Home Chuyên Đề TẠI SAO LẠI LÀ GIÊ-RU-SA-LEM? (PHẦN XII-23)

TẠI SAO LẠI LÀ GIÊ-RU-SA-LEM? (PHẦN XII-23)

by Hong An
30 đọc

Từ ‘Y-sơ-ra-ên’ Trong Tân Ước
Điều này cũng đúng với từ ‘Y-sơ-ra-ên’ trong Tân Ước. Có khoảng 79 lần ‘Y-sơ-ra-ên’ được nhắc đến trong Tân Ước. Trong 9 trường hợp, những từ này là trong các trích dẫn từ Cựu Ước, và chỉ đơn giản mang ý nghĩa mà từ ‘Y-sơ-ra-ên’ vốn có.

Và 68 lần còn lại từ ‘Y-sơ-ra-ên’ được sử dụng theo nghĩa như trong Cựu Ước. Có hai câu mà ‘Y-sơ-ra-ên’ được dùng với nghĩa hạn chế hơn, giống như ba lần xuất hiện của từ ‘Do Thái’ mà chúng ta vừa đề cập. Đó là Rô-ma 9:6-9Ga-la-ti 6:15-16. Rô-ma 9:6-9 nói: “…Vì không phải tất cả những ai ra từ Y-sơ-ra-ên đều là người Y-sơ-ra-ên. Cũng không phải tất cả những ai thuộc dòng dõi Áp-ra-ham đều là con cái của ông. Trái lại, như có chép: “Bởi Y-sác, con sẽ có một dòng dõi được gọi theo tên con, nghĩa là chẳng phải con cái theo phần xác là con cái Đức Chúa Trời, nhưng con cái của lời hứa mới được kể là dòng dõi thật. Vì lời nầy chính là lời hứa: “Khoảng thời gian nầy Ta sẽ trở lại, và Sa-ra sẽ có một con trai…” Như vậy, một lần nữa Phao-lô nói (như các nhà tiên tri của Cựu ước vẫn luôn nói!) rằng nếu một người chỉ là con cái của Áp-ra-ham về mặt thể chất, sinh học thì vẫn chưa đủ, nhưng người đó cũng phải chứng tỏ cùng một đức tin đặc trưng như Áp-ra-ham, Y-sác và Gia-cốp. Như vậy, ở đây Phao-lô KHÔNG MỞ RỘNG ý nghĩa của từ ‘Y-sơ-ra-ên’ cho tất cả những ai đặt đức tin nơi Chúa Jesus là Đấng Mê-si, bất kể nguồn gốc lai lịch của họ, nhưng ông GIỚI HẠN nó – giống như cách ông đã làm với từ ‘Người Do Thái’.

Ga-la-ti 6:15-16 nói: “Vì điều quan trọng không phải là cắt bì hay không cắt bì, mà là trở nên người mới. Cầu xin sự bình an và sự thương xót giáng trên tất cả những ai noi theo nguyên tắc nầy, và trên cả (KJV: và) dân Y-sơ-ra-ên của Đức Chúa Trời nữa!… ”

Trước hết, bản dịch NIV (tiếng Anh) đã thay đổi ‘và’ thành ‘cả’. Tại sao? Chỗ này trong tiếng Hy Lạp là ‘kai’ chỉ đơn giản có nghĩa là ‘và’, một trong những từ phổ biến nhất trong ngôn ngữ của con người chúng ta. Tại sao lại thay đổi thành ‘cả’ thay vì ‘và’? Dường như đây là trường hợp mà bản dịch NIV (mà cá nhân tôi rất thích, vì đây là bản dịch rất hay, giống như KJV) cố gắng đưa ra đề xuất rằng “tất cả các tín đồ chân chính đều là ‘người Y-sơ-ra-ên của Đức Chúa Trời’”. Ở đây chúng ta có một ví dụ điển hình về cách ‘Y-sơ-ra-ên mới hoặc thuộc linh’ này đã thâm nhập vào suy nghĩ của Giáo hội trong suốt các thời đại, và được tìm thấy ngay cả trong bản dịch Kinh Thánh sang tiếng Anh.

