Home Truyện Mở Rộng Tầm Nhìn

Mở Rộng Tầm Nhìn

by Ban Biên Tập
30 đọc

 

 

Năm nay 2010, tôi được đến thăm và giảng sứ điệp giáng sinh tại Toronto, Canada. Theo lời mời và sự giúp đỡ tận tình của gia đình Mục Sư Hồ Bình Minh. Và tôi cũng có kinh nghiệm nhìn tuyết rơi đầy ở thành phố “địa bàn luôn chỉ về hướng bắc” nầy. Bây giờ sau lễ Giáng Sinh bận rộn, tôi ngồi nhớ lại những ngày đẹp, lạnh ở Canada. Tuyết rơi trắng xoá nên thơ trinh bạch trên đất nước rộng lớn kéo dài từ tháng 12 năm nầy cho đến tháng 3 năm sau.

Tôi đã đến Calgary và Vancouver ở Canada trước đây, nay mới đến được Toronto lần đầu. Không ngờ thành phố Toronto to lớn thật, không thua gì Dallas là nơi tôi sống hơn 16 năm qua. Một thành phố giống như thành phố Mỹ. Cũng xa lộ lớn, cũng kẹt xe trong giờ cao điểm khi người ta đi làm về. Tôi thấy ở Toronto có điểm hơn ở Mỹ là có nước máy chảy rất mạnh, cả ở nhà riêng lẫn ở câu lạc bộ sức khoẻ và cũng có giá nhà cửa đắc hơn.

Giống như nhiều du khách đến thăm một thành phố mới thường tìm thăm một thắng cảnh hay một công trình nổi tiếng. Tôi có niềm vui được đến thăm hai công trình và địa danh nổi tiếng nhất của Toronto. Nhờ Mục Sư Minh đưa đi. Đó tháp Canadian National Tower và thác Niagara.

Tháp Canadian National

Trong quyển sách giới thiệu các thắng cảnh Canada tôi mua được, thì tháp CN cao 553 mét được xem như là kiến trúc cao nhất “free-standing” có thể thấy toàn cảnh chung quanh thành phố lớn nhất Canada là Toronto. Tháp được hoàn thành năm 1975. Được xây dựng bằng 106,000 tấn đá trộn xi-mâng (concrete) và 4,000 tấn thép. Du khách có thể cùng đi thang máy có cửa kính nhìn ra ngoài lên tới khu Sky Pod. Tại đây du khách có thể nhìn cảnh 360 độ xung quanh thành phố Toronto và vùng phụ cận. Sky Pod là khu quan sát cao nhất thế giới ở độ cao 447 mét, từ đây trong những ngày đẹp trời có thể nhìn thấy xa hàng trăm cây số. Ban đêm từ tháp CN chúng ta có thể nhìn thấy cảnh đẹp lạ lùng của vô số ánh đèn thành phố nằm giữa bóng tối đen của Hồ Ontorio và bầu trời đêm Bắc Mỹ.

Đến tháp CN bạn sẽ tốn tiền mua vé và bạn có thể ăn những món ăn sang trọng. Tôi được MS Minh đãi ăn món thịt cừu. Tôi thấy có ít người ngồi ăn ở đây. Thịt ăn không ngon lắm nhưng có vẻ quý, sạch, sang. Tôi có kinh nghiệm khó quên là khi bước đến chỗ nền kính từ cao nhìn xuống thấy đất thăm thẳm và rùng mình. Đây là cửa ngoài của Observation Level cách mặt đất 342 cây số, là nơi từ trên cao nhìn xuống đất của những người can đảm. Có người bước lên nền kính giống như bước vào khoảng không, có người nằm ngữa ra nền kính nhìn lên cười, có người đi lại giữa khoảng nền kính ấy, nam có nữ có, một cách tươi vui. Tôi nhìn xuống phía dưới đất cảm thấy sợ, cái sợ cẩn thận của tuổi về già. Nhưng không sao. Không ai lọt xuống đất vì nền kính rất là chắc chắn.

