Home Dưỡng Linh Ba Điều Cần Nhớ Khi Bạn Mệt Mỏi Vì Chờ Đợi Chúa Quá Lâu

Ba Điều Cần Nhớ Khi Bạn Mệt Mỏi Vì Chờ Đợi Chúa Quá Lâu

by Sưu Tầm
30 đọc

Link bài đọc: https://youtu.be/kCBuojq3_2c

Tôi chắc chắn rằng bạn đã nghe mọi người nói nhiều về việc chúng ta sống trong một xã hội thiếu kiên nhẫn; chỉ tập trung vào sự hài lòng tức thì và chuộng đi đường tắt như thế nào. Chúng ta thường có xu hướng mong đợi mọi thứ diễn ra cách nhanh chóng. Chỉ cần nhìn vào mức độ khó chịu của chúng ta khi wi-fi kết nối chậm hoặc nếu một gói hàng mất nhiều thời gian hơn dự kiến để được giao đến nơi là biết.

Khi đọc những câu chuyện trong Kinh Thánh về những anh hùng đức tin như Áp-ra-ham, chúng ta thường quên mất (hoặc bực bội) về việc ông ấy phải chờ đợi trong bao lâu để lời hứa của Chúa cho mình trở thành hiện thực. Khi đọc lời tường thuật trong Sáng-thế Ký, chúng ta đi từ lúc lời hứa được ban ra cho đến khi  lời hứa đó được thực hiện chỉ trong khoảng năm phút.

Trên thực tế, khoảng thời gian đó kéo dài khoảng 25 năm. 25 năm thực tế nghĩa là mỗi năm có 52 tuần. Khoảng 9.125 đêm chờ đợi, cầu nguyện và mơ về lời hứa chưa thành. 25 năm đó sẽ có cảm giác như là mãi mãi, rất nhiều lúc có thể ông đã nghĩ rằng Chúa phán vậy nhưng chắc không có ý như vậy, nhiều lúc thất vọng, thiếu kiên nhẫn và cáu kỉnh. Trên thực tế, nếu bạn biết câu chuyện của Áp-ra-ham và Sa-ra, bạn sẽ biết rằng họ thậm chí đã cố gắng “giúp” Chúa thực hiện kế hoạch của mình khi sự nghi ngờ len lỏi vào (và rồi Ích-ma-ên ra đời).

Áp-ra-ham và Sa-ra bật cười trước lời hứa của Đức Chúa Trời rằng Ngài sẽ ban cho họ một con trai qua Sa-ra, và có thể nhiều người chúng ta cũng sẽ bật cười: Hai vợ chồng già gần đất xa trời đó mà sinh con được sao? Chúa ơi, Ngài đang nghĩ gì vậy? Nhưng đây là lẽ thật về Đức Chúa Trời:

Các kế hoạch của Ngài không cần chúng ta chấp thuận và cũng không theo lịch trình của chúng ta. Nếu Ngài phán điều gì đó, thì Ngài thật sự nghiêm túc về điều đó và Ngài sẽ làm cho bằng được.

Hãy giơ tay lên nếu bạn hơi nản khi nghe ai đó nói “Thời của bạn rồi cũng sẽ đến thôi.” Tôi biết người nói câu đó có ý tốt nhưng những lời đó thường không giúp gì được cho một người đang phát cáu vì chờ đợi quá lâu.

Một số người trong chúng ta không thể chịu đựng được ý nghĩ phải chờ đợi 25 năm cho một điều gì đó; một ngôi nhà, một công việc, một sự kêu gọi, một cơ hội, một mối quan hệ, một đứa con. Điều này có vẻ tàn nhẫn đối với chúng ta khi một cái gì đó mà chúng ta mong muốn rất nhiều nhưng phải mất quá nhiều thời gian để đến với chúng ta. Ý tôi là, chúng ta phải làm gì trong thời gian chờ đợi? Làm thế nào để bạn tiếp tục cuộc sống khi tất cả những gì bạn có thể nghĩ đến là giấc mơ này cứ lởn vởn trong tâm trí bạn, không biết làm thế nào hoặc khi nào thì điều đó mới thành hiện thực?

Phải chăng Chúa đang kêu gọi chúng ta sống chậm lại và đừng bị cuốn  theo nền văn hóa có nhịp độ cực nhanh ngày nay—ngừng tin rằng trừ khi chúng ta có được thứ gì đó ngay bây giờ,  bằng không thì chúng ta sẽ không bao giờ có được nó? Có thể nào Chúa đang muốn bảo chúng ta hãy tin tưởng rằng Ngài có những kế hoạch tuyệt vời dành cho chúng ta, những kế hoạch có thể không giống với những kế hoạch mà Ngài dành cho những người khác? Có thể nào Đức Chúa Trời đang kêu gọi chúng ta hãy tập tin cậy Ngài một cách sâu sắc đến một mức độ mà chúng ta phải ngừng làm bất cứ điều gì trong khả năng của mình và chỉ cần làm một việc duy nhất là…chờ đợi Ngài mà thôi; đơn giản là chỉ cần yên lặng và biết rằng Ngài là Đức Chúa Trời?

