Home Chuyên Đề Tại Sao Lu-xi-phe, Sa-tan, Bị Đuổi Khỏi Thiên Đàng Và Bị Đày Xuống Địa Ngục?

Tại Sao Lu-xi-phe, Sa-tan, Bị Đuổi Khỏi Thiên Đàng Và Bị Đày Xuống Địa Ngục?

by Sưu Tầm
30 đọc

Đường lối ngươi trọn vẹn, từ ngày ngươi được dựng nên, cho đến khi thấy sự gian ác trong ngươi. Khi buôn bán thạnh lợi, ngươi càng trở nên bạo ngược, và phạm tội; Vì thế, Ta đã xô ngươi như là vật ô uế xuống khỏi núi Đức Chúa Trời; Hỡi chê-rúp che phủ kia, ta diệt ngươi giữa các hòn đá sáng như lửa! Lòng ngươi kiêu ngạo vì vẻ đẹp ngươi, và vinh quang của ngươi làm hư hỏng sự khôn ngoan mình. Ta đã xô ngươi xuống đất, đặt ngươi trước mặt các vua, làm trò cho họ xem. Ngươi đã làm ô uế nơi thánh ngươi, bởi tội ác chất chồng, và bởi sự buôn bán không chính trực của ngươi. Vì thế, Ta đã khiến lửa ra từ giữa ngươi thiêu nuốt ngươi, và Ta đã làm cho ngươi trở nên tro trên đất trước mặt mọi kẻ xem thấy. – Ê-xê-chi-ên 28:15-18

Ma quỷ. Hắn là hiện thân của cái ác và có nhiều tên gọi khác nhau – Sa-tan, Lu-xi-phe, chúa quỷ, cha của sự dối trá. Hắn đã trở thành một phần của những câu chuyện kinh dị trong truyền thuyết suốt một thời gian dài đến nỗi nhiều người nghĩ rằng hắn chỉ là một nhân vật hư cấu, được tạo ra để dọa trẻ em và khán giả điện ảnh trên toàn thế giới.

Trên thực tế, câu chuyện của ma quỷ đã có trước câu chuyện về sự sáng tạo của loài người và có thể khiến nhiều người ngạc nhiên khi biết rằng, trước khi bị trục xuất khỏi thiên đàng, hắn đã từng là một thiên sứ sáng láng.

Lu-xi-phe đã hầu việc Chúa với cương vị là một chê-ru-bim che phủ

Kinh Thánh không cung cấp cho chúng ta dòng thời gian chính xác về nguồn gốc của Sa-tan. Thay vào đó, những gì chúng ta biết về sự khởi đầu của Sa-tan là đến từ những phân đoạn được viết bởi các tiên tri Ê-xê-chi-ên và Ê-sai, các học giả Kinh Thánh tin rằng những phân đoạn này đã cho biết một cách chi tiết về việc ma quỷ từ trên trời rơi xuống (Ê-xê-chi-ên 28Ê-sai 14).

Các tiên tri cho chúng ta biết Sa-tan đã từng là một thiên sứ được gọi là “sao mai”, dịch từ chữ Lu-xi-phe – con trai của sáng sớm  (Ê-xê-chi-ên 28:14; Ê-sai 14:12). Là một thiên sứ, Lu-xi-phe được đi dạo trên núi thánh của Đức Chúa Trời và được xức dầu để phụng sự Đức Chúa Trời với tư cách là một chê-ru-bim che phủ (hay chê-rúp), một trong số các thiên sứ có cấp bậc cao nhất trong đội quân thiên sứ thánh của Đức Chúa Trời, chỉ đứng sau sê-ra-phim (Ê-xê-chi-ên 28:14). Việc Lu-xi-phe được phong làm chê-rúp là một vinh dự không nhỏ.

Trên thiên đàng, chê-ru-bim giữ một vị trí cao trọng nổi bật đến nỗi chính Đức Chúa Trời là Đấng “ngự trên các chê-ru-bim” (Ê-sai 37:16).

Sự kiêu ngạo của Lu-xi-phe là lý do khiến Chúa đuổi hắn ra khỏi thiên đàng

Là một tạo vật của Đức Chúa Trời, chúng ta biết rằng Lu-xi-phe được tạo ra là tốt lành (Sáng-thế 1:31Ê-xê-chi-ên 28:13). Trên thực tế, Kinh Thánh khẳng định rằng Lu-xi-phe đã khởi đầu “trọn vẹn” trong mọi đường lối mình, và là hình mẫu của sự toàn hảo, đầy khôn ngoan và vẻ đẹp hoàn mỹ (Ê-xê-chi-ên 28:12-15). Hơn nữa, việc Đức Chúa Trời phong cho Lu-xi-phe làm một chê-ru-bim chứng tỏ rằng Ngài tin tưởng Lu-xi-phe đủ để trao cho hắn một vị trí quyền lực trong số các thiên sứ trên trời (Ê-xê-chi-ên 28:14).

