Home Chuyên Đề Hài Hoà Với Đức Chúa Trời – Phần 2: Sự hiện diện của ĐỨC CHÚA TRỜI

Hài Hoà Với Đức Chúa Trời – Phần 2: Sự hiện diện của ĐỨC CHÚA TRỜI

by Sưu Tầm
30 đọc

Hãy đến gần Đức Chúa Trời, Ngài sẽ đến gần anh chị em” (Gia-cơ 4:8).

Một yếu tố khác để được phước hạnh là sống trong sự hiện diện của Đức Chúa Trời. Điều này được minh họa qua đời sống của Áp-ra-ham.

Khi Đức Chúa Trời kêu gọi ông Ngài hứa sẽ làm nổi danh ông. Quả thật Áp-ra-ham đã nổi danh. Ông là tổ phụ của người Á-rập, người Do-thái theo nghĩa đen và của tín đồ của Chúa Giê-Xu theo nghĩa bóng. Ông nổi danh không phải vì ông vĩ đại, nhưng vì ông sống trong sự hiện diện của Đức Chúa Trời. Sự hiện diện của Đức Chúa Trời được thể hiện qua hành động lập bàn thờ của ông. Ông lập bàn thờ cho Chúa tại Si-chem, tại Bê-tên, tại Hếp-rôn và có thể tại nhiều nơi khác mà Kinh thánh không nêu ra.

Sau khi thành Sô-đôm và Gô-mô-rơ bị hủy diệt Áp-ra-ham di dời đến Ghê-ra thuộc xứ Phi-li-tin vì nạn đói, rồi trở lại Ca-na-an. Sau khi Áp-ra-ham qua đời I-sác cũng phải trải qua một nạn đói. Sáng thế ký 26 kể: “CHÚA hiện ra gặp Y-sác mà bảo: “Con đừng xuống Ai-cập, con cứ ở lại xứ mà Ta sẽ chỉ bảo con. Hãy tạm trú trong xứ này, thì Ta sẽ ở với con, ban phước cho con. Ta sẽ ban cho con và dòng dõi con tất cả các xứ này và Ta sẽ giữ vững lời Ta đã thề với Áp-ra-ham, thân phụ con” (26:2-3). Chúa sẽ ở với Y-sác, ban phước cho ông và giữ giao ước với Áp-ra-ham nếu ông nghe lời Ngài.

Ít lâu sau đó, Gia-cốp, em song sinh của Ê-sau, chạy trốn vì bị anh dọa giết. Ông đến một nơi tốt để qua đêm. Chúa hiện ra trong giấc mơ và kết ước với ông: “ Này, Ta sẽ ở cùng con luôn, con đi đâu Ta sẽ theo gìn giữ đó và đem con về xứ này, vì Ta không bao giờ bỏ con, cho đến khi Ta hoàn thành lời Ta đã hứa với con” (Sáng 28:15).

Hai mươi năm sau, Gia-cốp trở về Ghê-ra với mười hai con trai và nhiều tôi trai, tớ gái.

Nạn đói xảy ra trong thời của Áp-ra-ham, Y-sác, lại xảy đến trong thời Gia-cốp. Ông sai các người con xuống Ai-cập mua lúa, tại đây họ gặp lại người em mà họ đã bán cho người Ích-ma-ên. Kinh thánh nói: “Chúng ta biết rằng mọi sự hiệp lại làm ích cho những người yêu kính Đức Chúa Trời, tức là những người được kêu gọi theo mục đích của Ngài” (Rô-ma 8:28). Nếu nạn đói không xảy ra, các anh của Giô-sép đã không gặp em.

