Home Chuyên Đề Những Người Trẻ và Sứ Mạng Toàn Cầu

Những Người Trẻ và Sứ Mạng Toàn Cầu

by thetravelingteam.org
30 đọc

Tôi đã từng nghĩ rằng Kinh Thánh chỉ là một quyển sách cũ những người da trắng hay đọc,” Cheeia, một sinh viên trường Đại-học Wisconsin tại Madison đã nói như thế. Lần đầu tiên trong đời cô mở một quyển Kinh Thánh ra đọc là vào năm thứ nhất đại học. Khi bắt đầu hiểu hơn về Kinh Thánh, cô thấy được mối quan hệ với Đức Chúa Trời qua Chúa Giê-xu Christ không chỉ dành riêng cho người da trắng. Mà nó cũng dành cho chính cô nữa. Thoát ra khỏi lớp sương mù che phủ của chứng trầm cảm và ma túy, Cheeia đã dâng cuộc đời mình cho Đấng Christ và ngay lập tức được biến đổi.

Câu chuyện không kết thúc tại đó. Những gì xảy ra tiếp theo đây sẽ làm nổi bật tác động đáng kinh ngạc mà những người trẻ có thể tạo ra trong việc lan tỏa Tin Lành của Chúa Giê-xu Christ cho cộng động của mình. Cheeia đến từ nhóm dân tộc Hmong ở khu vực Đông Nam Á, và được mời đến một buổi nhóm tư gia chỉ trong vài tháng sau khi trở thành một Cơ-đốc nhân. Tại buổi đoàn tụ gia đình, người nhà cô nhận thấy sự thay đổi rõ rệt ở Cheeia. Họ thấy được niềm vui và mục đích trong đời sống cô mà trước đây không hề có. Và tất nhiên, họ muốn biết chuyện gì đã xảy ra. Tại sao có sự thay đổi này?

Trong ba giờ sau đó, Cheeia đã giải thích về đức tin mới của cô trong Chúa Giê-xu Christ cho gia đình mình. Cô đã tải xuống một bộ phim của hãng Jesus Film, một bộ phim về cuộc đời Chúa Giê-xu được lấy từ Phúc Âm Lu-ca. Khi gia đình cô xem xong bộ phim về Chúa Giê-xu bằng chính ngôn ngữ của họ, nhiều người đã mong muốn được kinh nghiệm đức tin này.

Vào cuối ngày hôm đó, ba mươi bảy thành viên trong gia đình (gồm ba trăm người có mặt lúc đó) đã cầu nguyện tiếp nhận Chúa Giê-xu Christ cùng với Cheeia. Kể từ đó, cả cha và mẹ của cô đều trở thành Cơ-đốc nhân. Mẹ của Cheeia, sau khi được gặp gỡ Chúa Giê-xu, đã nói rằng, “Gia đình tôi giờ đây có sự vui mừng và tôi biết rằng niềm vui đó đến từ Chúa.”

Cameron Townsend, một sinh viên tại Đại-học Occidental ở miền nam California vào đầu những năm 1900, đã nghe nói về nhu cầu phân phối ấn phẩm Cơ-đốc ở khu vực Trung Mỹ. Trước khi tốt nghiệp, anh đã đến Guatemala để phân phát Kinh Thánh trong tiếng Tây Ban Nha. Vấn đề mà Townsend đã gặp phải và giúp mở mắt cho anh là: nhiều bộ tộc ở đó không nói được tiếng Tây Ban Nha. Một người da đỏ thuộc bộ tộc Cakchiquel thậm chí còn hỏi anh rằng, “Nếu Chúa của bạn thông minh như vậy, tại sao Ngài không thể nói bằng ngôn ngữ của tôi?” Chàng sinh viên đại học này cuối cùng đã thành lập tổ chức Wycliffe Bible Translators, với quyết tâm để cho “mọi người nam, người nữ và trẻ em đều có thể đọc Lời Chúa bằng chính ngôn ngữ của họ.” Đến nay, tổ chứcWycliffe đã dịch Kinh Thánh sang hơn 700 ngôn ngữ trên thế giới. Đây là một ví dụ khác về cách Đức Chúa Trời sử dụng những người trẻ, đặc biệt là thế hệ sinh viên, để ảnh hưởng đến các dân tộc.

