Home Chuyên Đề Bí Mật Của Vườn Ghết-sê-ma-nê: Vững Vàng Trong Kỳ Thử Thách

Bí Mật Của Vườn Ghết-sê-ma-nê: Vững Vàng Trong Kỳ Thử Thách

by Oneforisrael.org
30 đọc

Ngài đã làm điều đó như thế nào? Làm sao mà Chúa Giê-xu vẫn có thể vâng theo ý muốn của Đức Chúa Cha dưới sức nặng làm tê liệt của thử thách trong Vườn Ghết-sê-ma-nê và sự cám dỗ to lớn để không đòi quyền sinh sát thiên thượng của Ngài mà thay vào đó là chịu bị giết?

Lòng can đảm của Chúa trong cơn thử thách lớn nhất mà con người từng biết không chỉ được chứng kiến vào buổi tối hôm đó trong vườn Ghết-sê-ma-nê, mà đã được công nhận cách đó nhiều năm tại trong đồng vắng.

CHỊU KHỔ LÀ MỘT DẠNG CỦA SỰ CÁM DỖ

Đau khổ là một hình thức cám dỗ (như chúng ta sắp khám phá sau đây), và Chúa Giê-xu đã nói trước đó rất lâu về việc Ngài sẽ chịu khổ khi đến thời điểm.

“…Mặc dù là Con, Ngài cũng đã học tập vâng lời qua những khổ đau mình đã chịu; và khi đã hoàn tất, Ngài trở nên cội nguồn của ơn cứu rỗi đời đời cho mọi người vâng lời Ngài, và được Đức Chúa Trời chỉ định làm Thầy Tế Lễ Thượng Phẩm theo ban Mên-chi-xê-đéc.”  (Hê-bơ-rơ 5:7-10)

Làm thế nào mà Chúa Giê-xu, một con người trọn vẹn, lại có thể học được điều gì về sự vâng lời? Ngài chưa bao giờ bất tuân, có phải như vậy không? Mẹ Ngài có thể cũng có đôi lúc thất vọng về Ngài – như khi Ngài biến mất trong thành Giê-ru-sa-lem nhộn nhịp vào một dịp Lễ Vượt Qua – nhưng chúng ta nhiều lần được đảm bảo rằng Ngài không hề phạm tội. Ngài là Chiên Con không tì vết của Đức Chúa Trời, Đấng cất tội lỗi của thế gian đi. Ngài phải vô tội để hoàn thành kỳ tích mang tầm vũ trụ này là mang lấy tội lỗi và sự chết thay mặt cho chúng ta. Vậy tác giả Hê-bơ-rơ muốn nói điều gì? Làm sao mà Ngài lại phải “học tập vâng lời ” trong khi ngay từ đầu Ngài vốn đã không thiếu điều đó?

SỰ VÂNG LỜI CỦA CHÚNG TA CÓ THỂ LỚN LÊN

Sự trưởng thành thuộc linh không phải chỉ phụ thuộc vào thời gian, hay thậm chí là nhờ hiểu biết Kinh Thánh, mà bởi sự vâng lời. Càng vâng lời trong những điều kiện ngày càng nhiều thử thách, chúng ta càng trở nên những tín hữu trưởng thành hơn. Chúng ta lớn lên và có đức tin mạnh mẽ hơn.

Kinh Thánh nói rằng, “Mặc dù là Con, Ngài cũng đã học tập vâng lời qua những khổ đau mình đã chịu.”

Có lẽ sẽ thật dễ dàng để vâng lời khi không có nhiều sự đối kháng hoặc cái giá phải trả, nhưng vâng lời dưới sự ép buộc thì lại là một vấn đề khác. Chịu khổ giúp chúng ta lớn lên trong sự vâng lời. Một số hình thức đau khổ thì nhẹ nhàng hơn một số khác, nhưng đau khổ nói chung có thể khiến bạn khó đưa ra sự lựa chọn đúng đắn. Chịu khổ, theo nghĩa này, là một dạng của sự cám dỗ.

Chúng ta trưởng thành trong sự vâng phục tin kính khi chúng ta chọn chống lại cám dỗ. Quá trình tăng trưởng này được tăng cường bởi sự chịu khổ.

Đứng về phía lẽ thật thì tương đối dễ dàng khi chúng ta sống trong cộng đồng của những người tin Chúa. Nếu một người lạ tình cờ gặp trên đường yêu cầu bạn hãy phủ nhận đức tin của mình, bạn có thể chỉ cần bảo họ hãy biến đi, hay ít nhất là phớt lờ và bỏ qua những lời đó như một sự cố khó chịu. Tuy nhiên, nếu ai đó đang đả thương bạn nghiêm trọng hoặc dí súng vào đầu bạn khi họ đưa ra yêu cầu đó, thì quyết định đứng vững không phải là dễ dàng. Sự chịu khổ làm cho việc vâng lời Đức Chúa Trời trở nên khó khăn hơn nhiều. Sự vâng lời trong những hoàn cảnh như vậy thì đáng quý hơn là những lúc cuộc sống quá dễ dàng.