Giô-sép gởi một đoàn xe lên rước cha xuống Ai-cập. Khi Gia-cốp chuẩn bị ra đi Chúa nhắc lại gia ước: “Ta sẽ xuống Ai-cập với con và chắc chắn sẽ đem con về. Chính bàn tay Giô-sép sẽ vuốt mắt con” (Sáng 46:4)

 Chúa đoái xem Gia-cốp như lời Ngài hứa. Từ con số bảy mươi người khi xuống Ai-cập, gia đình ông được sáu trăm ngàn đàn ông, chưa kể phụ nữ và trẻ con bốn trăm ba mươi năm sau. Lúc ấy con cháu Gia-cốp bị nạn phân biệt, bị dân Ai-cập ngược đãi. Họ than khóc với Chúa. Ngài kêu gọi Môi-se từ xứ Ma-đi-an trở về Ai-cập để giải cứu họ ra khỏi nhà nô lệ. Khi được Chúa kêu gọi Môi-se tìm mọi lý do để khước từ. Chúa phải hứa với ông: “Ta sẽ ở với con,” (Xuất 3:12a).

Khi người dân cứng lòng Chúa muốn bỏ rơi họ, Môi-se phải gặp Chúa tại Trại Hội Kiến.  Ngài phán: “Chính Ta sẽ đi với con và sẽ cho con được an nghỉ.” Môi-se thưa: “Nếu chính Chúa không đi với chúng con, xin đừng sai chúng con đi khỏi đây (Xuất 33:14-15).

Môi-se can đảm, nói với dân chúng: “Phải mạnh mẽ can đảm lên. Đừng sợ hải kinh khiếp trước mặt các dân đó vì CHÚA, Đức Chúa Trời của anh chị em cùng đi với anh chị em; Ngài không bao giờ xa lìa hay rời bỏ anh chị em đâu” (Xuất 31:6).

Chúa không chỉ hứa với Môi-se, nhưng cũng hứa với toàn thể tuyển dân và Ngài đồng hành với họ suốt bốn mươi năm trong đồng vắng.

  • Chúa không dẫn họ theo con đường ngắn hơn hết, nhưng theo con đường tốt hơn hết cho chọ (Xuất 13:17);
  • Ban ngày, CHÚA đi trước họ trong một trụ mây để dẫn đường và ban đêm trong một trụ lửa để chiếu sáng, như vậy họ có thể đi cả ngày lẫn đêm. Trụ mây vào ban ngày và trụ lửa vào ban đêm không bao giờ lìa khỏi họ” (Câu 21; 40:38);
  • Thiên sứ Ta sẽ đi trước các ngươi và đem các ngươi vào đất của các dân A-mô-rít, Hê-tít, Phê-rê-sít, Ca-na-an, Hê-vít và Giê-bu-sít và Ta sẽ quét sạch chúng nó” (Xuất 23:23).

Chúa hứa với Môi-se là Ngài sẽ đi cùng ông và Ngài đã đi cùng ông. Ngài nay Chúa hứa với con cái Ngài: “Ta không bao giờ lìa con,

    Chẳng bao giờ bỏ con!” (Hê-bơ-rơ 13:5)

Chúng ta có thể vững tin vào lời Chúa hứa.

Môi-se được Chúa cất đi sau khi được nhìn thấy Đất hứa. Giô-su-ê được Chúa chọn thay thế Môi-se. Chúa hứa: “Như Ta đã ở cùng Môi-se, Ta sẽ ở cùng con, Ta sẽ không bao giờ lìa con hay bỏ con đâu” (Giô-su-ê 1:5). Nhờ có sự hiện diện của Chúa Giô-su-ê hoàn thành sứ mệnh chiếm lấy Đất hứa.

Trong thời Cựu Ước, một số người được Chúa trực tiếp hứa rằng Ngài ở cùng họ như Y-sác, Gia-cốp, Môi-se và Giô-su-ê. Trong thời Tân Ước, Chúa Giê-Xu hứa Ngôi Ba Thiên Chúa sẽ ở cùng môn đệ Ngài. Sau ba năm huấn luyện họ đánh lưới người, một hôm Chúa báo cho họ một tin buồn: “Ta ra đi để sửa soạn chỗ ở cho các con; nếu Ta đi và sửa soạn một chỗ cho các con, Ta cũng sẽ trở lại đón các con về với Ta, để Ta ở đâu các con cũng ở đó” (Giăng 14: 2-3). Rồi Ngài báo cho họ một tin lành, đó là Ngài sẽ không để cho họ mồ côi, Ngài phán: “Ta sẽ xin Cha và Ngài sẽ ban cho các con một Đấng Phù Hộ ở cùng các con đời đời. Ngài là Thần Chân Lý mà thế gian không thể tiếp nhận được, vì không thấy Ngài và cũng chẳng biết Ngài. Nhưng chính các con biết Ngài, vì Ngài đang ở với các con và sẽ ở trong các con” (Câu 16-17).