Cheeia và Cameron Townsend chỉ là hai ví dụ về cách mà Đức Chúa Trời sử dụng những người trẻ tuổi để lãnh đạo, gây ảnh hưởng, và giúp người khác hiểu rằng họ có thể có một mối quan hệ cá nhân với Đấng đã tạo dựng nên mình. Tôi tin rằng những người được trang bị tốt nhất để chia sẻ Phúc Âm là những người trẻ tuổi, đặc biệt là sinh viên đại học, những người có lòng sốt sắng trong việc nhân rộng đức tin của họ.

NHỮNG NGƯỜI TRẺ TRỞ NÊN NHỮNG NHÀ TRUYỀN GIÁO VĨ ĐẠI

Trong suốt lịch sử truyền giáo, những người trẻ, ở độ tuổi sinh viên, đã được sử dụng để tác động và thay đổi thế giới. Vào thời Kinh Thánh, Đức Chúa Trời cũng đã sử dụng những người trẻ để mang lại những thay đổi lớn lao.

Tiếp cận những người trẻ và sai phái họ đi để trở thành những nhà truyền giáo cho thế giới không phải là một ý tưởng mới lạ. Hãy nhìn xem chính mình trong gương, bạn không thấy rằng mình sẽ trở thành một nhà truyền giáo vĩ đại sao! Từ đầu đến cuối, Kinh Thánh chứa đầy những câu chuyện về cuộc đời của những người trẻ tuổi được Đức Chúa Trời kêu gọi để gây ảnh hưởng và chia sẻ lẽ thật về Chúa Giê-xu. Đó là những gì mà chúng ta định nghĩa về một nhà truyền giáo; người chia sẻ lẽ thật về Chúa Giê-xu Christ. Sứ mạng này dẫn đến kết quả là mọi sự vinh hiển đều được dâng lên cho Đức Chúa Trời. Khi chúng ta đi sâu hơn vào Lời Chúa, chúng ta thấy rõ ràng mục đích của công tác truyền giáo là mang lại vinh hiển cho Đức Chúa Trời vĩ đại của chúng ta. Todd Ahrend, nhà sáng lập kiêm giám đốc quốc tế của tổ chức The Traveling Team, dạy rằng đọc Kinh Thánh mà không bị ảnh hưởng bởi sứ mạng của Đức Chúa Trời để khiến sự vinh hiển của Ngài được biết đến là điều không thể. Ông viết, “Như bạn thấy đấy, truyền giáo không phải là ý tưởng của các mục sư, lãnh đạo hội thánh, hay thậm chị của chính các bạn… đó là ý tưởng của Đức Chúa Trời. Từ buổi sáng thế, Đức Chúa Trời đã hướng tới một lời hứa mà cho đến cuối cùng chính Ngài sẽ làm cho trọn—sự trình diện của muôn dân muôn nước ở trước ngôi Ngài.” Ahrend lập luận rằng chủ đề chung về mong muốn chạm đến mọi dân tộc của Đức Chúa Trời với sự vinh hiển của Ngài chính là lý do thúc ép mọi người trở thành nhà truyền giáo. Ahrend viết, “Hãy đọc Kinh Thánh dưới góc nhìn từ tấm lòng của Đức Chúa Trời dành cho thế gian, và chúng ta sẽ thấy rằng từ Sáng-thế Ký cho đến Khải-huyền, Đức Chúa Trời mời gọi bạn và tôi cùng với tất cả dân sự Chúa cùng Ngài chạm đến mọi dân tộc.”

Mục-sư John Piper viết về sứ mạng tối thượng của Đức Chúa Trời, “Mục đích của Đức Chúa Trời trong toàn bộ lịch sử là gìn giữ và bày tỏ sự vinh hiển của Ngài để những người được chuộc từ mọi dân tộc được sống trong niềm vui thỏa.” Khi xem xét tất cả những định nghĩa về truyền giáo, chúng ta dễ dàng nhận thấy rằng tấm lòng của Đức Chúa Trời chính là sứ mạng của Đức Chúa Trời: truyền bá sự vinh hiển của Ngài cho mọi người.