Tuy nhiên, Lu-xi-phe không hài lòng với quyền lực và những ân tứ mà Chúa đã ban cho hắn. Thay vào đó, Lu-xi-phe muốn nhiều hơn thế nữa.

Lu-xi-phe trở nên vô cùng kiêu ngạo về sự huy hoàng mà Đức Chúa Trời đã ban cho mình đến nỗi hắn trở nên hư hoại và điên cuồng, không còn muốn phục vụ dưới quyền của Đức Chúa Trời nữa (Ê-xê-chi-ên 28:15-17; Ê-sai 14:13-14). Cảm giác ta đây hơn người này đã khiến Lu-xi-phe sử dụng ý chí tự do của mình mà lên kế hoạch để trở nên vĩ đại hơn Đức Chúa Trời, và tập hợp một đội quân thiên sứ để giúp hắn thực hiện âm mưu đó (Ê-xê-chi-ên 28:17; Ê-sai 14:13-14; Khải-huyền 12:3 -4, Khải-huyền 12:9).

Vì vậy, tội lỗi của Sa-tan là tội lỗi của sự kiêu ngạo trong việc chống lại Đức Chúa Trời cũng như cố lấy đi sự ngợi khen cùng sự vinh hiển mà chỉ dành riêng cho Đức Chúa Trời toàn năng. Kiêu ngạo đứng đầu danh sách những tội lỗi mà Chúa ghét (Châm-ngôn 6:16-7).  Sự kiêu ngạo mà Kinh Thánh lên án không đề cập đến cảm giác thỏa mãn khi hoàn thành công việc gì đó một cách xuất sắc. Thay vào đó, sự kiêu ngạo theo nghĩa Kinh Thánh là ám chỉ việc bị ám ảnh bởi bản thân quá mức đến nỗi tâm trí không bao giờ hướng về Đức Chúa Trời và tấm lòng không bao giờ tìm kiếm Ngài (Thi-thiên 10:4).

May mắn thay cho chúng ta, âm mưu kiêu ngạo của Sa-tan nhằm đoạt ngôi của Đức Chúa Trời đã thất bại.

Để trừng phạt Lu-xi-phe về tội bất tuân và làm ô nhục nghiêm trọng chức vụ thiên sứ của mình, Đức Chúa Trời đã đuổi Lu-xi-phe ra khỏi thiên đàng bằng cách ném hắn và đội quân thiên sứ sa ngã của hắn xuống đất (Ê-sai 14:15; Ê-xê-chi-ên 28: 16-18; Khải-huyền 12: 9) và cuối cùng là đày chúng xuống địa ngục (Ma-thi-ơ 25:41).

Chúa Giê-xu xác nhận ma quỷ đã sa ngã mặc dù đang ở trong ân điển và ví nó như tia chớp sa xuống từ trời (Lu-ca 10:18), Sứ-đồ Phi-e-rơ đã ám chỉ sự sa ngã của ma quỷ khi ông cảnh báo rằng Đức Chúa Trời chẳng dung thứ các thiên sứ khi họ phạm tội, nhưng ném họ vào địa ngục ( 2 Phi-e-rơ 2:4).

Khi Lu-xi-phe bị ném ra khỏi thiên đàng, hắn nhận ra rằng hắn không có quyền năng để cướp ngôi của Đức Chúa Trời trực tiếp từ tay Ngài. Thay vào đó, Lu-xi-phe đặt ra mục tiêu nhằm chế ngự Đức Chúa Trời bằng một cách khác — dụ dỗ con cái của Đức Chúa Trời từ bỏ Ngài. Tại thời điểm này, “ngôi sao mai” được gọi là Lu-xi-phe ấy đã trở thành kẻ thù và kẻ kiện cáo loài người, hay còn được gọi là Sa-tan.

Lu-xi-phe trở thành Sa-tan kẻ kiện cáo, kẻ dụ dỗ loài người phạm tội

Sa-tan đã sử dụng sự khôn ngoan và tài mưu lược của mình để cướp đi sự cứu rỗi đời đời của nhân loại kể từ khi chính hắn sa ngã khỏi ân điển. Trên thực tế, Sa-tan đã gây ra tội lỗi đầu tiên cho con người bằng cách cám dỗ A-đam và Ê-va với cùng một ham muốn khiến chính hắn sa ngã — ham muốn tội lỗi muốn được giống như Đức Chúa Trời (Ê-sai 14:13-14; Sáng-thế 3:1-5).