Từ trên tháp cao nhìn xuống thành phố tôi thấy những con đường lớn chi chít xe đi qua, với hình ảnh đường rầy xe lửa, với bóng các loại building cao có thấp có đủ cở đủ màu và nước hồ lớn thăm thẳm nhìn từ Canada qua phía thành phố Buffallo của Mỹ, và tôi suy nghĩ đến việc chúng ta nên mở rộng tầm nhìn để thấy xa hơn. Rộng hơn. Hãy có tầm nhìn của Chúa để nhìn thế giới chung quanh ta. Hãy có cái nhìn rộng cả quá khứ, hiện tại và tương lai. Hãy đọc Kinh Thánh để có cái nhìn của Chúa.

Nhìn ra thế giới tôi luôn luôn thấy hai hình ảnh khác nhau. Dẫn đến hai hướng đi khác nhau, với kết quả khác nhau. Giống như có bên phải và bên trái, hữu và tả, thiện và ác, bên trong và bên ngoài, sáng và tối, ngày và đêm, phía trước và phía sau, mạnh và yếu, lên và xuống, tiến và lùi, phước và họa, vui và buồn, sung suớng và đau khổ, thịnh và suy, những điều không thấy được và những điều thấy được, đời này và đời sau, ý nghĩa và vô nghĩa, thiên đàng và địa ngục… Giống như Chúa Giê-su nói có hai con đường: con đường hẹp và con đường rộng, cửa hẹp và cửa rộng. Giống như Kinh Thánh mô tả sự thật trên đồi Gô-gô-tha có hai người bị đóng đinh hai bên Chúa Giê-su. Thái độ và số phận của hai người cùng bị đóng đinh hôm ấy cũng khác nhau. Người bên phải và người bên trái. Người tin và người không chịu tin. Giống như có hai thứ đạo: đạo Chúa và đạo người. Thiên đạo và Nhân đạo. Ân điển và Luật pháp. Kinh Thánh cũng cho thấy hai hạng người tin Chúa, đó là  hạng người thuộc linh và hạng người xác thịt. Hạng người nói: “Ý Cha được nên” và hạng người nghe Chúa nói: “Ý con được nên.”

Tôi muốn mãi mãi làm người thuộc linh, bước đi theo Thánh Linh. Xa lánh ma quỷ, đứng gần bên Chúa. Bạn đang thuộc hạng người nào dưới mắt Chúa?

Đức Chúa Trời đặt mỗi người chúng ta ở trên thế giới nầy với mục đích góp phần 1àm thay đổi thế giới. Tôi muốn được thế giới biết đến như là một nhà truyền đạo Tin Lành. Good news and good works. Tôi muốn góp phần chia sẻ đức tin, hy vọng và tình yêu thương. Tôi muốn góp phần thay đổi tốt những con người. Tôi thích gương truyền giáo của sứ đồ Phao-lô khi nghe ông làm chứng: “Tôi thưa: Lạy Chúa, Chúa là ai? Chúa đáp rằng: Ta là Giê-su mà ngươi đang bắt bớ. Song hãy chờ dậy và đứng lên, vì Ta đã hiện ra cho ngươi để lập ngươi làm chức việc và làm chứng về những việc ngươi đã thấy, cùng những việc Ta sẽ hiện đến mách cho ngươi. Ta sẽ bảo hộ người khỏi dân nầy và dân ngoại là nơi Ta sai ngươi đến, đặng mở mắt họ, hầu cho họ từ tối tăm mà qua sáng láng, từ quyền lực của quỉ Sa-tan mà đến Đức Chúa Trời và cho họ bởi đức tin nơi Ta được sự tha tội, cùng phần gia tài với các thánh đồ” (Công vụ 26:15-18). Tôi nghĩ đây cũng là tiếng gọi Chúa kêu tôi, tôi tin đây là bổn phận của tôi.