Khi chúng ta đọc và nghiên cứu Kinh Thánh, thật dễ dàng nhận ra rằng Đức Chúa Trời thường sử dụng những người trẻ tuổi để khiến cho sự vinh hiển của Ngài được biết đến gần xa. Chúng ta hãy xem điều đó đã diễn ra như thế nào nhé.

Ý tưởng về việc Đức Chúa Trời chạm đến mọi dân tộc thông qua hoạt động truyền giáo của những tôi tớ trung tín của Ngài, thường được gọi là Đại Mạng Lệnh, không phải là một ý tưởng chỉ có trong thời Tân Ước. Khi Chúa Giê-xu thách thức các môn đồ chia sẻ tình yêu của Ngài cho khắp thế gian, Ngài chỉ đơn giản là lặp lại những gì Đức Chúa Trời đã phán xuyên suốt Cựu Ước. Trong Sáng-thế Ký, Đức Chúa Trời phán cùng Áp-ram rằng, “Hãy ra khỏi quê hương, bà con thân tộc và nhà cha của con để đi đến vùng đất Ta sẽ chỉ cho con. Ta sẽ làm cho con thành một dân lớn, Ta sẽ ban phước cho con, làm rạng rỡ danh con, và con sẽ thành một nguồn phước. Ta sẽ ban phước cho người nào chúc phước con, nguyền rủa kẻ nào nguyền rủa con; mọi dân trên đất sẽ nhờ con mà được phước” (Sáng-thế ký 12:1-3).Đức Chúa Trời muốn ban phước cho các dân tộc khi Ngài được tôn vinh. Trong toàn bộ Kinh Thánh, nhiều người trẻ được nhắc đến qua việc khiến danh Chúa được biết đến và làm nguồn phước cho nhiều dân tộc. Kết quả là Đức Chúa Trời được tôn vinh.

NHỮNG NGƯỜI TRẺ TRONG THỜI CỰU ƯỚC

Đa số mọi người đều biết câu chuyện của Đa-vít, cậu bé chăn chiên trở thành một vị vua, một chiến binh non trẻ đã thật sự lấy đầu của một gã khổng lồ cao hơn 2 mét, người được Đức Chúa Trời lựa chọn để dẫn dắt một dân tộc, một chiến binh được nhiều người nể sợ, một người lãnh đạo còn nhiều thiếu sót nhưng đã có một đời sống kết quả. Ngay từ lần đầu tiên Đa-vít được đề cập đến trong Kinh Thánh, cậu hoàn toàn tập trung vào mục đích của mình: làm cho cả thế gian đều biết đến sự vinh hiển của Đức Chúa Trời.

Hãy tưởng tượng một đạo quân đang đứng bên bờ vực, phía bên kia là một đạo quân khác đang dàn trận, và hai trong số những người lính giỏi nhất của họ đi ra giao chiến giữa những tiếng reo hò. Dân Phi-li-tin thách thức dân Y-sơ-ra-ên. Trong khi reo hò cổ vũ cho nhà vô địch của mình, người Phi-li-tin chắc hẳn đã nghĩ rằng đó thật là một chuyện nực cười khi dân Y-sơ-ra-ên cử ra một cậu nhóc còn vắt mũi chưa sạch để đấu với nhà vô địch của họ. Khi hai bên đối mặt nhau—trước mặt mọi người, Đa-vít nói với kẻ thù nghịch của mình thế này:

Ngươi cầm gươm, giáo, lao mà đến cùng ta; còn ta, ta nhân danh Đức Giê-hô-va vạn binh mà đến, tức là Đức Chúa Trời của đạo binh Y-sơ-ra-ên, mà ngươi đã sỉ nhục. Ngày nay Đức Giê-hô-va sẽ phó ngươi vào tay ta, ta sẽ giết ngươi, cắt đầu ngươi, và ngày nay ban thây của đạo binh Phi-li-tin cho chim trời và thú vật của đất. Khắp thế gian sẽ biết rằng Y-sơ-ra-ên có một Đức Chúa Trời; và quân lính nầy sẽ thấy rằng Đức Giê-hô-va không giải cứu bằng gươm, hoặc bằng giáo; vì Đức Giê-hô-va là Chúa của chiến trận, và Ngài sẽ phó các ngươi vào tay chúng ta” (I Sa-mu-ên 17:45-47).

