Home Chuyên Đề GIÊ-RU-SA-LEM VÀ NÚI ĐỀN

GIÊ-RU-SA-LEM VÀ NÚI ĐỀN

by Hong An
30 đọc

Phần VI (Phần cuối) Sự Phá Huỷ Và Tái Thiết

Vua Đa-vít đã chuẩn bị – Sa-lô-môn đã xây – Nê-bu-cát-nết-sa phá hủy (II Sử ký 36:19). Sau thời kỳ chiếm đóng của người Ba-By-Lôn, Đền thờ thứ hai đã được xây dựng bởi Xô-rô-ba-bên (I Sử ký 3:19; Ê-xơ-ra 2:2, 3:2. 8, 4:2-3). Rất ít điều được biết đến về Đền thờ này ngoài việc Đền được xây bởi sắc chỉ: “…Si-ru, vua Phe-rơ-sơ, nói như vầy: Giê-hô-va Đức Chúa Trời đã ban các nước thế gian cho ta, và chính Ngài có biểu ta xây cất cho Ngài một đền thờ tại Giê-ru-sa-lem, trong xứ Giu-đa” (E-xơ-ra 1:2). Xô-rô-ba-bên xuất hiện trong gia phả của Chúa Giê-xu (Ma-thi-ơ 1:12), và được nhắc tới bởi các tiên tri A-ghê và Xa-cha-ri sau thời kỳ lưu đầy qua Ba-by-lôn (A-ghê 1:1-2; Xa-cha-ri 4:6-10). A-ghê gọi ông là ấn tín của Đức Giê-hô-va (A-ghê 2:23). Đền thờ được xây bởi Xô-rô-ba-bên nhỏ hơn nhiều và không đẹp như đền thờ của Sa-lô-môn (E-xơ-ra 3:1), và không có Hòm Giao Ước ở Nơi Chí Thánh. Vậy nên ở đó không có chốn thương xót nơi huyết sinh tế có thể được rải ra. Truyền thống Do Thái ghi lại rằng có một tảng đá ở đó, nơi các thầy tế lễ đặt hương trong Ngày Chuộc tội.

Nhiều thế kỷ sau, Hê-rốt đại đế đã xây dựng bổ sung rất đẹp vào Đền thờ nhỏ bé này để lấy lòng dân chúng Do Thái. Việc xây dựng chỉ vừa mới hoàn thành khi Quân La Mã phá hủy Đền thời vào năm 70 sau công nguyên.

Theo một số người, một Đền Thờ nhỏ, với nghi thức và thầy tế lễ thượng phẩm tên là Ê-lê-a-sa, được xây dựng vào năm 132 sau công nguyên. Việc đó xảy ra vào thời gian diễn ra cuộc nổi loạn của người Do Thái tên là Bar Kochba chống lại Hoàng Đế Hadrian, vì vị Hoàng Đế La Mã này đã không giữ lời hứa xây lại Đền Thờ. Mặc dù một số người cho rằng chính Simon Bar Kochba thực chất đã xây một Đền Thờ nhỏ, nhưng nó chỉ được sử dụng trong một thời gian rất ngắn. Vào ngay năm 135 sau công nguyên, Hadrian đã chiếm lại Giê-ru-sa-lem, phá hủy Đền Thờ do Bar Kochba xây dựng và thay thế vị trí này bằng Đền Thờ La Mã tôn thờ các thần Huno, Jupiter và Minerva. Tên thành Giê-ru-sa-lem được đổi này Aelia Capitolina, và thành này trở thành một pháo đài La Mã. Cùng thời gian này. Hadrian đổi tên vùng đất Y-sơ-ra-ên thành Palestine.