Nhìn lại cuộc đời đã qua, tôi thấy sự dẫn dắt lạ lùng của Chúa đối với đời sống tôi. Ngài sớm kêu gọi tôi làm học trò và làm tôi tớ Chúa. Từ Quảng Nam Đà Nẵng đến Nha Trang. Từ Nha Trang đến Đà Lạt. Từ Đà Lạt đến Dallas. Từ Dallas đi khắp nơi. Tôi đã đến Úc Châu, đến Mã Lai, đến Đài Loan, đến Hàn Quốc, đến Tây Âu, Đông Âu. Tôi đã đi phiêu lưu đến Israel. Và nay đi Canada. Chúa đã dẫn dắt và đồng hành với tôi. Trên mọi chặng đường. Tôi kinh nghiệm tình yêu và sự dẫn dắt gần gũi dịu dàng sống động của Chúa. “Hãy trao mọi điều lo lắng của mình cho Ngài vì Ngài hay săn sóc anh em,” đó thật là một lời hứa lớn và thực tế. Tôi thấy khi Chúa dẫn dắt tôi làm việc gì mới và mỗi lần có khúc quanh là tôi thấy có khó khăn bước đầu, nhưng trãi qua thời gian mọi sự rồi cũng đâu vào đó. Có người không thích, sau thì thích, thấy đó là việc Chúa làm. Có người không chú ý nhưng rồi sau đó để ý và đã đồng hành với tôi. Rồi có nhiều người hiệp tác với tôi. Khích lệ tôi. Tôi thấy mình luôn là người tiên phong. Tôi luôn muốn mở rộng tầm nhìn. Mỗi ngày tôi muốn biết rõ thêm ý Chúa. Tôi nhớ câu chuyện chiếc vòng và câu đố của Solomon. Tôi nhớ câu “việc gì rồi cũng trôi qua.” Câu nói đó khiến có người buồn cũng có người vui. Nhưng người có Chúa đồng hành sẽ rất yên tâm. Câu nói của Chúa, “Sau nầy con sẽ biết” tôi đã nhận được từ những ngày đi tù ở Việt Nam vẫn đi theo với tôi khi tôi đối diện với mọi việc xảy đến trong cuộc đời nầy. Tôi muốn đồng thanh với vua Đa-vít ngày xưa để nói rằng, “Tôi là ai, họ hàng tôi là gì mà Chúa đã đưa tôi đến nơi nầy?”

Thác Niagara

Từ Thành Phố Toronto, MS Minh đã dùng xe van chở tôi và hai con của ông đi thăm hồ Niaraga, nằm dọc biên giới hai nuớc Canada và Mỹ. Đi thăm thác và về nhà mất cả ngày, dù từ nhà đến thác chỉ mất hai tiếng đồng hồ đi, hai tiếng đồng hồ về, và không tránh được tình trạng kẹt xe trên xa lộ khi gặp xe các công nhân từ xưởng trở về nhà. Thật là một ngày đáng giá.

Thác Niagara hùng vĩ, mạnh mẽ, trung kiên, bền bỉ đã có từ lâu, đã chảy nước cả ngày lẫn đêm trải qua bao nhiêu thế kỷ. Thác nước hùng vĩ rộng 800 mét nằm bắt ngang cả con sông Niagara giữa tỉnh Ontorio và vùng thượng lưu của tiểu bang New York. Phần lớn thác nước vừa đẹp vừa lớn nằm bên phía Canada. Dòng chảy thác lớn bắt đầu từ Hồ Erie chảy qua đến Hồ Ontorio, có sức nước mạnh tính ra đến 4 triệu kilowatts năng lượng từng giây. Chính cái hùng vĩ và sức mạnh bốn mùa của thác đã làm nên danh tiếng có một không hai của thác Niagara.

Thác nước Niagara đã chảy từ hàng ngàn năm trước, nhưng đến năm 1683 thác mới được một Linh Mục tên là Louis Hennepin thuộc Spanish Netherlands viết mô tả đến lần đầu. Ông mô tả đó là Thác Nước Kỳ Vĩ có một không hai. Quả đúng vậy. Thác nước nầy nổi tiếng là nơi thu hút khách du lịch nhiều nhất Canada, là tụ điểm du lịch hàng đầu của thế giới, mỗi năm thu hút 12 triệu khách đến từ khắp mọi nơi.

