Home Chuyên Đề Sự Nổi Lên Trở Lại Của Ba-anh

Sự Nổi Lên Trở Lại Của Ba-anh

by Oneforisrael.org
30 đọc

Ba-anh là một thần của dân ngoại – và đôi khi được cả dân Y-sơ-ra-ên tôn thờ – ở Trung Đông. Tên này được hiểu là “chủ sở hữu” và cũng có nghĩa là “chồng” trong tiếng Do Thái. Đức Chúa Trời của Y-sơ-ra-ên đã có một cuộc đọ sức đầy kịch tính với các thầy tế lễ của Ba-anh trên núi Cạt-mên vào thời Ê-li, nhưng mặc dù Đức Chúa Trời đã chiến thắng một cách vang dội, sức hấp dẫn của Ba-anh vẫn không vì thế mà giảm đi trong lòng những kẻ thờ lạy hắn.

Câu chuyện của Ghê-đê-ôn, người vật ngã Ba-anh

Bạn có thể hỏi, tại sao dân Y-sơ-ra-ên, những người thực sự nên có nhận thức rõ hơn ai hết về điều này, lại cứ liên tục sa vào việc thờ lạy hình tượng thấp hèn và vô ích như vậy? Câu trả lời mà tôi nghĩ có thể được tìm thấy trước thời của Ê-li, trong câu chuyện về Ghê-đê-ôn. Còn được gọi là “Giê-ru-ba-anh”, có nghĩa là “người chống lại Ba-anh”. Cuộc đời của Ghê-đê-ôn để lại cho chúng ta một lời cảnh báo sâu sắc rằng việc thờ lạy hình tượng là mối nguy hiểm thường trực đối với tất cả chúng ta. Thậm chí cho đến ngày nay.

Đức Chúa Trời đã chọn Ghê-đê-ôn, khi ông đang sợ hãi, để hạ gục Ba-anh. Chính thiên sứ của Chúa hiện ra với Ghê-đê-ôn và đưa ra những chỉ dẫn sau:

Hãy bắt con bò đực tơ của cha ngươi, và một con bò đực thứ nhì bảy tuổi, rồi phá dỡ bàn thờ thần Ba-anh tại nhà cha ngươi, và đánh hạ hình tượng A-sê-ra ở trên đó. Đoạn, tại nơi chót hòn đá nầy, ngươi sẽ lập một bàn thờ cho Giê-hô-va Đức Chúa Trời ngươi, và sắp đặt mọi việc; rồi hãy bắt con bò đực thứ nhì, dâng làm của lễ thiêu với gỗ hình tượng A-sê-ra mà ngươi đã đánh hạ.” (Các Quan-xét 6:25-26)

Mặc dù sợ hãi, Ghê-đê-ôn vẫn tuân theo lời chỉ dẫn đó nhưng thực hiện nó lúc đêm khuya thanh vắng, để tránh bị nhìn thấy. Tuy nhiên, cuối cùng cả làng đều nhận ra đó là ông và ông nhận được biệt danh “Giê-ru-ba-anh”, người vật ngã Ba-anh. “Hãy để Ba-anh tự tranh luận cho mình”, cha ông đã gợi ý một cách khôn ngoan trước những người chỉ trích Ghê-đê-ôn, vì ông biết rõ rằng Ba-anh không thể nhấc nổi một ngón tay để chống lại con trai mình. Ghê-đê-ôn không chỉ kéo sập bàn thờ của Ba-anh mà còn dẫn dắt dân Y-sơ-ra-ên giành được chiến thắng thần kỳ do Đức Chúa Trời ban cho họ trước những kẻ áp bức thờ lạy hình tượng. Dân Ma-đi-an đã bị đánh bại và rõ ràng là thần Ba-anh của họ không thể sánh được với Đức Chúa Trời của Y-sơ-ra-ên. Nhưng trận chiến vẫn chưa kết thúc.

Trở lại với một cú cắn chí tử

Chúng ta học được từ Kinh Thánh rằng các thần tượng do con người tạo ra tự bản thân chúng không có quyền năng gì cả, nhưng việc thờ phượng chúng trên thực tế là thờ lạy ma quỷ (xem Phục-truyền 32:17 và Khải-huyền 9:20). Có những thực thể ma quỷ đằng sau mỗi thần tượng. Ngay cả khi các bức tượng hữu hình bị đốt cháy, nghiền nát hoặc bị phá hủy, kẻ thù vô hình ẩn nấp sau lưng chúng sẽ quay lại và sẽ làm mọi cách để có lại sự thờ phượng một lần nữa thông qua một con đường khác.

