Home Chuyên Đề BÀN LUẬN VỀ SÁCH KHẢI HUYỀN – Phần 12: Đại Dâm Phụ Ba-by-lôn

BÀN LUẬN VỀ SÁCH KHẢI HUYỀN – Phần 12: Đại Dâm Phụ Ba-by-lôn

by Sưu Tầm
30 đọc

Tín hữu:

Hai chương 17, 18 nói về Đại Dâm Phụ Ba-by-lôn cưỡi trên lưng Con Thú Đỏ… Các vua trở lại ghét Kỹ Nữ… Kỹ Nữ lại là thành Ba-by-lôn… bị sụp đổ… cả thế giới than khóc, còn tín đồ vui mừng… Nhiều nhân vật và nhiều sự kiện quá. Xin phép mục sư đơn giản hóa cho con được không?

Mục sư:

Cũng giống như chương 12-13, chương 17-18 cũng là phần chen, nhằm giới thiệu các nhân vật. Sở dĩ tôi cho đây là phần chen vì nó ngắt đoạn chương 16 và chưong 19, nói về Trận Chiến Lớn và Sự Tái Lâm của Chúa. Nhưng cũng có người cho rằng sự kiện By-by-lôn sụp đổ xày ra cùng lúc với Trận Chiến Lớn. Để đơn giản hóa và hiểu chính xác, chúng ta luôn chú ý đến dụng ý của tác giả, ngữ cảnh và sự hiểu biết của độc giả nguyên thủy.

Về dụng ý của tác giả: Giăng tìm cách giới thiệu những tác nhân ảnh hưởng đến lịch sử nhân loại: Sa-tan (Con Rồng Đỏ), Con Thú Thứ Nhất (Kẻ Chống Nghịch Chúa), Con thú Thứ Hai (Tiên Tri Giả), – hai Con Thú này có thể hiểu là cá nhân, hay hệ thống chính trị, tôn giáo. Vậy Đại Dâm Phụ Ba-by-lôn cũng biểu tượng cho một Thế Lực thống trị thế gian.

Về ngữ cảnh: Khải Huyền chương 12 nói về Người Nữ, tôi tớ của Đức Chúa Trời, qua nàng sinh hạ Chúa Cứu Thế. Chương 17 nói về Dâm Phụ Ba-by-lôn với tư cách tương phản với Người Nữ. Dâm Phụ Ba-by-lôn là tôi tớ của Sa-tan, sinh hạ Con Thú Thứ Nhất là kẻ Chống-nghịch Đấng Christ.

Về sự hiều biết của độc giả nguyên thủy:

Ba-by-lôn tượng trưng cho sự đi đày của dân Do-thái thời Cựu Ước; tượng trưng cho sự thống trị dân ngoại và ngoại đạo, tượng trưng cho sự đối xử tàn bạo của vua chúa đối với người bị đi đày; tượng trưng cho thế lực hùng cường thống trị cả thế giới. Mặc dù dân Do-thái bị đi đày nhiều nơi, nhưng ấn tượng về Ba-by-lôn mạnh mẽ nhất vì Ba-by-lôn đốt thành thánh Giê-ru-sa-lem.

Độc giả nguyên thủy sống dưới ách thống trị của chế độ La-mã mà họ thấy tương tự Ba-by-lôn ngày xưa. Mặc dầu hoàng đế Đô-mi-xi-an trị vì, nhưng ám ảnh Nê-rô sẽ sống lại luôn khiến họ lo sợ, bởi Nê-rô là kẻ thù ghét đạo Chúa dữ dội nhất, đến mức đốt thành Rô-ma, đổ lỗi cho tín đồ để có cớ xây thành mới và bắt bớ thánh đồ. Các độc giả nguyên thuỷ hiểu câu 17:10-11 “Bảy đầu …là bảy vị vua: Năm vị đã bị đổ, một vị còn trị vì, vị còn lại chưa đến. Khi đến, vị ấy chỉ được tồn tại một thời gian ngắn. Con thú trước đã có, bây giờ không có, là vị vua thứ tám; nó cũng thuộc trong số bảy vua, và đang đi đến chỗ hủy diệt”. Nếu giải kinh theo nghĩa đen, Quan Điểm Quá Khứ cho rằng năm vị vua đã bị đổ là 5 hoàng đế từ Au-gút tới Nê-rô, một vị đang trị vì là Gai-ba, một vị sẽ đến là Ô-thô.Vị thứ tám là Vi-te-le-út. Cả ba hoàng đế cuối này trên ngồi ngôi dưới 8 tháng, tổng cộng 18 tháng, nên vai trò của họ chẳng có gì đáng kể và thời điểm của họ là năm 68-69 SCN nên quá sớm để Giăng viết Khải Huyền.