Ở Mỹ 16 năm rồi nhưng năm nay tôi mới được đến thăm thác Niagara lần đầu. Nhìn thác nước chảy trong mùa đông tuyết phủ, một màu trắng xóa như bông, nghe tiếng nước đổ ầm ầm, bột sóng phun lên tạo thành đám mây trắng dưới thác, trời lạnh dưới không độ… tôi thấy đây thật là một kỳ quan thế giới, một kinh nghiệm đẹp và hiếm có. Nghe nói mùa hè có rất nhiều du khách đến thăm thác, mùa đông lạnh thấy ít người hơn, ít rộn rịp hơn. Thành phố Niaraga có 15,000 dân sống nhờ du khách. Tôi thấy những kiến trúc đủ màu, quán đủ kiểu, khách sạn, chỗ đậu xe, bữa ăn nhanh, đồ kỷ niệm…Tôi ghé mua một khăn quàng cổ, một đôi tất tay. Được nhận cái ấm áp giữa trời lạnh buốt thật hay, thật quý.

Du khách thường đến thăm thác Niaraga vào mùa hè. Nhưng mùa đông đến, thác nước vẫn tiếp tục làm giàu cho dân chúng. Tôi đến thăm thác nước là vì cơ hội. Là một kỷ niệm quý báu và vì tấm lòng yêu thương. Một món quà giáng sinh. Tôi cảm ơn MS Minh và những anh chị em thân thiết trong gia đình đức tin. Tôi nhớ đã đi qua và đi về trên con đường lớn mang tên Q.E.W. Đây là xa lộ mang tên Nữ Hoàng Elizabet. Tôi nhớ nước Canada nằm trong Liên Hiệp Anh. Trời mùa đông. Bầu không khí lạnh, tầng lớp tuyết phủ trắng xóa, trinh bạch dọc hai bên đường, như tấm thảm trắng trùm phủ cả công viên, trang điểm như bông đậu trên các ngọn cây bên đường, luồng khí lạnh buốt thổi qua nhắc du khách chuẩn bị khăn quàng cổ, tất tay, tất chân và trong nhà, trong xe mở máy heat thật ấm. Trong thời đại nầy người ta không còn sợ cái lạnh mùa đông. Có hơi ấm giữa trời đông thật quý. Hôm tôi đi thăm thác, trời có chỗ có tuyết rơi nhẹ và có chỗ tuyết ngưng rơi. Nhưng khi xe đến gần thác tự nhiên thấy trời lạnh thêm. Tôi bỗng suy nghĩ làm sao những người da đỏ, những người di dân xưa đã đến đây, định cư ở đây, lại có thể sống được qua mùa đông tuyết đổ khi mà nhà họ không có lò sưởi, khi họ không có đủ đồ ấm che thân. Một câu hỏi lớn?

Người Canada có kinh nghiệm làm sạch tuyết rơi trên đường khiến giao thông không gián đoạn. Ở xa lộ mỗi khi có tuyết rơi dày, có ba xe tải chở theo muối, có cái cản trước xe, sắp hàng đẩy tuyết, từ trong đẩy ra ngoài hai bên đường. Hãy tưởng tượng hình ảnh ba chiếc xe đẩy tuyết, cùng làm việc chung với nhau, chiếc thứ nhất từ trong đẩy tuyết ra hướng bên ngoài, chiếc xe thứ hai tiếp tục đẩy tuyết qua bên phải, đến chiếc thứ ba tiếp tục đẩy tuyết ra lề đường. Con người đã không thể thay đổi thiên nhiên thời tiết nhưng đã biết tự vệ, tự thích ứng sống còn trước thiên nhiên. Người ta đã biết dùng muối làm tan tuyết nữa. Tuy nhiên, tôi tự hỏi thế giới sẽ thể nào nếu không có tuyết rơi, không có thác nước chảy, không có khí lạnh…Tôi nhớ cái khí nóng khủng khiếp của trời Israel vào tháng 8 năm rồi mà sợ không dám đến đó nữa vào mùa hè..