Tại sao cậu trai trẻ Đa-vít lại lên kế hoạch giết gã khổng lồ này? Theo I Sa-mu-ên, lý do của cậu là để khắp thế gian biết rằng có một Đức Chúa Trời phi phàm ngự ở giữa dân Y-sơ-ra-ên. Đa-vít biết rằng cả vùng này sẽ bàn tán về việc một người trai trẻ đã đánh bại một gã khổng lồ, và kết quả là sự vinh hiển của Đức Chúa Trời sẽ được tỏ ra cho nhiều dân tộc. Đa-vít bao nhiêu tuổi khi cậu tạo ra sức ảnh hưởng lớn đến như vậy? Theo nhiều học giả, Đa-vít lúc đó có thể đang trong độ tuổi thiếu niên khi bước ra và hạ gục Gô-li-át. Theo như ghi chép trong quyển Bible Knowledge Commentary, “có thể Đa-vít chỉ ở độ tuổi 17 hoặc 18 tại thời điểm đó.” Nhà bình luận Kinh Thánh William MacDonald cho rằng, “[Đa-vít] có lẽ đang ở độ tuổi đôi mươi vào thời điểm này.” Dù thế nào đi nữa, thì người trai trẻ này hóa ra lại chính là một trong những nhà truyền giáo vĩ đại nhất thời Cựu Ước.

Đa-vít đã viết để vinh quang của Đức Chúa Trời được biết đến trên khắp thế gian. Như đã tuyên bố ở trên, Đa-vít biết rằng chiến tích vẻ vang của cậu trước Gô-li-át sẽ được lan truyền đi rất xa—và được nhiều người biết đến. Nếu là thời nay thì chiến tích này sẽ trở thành một trào lưu trên Twitter và Facebook! Cậu muốn đảm bảo rằng danh tiếng của Đức Chúa Trời sẽ là trọng tâm của câu chuyện được chia sẻ.

Từ thuở thiếu thời, Đa-vít đã có một lòng nhiệt huyết muốn rao truyền sự vinh hiển của Đức Chúa Trời. Như George W. Peters đã chỉ ra, “Công tác truyền giáo được hỗ trợ bởi sách Thi-thiên với hơn 175 chi tiết có thể làm tài liệu tham khảo mang tính phổ quát liên quan đến các dân tộc trên thế giới.” Nhiều ví dụ về những lời Đa-vít viết trong Thi-thiên nói về sự vinh hiển của Đức Chúa Trời được rao truyền ra khắp thế gian như: “Khắp cả trái đất sẽ nhớ và trở về cùng Đức Giê-hô-va, họ hàng muôn dân sẽ thờ lạy trước mặt Ngài. Vì vương quyền thuộc về Đức Giê-hô-va, Ngài cai trị trên muôn dân” (Thi-thiên 22:27-28). Sau đó, ông viết, “Muôn dân mà Chúa đã tạo dựng sẽ đến thờ lạy trước mặt Chúa và tôn vinh danh Ngài. Vì Chúa rất vĩ đại, làm các phép mầu, chỉ một mình Chúa là Đức Chúa Trời mà thôi” (Thi-thiên 86:9-10). Và chúng ta đọc thấy tấm lòng của Đa-vít mong muốn dân Y-sơ-ra-ên trở thành nguồn phước cho các dân tộc như ý định ban đầu của Đức Chúa Trời khi Ngài phán cùng Áp-ram trong Sáng-thế Ký 12: “Hãy hát cho Đức Giê-hô-va một bài ca mới. Hỡi cả trái đất, hãy ca ngợi Đức Giê-hô-va. Hãy ca ngợi Đức Giê-hô-va và chúc tụng danh Ngài; từng ngày hãy rao truyền sự cứu rỗi của Ngài. Hãy thuật lại vinh quang Ngài giữa các nước, công bố những việc diệu kỳ của Ngài cho muôn dân” (Thi-thiên 96:1-3). Đa-vít làm vua trên Y-sơ-ra-ên trong hơn 40 năm. Từ trận chiến với Gô-li-át khi còn trẻ và trong suốt cuộc đời mình—qua những lỗi lầm và tất cả những thăng trầm đã trải qua, ông luôn nói về sự vinh hiển của Đức Chúa Trời.