Như vậy, Chúa Giê-Xu không hiện diện với họ trong thân xác, nhưng qua Thánh Linh.

Trong sách Sử ký có nhiều câu chuyện đáng chú ý, và chuỵện của vua A-sa đáng cho chúng ta ghi nhận. Trong Vương quốc miền nam không có nhiều vua tốt . Trong số những vua tốt có A-sa vì vua không thờ cúng thần tượng, nhưng ra lệnh dân chúng tìm kiếm Chúa và vâng lời Ngài. Vua cũng dẹp bỏ những chổ cao và những bàn thờ xông hương trong mọi nơi ở Giu-đa. Vì thế vương quốc của A-sa được hòa bình trong thời gian trị vì của vua (2 Sử 14:5).

Khi Xê-rách người Ê-thi-ô-bi đem một đạo binh một triệu quân với 300 xe lên tấn công Giu-đa, vua A-sa biết mình không thể nào đương cự lại một đạo quân hùng mạnh như vậy, nên vua chỉ còn nhờ cậy Chúa Hằng Hữu mà thôi. Vua cầu nguyện, “Lạy CHÚA, Đức Chúa Trời chúng con, xin giúp đỡ chúng con, chúng con nương cậy nơi Ngài; chúng con nhân danh Ngài đi ra chống lại đoàn quân đông đảo này, lạy CHÚA, Đức Chúa Trời chúng con, xin đừng để phàm nhân thắng hơn Chúa” (2 Sử 14:11). Đức Chúa Trời nhậm lời cầu nguyện của vua A-sa và chiến đấu cho ông, và Chúa đánh bại người Ê-thi-ô-bi.

Trong sách Xa-cha-ri đoạn 9:1-8 có ghi chép lời tiên tri về sự sụp đổ của các thành trong vùng Trung đông như Đa-mách, Ty-rơ, Si-đôn, Ách-ca-lôn, Ga-xa, Éc-rôn v.v.. Đặc biệt Giê-ru-sa-lem thì không hề hấn gì. Lời tiên tri này được ứng nghiệm 200 năm sau đó khi hoàng đế A-léc-xan xâm chiếm Trung đông (333 TC). Năm 336 TC hoàng đế Phi-líp qua đời, A-léc-xan nắm quyền chỉ huy quân đội Hi lạp. Ông xua quân xâm chiếm các nước ven biển miền đông Địa trung hải rồi tiến về Trung đông. Sau khi đánh bại vua Đa-ri-út tại Issus A-léc-xan tiến xuống phía nam và chiếm Đa-mách, Ty-rơ, Si-đôn. Ty-rơ là một thành phố được xây trên một hòn đảo cách bờ lục địa một cây số. Ngoài sự phòng thủ thiên nhiên là biển cả, thành Ty-rơ còn được bao bọc bởi 2 bức tường cao 50m và cách nhau 8m. Trước đó quân A-sy-ri vây thành này trong 5 năm và quân Ba-by-lôn trong 13 năm, nhưng không hạ đươc thành. Nhưng, như lời tiên tri về thành này, A-léc-xan hạ thành sau 7 tháng bao vây.