Tôi suy nghĩ đến sự bền bỉ không ngừng của thác nước Niagara. Nó giống như dòng ân điển của Chúa cứ tuôn chảy mãi giữa thế giới nầy. Không có gì ngăn cản tình yêu của Chúa, Chúa cứ yêu và tôi cứ được yêu. Tôi nghĩ đến sự trung tín. Tôi nhớ lời Chúa dạy: “Khá giữ trung tín cho đến chết, rồi ta sẽ ban cho con mão triều thiên sự sống.” Có bao nhiêu người đang sống nhờ thác đổ Niagara. Có bao nhiêu người kinh ngạc về quyền năng Chúa, nhưng có mấy người biết ơn Chúa?

Thác Niagara vẫn đẹp cả mùa hè lẫn mùa đông. Người ta nói thác Niagara không bao giờ ngưng chảy ngoại trừ một lần duy nhất vào sáng Chúa Nhật Phục Sinh năm 1848 khi thác đã ngưng chảy hoàn toàn. Điều nầy khiến cho nhiều người tuyên bố ngày tận thế. Nhưng nước ngưng chảy vì đông đá và ngày tận thế đã không xảy ra. Tôi có nghe trải qua năm tháng có truyền tụng về những điều phi thường đã xảy ra trên thác nước khi có người cố gắng biểu diễn tài can trường của mình. Một chuyện nổi tiếng can trường nhất là chuyện đi dây thừng băng qua thác nước của một người Pháp mang danh “The Great Blondin.” Lần đầu trong nhiều lần biểu diễn được ghi chép lại năm 1859 khi ông Blondin đi bộ trên dây cao qua thác. Nhiều người khác đã thất bại khi cố băng qua thác.

Ngày nay, các du khách hài lòng với chuyến đi ngắm thác trên chiếc tàu thủy mang tên Maid of the Mist. Họ phải mặc áo mưa đi vào vùng thác nước rơi phủ trắng trên sông. Nước tưới ướt và tiếng thác reo ầm ầm dưới lòng sông là những hình ảnh hiếm quý khiến nhiều người khách đã trở lại thác nhiều lần, không chán.

Vùng thác Niagara có nhiều viện bảo tàng, tiệm ăn, quán rượu, và khách sạn. Có người nói đó là kinh đô trăng mật của Canada và của cả thế giới. Bởi vì tiếng đồn của những chiếc giường hình quả tim, hồ nước ấm, và vẻ đẹp thu hút của thác nước đã hấp dẫn những cặp vợ chồng mới cưới đến đây từ nhiều thập niên qua. Tôi cũng thấy có cả Casino Niagara. Tôi thấy những bầy hải âu trắng sống trên sông. Tôi say sưa ngắm những khối tuyết trắng như pha lê. Trên hàng rào bờ sông. Trên hai bên đường. Trên những cành cây. Và trời quá lạnh.

Trong chuyến đi lần nầy, tôi đã có dịp chia sẻ niềm vui dự nhóm Lễ Giáng Sinh với khoảng 500 anh chị em Mục Sư và Tín Hữu Tin Lành ở Toronto. Tôi gặp lại những đầy tớ Chúa là những người âm thầm trung tín phục vụ Chúa rất nhiều năm. Tôi được ăn chung với gia đình các Mục sư vùng Toronto trong một nhà hàng. May cho tôi đây là truyền thống đẹp hằng năm của anh em nhân lễ Giáng Sinh. Tôi được quen biết thêm nhiều người bạn mới. Tôi đã gặp một ít người gốc ở quê hương Nha Trang, từ những ngày trẻ còn làm sinh viên nghèo. Bây giờ họ là những nhà lãnh đạo Hội Thánh, phát huy tài năng  phục vụ Hội Thánh và đồng bào theo ân tứ Chúa ban. Tôi nhìn thấy những tài năng truyền thông, phát thanh có thể hiệp tác với tôi trong sự nghiệp truyền bá Tin Lành, gây dựng thân thể của Chúa. Tôi thích gần gủi những bạn đọc của Hướng Đi. Những người thích truyền giảng. Tôi nhớ lại câu nói: “Những người đọc sách là những nhà lãnh đạo, những người lãnh đạo là những người đọc sách.” Lòng yêu thương và tình thân của anh em thật đậm đà, thật quý báu đã khích lệ tôi. Như một đại gia đình. Tôi mừng vì anh em ủng hộ mua sách Hướng Đi Cho Cuộc Đời tôi mang theo, anh em mua hết, không còn lại một quyển nào.

