Home Dưỡng Linh Radio Mana Thuộc Linh – Phần 144: Thời Gian & Cuộc Đời

Radio Mana Thuộc Linh – Phần 144: Thời Gian & Cuộc Đời

by Radio Mana Thuộc Linh
30 đọc

Link bài đọc: https://youtu.be/ed1upcJoL7c

Kinh thánh: Ma-thi-ơ 20:1-7
1 Vả, nước thiên đàng, giống như người chủ nhà kia, tảng sáng đi ra, để mướn người làm công cho vườn nho mình. 2 Khi người chủ đã định giá với người làm công, mỗi ngày một đơ-ni-ê, thì sai họ vào vườn nho mình. 3 Ước chừng giờ thứ ba, người chủ lại ra, thấy những kẻ khác rảnh việc đứng trong chợ, 4 thì nói cùng họ rằng: Các ngươi hãy đi vào vườn nho ta, và ta sẽ trả tiền công phải cho. 5 Họ liền đi. Ước chừng giờ thứ sáu và giờ thứ chín, người chủ lại ra, cũng làm như vậy. 6 Ước chừng giờ thứ mười một, chủ ra, lại thấy những kẻ khác đứng trong chợ, thì hỏi rằng: Sao các ngươi đứng đây cả ngày không làm gì hết? 7 Họ trả lời rằng: Vì không ai mướn chúng tôi. Người chủ nói với họ rằng: Các ngươi cũng hãy đi vào vườn nho ta.

Lời ngỏ:
Tại thủ đô Seoul, vào những buổi còn tờ mờ sáng khoảng 4-5 giờ tại một góc của khu chợ Dongdeamun (Đông đại môn) thường xuyên có vô số người lớn nhỏ mang những chiếc ba-lô trên vai đứng ngồi ngổn ngang. Thỉnh thoảng có một vài chiếc xe hơi tấp vào. Một người từ trên xe bước xuống trao đổi gì đó rồi đón những người đó lên xe đi. Những người còn lại thì chờ những chuyến xe khác đến. Đến 7 giờ, những người còn lại không có ai đón sẽ tản đi.
    Đó là hình ảnh “chợ lao động” tại Hàn Quốc. Không chỉ ở Dongdeamun mà nhiều nơi khác cũng như vậy. Những người muốn được làm thuê theo ngày phải đến chợ đó để chờ những người “săn đầu người” đến thỏa thuận công việc và tiền lương. Ai thích hợp và vừa sức thì làm. Còn không phù hợp thì chờ đến ngày hôm sau và những ngày tiếp theo.