Kẻ thù đã rình rập Ghê-đê-ôn như một con rắn. Sau khi tích lũy được tất cả các chiến lợi phẩm từ các trận thắng liên tiếp, Ghê-đê-ôn và đội quân của ông trở nên giàu có. Chúng ta cảm thấy buồn khi đọc được rằng Ghê-đê-ôn lại rơi vào tình trạng thờ lạy thần tượng nhưng lần này là một kiểu tinh vi hơn.

Ghê-đê-ôn nói cùng chúng rằng: Ta chỉ xin các ngươi một điều nầy, là mỗi người trong các ngươi phải giao cho ta những vòng mình đã đoạt lấy. (Vả, quân nghịch có những vòng vàng, vì chúng nó vốn là dân Ích-ma-ên). Chúng đáp: Chúng tôi sẵn lòng giao cho ông. Họ trải một áo tơi ra, rồi hết thảy đều ném vào đó những vòng của mình đã đoạt lấy. Những vòng vàng mà Ghê-đê-ôn đã xin, cân được một ngàn bảy trăm siếc-lơ vàng, không kể những đồ trang sức hình như trăng lưỡi liềm, hoa tai, và áo sắc điều của vua Ma-đi-an thường mặc, cùng những kiềng nơi cổ lạc đà.

Ghê-đê-ôn lấy vật đó làm một cái ê-phót, để trong thành mình tại Óp-ra. Cả Y-sơ-ra-ên đều cúng thờ cái ê-phót đó; nó trở thành một cái bẫy cho Ghê-đê-ôn và cả nhà người.” (Các Quan-xét 8:24-27)

Trong khi hứa hẹn với dân sự rằng chỉ một mình Đức Chúa Trời là Đấng cai trị của họ, Ghê-đê-ôn lại cho đúc một cái tượng ê-phót và lặp lại một trong những giai đoạn đen tối nhất của Y-sơ-ra-ên. Điều này rất giống với giai đoạn con bò con bằng vàng, phải không? Và vì vậy Ghê-đê-ôn bắt đầu đặt niềm tin của mình vào cái ê-phót bằng vàng hữu hình đó thay vì Đức Chúa Trời vô hình và nó khiến ông trượt dài trong suốt quãng đời còn lại của mình. Sự thờ phượng của Ghê-đê-ôn đã đi sai hướng và câu chuyện của ông không có kết thúc tốt đẹp.

Hãy cẩn thận với Con Thú

Nếu chúng ta nghĩ rằng mình an toàn vì chúng ta không có một bức tượng (theo nghĩa đen) nào trong nhà để thắp hương cho nó mỗi ngày, thì chúng ta lầm to. Bất cứ điều gì chúng ta đặt niềm tin vào mà không phải là Chúa thì đó là một thần tượng. Con người chúng ta thường để mắt hướng về những điều hữu hình, và tin cậy Chúa không phải lúc nào cũng dễ dàng. Một giáo sĩ Do Thái thậm chí còn cảnh báo tôi rằng Bức tường phía Tây ở Jerusalem có thể trở thành một thần tượng nếu chúng ta tôn kính những viên gạch đó hơn là Đức Chúa Trời, Đấng mà Đền-thờ thánh của Ngài đã từng tọa lạc ngay sau bức tường đó.

Ba-anh là thần sinh sản và thời tiết, thứ mà người xưa dựa vào để tồn tại. Khi chúng ta cảm thấy mất kiểm soát hoặc bị đe dọa, thì cám dỗ quay lưng lại với Đức Chúa Trời để tự tìm giải pháp có thể rất mạnh.