Chúa Giê-xu đã học tập vâng lời bằng cách lựa chọn vâng lời mỗi ngày, trong bất kỳ hoàn cảnh nào. Ngài thậm chí còn đặt mình vào tình huống phải chịu khổ bằng cách tự nguyện nhịn ăn trong bốn mươi ngày. Đây là lý do tại sao việc kiêng ăn giúp thanh tẩy tâm hồn của chúng ta.

THỬ THÁCH CỦA VIỆC VÂNG LỜI CHÚA TRONG KỲ THỬ LUYỆN

Khi chúng ta chịu khổ, thì đó là một cuộc tranh chiến để lựa chọn việc thể hiện lòng tốt, sự kiềm chế, danh dự và lòng chính trực. Đau khổ thôi thúc chúng ta đi đến một lựa chọn dễ dàng hơn – mắng nhiếc những người mà mình yêu thương, tự giải tỏa bằng cách nói ra những lời cay nghiệt, chọn cách tự an ủi bản thân mình một cách ích kỷ hoặc rơi vào tình trạng than thân trách phận.

Khi chúng ta đau khổ, chúng ta bị cám dỗ để thu mình lại, để bảo vệ bản thân mình một cách ích kỷ.

Khi chúng ta chịu khổ, chúng ta sẽ bị cám dỗ bởi sự kiên nhẫn của chúng ta ngày càng mỏng manh và ngòi nổ của chúng ta thì ngày càng ngắn lại. 

Bất kỳ ai đã từng chịu đựng nỗi đau thể xác nghiêm trọng sẽ biết rằng bạn sẽ khó lòng làm được như Chúa Giê-xu khi bạn đang trong cơn đau đớn. Bất kỳ hình thức đau đớn nào cũng có thể khiến bạn rất khó trở thành một người có tâm hồn đẹp đẽ, tốt bụng, kiên nhẫn, như bạn ở trạng thái bình thường!

Chờ đợi cũng là một hình thức chịu khổ – không tin chỉ cần hỏi Áp-ra-ham và Sa-ra. Chúng ta cũng thấy điều đó trong các Thi-thiên khi Đa-vít hỏi “Cho đến chừng nào, Chúa ôi?” Thật đau đớn, thật khó chịu và cực kỳ cám dỗ khi trải qua khoảng thời gian chờ đợi. Chúng ta cần lưu ý đến những lĩnh vực dễ bị tổn thương này trong xác thịt của chúng ta để lớn lên trong sự vâng lời và có được những lựa chọn đúng đắn giữa những thử thách. Bế tắc và thất vọng trong khoảng thời gian chờ đợi thực sự làm chúng ta muốn hét lên. Sự cám dỗ lúc này là tìm đường tắt và chấm dứt cảm giác khó chịu, làm sao để nhanh chóng giải quyết vấn đề của mình và chấm dứt nỗi đau này.

Kẻ thù tấn công chúng ta khi chúng ta yếu đuối, sa chân, gặp nạn. Hãy xem cách mà hắn ta đã chờ đợi cho đến khi Chúa Giê-xu cảm thấy đói sau 40 ngày nhịn ăn trong đồng vắng. Hắn chọn thời điểm của mình để vồ mồi. Hắn săn những người yếu đuối và dễ bị tổn thương. Người đàn ông khốn khổ trong một cuộc hôn nhân không hạnh phúc sẽ dễ bị lừa hơn trước những mối quan hệ ngoài luồng. Một phụ nữ không ngừng chờ đợi một người tri kỷ sẽ dễ bị sập bẫy hơn trước những lời đề nghị hãy đi đường tắt.

BÍ MẬT VƯỜN GHẾT-SÊ-MA-NÊ CỦA CHÚA GIÊ-XU

Vậy, trong khu vườn ấy, trước viễn cảnh về sự chịu khổ cùng cực trước mắt Ngài, làm thế nào mà Chúa Giê-xu có thể chịu đựng và đưa ra  lựa chọn đúng đắn để đầu phục Đức Chúa Trời? Ngài đã tập luyện cho khoảnh khắc đó, và Ngài đã sẵn sàng.