Một người trẻ khác được Đức Chúa Trời kêu gọi và sử dụng để rao truyền sự vinh hiển của Ngài là Giê-rê-mi. Trong Giê-rê-mi 1, Đức Chúa Trời kêu gọi người trai trẻ tuổi này để làm tiên tri cho các dân tộc, lập người lên làm người phát ngôn cho Chúa để truyền đạt lời Ngài đến với dân Giu-đa, Chúa phán rằng, “Trước khi tạo nên con trong lòng mẹ, Ta đã biết con, trước khi con ra đời, Ta đã biệt riêng con; Ta đã lập con làm nhà tiên tri cho các nước” (Giê-rê-mi 1:5). Giê-rê-mi đã phản ứng như thế nào trước sự kêu gọi của Chúa trên cuộc đời cậu? Với lòng can đảm và sự phấn khích? Không. Giê-rê-mi đáp lại với sự bất an, viện cớ để thoái thác và sợ hãi. Câu đầu tiên Giê-rê-mi nói với Chúa là cậu không có đủ năng lực để trở thành một nhà tiên tri vì còn quá trẻ, “Ôi! Lạy Chúa Giê-hô-va! Con không biết ăn nói thế nào, vì con còn non trẻ” (Giê-rê-mi 1:6). Chúng ta biết phần còn lại của câu chuyện, cuối cùng thì Giê-rê-mi cũng chấp nhận trả giá cho sự kêu gọi của Đức Chúa Trời để không chỉ mang đến sự ảnh hưởng trên nước Giu-đa, mà còn tác động đến những dân tộc khác. Đức Chúa Trời đang nói rằng, “Một nhà tiên tri cho các dân tộc, đó là ý tưởng của Ta dành cho con.” Như có trình bày trong quyển Bible Knowledge Commentary, “Dù Giê-rê-mi chỉ công bố Lời Chúa cho dân Giu-đa (Giê-rê-mi 2-45), nhưng chức vụ của ông với tư cách là người phát ngôn của Đức Chúa Trời đã vượt ra bên ngoài biên giới Giu-đa để đến với các nước của dân ngoại (Giê-rê-mi 46-51).” Giê-rê-mi rao giảng về sự phán xét và tình yêu của Đức Chúa Trời dành cho dân Giu-đa cũng như cho Ai-cập, Ba-by-lôn, Ê-đôm, và Mô-áp. Giê-rê-mi tự nhận mình còn non trẻ. Giê-rê-mi bao nhiêu tuổi tại thời điểm Đức Chúa Trời kêu gọi ông? Holladay nói về tuổi trẻ của Giê-rê-mi như vầy, “Từ khi còn là một thiếu niên, đúng vậy, Giê-rê-mi đã đáp lại lời kêu gọi từ Đức Chúa Trời.”

Giê-rê-mi và Đa-vít là những ví dụ rõ ràng về những người trẻ được Đức Chúa Trời lựa chọn để công bố sự vinh hiển của Ngài cho các dân tộc. Tuy nhiên còn có những người trẻ khác trong thời Cựu Ước cũng rất có sức ảnh hưởng đến sứ mạng của Đức Chúa Trời. Vua Giô-si-a chỉ là một đứa trẻ khi mới lên ngôi. Theo II Sử-ký 34:1-2, “Giô-si-a được tám tuổi khi người lên ngôi làm vua, và cai trị ba mươi mốt năm tại Giê-ru-sa-lem. Người làm điều thiện trước mặt Đức Giê-hô-va, và đi theo con đường của Đa-vít, tổ phụ người, không xây về bên hữu hay là bên tả.” Đa-ni-ên cũng là một người trẻ được Chúa sử dụng, như được mô tả trong Đa-ni-ên 1:

