Home Chuyên Đề TẠI SAO LẠI LÀ GIÊ-RU-SA-LEM? (PHẦN I)

TẠI SAO LẠI LÀ GIÊ-RU-SA-LEM? (PHẦN I)

by Hong An
30 đọc

“Khi các con thấy thành Giê-ru-sa-lem bị quân lính bao vây thì biết rằng sự tàn phá thành ấy sắp đến. Lúc ấy, ai ở trong miền Giu-đê hãy trốn lên núi; ai ở trong thành, hãy đi ra ngoài; ai ở ngoài đồng, đừng trở vào thành. Vì đó là những ngày báo thù, để cho mọi lời đã chép được ứng nghiệm. Trong những ngày ấy, khốn thay cho phụ nữ mang thai và các bà còn cho con bú! Vì sẽ có đại họa trên đất và cơn thịnh nộ giáng trên dân nầy. Họ sẽ ngã dưới lưỡi gươm và sẽ bị đem đi làm nô lệ giữa các nước. Thành Giê-ru-sa-lem sẽ bị dân ngoại giày đạp cho đến khi các thời kỳ dân ngoại được trọn”. (Lu-ca 21:20-24)

Giê-ru-sa-lem Được Thống Nhất

Sau Cuộc Chiến Sáu Ngày năm 1967, thành phố Giê-ru-sa-lem đã được binh lính Y-sơ-ra-ên giải phóng vào ngày 27 tháng 6. Sau đó vào ngày 30 tháng 7 năm 1980, Y-sơ-ra-ên đã đưa ra tuyên bố rằng thành phố thống nhất sẽ là thủ đô chính thức của Nhà nước Do Thái độc lập của Y-sơ-ra-ên. Năm 1967, Y-sơ-ra-ên chấm dứt sự chiếm đóng của Jordan ở Đông Giê-ru-sa-lem, thành phố đã phải chịu đựng kể từ Tuyên ngôn Độc lập của Nhà nước Y-sơ-ra-ên vào tháng 5 năm 1948. Trong suốt 19 năm đó, Jordan đã trở thành một lực lượng chiếm đóng tàn bạo trong thành phố, bởi đó mà rất rất nhiều giáo đường Do Thái bị tàn phá hoặc bị biến thành những nhà vệ sinh công cộng. Khoảng thời gian ngắn ngủi này là dịp duy nhất trong suốt lịch sử hơn ba nghìn năm của mình, Giê-ru-sa-lem đã từng là một thành phố bị chia cắt, và rõ ràng là mọi tuyên bố của người Palestine về phần đó của thành phố, với những lập luận từ lịch sử, là không có cơ sở.

Vào ngày 30 tháng 7 năm 1980, quốc hội Y-sơ-ra-ên đã thông qua một đạo luật mới liên quan đến Giê-ru-sa-lem. Điều 1 của đạo luật này tuyên bố rằng ‘Giê-ru-sa-lem thống nhất là thủ đô chính thức của Nhà nước Y-sơ-ra-ên’. Cơ đốc nhân từ khắp nơi trên thế giới, theo sự khởi xướng ​​của Ian Willem van der Hoeven, Hà Lan, khi đó đã thành lập Đại sứ quán Cơ đốc quốc tế tại Giê-ru-sa-lem như là một sự minh chứng cho sự đoàn kết Cơ đốc với người Do Thái và Nhà nước Y-sơ-ra-ên, và tôn trọng thành phố Giê-ru-sa-lem là Thủ đô không chia cắt của Nhà nước Do Thái Y-sơ-ra-ên. Với động thái đó, họ nhấn mạnh đến quyền Kinh Thánh của người Do Thái đối với vùng Đất Hứa và Thành phố Giê-ru-sa-lem. Điều đáng tiếc là, gần như tất cả các quốc gia khác đều đặt đại sứ quán của mình tại Tel Aviv hoặc ở gần đó.