Theo cách tương tự, người ta có thể đọc các tiêu đề trong bản dịch KJV, không có trong nguyên ngữ tiếng Do Thái! Ê-sai chương 43 có tiêu đề (trong tiếng Anh) là ‘Đức Chúa Trời an ủi HỘI THÁNH bằng những lời hứa của Ngài’, trong khi chương này nói về Y-sơ-ra-ên! Hoặc Ê-sai 44, trong đó có tiêu đề là: HỘI THÁNH được an ủi, trong khi chương này nói về Y-sơ-ra-ên!

Phao-lô nói về điều gì ở đây trong Ga-la-ti 6? Ông đang nói về hai loại người đã tin vào Chúa Jesus. Một là những người Do Thái đã tin nhận Chúa Jesus, mà ngày thường được gọi là những người Do Thái tin Chúa. Hai là những người ngoại tin nhận Chúa Jesus, nhưng dĩ nhiên không sống theo truyền thống của người Do Thái. Họ có lẽ là hầu như không biết gì về người Do Thái hay đạo Do Thái. Nhưng dĩ nhiên những ‘người Do Thái tin Chúa’ thì biết rõ và Phao-lô gọi những người Do Thái đã trở thành tín đồ của Chúa Jesus là ‘dân Y-sơ-ra-ên của Đức Chúa Trời’. Cả người Do Thái và dân ngoại đều trở thành một tạo vật mới bởi sự biến đổi siêu nhiên đã diễn ra trong lòng họ. Một người có thể được coi là một người mới trong Đấng Christ, nhưng xuất thân về mặt tự nhiên của họ là người Do Thái hay người ngoại là khác nhau. Phao-lô gọi những người Do Thái này trở thành những người tin Chúa Jesus không chỉ là ‘dân Y-sơ-ra-ên’, mà là ‘dân Y-sơ-ra-ên của Đức Chúa Trời’.

Trong Rô-ma chương 11, Hội thánh và Y-sơ-ra-ên là hai phạm trù khác biệt. Rô-ma 11:7 nói về điều này: “…Vậy thì sao? Dân Y-sơ-ra-ên đã không đạt được điều mình tìm kiếm. Những người được chọn thì đã đạt được, nhưng số còn lại thì trở nên cứng lòng…” Dân Y-sơ-ra-ên ở đây là những người Do Thái không tin Chúa Jesus. Trong các câu 11-14, Phao-lô duy trì sự phân biệt giữa người Do Thái và dân ngoại, và cho thấy sự tương phản giữa những người Y-sơ-ra-ên khước từ Chúa Jesus và những người ngoại đã chấp nhận Ngài. Nhưng ông không hề gọi những người ngoại này là ‘dân Y-sơ-ra-ên’! Trong câu 25, ông bày tỏ hy vọng của mình đối với phần dân Y-sơ-ra-ên ‘cứng lòng’. Đó là sau khi “…số dân ngoại gia nhập đầy đủ…” thì họ cũng sẽ được cứu. Sau đó, ông nói trong câu 26: “…Như vậy cả dân Y-sơ-ra-ên sẽ được cứu…” Trong cuốn sách tuyệt vời ‘Những vận mệnh tiên tri’ của mình, Derek Prince kết luận rằng: “Nếu Y-SƠ-RA-ÊN là một từ đồng nghĩa với HỘI THÁNH, với HỘI THÁNH được định nghĩa là những người được cứu, thì tuyên bố trong câu 26 sẽ thật là vô lý. Nếu như vậy thì Phao-lô sẽ đang nói là những người được cứu sẽ được cứu. Do đó phải bác bỏ cách giải thích như vậy.” Y-SƠ-RA-ÊN là Y-SƠ-RA-ÊN thôi!
(Còn tiếp…)

Giáo sĩ Willem J. J. Glashouwer
Chủ tịch Cơ Đốc Nhân vì Israel Quốc tế
Chủ tịch danh dự Liên Minh Châu Âu vì Israel
Biên Dịch Cơ Đốc Nhân Vì Israel Quốc Tế

https://www.facebook.com/C%C6%A1-%C4%90%E1%BB%91c-Nh%C3%A2n-V%C3%AC-Israel-Qu%E1%BB%91c-T%E1%BA%BF-108022747211273/photos/a.120082816005266/569455064401370

Bình Luận:

You may also like