu tạo của các chữ có thể nghe quen thuộc với người nói tiếng Do Thái hiện đại, nhưng đây không phải là bảng chữ cái tiếng Do Thái, mà là bảng chữ cái mà từ đó tiếng Do Thái sẽ phát triển hàng thế kỷ sau.

Dòng chữ này có các chữ cái mà các nhà nghiên cứu xác định là ayin, bet và daled, (e-v-d) tạo thành một từ có thể là “eved” – mà vào thời đó, cũng như trong tiếng Do Thái hiện đại, có nghĩa là “nô lệ”. Từ thứ hai được giải mã trên mảnh gốm vỡ nhìn giống như chữ nun-peh-tav, (n-p-t) hay “rượu ngon.”

Tất cả các bảng chữ cái đã phần nào phát triển từ chữ tượng hình, chữ Phoenicia, chữ Do Thái, chữ Hy Lạp, chữ La-tinh, v.v.”, Höflmayer nói. “Bây giờ chúng ta biết rằng bảng chữ cái đã không được đưa đến Levant bởi sự cai trị của người Ai Cập. Mặc dù chúng tôi không thể thực sự giải thích điều đó đã xảy ra như thế nào, nhưng chúng tôi có thể nói rằng nó xuất hiện sớm hơn nhiều và trong những hoàn cảnh xã hội khác nhau.”

Dịch: Eunice Tu

Nguồn: jpost.com

Bài vở cộng tác hoặc góp ý xin gửi về tintuc@hoithanh.com

Bình Luận:

You may also like