“Vua truyền cho Át-bê-na, là người làm đầu các hoạn quan mình, lấy trong con cái Y-sơ-ra-ên, trong dòng vua, và trong hàng quan sang, mà đem đến mấy kẻ trai trẻ không có tật nguyền, mặt mày xinh tốt, tập mọi sự khôn ngoan, biết cách trí, đủ sự thông hiểu khoa học, có thể đứng chầu trong cung vua, và dạy cho học thức và tiếng của người Canh-đê.” (Đa-ni-ên 1:3-4)

Đức Chúa Trời không chỉ sử dụng những người nam trẻ tuổi trong thời Cựu ước, Ngài còn sử dụng những người nữ trẻ, như trường hợp của Ru-tơ, “Đoạn, Bô-ô nói cùng đầy tớ coi sóc các con gặt rằng: Người gái trẻ nầy là con của ai?” Sách Ru-tơ là một câu chuyện đáng chú ý về tinh thần phục vụ, lòng trung thành, và sức ảnh hưởng mang tầm lịch sử. Ru-tơ đã có ảnh hưởng vang dội, vì con trai nàng là Ô-bết, chính là ông nội của Vua Đa-vít. Theo cuốn chú giải Kinh Thánh Believers Bible Commentary, “Câu chuyện về cuộc đời Ru-tơ… đã trở nên một phần trong sử thi của dân tộc Y-sơ-ra-ên và câu chuyện đức tin về Đấng Mê-si.” Ru-tơ và Ê-xơ-tê là hai người nữ—thuộc những nhóm người thiểu số sống giữa một nền văn hóa coi trọng những gì thuộc về đa số—đã được Đức Chúa Trời sử dụng để bày tỏ sự vinh hiển của Ngài.

Trong khi Cựu Ước chứa đầy những câu chuyện về những người trẻ tuổi được Đức Chúa Trời lựa chọn để rao truyền sự vinh hiển của Ngài ra khắp thế gian, thì Tân Ước cũng vậy. Trong phần này, chúng ta sẽ xem Giăng Mác, người đã viết sách Tin Lành Mác, và Ti-mô-thê, cả hai đều là những người trẻ được Chúa sử dụng trong thế kỷ đầu tiên và thậm chí sức ảnh hưởng của họ vẫn còn cho tới ngày nay.

NHỮNG NGƯỜI TRẺ TRONG THỜI TÂN ƯỚC

Giăng Mác (John Mark) là người có địa vị cao trọng nhất trong cộng đồng người Cơ-đốc tại Châu Phi. Ông sinh ra tại Châu Phi, qua đời tại Châu Phi, và được biết đến là người đầu tiên mang Phúc Âm đến với lục địa này. Mác không phải là một môn đồ của Chúa Giê-xu, nhưng thuộc vào nhóm những thế hệ môn đồ đầu tiên, người rõ ràng đã có ảnh hưởng lớn. William MacDonald viết, “Khi còn trẻ, Mác và mẹ của ông đã gia nhập vào nhóm những người theo Chúa Giê-xu. Họ trở thành một phần của phong trào biến đổi văn hóa trong Do Thái giáo. Về sau, Mác là người đầu tiên trong số các môn đồ đã viết sách Tin Lành về sự đến của Đấng có một không hai này, là Đấng đã thay đổi hoàn toàn cuộc đời ông.” Mác đã viết một bản tường thuật lâu đời nhất và ngắn gọn nhất về cuộc đời của Chúa Giê-xu, được đưa vào Kinh Thánh Tân Ước, làm nổi bật tầm quan trọng của chức vụ hầu việc và lẽ thật của Chúa Giê-xu Christ. Dù không được biết đến rộng rãi, Giăng Mác có thể đã trở thành môn đồ của Chúa Giê-xu thông qua Phi-e-rơ, thậm chí còn đi cùng Phi-e-rơ để chia sẻ Phúc Âm. Oden viết, “Dưới sự chỉ dẫn của Phi-e-rơ, [Mác] đã tiếp tục đi đến vùng đất ở tận cùng phía nam, nơi được gọi là: Châu Phi.