Giấc mơ tái xây dựng Đền thờ đã được khởi xướng dưới thời Hoàng Đế Julian kẻ bội giáo vào năm 363 sau công nguyên. Các nguồn lực và vật liệu xây dựng đã được chuẩn bị, nhưng vào ngày 19/5, một ngày trước khi khởi công xây dựng, đã có một trận động đất lớn xảy ra. Khí ga dưới lòng đất phát nổ và vật liệu xây dựng đã bị lửa thiêu hủy, bởi vậy dự án xây dựng đã sụp đổ. Hi vọng xây dựng lại Đền Thờ nhen nhóm trở lại dưới thời Nữ Hoàng Eudocia, người đã kết hôn với Hoàng Đế Theodosius II, cũng là người từng sống ở Giê-ru-sa-lem vào năm 443 sau công nguyên. Tuy nhiên mọi nỗ lực không mang lại kết quả gì. Vào năm 614 sau công nguyên, người Do Thái trợ giúp người Ba-Tư đánh bại Heraclius, Hoàng Đế La Mã theo Cơ Đốc Giáo, và đã được cho phép xây dựng lại Đền Thờ. Vua Ba-Tư Chosroes II đã chỉ định một người Do Thái có tên Nê-hê-mi làm Thống đốc của thành, và lịch sử có vẻ như tái diễn lại. Một Nê-hê-mi khác, cũng với sự cho phép của vua Ba-Tư, đã từng xây dựng lại các tường thành Giê-ru-sa-lem! (Nê-hê-mi 2:1-10). Trong một giai đoạn ngắn ngủi (năm 614-617 sau công nguyên), người Do Thái đã tận hưởng đặc ân của vua Ba-Tư này, nhưng sau đó (có lẽ là do áp lực của Thiên Chúa Giáo), vị vua này đã thay đổi ý định, và Đền Thờ hứa hẹn đã không bao giờ được xây. Tệ hại hơn, người Ba-Tư đã đuổi dân Do Thái ra khỏi thành Giê-ru-sa-lem, và khi Hoàng Đế Heraclius chiếm lại Giê-ru-sa-lem năm mươi năm sau, mọi hi vọng đều tan biến khi ông xây dựng Đền Thờ bát giác trên Núi Đền thay vào đó.

Tái xây dựng Đền Thờ

Ngày hôm nay công việc chuẩn bị xây dựng lại Đền Thờ diễn ra sôi nổi dưới mọi hình thức trong các tổ chức Do Thái. Trong số những Cuộn Sách Biển Chết được tìm thấy ở các hang động làng Qumran vào năm 1952, có một cuộn sách bằng đồng, mà qua đó, những người biên dịch xác nhận được danh sách 64 địa điểm các kho báu của Đền Thờ được cất giữ hay chôn giấu. Thầy Ra-bi [thầy dạy luật pháp Do Thái – ND] Goren còn nhấn mạnh các khí cụ Đền Thờ đang được chôn giấu sâu dưới Núi Đền. Những vật báu này thậm chí bao gồm cả Hòm Giao Ước, đã bị mất từ khi vua Nê-bu-cát-nết-sa hủy phá Đền Thờ vào năm 586 trước công nguyên. Tuy nhiên, chúng ta phải ghi nhớ trong tâm trí trích dẫn từ sách Giê-rê-mi 3:16: “…Đức Giê-hô-va phán: Trong những ngày đó, khi các ngươi sanh sản thêm nhiều ra trong đất, thì người ta sẽ không nói đến hòm giao ước của Đức Giê-hô-va nữa! Người ta sẽ không còn tưởng đến, không còn nhớ đến, không còn tiếc đến, và không làm một cái khác…”

Viện Nghiên cứu Talmud – [bộ sưu tập các văn kiện Do Thái cổ đại, được xem như nền tảng giáo luật Do Thái – ND] đã xuất bản hơn hai trăm năm mươi sách về một Đền Thờ mới. Phong trào The Temple Faithfull [là một phòng trào được thành lập vào năm 1967, với mục tiêu ban đầu là thúc đẩy người Do Thái giành lại Núi Đền – ND], thường xuyên cố gắng để đặt nền móng cho Đền Thờ mới, nhưng đều bị cơ quan chức năng Y-sơ-ra-ên ngăn trở. Một lượng lớn người Y-sơ-ra-ên với gia phả thích hợp đang được dạy dỗ về các bổn phận của thầy tế lễ tại yeshivas, các trường học của người Do Thái. Học viện Đền Thờ cũng đã may các trang phục của thầy tế lễ đươc phong hiệu. Các ngân quỹ được để dành cho việc xây lại Đền Thờ. Khi thời điểm tới, tòa nhà sẽ được hoàn thành hết sức nhanh chóng. Và ngày càng nhiều hơn các tổ chức Do Thái hi vọng vào việc tái xây dựng Đền Thờ. Nhưng tất cả những nỗ lực này có vẻ giống như nỗ lực tái xây dựng Đền Thờ Thứ Hai trước đây. Và tôi không chắc chắn đó có phải là điều Chúa muốn hay không.

Theo Ê-xê-chiên 40-48, sẽ có một Đền Thờ cuối cùng. Hãy cùng xem cuốn sách đáng kinh ngạc của tác giả Chaim Clorfene: Đền Thờ Chúa Cứu Thế: Hiểu biết lời tiên tri của Ê-xê-chiên.