Cho dù đó là sự kiểm soát hay sự an ủi mà chúng ta đang theo đuổi, chúng ta cần tìm kiếm ân điển của Đức Chúa Trời để hướng về Ngài cho những gì mà chúng ta cần. Nhiều người đang tìm kiếm sự an toàn và an ninh ở mọi nơi ngoại trừ Chúa. Đây là sự sùng bái thần tượng. Chỉ duy nhất một mình NGÀI là sức mạnh và là cái khiên che chắn của chúng ta. Chúng ta phải đặt niềm tin của mình trước hết vào Ngài. Nhiều người chuyển sang dùng ma túy và các thú vui tiêu khiển để tìm kiếm sự bình an trong tâm hồn và niềm vui mà đáng lẽ ra chúng ta nên tìm thấy trong Chúa. Thờ thần tượng. Thật vậy, bất cứ điều gì mà chúng ta đang hướng đến vì sự an toàn và hạnh phúc trước khi chúng ta hướng về Đức Chúa Trời đều có nguy cơ trở thành một thần tượng trong đời sống của chúng ta – ngay cả khi bản thân điều đó không có gì là sai cả. Ngay cả khi cuộc sống đang diễn ra suôn sẻ, chúng ta vẫn có thể vấp phải sự thờ lạy thần tượng qua việc chú tâm vào những món quà mà chúng ta nhận được thay vì Đấng ban cho những điều đó. Chỉ một mình Chúa đáng được tôn thờ, không phải vì Ngài là một Đấng siêu phàm, mà bởi vì mối quan hệ đúng đắn với Chúa là điều chúng ta cần phải theo đuổi. Đó là cách chúng ta được dựng nên. Thói thờ lạy hình tượng đưa chúng ta xuống con đường dẫn đến sự hủy diệt và chắc chắn sẽ trở thành cạm bẫy, như Ghê-đê-ôn đã mắc phải trong cuộc vật lộn kéo dài cả cuộc đời của mình với Ba-anh.

Đừng quỳ gối trước Ba-anh

Chúng ta cần là những người không chịu quỳ gối trước Ba-anh – dưới bất cứ mọi hình thức nào. Điều này có thể cần một chút can đảm và có thể chúng ta sẽ cảm thấy như Ê-li. Ông cảm thấy như thể ông chỉ có một mình… nhưng sự thật là ông không hề đơn độc. Trên thực tế, có hàng ngàn người giống như ông đã không cúi đầu hay quỳ gối trước Ba-anh. Sứ-đồ Phao-lô kể lại câu chuyện tuyệt vời này trong thư Rô-ma và liên hệ điều đó với đời sống của chúng ta khi chúng ta theo Chúa Giê-xu:

Đức Chúa Trời chẳng từng bỏ dân Ngài đã biết trước. Anh em há chẳng biết Kinh Thánh chép về chuyện Ê-li sao? Thể nào người kiện dân Y-sơ-ra-ên trước mặt Đức Chúa Trời, mà rằng: Lạy Chúa, họ đã giết tiên tri Ngài, hủy phá bàn thờ Ngài; tôi còn lại một mình, và họ tìm giết tôi. Nhưng Đức Chúa Trời đáp lại thể nào? Ta đã để dành cho ta bảy ngàn người nam chẳng hề quỳ gối trước mặt Ba-anh. Ngày nay cũng vậy, có một phần còn sót lại theo sự lựa chọn của ân điển. Nhưng nếu bởi ơn thì chẳng phải bởi việc làm nữa; bằng chẳng, thì ơn không còn phải là ơn.” (Rô-ma 11:2-6)

Chúng ta cần ân điển của Đức Chúa Trời để chỉ thờ phượng một mình Ngài mà thôi. Chúng ta cần sự giúp đỡ của Đức Chúa Trời để quay lưng lại với các thần tượng và lấy tâm thần và lẽ thật mà thờ phượng Chúa. Điều thú vị trong câu chuyện của Ê-li là thực tế rằng ông đã có thể gây ảnh hưởng đến toàn thể dân tộc mình bằng lập trường can đảm của mình.

Ai theo Đức Chúa Trời chân thật, hãy đứng lên!

Do nhiều thế hệ đã trở nên bại hoại và từ bỏ điều răn của Đức Chúa Trời, dân Y-sơ-ra-ên đã rơi vào tình trạng tồi tệ nhất của tội thờ hình tượng. Ê-li cảm thấy rất đơn độc khi quyết tâm chỉ cúi đầu trước Đức Chúa Trời của Y-sơ-ra-ên – một phần quan trọng của câu chuyện – nhưng sau một thời gian chuẩn bị, ông phải đối diện với những gì mà ông đã từng trốn chạy. A-háp, vị vua gian ác, đã gọi Ê-li là “kẻ làm rối loạn Y-sơ-ra-ên”, điều này đáng lẽ ra nên nói ngược lại. Kẻ xấu thường như vậy – buộc tội người khác trong khi chính bản thân mình đã làm sai. Nhưng Ê-li đã thách đấu với thần Ba-anh của A-háp vì hắn dám chống lại Đấng Toàn năng.