Tôi sẽ không dám tuyên bố rằng tôi đã thành thạo nghệ thuật kiên nhẫn, nhưng tôi sẽ nói rằng Chúa đang dạy tôi rất nhiều về điều đó thông qua tất cả những lần cay cú và càm ràm của tôi. Dưới đây là ba lẽ thật mang lại cho chúng ta sự thoải mái trong khi chờ đợi những lời hứa của Ngài dành cho chúng ta:

Đôi khi chờ đợi là vì lợi ích của bạn

Gia-cơ 1:4 nói rằng hãy học cách chờ đợi kiên nhẫn để khi sự kiên nhẫn phát huy hết hiệu lực của nó, thì chính anh em được trưởng thành, hoàn hảo, không thiếu sót điều gì.

Đây là một viên thuốc khó nuốt nhưng tất cả chúng ta đều biết rằng sự thật là vậy. Có lần tôi nghe một nhà truyền giảng nói: “Đức Chúa Trời đã đưa dân Y-sơ-ra-ên ra khỏi Ai Cập chỉ trong một ngày nhưng Ngài phải mất 40 năm để đưa Ai Cập ra khỏi họ.” Tất cả những gì mà thế hệ đầu tiên này biết chỉ là sống như những nô lệ và chịu áp bức. Họ không biết làm thế nào để sống trong tự do. Trong đồng vắng, Đức Chúa Trời dạy họ phải hết lòng tin cậy Ngài cho mọi thứ mà họ cần, vì đây là cách mà họ sẽ sống kể từ đó trở đi. Dân Y-sơ-ra-ên mất 40 năm vì họ phải học được một số bài học trước khi vào xứ hứa.

Đôi khi Chúa giữ chân chúng ta trong một mùa chờ đợi để chuẩn bị chúng ta cho những điều sắp đến. Nếu chúng ta muốn cầm đèn chạy trước ô-tô, chúng ta có thể làm hỏng cơ hội mà Ngài đã chuẩn bị cho chúng ta. Khi Đa-vít được xức dầu làm Vua tiếp theo của Y-sơ-ra-ên, quyền cai trị của ông không bắt đầu ngay lập tức. Trên thực tế, ông đã trở thành tôi tớ của Vua Sau-lơ. Đây là nơi hoàn hảo để học cách trở thành một vị Vua, phục vụ dưới trướng một vị Vua. Chúng ta thậm chí có thể không nhận thức được tất cả những gì mà Chúa đang cố gắng dạy chúng ta trong mùa chờ đợi của mình nhưng chúng ta có thể yên tâm rằng chúng ta sẽ bước ra khỏi đó vì đã học được những bài học quan trọng cho mùa tiếp theo mà Chúa sẽ đưa chúng ta bước vào.

Nếu chúng ta đặt hy vọng của mình đúng chỗ, chúng ta sẽ không bị thất vọng

“… Rồi con sẽ biết rằng Ta là Đức Giê-hô-va; Và những người trông cậy Ta sẽ chẳng hổ thẹn.” (Ê-sai 49:23)

Đức Chúa Trời phán với Áp-ra-ham và Sa-ra rằng Ngài sẽ cho họ một đứa con. Tôi nghĩ Áp-ra-ham và Sa-ra nghĩ rằng họ có một vai trò lớn trong phép lạ đó, nhưng thực sự tất cả những gì Đức Chúa Trời cần họ làm là tin cậy Ngài.

Chúa sẽ làm thành những điều tưởng chừng như không thể cho chúng ta khi chúng ta chọn tin vào Ngài. Cũng giống như Áp-ra-ham và Sa-ra, chúng ta có thể vật lộn với câu hỏi Chúa sẽ làm điều đó như thế nào và tự nói rằng mình không tin tưởng Ngài cho lắm. Đó là lý do tại sao Ngài bảo chúng ta chớ nương cậy nơi sự hiểu biết của mình và nhắc nhở chúng ta rằng đường lối của Ngài thì cao hơn đường lối của chúng ta.