Trên trang web www.menorah-books.com ai đó viết: “Quyển sách này đã có 2600 năm để hình thành”. Hơn 2414 năm về trước, tiên tri Ê-xê-chiên đã có khải tượng về một Đền thờ tương lai có thể mang lại hòa bình và hòa hợp cho cả thế giới. Và cùng với khải tượng là truyền thống cho rằng chìa khóa để xây dựng Đền Thờ này là học hỏi thiết kế của nó. Nhưng thiết kế khó hiểu của Ê-xê-chiên đã gây bối rối cho cả những học giả vĩ đại nhất. Vậy nên nó đã bị quên lãng và thậm chí trải qua các triều đại bị lắng chìm xuống. Dường như Ê-xê-chiên đã che giấu kế hoạch của Đền Thờ này cho đến đúng thời điểm để bày tỏ. Và bây giờ, thời điểm này đã tới, Giao ước đời đời với Giê-ru-sa-lem, Ê-xê-chiên 16:59-60, 62: “Vì Chúa Giê-hô-va phán như vầy: Mầy đã khinh dể lời thề mà dứt bỏ giao ước ta, ta sẽ đối đãi mầy như mầy đã làm. Dầu vậy, ta sẽ nhớ lại giao ước ta đã lập với mầy đương ngày mầy thơ bé, ta vì mầy sẽ lập một giao ước đời đời… Ta sẽ lập giao ước ta với mầy, mầy sẽ biết ta là Đức Giê-hô-va…”

Ở đầu chương này, chúng ta nhìn thấy trong sách Ê-xê-chiên Đức Giê-hô-va đã nhắc tới Giê-ru-sa-lem, nhưng Ngài không chỉ đơn thuần nói về gạch, con người và thành Giê-ru-sa-lem bằng đá. Ngài nói một cách tổng thể về thành “Si-ôn”, vùng đất và con người – sự hợp nhất theo trật tự thiên thượng. “Giao ước hôn nhân” này với Giê-ru-sa-lem bao gồm hầu hết tất cả các Giao ước khác, như là Giao ước Áp-ra-ham, Giao ước Luật Pháp, Giao ước Miền Đất, Giao ước Đa-vít, Giao ước với người Lê-vi, và cuối cùng là Giao ước Mới và Giao ước Bình an.

Ê-sai 4:2-6: “ … Trong ngày đó, chồi của Đức Giê-hô-va sẽ làm đồ trang sức vinh hiển của những kẻ sót lại trong Y-sơ-ra-ên, sản vật dưới đất sẽ làm sự tốt đẹp cho chúng nó. Phàm những kẻ còn lại ở Si-ôn, những kẻ sót lại ở Giê-ru-sa-lem, tức là những kẻ ở Giê-ru-sa-lem được chép vào sổ người sống, thì sẽ được xưng là thánh; khi Chúa đem thần công bình cùng thần thiêu đốt mà rửa sự ô uế của những con gái Si-ôn, tẩy sạch huyết Giê-ru-sa-lem khỏi giữa nó. Trên khắp nơi núi Si-ôn, trên khắp các hội nó, Đức Giê-hô-va sẽ dựng lên một đám mây bọc khói trong ban ngày, và ngọn lửa soi sáng trong ban đêm. Vì một cái màn sẽ che cả sự vinh hiển: sẽ có trại làm bóng mát tránh nắng ban ngày, và dùng làm nơi ẩn núp chỗ đụt cho khỏi gió táp mưa sa…”

Sự vinh quang của Đức Giê-hô-va ngự trên Đền Thờ đã được vua Sa-lô-môn xây dựng (II Sử ký 7:1-2). Ê-xê-chiên đã nhìn thấy sự vinh quang của Đức Giê-hô-va rời khỏi Đền Thờ ngay trước khi người Ba-by-lôn phá hủy nó.

Ê-xê-chiên 10: 18-19, 11:22-23: “…Sự vinh hiển của Đức Giê-hô-va ra khỏi ngạch cửa nhà, và đứng trên các chê-ru-bim. Các chê-ru-bim sè cánh dấy lên khỏi đất, mà ra trước mắt ta, và các bánh xe kề nó; chúng nó dừng nơi lối vào cửa đông nhà Đức Giê-hô-va, và sự vinh hiển của Đức Chúa Trời Y-sơ-ra-ên ở trên chúng nó. …. Bấy giờ, các chê-ru-bim sè cánh lên, và có các bánh xe ở bên nó; sự vinh hiển của Đức Chúa Trời Y-sơ-ra-ên cũng ở trên chúng nó. Sự vinh hiển của Đức Giê-hô-va dấy lên từ giữa thành, và đứng trên núi ở phía đông thành…. “ Núi này là Núi Ô-li-ve. Từ hướng đó sẽ dẫn tới Đền Thờ như là sự hiện diện mãi mãi của Chúa, Đức Chúa Trời của Y-sơ-ra-ên, ngự giữa dân giao ước từ thời thượng cổ của Ngài. Ê-xê-chiên nhìn thấy sự vinh hiển của Đức Chúa Trởi đã trở lại nơi Đền Thờ cuối cùng là thể nào.