Bất chấp những tuyên bố từ Hoa Kỳ, Châu Âu, Vatican và thế giới Hồi giáo cho rằng tình trạng cuối cùng của Giê-ru-sa-lem vẫn chưa được quyết định, Y-sơ-ra-ên đã tuyên bố Giê-ru-sa-lem là thủ đô không thể tranh cãi của Nhà nước Y-sơ-ra-ên. Và đối với một số Cơ đốc nhân, điều này có nghĩa là ‘thời kỳ dân ngoại’ đã kết thúc vào năm 1967 hoặc 1980. Theo họ, kể từ thời điểm đó, Giê-ru-sa-lem đã không còn bị người ngoại bang chà đạp, và một lần nữa là thủ đô của Nhà nước Y-sơ-ra-ên mới khai sinh. Điều này xác nhận truyền thống cho rằng Giê-ru-sa-lem luôn là thủ đô của Nhà nước Do Thái từ thời Y-sơ-ra-ên và người Do Thái còn đang sống ở Đất Hứa.

Sự Chiếm Đóng Núi Si-ôn

Nhưng liệu lý thuyết này có thực sự đúng trong bối cảnh ngày hôm nay? Có phải là không có người ngoại bang nào đang cai trị trên Giê-ru-sa-lem không? Có phải là các quốc gia dân ngoại không còn giẫm đạp lên thành thánh? Có phải là các quốc gia dân ngoại đã không còn gì để bàn cãi về nơi này? Thế thì tại sao châu Âu và Liên Hợp Quốc liên tục yêu cầu Y-sơ-ra-ên phải thực hiện điều này điều kia? Thể hiện của điều này có thể được nhìn thấy ở những vùng đất mà theo Kinh thánh là của Giu-đê và Sa-ma-ri nhưng đang ‘bị chiếm đóng’, dải Gaza và Cao nguyên Golan, cùng với thành phố Giê-ru-sa-lem của Y-sơ-ra-ên. Theo thế giới quan chung, tình trạng xác định của Giê-ru-sa-lem vẫn chưa được quyết định, mặc dù thế giới Ả Rập đang kiểm soát nơi linh thiêng nhất của người Do Thái trong thành phố, cụ thể là Núi Đền, hay còn gọi là Núi Si-ôn hay Núi Mô-ri-a.

Chính trên ngọn núi này, nơi Đền thờ thánh mà Đức Chúa Trời của Y-sơ-ra-ên từng hiện diện. Đáng chú ý, cũng chính tại nơi này Áp-ra-ham đã sẵn lòng trói con trai mình là Y-sác để làm tế lễ (Sáng Thế Ký 22:1-19), nhưng vì đức tin và sự tín thác của ông vào Đức Chúa Trời, Chúa đã cung ứng một con chiên thay cho Y-sác. Hê-bơ-rơ 11:17-19: “…Bởi đức tin, Áp-ra-ham dâng Y-sác trong khi bị thử nghiệm. Ông sẵn sàng hiến dâng đứa con một đã nhận được theo lời hứa, là đứa con mà Đức Chúa Trời có phán: “Chính qua Y-sác, con sẽ có một dòng dõi được gọi bằng tên con.” Ông tự nghĩ rằng Đức Chúa Trời có quyền khiến kẻ chết sống lại, nói theo nghĩa bóng, ông thật đã nhận lại con mình từ cõi chết…”

