Home Văn Phẩm Chúa Giáng Sinh Để Chuộc Tội Lỗi Loài Người

Chúa Giáng Sinh Để Chuộc Tội Lỗi Loài Người

by Hồ Galilê
30 đọc

 “Người sẽ sanh một trai, ngươi khá đặt tên là Jesus, vì chính con trai ấy sẽ cứu dân mình ra khỏi tội”.Ma-thi-ơ 1:21

Đây là lời thiên sứ phán với Giô-sép trong giấc chiêm bao, khi ông đang ngẫm nghĩ về về việc Ma-ri người vợ hứa, nhưng ông chưa ăn ở với nàng, bổng dưng nàng lại mang thai. Ông toan tính “để nhẹm” “kín đáo từ hôn” vì không muốn nàng bị mang xấu. Sự dằn vặt trong lòng, đi vào giấc ngủ, nhưng thiên sứ can thiệp làm ông thay đổi hoàn toàn ý định trong lòng, vì Kinh Thánh có chép ông là người công nghĩa, có bản dịch công chính. Giô-sép quyết định vâng lời thiên sứ, vì ông biết chắc lời thiên sứ phán bảo, trong đó có quyền lợi của chính riêng ông:

“Vì chính con trai ấy sẽ cứu dân mình ra khỏi tội”.Ma-thi-ơ 1:21

Chúng ta cũng suy gẫm một chút về cụm từ: “Cứu dân mình ra khỏi tội”.

Ngay từ đầu, chúng ta nên hiểu rõ chữ “Cứu rỗi” “Cứu chuộc” dùng ở đây nghĩa là gì? Ông Webster từng giải thích “sự cứu rỗi” là:

(1) Hành động cứu vớt hoặc giải phóng, giữ gìn khỏi hủy diệt hoặc tai họa.

(2) Thần học: Giải thoát khỏi ách tôi mọi cùng các hiệu quả của tội lỗi và sự chết đời đời.

Thức ăn cần cho cơ thể thế nào thì sự cứu rỗi cần cho linh hồn cũng thể ấy, và còn cần gấp triệu lần hơn, vì thân thể không được dinh dưỡng bằng thức ăn thì sẽ chết, cũng vậy nếu linh hồn không được giải thoát thì cũng sẽ chết. Ê-xê-chi-ên 18:20 “Linh hồn nào phạm tội thì sẽ chết”. Chúa Giê-su giáng sinh với mục đích cứu dân mình ra khỏi tội, ra khỏi sự chết (Ma-thi-ơ 1:21).

Vậy tội lỗi là gì?

Trong nguyên văn Hy-lạp chữ tội là: “Hamartia” được sử dụng trong môn tác xạ (bắn) có nghĩa là trật mục tiêu.

Theo Đài Nguồn Sống giải thích thì trật mục tiêu, là không phải ra khỏi vòng tâm điểm vòng 10, mà là viên đạn cố đưa đến tâm vòng 10 nhưng thì hụt mất, đúng như Kinh Thánh bày tỏ: “Vì mọi người đều đã phạm tội, hụt mất sự vinh hiển của Đức Chúa Trời”.Rô-ma 6:23 Như vậy, tội lỗi là hụt mất, sai trật mục tiêu của cuộc sống.

Thánh Phao-lô cũng đã từng khẳng định:

“Đức Chúa Jêsus-Christ đã đến trong thế gian để cứu vớt kẻ có tội, ấy là lời chắc chắn, đáng đem lòng tin trọn vẹn mà nhận lấy; trong những kẻ có tội đó ta là đầu”.I Ti-mô-thê 1:15

Nhạc sĩ Trọng Qúy có tác phẩm: “Trước ngày hội bắn” lời bài hát thật thú vị xin trích một đoạn như sau:

… “Anh sao không nhớ sáng mai bắn tập rồi sao?

Ngày mai anh bắn ra ngoài thì hoa em sẽ tặng người bản bên…

Hỡi cô nàng mà anh yêu mến

Nếu mà đạn kia anh bắn cả ba viên trúng vòng mười

Thì hoa em sẽ là người nào đây?..

Ngày mai anh quyết thi tài

Cả ba viên trúng vòng mười thì đây em sẽ là người của anh”.

Nếu người lính mà cứ đi lang thang xuống chơi các bản làng mà không lo tập luyện trước ngày hội thi bắn đạn thật, thì thử hỏi làm sao ngày mai thi bắn anh ta có thể đưa ba viên đạn vào tâm vòng mười được. Cô bạn gái nhắc nhở, cậu ta trở về thực hiện như lời cô khuyên răn, và quả đúng sự thật. Ngày mai kết quả ba viên đạn đưa vào đúng vòng mười, thì chắc chắn chính cô là món quà quý giá nhất dành cho cậu.

Thưa các bạn!

Trật mục tiêu của con người là sống trong sự xa cách mối tương giao thờ phượng Đấng tạo hóa, từ đó con người cứ sống trong loạn nghịch chống lại Thiên Chúa và hậu quả được nhắc đến trong sách:

– Rô-ma 5:12 “Cho nên, như bởi một người mà tội lỗi đã vào trong thế gian, lại bởi tội lỗi mà có sự chết, thì sự chết đã trải qua trên hết thảy mọi người như vậy, vì mọi người đều phạm tội.”

– Rô-ma 3:23 “Vì mọi người đều đã phạm tội, thiếu hụt sự vinh hiển của Đức Chúa Trời.”

– Rô-ma 6:23 “Vì tiền công của tội lỗi là sự chết, nhưng sự ban cho của Đức Chúa Trời là sự sống đời đời trong Đức Chúa Jêsus-Christ, Chúa chúng ta”.