Có nhiều miêu tả trong sách Phúc Âm mà từ đó chúng ta có thể cho rằng Mác khi đó vẫn còn là một thiếu niên trẻ tuổi. Trong Mác 14 chúng ta có được một cái nhìn thoáng qua về Mác, “Có một người trẻ tuổi kia theo Ngài, chỉ có cái khăn bằng gai trùm mình; chúng bắt người. Nhưng người bỏ khăn lại, ở truồng chạy trốn khỏi tay chúng” (Mác 14:51-52). Mác là người duy nhất ghi chép lại biến cố này khiến nhiều người tin rằng ông đã viết về chính mình. Một người trẻ được nhắc đến một lần khác trong cùng sách Phúc Âm này, “Khi ngó xem, thấy hòn đá đã lăn ra rồi; vả, hòn đá lớn lắm. Đoạn, họ vào nơi mộ, thấy một người trẻ tuổi ngồi bên hữu, mặc áo dài trắng, thì thất kinh” (Mác 16:4-5). Chúng ta không thể chắc chắn rằng đây chính là Mác, nhưng nhiều người tin như vậy. Theo Oden chia sẻ, “Dù không có chi tiết nào trong văn bản để xác định xem người trẻ tuổi này là ai, nhưng trong ký ức của người Châu Phi thì cho rằng đó có thể là Mác, người đang tường thuật lại sự kiện này.

Giăng Mác được nhắc đến vài lần trong phần còn lại của Tân Ước khi ông đồng đi với Phao-lô và Ba-na-ba trên hành trình truyền giáo của họ. Mặc dù Sứ-đồ Phao-lô rõ ràng là nhà truyền giáo vĩ đại có tầm ảnh hưởng lớn nhất trong lịch sử truyền giáo, nhưng Giăng Mác cũng được biết đến là người đã chia sẻ Tin Lành về Chúa Giê-xu cho ba lục địa trong suốt cuộc đời mình: Châu Phi, Châu Á, và Châu Âu. Mác là một người trẻ được kêu gọi để chia sẻ sự vinh hiển của Đức Chúa Trời. Những ảnh hưởng của ông vẫn còn cho đến ngày nay, đặc biệt là tại Châu Phi, nơi có số lượng Cơ-đốc nhân gia tăng nhanh nhất trên thế giới. Châu Phi đã nhanh chóng trở thành châu lục dẫn đầu trong sự phát triển của Cơ-đốc giáo. Năm 1900, có khoảng 10 triệu Cơ-đốc nhân tại Châu Phi, giờ đây con số đã tăng lên hơn 360 triệu. Sự tăng trưởng đáng kinh ngạc này có thể bắt nguồn từ Giăng Mác ở đầu thế kỷ thứ nhất.

Sứ-đồ Phao-lô đã đầu tư vào Giăng Mác, và Đức Chúa Trời rõ ràng đã sử dụng ông. Một người trẻ khác mà Phao-lô đầu tư vào là một mục sư thiếu kinh nghiệm tên là Ti-mô-thê. Xin lưu ý rằng Phao-lô, với tất cả kinh nghiệm của mình, đã chọn Ti-mô-thê, một người trẻ tuổi còn thiếu năng lực lãnh đạo, để cố vấn và dẫn dắt những người khác trong sự hiểu biết về Đức Chúa Trời. Phao-lô không chọn một cựu chiến binh dày dạn kinh nghiệm hay một người có tên tuổi. Ti-mô-thê trẻ tuổi được nhắc đến nhiều lần qua các thư tín của Phao-lô dưới danh nghĩa là “con trai” của ông. Phao-lô xem Ti-mô-thê như một người con thuộc linh. Theo ghi chép trong quyển Bible Knowledge Commentary, “Phao-lô có thể đã không dẫn dắt Ti-mô-thê đến với Đấng Christ, nhưng đã chỉ định vị mục sư trẻ tuổi này và rất tin tưởng vào cậu ta.” Mặc dù độ tuổi của Ti-mô-thê không được đưa ra, nhưng chúng ta có thể biết rằng cậu đủ trẻ tại thời điểm đó để bị một số người coi là thiếu kinh nghiệm và thậm chí là không đủ tiêu chuẩn. Tuy nhiên, Phao-lô khích lệ Ti-mô-thê rằng “đừng lo ngại về việc con còn trẻ tuổi hay những gì người khác có thể nghĩ về con” (I Ti-mô-thê 4:12). Tôi muốn thấy những thành viên trong Hội-thánh khích lệ những thanh niên của chúng ta giống như vậy!