Nghiêm trọng hơn, sự cám dỗ đầu tiên của Sa-tan đối với loài người không chỉ khiến mối quan hệ của họ với Đức Chúa Trời trở nên căng thẳng, mà còn khiến cha mẹ đầu tiên của chúng ta quay lưng lại với nhau khi A-đam trách Ê-va vì đã cho ông ăn trái cấm (Sáng-thế 3:12). Điều này cho thấy sự cám dỗ và tội lỗi có thể dẫn đến xung đột và chia rẽ dễ dàng như thế nào, và nó thúc đẩy mục tiêu của Sa-tan là tạo ra sự hỗn loạn giữa vòng con cái Đức Chúa Trời.

Nói về sức mạnh của Sa-tan, thực tế thì hắn không làm việc một mình. Đội quân thiên sứ mà Sa-tan tập hợp trong cuộc nổi dậy chống lại Đức Chúa Trời — một phần ba số thiên binh — giờ đây đóng vai trò là những con quỷ thực hiện mệnh lệnh của Sa-tan (Khải-huyền 12:4-9). Ma quỷ cũng nguy hiểm không kém gì Sa-tan, như Kinh Thánh mô tả chúng là các thần dữ (Ê-phê-sô 6:12) có thể lừa dối, hành hạ và khiến các tín hữu  tự làm điều ác (2 Cô-rinh-tô 11:13-14; 2 Cô-rinh-tô 12:7 ; Lu-ca 22:3-4).

Chúng ta có thể học được gì từ sự sa ngã của Sa-tan?

Là những người tin Chúa, chúng ta biết rằng Sa-tan và các sứ của hắn cuối cùng rồi sẽ bị đánh bại và bị ném vào hồ lửa đời đời (Ma-thi-ơ 25:41). Tuy nhiên, cho đến tận thời kỳ sau rốt, Sa-tan vẫn là một sinh linh mạnh mẽ có mục đích duy nhất là lừa dối chúng ta để cắt đứt mối quan hệ của chúng ta với Đức Chúa Trời và với nhau (Giăng 8:44; Khải-huyền 12:10).

Chính bằng cách cắt đứt mối quan hệ của chúng ta với Đức Chúa Trời và với anh chị em của mình, Sa-tan tìm cách đánh cắp sự bình an của chúng ta và cuối cùng hủy hoại đời sống của chúng ta (Giăng 10:10). Không có gì lạ khi mô tả những nỗ lực của ma quỷ nhằm làm sáng tỏ Vương-quốc của Đức Chúa Trời, Sứ-đồ Phi-e-rơ mô tả Sa-tan như “sư tử gầm thét” “đang rình rập chung quanh… tìm người để cắn nuốt” (1 Phi-e-rơ 5: 8).

Một cách mà ma quỷ cắn xé mối quan hệ của chúng ta với Đức Chúa Trời và với nhau là lừa chúng ta tin rằng điều đúng và điều sai chỉ là tương đối.

Sa-tan không muốn gì khác hơn là mỗi người chúng ta hành động như những vị thần của riêng mình, ném đá nhau dựa trên quy tắc đạo đức của chính chúng ta cũng như phủ nhận quyền hạn và điều răn của Đức Chúa Trời là Đấng duy nhất trong toàn cõi vũ trụ. Để tránh rơi vào bẫy của Sa-tan, chúng ta không cần tìm đâu xa hơn nguyên nhân khiến Sa-tan bị trục xuất khỏi thiên đàng: sự kiêu ngạo.

Sự kiêu ngạo của Sa-tan là tội lỗi đầu tiên trong vũ trụ, và con người đã được cảnh báo rằng kiêu ngạo đi trước sự sa ngã (Châm-ngôn 16:18; 1 Ti-mô-thê 3:6). Có thể nói rằng, mọi tội lỗi đều bắt nguồn từ sự kiêu ngạo nếu chúng ta coi tội lỗi là việc đặt ham muốn của mình lên trên ý muốn của Đức Chúa Trời.

Vậy, các tín hữu có thể tránh bị mắc kẹt trong sự kiêu ngạo và tất cả những tội lỗi khác bắt nguồn từ sự kiêu ngạo bằng cách sống theo Lời Chúa.

Lời Chúa dạy chúng ta yêu kính Đức Chúa Trời và yêu thương nhau (Ma-thi-ơ 22:34-40), cố gắng hết sức để sống hòa thuận với mọi người (Hê-bơ-rơ 12:14) và cầu nguyện cho kẻ thù của mình (Ma-thi-ơ 5:44). Bằng cách làm những gì có thể để phản ánh tình yêu thương, hòa bình và sự khiêm nhường trong hành động của mình, chúng ta có thể chống lại Sa-tan bằng cách cầm giữ lòng kiêu hãnh và vâng phục ý muốn của Đức Chúa Trời, Đấng đã hứa sẽ chống cự kẻ kiêu ngạo và nâng đỡ người khiêm nhường (Gia-cơ 4:6 -10).   

Dịch: Eunice Tu

Nguồn: Biblestudytools.com

Bài vở cộng tác hoặc góp ý xin gửi về tintuc@hoithanh.com

Bình Luận:

You may also like