Sự cứu rỗi là nhu cầu thiết yếu cho tất cả mọi người không phân biệt màu da chủng tộc ngôn ngữ giai cấp. Chúa Cứu Thế Giê-su vào đời đem Tin Lành cho nhân loại, Đức Chúa Trời trở thành con người mới cứu được con người, chính vì vậy nên bà Ma-ri đặt tên cho con trai mình là Giê-su.

Vậy Giê-su là nghĩa gì?

Giê-su hay là Giê-su Kitô, hay Jesus-Christ, hoặc Gia-tô Cơ-đốc trong tiếng Hy-lạp đồng nghĩa với Giô-suê trong tiếng Hê-bơ-rơ Do Thái có nghĩa là Giê-hô-va là sự cứu rỗi. Giê-hô-va là danh xưng của người Do Thái về Đức Chúa Trời như người Việt Nam chúng ta xưng là ông Trời.

Tin Lành Giăng 1:14 “Ngôi Lời đã trở nên xác thịt, ở giữa chúng ta, đầy ơn và lẽ thật, chúng ta đã ngắm xem sự vinh hiển của Ngài, thật như vinh hiển của con một đến từ nơi Cha.”

Christ có nghĩa là gì?

Christus, hay Khristos trong tiếng Hy-lạp có nghĩa Đấng Cứu Thế, Vua trên muôn vua, Đấng được xức dầu để làm Vua.

Đã biết rằng sự cứu rỗi là nhu cầu thiết yếu, nhưng trong chúng ta vẫn có người còn đang phân tâm và tự hỏi rằng: “Sự cứu rỗi có thật chắc chắn không? Không biết mình tin Chúa mà sau khi chết mình có được cứu không? Nhưng rồi cũng có người nói rằng: “Phải chăng con người có đủ khả năng làm nên sự cứu rỗi? Vì đã có giáo chủ đã từng tuyên bố:

“Hỡi chúng sinh hãy tự mình thắp đuốc lấy mà đi”.

Con người không thể làm nên sự cứu rỗi được, mặc dù nó là nhu cầu thiết yếu, mọi nỗ lực của con người tìm đến Đức Chúa Trời bằng sức riêng như làm lành lánh dữ, tu thân tích đức, ăn chay ép xác, tụng kinh, tâm niệm đều thất bại. Con người tội lỗi bất toàn không thể tìm đến Đấng tạo hóa trên cao bằng sức riêng, mọi nỗ lực đều luống công vô nghĩa. Chỉ có Đức Chúa Trời toàn năng, Đấng từ thiên đàng vinh hiển tìm đến con người qua thân vị Chúa Cứu Thế Giê-su giáng sinh làm người. Ngài sống 33 năm trên trần thế, ba năm sau cùng Ngài thi hành chức vụ trên đất. Ngài bày tỏ quyền năng tối thượng giải phóng con người ra khỏi gông cùm tội lỗi. Ngài ban ánh sáng tâm linh cho con người sống trong tối tăm, Ngài ban sự bình an cho người lo lắng sợ hãi. Ngài chữa lành mọi tật bệnh, đuổi quỉ dữ, trừ tà ma, quở cuồng phong giông bão im lặng như tờ, mở mắt cho người đui, ban bánh cho kẻ đói, gọi người chết sống lại. Nhưng cuối cùng Ngài phải chết trên thập tự giá một cách đau thương, huyết Ngài đổ ra lai láng. Trước lúc trút hơi thở cuối cùng Ngài phán: “Mọi sự đã được trọn”.Giăng 19:30 có nghĩa là công cuộc cứu chuộc tội lỗi loài người đã được hoàn tất. Người ta chôn Ngài trong thạch mộ, ngày thứ ba Ngài sống lại một cách khải hoàn. Không một con người nào có thể làm được, những vĩ nhân, hiền triết, kể các lãnh tụ tôn giáo như Thích ca Mâu ni, Ma-hô-mết vẫn nằm trong mộ địa. Ngài sống lại đã bẻ gãy quyền lực tối tăm âm phủ, sự chết và tử thần. Ngài ban sự sống và sự sống đời đời cho con người, nếu ai bằng lòng tin nhận. Giăng Báp-tít đã từng giới thiệu: “Kìa, Chiên con của Đức Chúa Trời là Đấng cất tội lỗi của thế gian đi”.Giăng 1:29

Tân-ước sách Công-vụ-các-sứ-đồ của Bác sĩ Lu-ca viết tiếp theo sau sách Phúc-âm Lu-ca như sau:

“Chẳng có sự cứu rồi trong đấng nào khác; vì ở dưới trời chẳng có danh nào khác ban cho loài người, để chúng ta phải nhờ đó mà được cứu”.Công vụ 4:12

Trước thềm đại lễ kỷ niệm Thiên Chúa giáng sinh lần thứ 2021, lòng tôi vẫn như con trẻ năm nào, vẫn như thời thơ ấu ngây thơ thánh thiện vô cùng, cũng thích quà giáng sinh, cũng thích nghe nhạc giáng sinh ngân nga. Tâm trạng cũng giống thời niên thiếu hây hây thư thủa bắt bướm hái hoa mỗi giáng sinh về. Và còn vẹn nguyên thời thanh xuân, tuổi hoa niên vẫn ước mộng yêu đương nồng cháy…

… Và hôm nay, cái tuổi cập kề hoàng hôn tím muộn, nhưng vẫn háo hức chờ đợi giáng sinh. Chỉ có đặc biệt khác hơn, là mong ước giáng sinh có nhiều linh hồn tội nhân quay về với Chúa giáng sinh, để tội được tha và linh hồn được cứu.

Muốn thật hết lòng!
Hồ Galilê – Giáng Sinh 2021

Bài vở cộng tác hoặc góp ý xin gửi về tintuc@hoithanh.com

Bình Luận:

You may also like