Sứ-đồ Phao-lô, được nhiều người biết đến và kính trọng trong suốt lịch sử vì sự dạn dĩ trong công tác truyền giáo, đã tin tưởng vào Ti-mô-thê. Mặc dù Phao-lô đã ủy quyền cho Ti-mô-thê để thực hiện sứ mạng của Đức Chúa Trời, Ti-mô-thê không phải là không mắc sai lầm. Như Tim Betty chia sẻ, “Kinh thánh tô vẽ đời sống của Ti-mô-thê như một bức tranh rực rỡ, nó cũng bao gồm cả những sự yếu đuối của ông. Chúng ta thấy được rằng lúc đó ông còn trẻ tuổi và hay sợ hãi.” Dù Ti-mô-thê khi ấy vẫn còn non trẻ, Phao-lô đã tuyên bố trong I Ti-mô-thê rằng ông không nghi ngờ gì về việc Ti-mô-thê có thể dự phần trong việc giảng dạy cho người khác về Đức Chúa Trời, ông viết: “Chớ để người ta khinh con vì trẻ tuổi; nhưng phải lấy lời nói, nết làm, sự yêu thương, đức tin và sự tinh sạch mà làm gương cho các tín đồ” (I Ti-mô-thê 4:12). Tuổi trẻ không cản trở Ti-mô-thê dự phần vào sứ mạng của Đức Chúa Trời. Phao-lô đã thách thức cậu bù đắp vấn đề tuổi tác và kinh nghiệm bằng đời sống đức tin của mình.

Giăng Mác và Ti-mô-thê là hai ví dụ về những người trẻ được sử dụng rộng rãi để tạo nên những bước tiến trong sứ mạng của Đức Chúa Trời trong thời Tân ước, và ảnh hưởng của họ vẫn còn thấy được trong suốt hai nghìn năm qua. Họ chỉ đơn thuần là hai trong số rất nhiều những người trẻ tuổi xuất hiện xuyên suốt Kinh Thánh, từ Cựu Ước cho tới Tân Ước, là những nhân vật chủ chốt trong việc thực hiện sứ mạng của Đức Chúa Trời để rao truyền sự vinh hiển của Ngài đến với các dân tộc.

VAI TRÒ CỦA BẠN LÀ GÌ?

Đã bao giờ bạn cảm thấy mình cần phải “học hỏi nhiều hơn nữa” để được sai đi như một nhà truyền giáo? Bạn có cảm thấy mình còn quá trẻ và thiếu kinh nghiệm? Tôi chắc rằng vài người trong số những nhà truyền giáo vĩ đại xuyên suốt lịch sử cũng có cảm nhận tương tự. May mắn thay, chúng ta có một Đức Chúa Trời, Đấng thấu hiểu những sự bất an và sợ hãi trong chúng ta. Tại sao Đức Chúa Trời lại chọn Đa-vít, Ru-tơ, và Ti-mô-thê trẻ tuổi để mở mang vương quốc của Ngài? Nguyện xin Đức Chúa Trời sử dụng những tấm gương trong Kinh Thánh này để thúc đẩy bạn khi bạn suy xét xem Ngài có thể sử dụng bạn từ khuôn viên trường học rồi vươn ra ngoài thế giới như thế nào!

Dịch: NCMV

Nguồn: Thetravelingteam.org

Bài vở cộng tác hoặc góp ý xin gửi về tintuc@hoithanh.com

Bình Luận:

You may also like