Bất cứ điều gì chúng ta đang chờ đợi, chính Đức Chúa Trời sẽ khiến điều đó xảy ra, vì vậy Ngài phải là Đấng mà chúng ta đặt hy vọng. Sự thất vọng đó có thể ăn mòn đức tin của chúng ta, vì vậy chúng ta nên chắc chắn rằng chúng ta đang đặt hy vọng của mình vào một Đấng bất di bất dịch. Chúa sẽ thành tín với chúng ta mãi mãi. Ngài sẽ không bao giờ rời bỏ chúng ta hay quay lưng lại với chúng ta. Chúng ta có thể trông cậy một cách chắc chắn rằng kế hoạch của Ngài cho chúng ta là tốt lành. Nếu chúng ta đặt hy vọng vào những lẽ thật như thế này, thì chúng ta sẽ không bao giờ bị thất vọng.
Đức Chúa Trời là thành tín

“…lời của Ta…đã ra khỏi miệng Ta sẽ không trở về luống công, nhưng sẽ thực hiện ý Ta muốn,và hoàn thành việc Ta giao.” (Isaiah 55:11)

Thật dễ dàng để nghi ngờ những gì Chúa phán sau một thời gian kể từ khi Ngài phán điều đó mà chưa có gì xảy ra. Đôi khi Chúa phán điều đó với chúng ta để khiến chúng ta có can đảm mà bước tiếp. Những lần khác, Ngài phán để trong những hoàn cảnh có vẻ đen tối, chúng ta có thể giữ vững những gì mà Ngài đã hứa từ lúc ban đầu.

Đức Chúa Trời đã phán qua tiên tri Ê-sai để báo trước sự tái lâm của Chúa Giê-xu, Đấng sẽ đến để cứu dân Y-sơ-ra-ên (và cả chúng ta). Ê-sai mô tả cách mà “chiên con bị dắt đến hàng làm thịt”, “đã mang lấy tội lỗi nhiều người” vào khoảng 700 năm trước khi Chúa Giê-xu ra đời.

Nhìn lại, chúng ta có thể thấy rõ mối tương quan giữa những điều Ê-sai đã nói và cuộc đời mà Chúa Giê-xu đã sống. Tuy nhiên, có nhiều điểm mà dân Y-sơ-ra-ên sẽ tự hỏi liệu Đấng Mê-si này có thực sự đến hay không.

Nhưng tại sao Đức Chúa Trời lại phán những điều này từ rất lâu trước khi Chúa Giê-xu giáng sinh?

Tại sao Đức Chúa Trời lại hứa với Áp-ra-ham về một con trẻ từ rất lâu trước khi đứa trẻ ấy được sinh ra? Tại sao Đức Chúa Trời bắt chúng ta phải chờ đợi những điều mà chúng ta mong muốn nhất? Ngài làm điều đó để củng cố lòng tin cậy của chúng ta đối với Ngài khi Ngài chứng tỏ Ngài là Đấng thành tín.

Chúa Giê-xu thường nói về việc Ngài đang làm ứng nghiệm những lời tiên tri được ghi trong Kinh Thánh. Trong tất cả những gì Chúa Giê-xu đã làm, Ngài nhắc nhở người Do Thái rằng (một lần nữa) Đức Chúa Trời của họ là thành tín và đã thực hiện chính xác những gì mà Ngài đã phán với họ (hay tổ phụ họ). Đức Chúa Trời không ngừng nhắc nhở chúng ta hãy tin cậy một mình Ngài. Ngài muốn dẫn chúng ta vào mối quan hệ sâu sắc hơn với Ngài bằng cách dạy chúng ta hết lòng tin cậy Ngài.

“Hỡi linh hồn ta, hãy nghỉ an nơi Đức Chúa Trời,Vì niềm hy vọng ta đặt nơi Ngài.” (Thi-thiên 62:5)

Tuy nhiên, chờ đợi không phải là một việc dễ dàng. Thời gian chờ đợi có thể kéo dài hơn chúng ta dự tính. Nhưng hãy nhớ rằng Đức Chúa Trời không đưa ra những lời nói suông. Nếu Ngài đã nói rằng điều gì đó sẽ xảy ra trong cuộc đời của chúng ta thì chúng ta có thể yên tâm rằng Ngài sẽ khiến điều đó xảy ra. Đúng như lời Ngài đã hứa. Không sớm, không muộn theo nhận định của chúng ta mà theo thời điểm hoàn hảo của Ngài!

Nếu Ngài thật sự là Đức Chúa Trời của bạn, hãy để Ngài làm công việc mà chỉ có Đức Chúa Trời mới có thể làm được. Còn về phần bạn chỉ cần yên lặng và biết rằng Ngài là Chúa! Amen.

Dịch: Eunice Tu

Nguồn: relevantmagazine.com

Bài vở cộng tác hoặc góp ý xin gửi về tintuc@hoithanh.com

Bình Luận:

You may also like