Tôi còn nhớ cũng vào dịp một mùa Giáng Sinh năm xưa khi mới đến Mỹ, tôi được mời giảng Giáng Sinh ở vùng Washington DC. Ngày đó trời cũng khá lạnh, tôi có dịp đến thăm Viện Bảo Tàng Holocaust. Ở đó tôi thấy hình ảnh, những mái tóc, những chiếc giày … của những người Do Thái bị giết bởi quân Đức Quốc Xã. Điều không quên được là tôi đến một phòng tròn, trống không, đó là một phòng để suy niệm. Trên bức tường tôi đọc được một dòng chữ in. Tôi khám phá ra đây là những dòng chữ Kinh Thánh được chọn theo sách Phục Truyền 30.

Ngày nay, ta bắt trời và đất làm chứng cho các ngươi rằng ta đã đặt trước mặt ngươi sự sống và sự chết, sự phước lành và sự rủa sả. Vậy, hãy chọn sự sống, hầu cho ngươi và dòng dõi ngươi được sống, thương mến Giê-hô-va Đức Chúa Trời ngươi, vâng theo tiếng phán Ngài, và tríu mến Ngài; vì Ngài là sự sống ngươi và làm cho ngươi được sống lâu, đặng ngươi ở trên đất mà Đức Giê-hô-va đã thề ban cho các tổ phụ ngươi, là Áp-ra-ham, Y-sác, và Gia-cốp.”

Những Kỷ Niệm Không Quên

Những ngày ở Toronto không nhiều, qua mau, tôi được gặp nhiều người, đến thăm 3 Hội Thánh trong ngày Chúa Nhật, tôi thăm thắng cảnh… Tôi nghe nói nhân dịp Xuân về mỗi năm có hàng chục ngàn người Việt tập trung mừng xuân ở Toronto cũng như ở Montreal. Tôi muốn bắt đầu làm một báo xuân lấy tên Hướng Đi Canada và phát hành nhân dịp xuân về để hiệp tác với các Hội Thánh và các business Cơ-đốc nhằm thân tặng báo và chúc xuân đến các đồng hương mừng năm mới. Tôi hy vọng việc phát hành báo Xuân sẽ thành hiện thực và tôi tin tưởng ở tình yêu thương chia sẻ và sự hiệp tác của những người đang được Chúa đổ ngập tràn tình yêu, không biên giới. Bạn có muốn góp phần chia sẻ tin yêu hy vọng cho đồng bào đồng hương không, xin liên lạc với tôi. Từ Toronto, báo xuân Hướng Đi sẽ đi khắp nơi tại Canada.