Phân đoạn Kinh thánh hôm nay cũng mô tả về một khu chợ trao đổi lao động từng xảy ra tại Do thái trong thời Chúa Giê-xu. Vào khoảng cuối tháng 10 hằng năm là mùa hái nho nên cần đến nhiều nhân công vào vườn nho để làm. Và người chủ thường trực tiếp ra chợ để chọn người vào làm việc trong vườn nho của mình. Việc tỉa cành, chăm sóc cây trước và sau khi hái nho là việc chạy đua với thời gian để kịp thu hoạch. Sau thời gian này là mùa mưa nên người chủ cần nhiều người làm công để kịp tiến độ. Có người đồng ý vào làm nghề hái nho; nhưng cũng có người không muốn làm việc đồng áng, mà chỉ muốn làm việc trong nhà; hay làm việc đánh bắt cá ở biển hồ Ga-li-lê chẳng hạn
Tiền công mức trung bình là một đơ-ni-ê cho một người. Đó là số tiền đủ để nuôi sống cho gia đình trong một ngày tiếp theo. Nếu họ không có việc làm trong ngày thì thì gia đình họ sẽ đối diện với nguy cơ đói khát. Vì vậy, vì kế sinh nhai của bản thân và gia đình, nhiều người không được các chủ lao động nhận vào làm việc từ sáng sớm vẫn nán lại với hy vọng sẽ có những người chủ đến muộn để tìm người làm việc.
    Thông thường, người chủ chỉ đến chợ tìm người làm việc trước 6 giờ sáng (tức giờ thứ nhất). Nếu người chủ và nhân công không thoả thuận được thì sau giờ đó chợ tan, người nhân công phải tự đi tìm việc làm đỡ trong ngày để kiếm kế sinh nhai. Có khi vì công việc gấp gáp, cần tìm thêm nhân công, người chủ có thể ra chợ vào các giờ khác để tìm những người đang nán lại đó. Những người này bằng lòng chịu giảm tiền công xuống cho ai thương xót và nhận họ, vì ít ra thì họ cũng kiếm được phần ăn trong ngày cho chính mình, và có thể dành dụm lương thực ít ỏi để nuôi sống cả nhà.
Người chủ vườn nho trong câu chuyện này chính là Chúa của Thiên đàng. Ngài có cách làm và cách tìm nhân công khác với những người chủ trần gian. Trước hết, so với thông lệ, Chúa đã đi ra nhiều lần trong ngày để tìm kiếm những người bằng lòng vào làm trong vườn nho, tức là Hội thánh của Ngài. Những người vào làm trong giờ đầu đã ký “hợp đồng miệng” với Ngài là “một đơ-ni-ê” cho tiền công một ngày làm việc. Có thể có người thắc mắc là Đức Chúa Trời chủ động định giá làm công trước hay Ngài để nhân công định giá? Phần Kinh thánh thượng văn có thể giải đáp cho chúng ta thắc mắc này. Chính sứ đồ Phi-e-rơ đã hỏi Chúa Giê-xu “Này chúng tôi đã bỏ mọi sự mà theo Thầy, vậy chúng tôi sẽ được gì?”. Họ bằng lòng theo tiếng gọi của Chúa, nhưng họ đã định giá trước với Ngài về tiền công họ làm. Chúa đồng ý với yêu cầu của họ. Đó là việc “được hưởng sự sống đời đời” Và Ngài còn hứa ban cho họ những phước hạnh khác nữa.
    Cũng vậy, khi chúng ta nghe tiếng Chúa và bằng lòng vào phục vụ nhà Ngài, chúng ta có định mức tiền công với Ngài hay không? Có thể Chúa đồng ý trả đúng mức giá đó cho chúng ta. Vậy hãy an tâm bước vào để làm việc và phục vụ nhà Chúa. Các ông chủ của thế giới tối tăm có thể lừa lọc chúng ta; nhưng Chúa Giê-xu thì chẳng khi nào khất tiền công hay bóc lột sức lao động của chúng ta.
Tuy nhiên, ân điển và tình yêu của Chúa Giê-xu không dừng ở đó. Trong những giờ tiếp theo Ngài lại ra chợ lao động để tìm kiếm người bằng lòng vào vườn nho của Ngài. Đó là những người được nhận vào giờ thứ ba, thứ sáu, thứ chín. Theo giờ của người Do thái thì tương đương với 12 giờ trưa, 3 giờ chiều và 5 giờ chiều, đến 6 giờ chiều kể như là kết thúc một ngày. Sau giờ đó bắt đầu tính sang một ngày mới. Điều này bày tỏ vườn nho của Ngài rất lớn để nhận thật nhiều người vào làm. Nói cách khác, ân điển của Chúa Giê-xu lớn và luôn sẵn sàng đón nhận tất cả mọi người vào làm trong vườn nho của Ngài, miễn là người đó bằng lòng bước vào.
    Những người càng vào sau thì càng nhận thức được sự yếu kém của mình, họ không đòi hỏi định giá với Chúa nữa. Bởi vì họ nhận biết mình là người đến trễ, đến muộn màng; chỉ cần được vào làm việc đã vô cùng cảm tạ chủ rồi. Họ chỉ mong được người chủ rộng tình thương xót đón nhận họ; còn công lao thì tuỳ theo tấm long của chủ mà họ nhận chứ không dám đòi hỏi và định giá với chủ. Song chính Chúa đã chủ động nói với họ rằng Ngài “trả tiền công phải (chăng) cho”. Thậm chí Ngài đau lòng khi thấy có những người cả ngày không làm gì, cứ ngồi chờ cả ngày ngoài chợ. Ngài hỏi họ lý do và họ chân thành trả lời là không ai thuê mướn họ cả. Có thể họ yếu kém về sức lực không thể gánh vác việc lao động nặng nhọc, hay chuyên môn không đủ, không có kinh nghiệm, hay vì lý do khác. Nhưng dù vì lý do gì đi chăng nữa, lòng ước ao được làm việc là điều mà Chúa thấy nơi họ nên Ngài sẵn sàng đón nhận họ.
    Cũng vậy, trong số chúng ta có những người bước vào nước Chúa sớm từ khi còn thơ ấu, thiếu thời, cũng có những người vào muộn khi đứng tuổi hay lúc tuổi già bóng xế của cuộc đời. Nhưng Đức Chúa Trời vẫn yêu thương, quý trọng từng người. Điều quan trọng là chúng ta có sẵn sàng để bằng lòng bước vào Nước Chúa hay không. Hay là chúng ta từ chối Ngài, hy vọng năng lực của mình được thế gian công nhận, chọn lựa và theo đuổi con đường riêng mình.

Kết luận:
Bài học thuộc linh này an ủi Cơ đốc nhân chúng ta thật nhiều. Một hình ảnh tương tự được Chúa nhấn mạnh trong sách Khải huyền, miêu tả về Nước Thiên đàng với mười hai cánh cổng ở mười hai hướng đông tây nam bắc. Hình ảnh đó bày tỏ một người bước vào Nước Chúa từ thưở ban mai ở hướng mặt trời mọc hay đời sống xế chiều khi bước vào Nước Chúa ở hướng mặt trời lặn. Những ai bằng lòng bước vào Nước Chúa thì dù ở giai đoạn nào vẫn được Ngài yêu thương, quý trọng, và trả công giá tốt. Hãy đáp lại lời mời của Ngài và bước vào Nước Chúa, vì Chúa là Đấng tốt lành sẽ trả công xứng đáng cho chúng ta, Ngài không bao giờ để chúng ta bị thiệt thòi. Dù chúng ta là ai, khả năng, trình độ, sức lực, tuổi tác, giới tính chúng ta có ra sao đi nữa thì Chúa vẫn hằng tìm kiếm và kêu gọi chúng ta để sai chúng ta vào vườn nho thuộc linh của Ngài.

Cầu nguyện:
Lạy Chúa, Cảm tạ Ngài đã đến tìm con giữa cuộc đời trong tuổi thơ ấu lẫn tuổi xế chiều. Cảm tạ Chúa vì Ngài bằng lòng nhận chúng con và đưa chúng con vào làm trong vườn nho của Ngài. Được hầu việc Chúa trong Nước Ngài là niềm vui lớn của chúng con. Cảm tạ Chúa. Nhân danh Cứu Chúa Giê-xu. Amen.

Viết bởi Thiên Gia Vĩnh.

Nguồn: Radiomanavn.blogspot.com

Bài vở cộng tác hoặc góp ý xin gửi về tintuc@hoithanh.com

Bình Luận:

You may also like