Ê-xê-chiên 43:1-7a: “…Rồi người dắt ta vào hiên cửa, tức là hiên cửa phía đông. Ta thấy vinh quang của Đức Chúa Trời Y-sơ-ra-ên từ phương đông mà đến. Tiếng Ngài giống như tiếng nước lớn, và đất sáng rực vì vinh quang Ngài. Sự hiện thấy mà ta thấy bấy giờ, giống như sự hiện thấy đã hiện ra cho ta khi ta đến đặng hủy diệt thành nầy. Ấy là những sự hiện thấy giống như sự hiện thấy mà ta đã thấy trên bờ sông Kê-ba, và ta sấp mặt xuống. Vinh quang của Đức Giê-hô-va vào trong nhà do hiên cửa hướng đông. Thần cất ta lên và đem ta vào nơi hành lang trong; và, nầy, vinh quang của Đức Giê-hô-va đầy nhà. Ta nghe có ai nói với ta từ trong nhà; có một người đứng gần bên ta. Người nói cùng ta rằng: Hỡi con người, đây là nơi ta đặt ngai ta, là nơi để bàn chân ta, tại đây ta sẽ ở đời đời giữa con cái Y-sơ-ra-ên. Từ nay về sau, không cứ là nhà Y-sơ-ra-ên, là các vua nó, cũng sẽ không phạm đến danh thánh ta nữa…”

Thi-Thiên 132:13-14: “… Vì Đức Giê-hô-va đã chọn Si-ôn; Ngài ước Si-ôn làm nơi ở của Ngài; Đây sẽ là nơi an nghỉ ta đởi đời; Ta sẽ ngụ ở đây, vì ta có ước ao như thế…”

Sách Khải huyền cho chúng ta biết sự trị vì của Chúa Giê-xu trên đất tại Giê-ru-sa-lem sẽ kéo dài một ngàn năm. Là chỗ duy nhất trong Kinh Thánh (Khải huyền 20:4-5) nói về giới hạn thời gian cho kỷ nguyên Chúa Giê-xu trên đất, điều này có vẻ khác biệt với hầu hết những lời tiên tri khác trong Kinh Thánh về Vương Quốc Chúa Giê-xu, nhấn mạnh đến sự ngự trị đời đời. Nhưng nó sẽ là như vậy. Chỉ có điều, viễn cảnh của Vương Quốc Chúa Giê-xu sẽ dịch chuyển từ giai đoạn này đến giai đoạn khác. Giao ước Giê-ru-sa-lem cho đến lúc này là để kết nối thành trên đất với thành trên trời (Ê-sai 65:17-19; Khải huyền 21). Ê-sai cho chúng ta biết trong Giê-ru-sa-lem mới, sẽ không còn nhớ tới những kinh hãi vây quanh hay liên quan tới thành cũ và thế gian mà thành ấy hiện hữu. Trời mới và đất mới sẽ là nơi ở của Vương Quốc Chúa Giê-xu đời đời. Như Giao ước Áp-ra-ham đã hứa về Miền đất của Y-sơ-ra-ên và Giê-ru-sa-lem trên đất như là sản nghiệp cho tất cả người Do Thái trải qua các thời kỳ, dù họ đang sống trên mảnh đất này hay sống lưu vong, thì trong Kinh Thánh Tân Ước, lời hứa về Giê-ru-sa-lem mới như là sản nghiệp đời đời cho tất cả những ai mà tên họ được viết trong Sách Sự Sống của Chiên Con (Hê-bơ-rơ 12:22-24, 13-14). Bao gồm tất cả những ai dự phần trong Giao Ước mới, dù họ là dân Do Thái hay Dân Ngoại.

Giáo sĩ Willem J. J. Glashouwer (Editor 17 November 2016)

Chủ tich Cơ Đốc Nhân vì Israel Quốc tế

Chủ tịch danh dự Liên Minh Châu Âu vì Israel

Biên dịch: Cơ Đốc Nhân Vì Israel Quốc Tế

Bình Luận:

You may also like