Tôi còn nhớ một kỷ niệm đẹp không thể quên đó là dịp tôi được MS Minh đánh thức dậy lúc 3 giờ sáng để xem nguyệt thực toàn phần. Đúng 3:17 AM nhìn lên trời Toronto có thể thấy nguyệt thực toàn phần. Báo chí loan tin. Người ta tính từng giờ từng phút. Không giống như nhật thực khi mặt trăng che hết ánh sáng mặt trời. Tôi đã tận mắt nhìn lên trời đêm lạnh lẽo và thấy mặt trăng tròn mờ mờ, có ánh sáng chung quanh viền trăng. Đúng là nguyệt thực toàn phần hiếm có. Trời lạnh quá nửa đêm, xung quanh nhà tuyết trắng, không thể ở lâu ngoài trời. Tôi vào nhà ngủ tiếp và tôi suy nghĩ đến việc Chúa làm. Trong thế giới vĩ mô lẫn vi mô, Chúa làm việc theo quy luật, một cách trật tự, từ trên không trung vô tận, đến những tế bào nhỏ bé nhất mắt không thấy được, trong hình hài kỳ diệu của con người lẫn những tạo vật phức tạp trong cõi thiên nhiên. Thế giới vận hành chính xác đến mức người ta có thể biết được nhật thực, nguyệt thực, những chuyện trăm năm xảy đến một lần.

Kinh Thánh chỉ cần bắt đầu viết cách khẳng định mà không cần bình luận: “Ban đầu Đức Chúa Trời dựng nên trời đất” (Sáng thế 1:1). Kinh Thánh bày tỏ một thiên đàng bị đánh mất vì cớ tội lỗi của loài người. Kinh Thánh cũng bày tỏ một thiên đàng tìm lại được chỉ trong Chúa Cứu Thế Giê-su, là Chiên Con của Đức Chúa Trời, là Đấng cất tội lỗi thế gian đi.

Trên đường từ Canada về Mỹ, tôi đọc được một bản tin của Census 2010, đăng trên USA TODAY, December 22, 2010, theo đó dân số Mỹ nay đã đến con số 308.7 triệu người. Người ta nói mức tăng trưởng dân số nước Mỹ trong thập niên qua là 9.7%, một số tăng thấp nhất kể từ thời Đại Suy Thoái (Great Depression). Tiểu bang Texas có thêm 4 ghế dân biểu nữa trong Hạ Viện Quốc Hội Mỹ, Florida tăng 2 ghế trong khi các tiểu bang khác như Arizona, Georgia, Nevada, South Carilina, Utah, Washington chỉ tăng 1 ghế. Còn các tiểu bang sau đây có mỗi tiểu bang mất đi một ghế: Illinois, Iowa, Lousiana, Masschusetts, Michigan, Missouri, New Jersey và Pennsylvania. Bài báo còn cho biết nước Mỹ có đà tăng dân giống như Mexico, Brazil, và Indonesia. Đến năm 2040, dân số Mỹ sẽ tăng đến 400 triệu người.

Tôi nghĩ dân số thế giới vẫn tăng luôn. Các nước văn minh thì bớt sinh đẻ, nhưng các nước theo Hồi Giáo và Á Châu thì có dân số gia tăng không ngừng, trong khi nạn phá thai cũng tăng nhanh không kém. Ngày nay loài người trở nên đông đúc quá, họ có nhớ đến Chúa hay sẽ quên Ngài. Đến thời các cháu chắc của mình, chúng nó có còn kêu cầu Chúa hay không? Nếu hôm nay bạn không biết  kêu cầu Chúa thì đừng mong con em chúng ta sẽ kêu cầu Ngài. Hãy dành thì giờ tôn thờ Chúa hôm nay. Hãy mở rộng tầm nhìn. Vì “theo như đã định cho loài người phải chết một lần, rồi chịu phán xét” (Hê-bơ-rơ 9:27). Làm sao để những người Việt Nam tin Chúa ở khắp nơi tăng lên gấp đôi trong thập niên tới? Tôi tin mỗi người quan tâm có thể trả lời câu hỏi nầy. Tôi nghĩ nếu bạn có khải tượng hãy làm theo khải tượng, nếu bạn không có khải tượng hãy ùng hộ những người có khải tượng. Một cây làm chẳng nên non, ba cây chụm lại nên hòn núi cao. Ca dao tục ngữ Việt Nam thật hay.

Mục Sư Nguyễn Văn Huệ

Bài vở cộng tác và góp ý xin gởi về tintuc@hoithanh.com

Bình Luận:

You may also like