Sử gia Josephus ghi nhận rằng khi A-léc-xan vây Ty-rơ hoàng đế viết thư cho thầy tế lễ thượng phẩm tại Giê-ru-sa-lem, xin tiếp tế lương thực. Vì lời thề trung thành với vua Darius thầy tế lễ thượng phẩm từ chối lời yêu cầu của ông. Tức giận cho nên, sau khi hạ xong thành Ty-rơ Ap-léc-xan đem quân tiến đến Giê-ru-sa-lem. Thầy tế lễ Jaddus kinh sợ, bèn truyền cho dân chúng dâng tế lễ cho Chúa và hết lòng tìm cầu Ngài. Người Việt Nam, có câu: “Tam thập lục kế, tẩu đào vi thượng.” Nhưng trong trường hợp thầy tế lễ Jaddus, chống cự cũng chết mà chạy cũng không khỏi. Ông đã làm một việc khôn ngoan, đó là kêu cầu Chúa vì Ngài có hứa, “Trong ngày gian truân, hãy kêu cầu Ta. .
Ta sẽ giải cứu ngươi và ngươi sẽ tôn vinh Ta
” (Thi 50:15). Chúa nhậm lời sự cầu nguyện của Jaddus và khải thị cho ông biết phải làm gì. Sáng hôm sau, theo sự hướng dẫn của Chúa, ông trang hoàng thành phố tưng bừng như ngày lễ hội, dân chúng thì mặc quần áo trắng, còn thầy tế lễ thì mặc lễ phục nghiêm chỉnh với thẻ bài bằng vàng có khắc danh Chúa. Thầy kéo đoàn dân, mở cửa thành ra đón đoàn quân của A-léc-xan. Từ đàng xa thấy quang cảnh này, A-léc-xan vội vã xuống ngựa; một mình tiến đến quì trước mặt thầy tế lễ. Khi được các bộ hạ hỏi tại sao hoàng đế làm như vậy, A-léc-xan cho biết khi còn ở Ma-xê-đoan, trong lúc suy tính thôn tính các nước Á châu, ông nằm mơ thấy một thầy tế lễ giống như ông này. Và người ấy có truyền lời của Đấng Chí Cao khuyến khích ông tấn công nước Ba tư. Từ đó đến nay ông chưa gặp một người nào mặc lễ phục như thầy tế lễ này.[1]

Điểm cần biết trong câu chuyện này là thành Giê-ru-sa-lem không bị tàn phá như tiên tri Xa-cha-ri đã báo trước vì Chúa đã giải cứu thành và dân nhờ sự cầu nguyện của họ.  

Giăng Mác kể câu chuyện Chúa Giê-Xu cùng các môn đệ dùng thuyền đi qua hồ Ga-li-lê.

Bỗng một cơn bão lớn nổi lên, sóng ập vào thuyền, đến nỗi thuyền ngập nước, nhưng Ngài đang ở phía sau lái, dựa gối mà ngủ. Môn đệ đánh thức Ngài dậy: “Thầy ơi, Thầy không lo chúng ta chết cả sao? Ngài thức dậy, quở gió và bảo biển: “Hãy êm đi, lặng đi!” Gió liền yên, và biển lặng như tờ. ?” (Mác 4:37-39)

Nếu Chúa không ở trên thuyền chắc không ai sống sót.

Sách Lu-ca ghi lại dụ ngôn được biết với tên ‘Người con hoang đàng’ của Chúa Giê-Xu. Trong câu chuyện này, người cha tượng trưng cho Đức Chúa Trời. Khi người con đi hoang trở về, cha làm tiệc ăn mừng. Người con lớn không hài lòng với cách cha đối đãi em. Anh nói: “Bao nhiêu năm qua, con đã phục vụ cha, không bao giờ trái lệnh cha, thế mà cha chẳng bao giờ cho con một con dê để ăn chơi với bạn hữu” (Lu-ca 15:29). Người cha trả lời: “Con ơi, con luôn luôn ở với cha, mọi tài sản của cha đều thuộc về con” (Câu 31). Người anh sống với sự hiện diện của cha, nhưng không sống trong sự hiện diện biểu hiện của người cha, không đánh giá cao sự hiện diện của cha. Nhiều Cơ đốc nhân không ý thức sự hiện diện của Thánh Linh trong đời sống của họ, cho nên họ chỉ tồn tại, nhưng không đắc thắng.  