A-háp sai người đi nhóm cả dân Y-sơ-ra-ên và những tiên tri đến núi Cạt-mên. Đoạn Ê-li đến trước mặt dân sự mà nói rằng: “Các ngươi đi giẹo hai bên cho đến chừng nào? Nếu Giê-hô-va là Đức Chúa Trời, khá theo Ngài; nếu Ba-anh là Đức Chúa Trời, hãy theo hắn.”” (1 Các-vua 18:20-21)

Cuộc tranh tài này nhằm xem thần nào sẽ nhậm của lễ dâng bằng lửa. Ba-anh, về cơ bản đã cầm chắc phần thua, vì chỉ là thần giả. Ai mà dám thi thố với Đức Chúa Trời, Đấng đã tạo ra vũ trụ này và phát minh ra lửa chứ. Bạn sẽ nghĩ điều này là hiển nhiên, nhưng thật ra không đơn giản như vậy.

Bấy giờ, Ê-li nói với cả dân sự rằng: Hãy đến gần ta. Dân sự bèn đến gần người. Đoạn, Ê-li sửa lại cái bàn thờ của Đức Giê-hô-va bị phá hủy. Người lấy mười hai hòn đá, theo số mười hai chi phái của các con trai Gia-cốp, là người mà lời của Đức Giê-hô-va đã phán cho rằng: Y-sơ-ra-ên sẽ là tên ngươi. Người dùng mười hai hòn đá ấy mà dựng lên một cái bàn thờ nhân danh Đức Giê-hô-va… Đến giờ dâng của lễ chay ban chiều, tiên tri Ê-li đến gần và nguyện rằng: “Lạy Giê-hô-va Đức Chúa Trời của Áp-ra-ham, của Y-sác, và của Y-sơ-ra-ên, ngày nay xin hãy tỏ cho người ta biết rằng Ngài là Đức Chúa Trời trong Y-sơ-ra-ên, rằng tôi là kẻ tôi tớ Ngài, và tôi vâng lời Ngài mà làm mọi sự nầy. Đức Giê-hô-va ôi! Xin nhậm lời tôi, xin đáp lời tôi, hầu cho dân sự nầy nhìn biết rằng Giê-hô-va là Đức Chúa Trời, và Ngài khiến cho lòng họ trở lại.”

Lửa của Đức Giê-hô-va bèn giáng xuống, thiêu đốt của lễ thiêu, củi, đá, bụi, và rút nước trong mương. Thấy vậy, cả dân sự sấp mình xuống đất, và la rằng: “Giê-hô-va là Đức Chúa Trời! Giê-hô-va là Đức Chúa Trời!”” (1 Các-vua 18:30-39)

Hãy xem lời cầu nguyện của Ê-li đơn giản đến mức nào? Ông tin cậy Chúa của mình. Ông không tốn quá nhiều lời lẽ hoặc ngôn ngữ hoa mỹ. Ê-li đã được biết Đức Chúa Trời trong nơi kín nhiệm, và lòng tin cậy của ông nơi Đức Chúa Trời rất mạnh mẽ. Trong những ngày quan trọng này, Đức Chúa Trời đang biệt riêng ra dân sót của Ngài. Chúng ta hãy là những người chỉ thờ phượng Chúa là Đức Chúa Trời, những người không chịu quỳ gối trước Ba-anh, và sửa soạn chính mình như những chiếc bình để tiếp cận những người hư mất. Bạn có thể cảm thấy đơn độc nhưng không phải vậy. Hãy gia nhập nhóm người đang dấy lên đó! Và Chúa sẽ làm những điều vĩ đại diệu kỳ.

Dịch: Eunice Tu

Nguồn: oneforisrael.org

Bài vở cộng tác hoặc góp ý xin gửi về tintuc@hoithanh.com

Bình Luận:

You may also like