Nếu con ngã lòng trong ngày hoạn nạn, thì sức lực con thật yếu kém thay. (Châm-ngôn 24:10)

Chúa Giê-xu, một cách khôn ngoan đã chủ ý đi vào đồng vắng ba năm về trước. Ngài được Thánh Linh dẫn dắt để kiêng ăn hơn một tháng và chính trong thời gian đó, các quyết định của Ngài đã được thực hiện và chiến thắng đã được thiết lập. Ngài đã bị cám dỗ với những gì tốt nhất mà Sa-tan có thể cung cấp (tuy nhiên chúng KHÔNG BAO GIỜ có thể đánh bại được những gì mà Đức Chúa Trời dành sẵn cho những người chiến thắng cho đến cuối cùng) và tất cả đều bị từ chối một cách dứt khoát. Với quyền năng của Lời Chúa, Giê-xu này đã chặt đứt mọi lời đề nghị của Sa-tan. Để sau đó tại Ghết-sê-ma-nê, Ngài có thể chịu được áp lực cùng cực vì trận chiến đó đã thắng từ lâu rồi.

  1. Ngài đã cố tình kiêng ăn và tập luyện để chiến thắng xác thịt của mình.
  2. Ngài biết rằng điều tốt nhất mà Sa-tan có thể cung cấp chẳng là gì so với phần thưởng đời đời của Ngài.
  3. Ngài đã sử dụng quyền năng của Lời Chúa khi Sa-tan đến lợi dụng sự yếu đuối của Ngài trong giây phút đó để tấn công Ngài.
  4. Ngài biết Ngài không phải là nạn nhân, và cuối cùng thì Đức Chúa Trời đã nắm quyền kiểm soát.

Chúng ta cũng có thể sử dụng các chiến lược này để giúp bản thân vững vàng khi trải qua các thử thách. Không có đau khổ nào mà chúng ta trải qua trên đất này lại tồi tệ bằng việc không có Chúa và bị tách biệt khỏi Ngài mãi mãi, cũng như không có lời đề nghị cứu trợ hay cám dỗ nào sánh ngang với niềm vui thỏa mà Đức Chúa Trời đã dành cho chúng ta, khi chúng ta được ở với Ngài trong cõi đời đời. Việc ghi nhớ những chân lý này từ sâu thẳm trong lòng sẽ giúp chúng ta đứng vững trong kỳ thử thách và những lúc khó khăn để có thể đưa ra những quyết định đúng đắn.

Bạn nên luyện tập vào những lúc thuận cảnh để chúng ta có thể sẵn sàng và đứng vững kể cả trong những lúc nghịch cảnh.

Vì chúng ta được đảm bảo rằng trong cuộc đời này, chúng ta sẽ gặp rất nhiều hoạn nạn, chúng ta sẽ có rất nhiều thử thách để rèn luyện mình! Nhưng chính trong những thử thách đó, Chúa sẽ chiến đấu vì chúng ta. Chúng ta không chỉ trưởng thành trong sự vâng lời, mà còn lớn lên trong sự hiểu biết về Ngài như một chiến binh dũng mãnh luôn ở bên cạnh chúng ta, là Đấng chu cấp thành tín, Đấng yên ủi chúng ta và luôn có mặt kịp thời để giúp đỡ chúng ta trong lúc hoạn nạn.  Nếu chúng ta đảm bảo rằng chúng ta mang tất cả những tổn thương đến cho Ngài để Ngài chữa lành thay vì để cho sự cay đắng và tủi thân dày vò, chúng ta có thể lớn lên trong đức tin cách mạnh mẽ và nhận được sức mới từ nơi Chúa. Thay vì rơi vào tâm lý mình là nạn nhân mà không có sự giúp đỡ hay hy vọng nào, chúng ta có thể mở to mắt để nhận biết Chúa là Đấng bảo vệ, che chở, Đấng làm cho đầu chúng ta ngẩng cao lên. Ngài là Đấng biện hộ và thực thi công lý.

Chúng ta cũng có thể thực hành việc kiêng ăn một cách có chủ ý và hy sinh thời gian để cầu nguyện. Thường thì khi xác thịt của chúng ta kêu lên là yêu cầu của nó lại được thỏa mãn. Chúng ta có thể học cách vượt qua cám dỗ khi chúng ta yếu đuối. Trên thế giới này có rất nhiều điều cần sự cầu nguyện và tập chú của chúng ta – giờ là thời điểm tuyệt vời để luyện tập!

“Người nào thắng…” cụm từ này được lặp đi lặp lại trong các thư gửi cho các hội thánh trong sách Khải-huyền. Liệu chúng ta có chiến thắng được không? Đừng chỉ hy vọng như vậy, mà hãy bắt đầu luyện tập ngay hôm nay để chúng ta có thể sẵn sàng chạy cuộc đua này cho đến cuối cùng.

Dịch: Eunice Tu

Nguồn: oneforisrael.org

Bài vở cộng tác hoặc góp ý xin gửi về tintuc@hoithanh.com

Bình Luận:

You may also like