Duncan Campell (1898-1972), một nhà truyền giáo người Tô-cách-lan, lãnh đạo phong trào phấn hưng Lewis hay là Hebrides. Hebrides là tên một quần đảo thuộc Tô-cách-lan. Trong một buổi tối truyền giảng tại New Hebrides, chính quyền địa phương mời Campell: “Xin mời Mục sư đến đồn công an. Có nhiều người ở đây, và có gì sai trật với họ, nhưng chúng tôi mong ông có thể biết được.” Khi các quan chức và Campell đi xuyên qua làng lúc bốn giờ sáng, dường như một tai vạ xảy ra. Dân làng khóc lóc và cầu nguyện đàng sau mỗi đống rơm và cửa nhà. Những người đàn ông quì tại những góc đường và phụ nữ và trẻ con than khóc tại cửa. Tại đồn công an có mấy mươi người khóc lóc. Họ chưa biết gì về Chúa, nên không nhận ra sự hiện diện của Chúa. Họ chỉ cảm thấy có gì sai trật và họ có tội. Khi họ dồn đến đồn công an để xưng tội công an không có câu trả lời.

Campell đứng trên bực thềm và giảng một bài ngắn về ăn năn và cứu chuộc qua Chúa Cứu Thế Giê-Xu thì một cơn phấn hưng xảy ra.[2]

Mục sư John Bevere, trong sách The Fear of the Lord, thuật lại chuyện nhà nữ truyền giảng Kathryn Kuhlman, sau một buổi tối truyền giảng, bà phải ra về qua cửa sau vì cửa trước quá đông người. Khi bà đi ngang qua nhà bếp, nhân viên ngã xuống tuy họ không biết bà là ai. Hệ phái Ngũ tuần gọi đó là ‘ngã xuống trong Thánh Linh’ vì sự hiện diện của Thánh Linh.

Sau khi kinh nghiệm quyền năng của Chúa Hằng Hữu Môi-se khẩn thiết nài xin Chúa đi cùng đoàn dân trong cuộc hành trình đến Đất hứa: “Làm sao người ta biết được rằng con và dân này được Chúa vui lòng nếu Chúa không đi với chúng con? Việc Chúa đi với chúng con sẽ phân biệt con và dân Chúa với tất cả các dân tộc khác trên mặt đất” (33:16).

Trong gần 400 năm, từ 1440 B.C. đến 1000 B.C, Đức Chúa Trời trực tiếp cai trị dân Hi bá. Khi Sa-mu-ên già, họ yêu cầu ông cho họ một vị vua. Sau-lơ được chọn làm vua đầu tiên. Sau-lơ thành công trong chức vụ cho đến khi không thi hành mệnh lệnh Chúa. Lúa ấy, “Bấy giờ Thần của Chúa rời khỏi Sau-lơ, và một ác thần từ Chúa đến quấy phá ông” (1 Sa-mu-ên 16:14). Từ đó, tâm linh của Sau-lơ xuống cấp và thiệt mạng.    

Một giáo đường trong ngày thường chỉ là một ngôi nhà bình thường, nhưng khi con cái Chúa tập trung lại thì nó trở thành thánh đường vì Chúa ở giữa vòng họ.    Khi chúng ta sống trong sự hiện diện biểu hiện của Đức Chúa Trời chúng ta có thể hưởng được điều Ngài dành cho chúng ta. Nếu không hiệp một với Chúa Giê-Xu chúng ta không thể sống với sự hiện diện của Chúa Cha bởi vì chúng ta chưa hài hòa cùng Ngài.


[1] Cambridge.org/Alexander the Great and Jaddus the High Priest according to Josephus

[2] The God Chasers, Tommy Tenney

(Còn tiếp)

Giáo sư Huỳnh Ngọc Ẩn

Bài vở cộng tác hoặc góp ý xin gửi về tintuc@hoithanh.com

Bình Luận:

You may also like