Đây chính là ngọn núi mà Chúa đã chọn để làm nơi ngự cho Danh Ngài. Phục truyền Luật lệ Ký 12:10-11: “Nhưng khi anh em qua sông Giô-đanh và ở trong đất mà Giê-hô-va Đức Chúa Trời ban cho anh em làm sản nghiệp, Ngài sẽ ban cho anh em sự an nghỉ, thoát khỏi sự vây hãm của mọi kẻ thù, và cho anh em một cuộc sống yên ổn. Bấy giờ sẽ có một địa điểm mà Giê-hô-va Đức Chúa Trời anh em chọn lựa để danh Ngài ngự tại đó, và là nơi anh em sẽ đem đến những thứ mà tôi đã truyền cho anh em như tế lễ thiêu, các sinh tế, thuế một phần mười, lễ vật dâng giơ lên, và các lễ vật hoàn nguyện mà anh em hứa dâng cho Đức Giê-hô-va…” Phục truyền Luật lệ Ký 16:2,5-6: “…Hãy dâng sinh tế lễ Vượt Qua lên Giê-hô-va Đức Chúa Trời chúng ta từ trong bầy chiên, dê hoặc bò của anh em, tại địa điểm mà Đức Giê-hô-va sẽ chọn để danh Ngài ngự tại đó… Anh em cũng không được dâng sinh tế Vượt Qua trong bất cứ thành nào mà Giê-hô-va Đức Chúa Trời đã ban cho anh em, nhưng chỉ tại địa điểm mà Giê-hô-va Đức Chúa Trời anh em sẽ chọn để danh Ngài ngự. Tại đó anh em phải dâng sinh tế Vượt Qua vào buổi tối, khi mặt trời vừa lặn, là thời điểm anh em ra khỏi Ai Cập…”

Hơn nữa, đây là nơi mà vua Đa-vít đã chọn (I Sử ký 21:22-22:1), nơi mà con trai của ông là Sa-lô-môn đã xây dựng Đền thờ (I Các Vua 5 ​​và 6), và cũng là nơi mà sau khi bị phu tù ở Ba-by-lôn, đền thờ mà Nê-bu-cát-nết-sa đã phá hủy được xây dựng lại dưới sự lãnh đạo của E-xơ-ra và Nê-hê-mi. Đó là một đền thờ nhỏ hơn nhiều so với ngôi đền mà Sa-lô-môn đã xây dựng, và vì vậy những người già đã khóc khi họ nhớ đến vẻ đẹp của ngôi đền thờ nguy nga trước đây. (E-xơ-ra 3:12)

Vua Hê-rốt, kẻ sát hại những con trẻ tại Bết-lê-hem (Ma-thi-ơ 2:16-18) đã mở rộng và tôn tạo đền thờ của E-xơ-ra. Sau đó, nó đã bị Titus phá hủy vào năm 70 sau Công nguyên, vào ngày thứ bảy của tháng Av, cũng là ngày mà Nê-bu-cát-nết-sa đã phá hủy đền thờ đầu tiên. Mặc dù Chúa đã chọn nơi này làm nơi ngự cho Danh Ngài, nhưng tất cả những sự việc này đã xảy ra.

Núi Si-ôn này, cũng gọi là GIÊ-RU-SA-LEM, có thể được xem là trung tâm của trái đất. Chúng ta sẽ trở lại với chủ đề này chi tiết hơn trong các chương sau.

Trong nhiều thế kỷ, hai nhà thờ Hồi giáo được xây lên trên ngọn núi này và vẫn tồn tại đến ngày nay. Vì vậy, chúng ta thực sự có thể kết luận rằng nơi này vẫn còn đang bị người ngoại bang, những người không phải là người Do Thái, giẫm đạp. Người Ả Rập vẫn đang thao túng nơi này, và chúng ta không nên quên một thực tế là thậm chí cho đến ngày nay, người Do Thái vẫn không được phép vào nơi linh thiêng nhất của họ ở trung tâm của Giê-ru-sa-lem. Việc cầu nguyện trên Núi Đền bị cấm đối với người Do Thái, cũng như đối với Cơ đốc nhân. Thế giới Hồi giáo đang nắm quyền kiểm soát Núi Đền. ‘Für Juden Verbote – Cấm Người Do Thái’ là quy tắc trên ngọn núi linh thiêng đó. Dân ngoại đang kiểm soát. Như vậy, theo nghĩa đó, Giê-ru-sa-lem vẫn bị đang giẫm đạp dưới chân, ‘bị chà đạp’ bởi dân ngoại.

(Còn tiếp…)

Giáo sĩ Willem J. J. Glashouwer

Chủ tịch Cơ Đốc Nhân vì Israel Quốc tế

Chủ tịch danh dự Liên Minh Châu Âu vì Israel

Biên dịch Cơ Đốc Nhân Vì Israel Quốc Tế

Bình Luận:

You may also like