Còn một cách tính toán khác hợp lý hơn: Nê-rô là hoàng đế cuối thuộc đế chế thứ nhất (63 TCN tới 68 SCN) gồm 5 vị. Tiếp đó là đế chế thứ hai: 63-96 gồm 6 vị. Bắt đầu kể từ đây: Nếu 5 vị đã đổ là 5 hoàng đế sau Nê-rô (Gai-ba tới Ti-tút), thì hoàng đế thứ sáu đang trị là Đô-mi-xi-an (15 năm, tới năm 96 SCN, thời Giăng viết Khải Huyền). Hoàng đế thứ bảy sẽ là Nê-va, người tồn tại một thời gian ngắn (16 tháng, Khải Huyền 17:10). Ông từng đã là quan chức của Nê-rô nên người ta cho rằng vị này là Nê-rô sống lại. Sau Nê-va là Tra-jan vị vua thứ tám (Khải Huyền 17:11), trị vị 19 năm tới năm 138 SCN. Ông là hoàng đế thống trị lãnh thổ lớn nhất so với các vị khác, cũng là được yêu chuộng nhất trong dân chúng, nhưng cũng là người khủng bố đạo Chúa giống như Nê-rô, Đô-mi-xi-an. Những tính toán ở đây hợp lý theo cách nhìn độc giả nguyên thủy, nhưng có nan đề là Đế quốc La-mã còn tồn tại hơn 350 năm nữa sau Tra-jan và Chúa chưa tái lâm trong giai đoạn này.Vậy cách nhìn của Quan Điểm Lịch Sử không giải thích thỏa mãn.

Bảy ngọn núi cũng là bảy vị vua, từ Ga-ba cho đến Nê-va. (Khải Huyền 17:9) Độc giả nguyên thủy cũng hiểu thành Rô-ma nằm giữa, hay nằm trên bảy ngọn núi. Về địa danh, đây là địa điểm mà Con Thú Thứ Nhất  trị vì, hay thủ đô của Dâm Phụ Ba-by-lôn – thành phố vĩ đại thi hành quyền lực trên thế gian (17:18). Họ cũng nhớ rằng thành phố Rô-ma đã từng bị ngọn lửa thiêu rụi bởi chính bàn tay hoàng đế Nê-rô. Vậy Ba-by-lôn tương lai cũng sẽ bị cháy rụi như vậy (18:8-9).

Độc giả theo Quan Điểm Duy linh coi Ba-by-lôn ngự trên 7 đỉnh núi là biểu tượng hệ thống tư tưởng chống nghịch Đức Chúa Trời, khống chế nhân loại qua bảy lãnh vực trọng yếu là (1) gia đình, (2) tôn giáo, (3) giáo dục, (4) chính quyền, (5) kinh tế, (6) truyền thông, (7) thần tượng (nghệ thuật, âm nhạc, thể thao). Điều này được giải thích qua lời ca than khi Ba-by-lôn sụp đổ.

Tín đồ gốc Do-thái biết từ Cựu-ước rằng sự tà dâm nói về thờ thần tượng. Dâm Phụ Ba-by-lôn say máu các thánh đồ và máu chứng nhân của Chúa Giê-xu.(17:6, 18:24).Vậy nhân vật này phải mang tính chất tôn giáo.Vậy tổ hợp Đại Dâm Phụ trên lưng Con Thú có thể là một Trật Tự Thế Giới Mới bao gồm chính trị (17:18), thương mại (18:11-17) và tôn giáo chống nghịch Chúa. Giả thiết này được ứng nghiệm từng phần qua các giai đoạn lịch sử, nhưng sẽ ứng nghiệm tuyệt đối trong thời kỳ sau rốt.

Độc giả hiểu Con Thú Thứ Nhất là lãnh tụ đế quốc, Con Thứ Hai là lãnh tụ tôn giáo, Dâm Phụ Ba-by-lôn là trung tâm vận hành thế gian. Hai Con Thú này phải cùng tồn tại với Dâm Phụ Ba-by-lôn và Ba-by-lôn phải sụp đổ. Chúa tái lâm ngay trong thời điểm đó. Tiên tri tận thế phải thỏa mãn bốn điều kiện này thì mới ứng nghiệm. Đây là điều trở ngại của Quan Điểm Quá Khứ, khó khăn của Quan Điểm Lịch Sử và là thế mạnh của Quan Điểm Tương Lai.

Tóm lại, ý chính của Giăng muốn nói là trong thế gian có một hệ thống chống nghịch Đức Chúa Trời ở mức độ tăng dần trong tính độc quyền, toàn cầu, toàn diện. Hệ thống này dù hùng mạnh và tàn bạo đến đâu cũng sẽ bị sụp đổ trong thời điểm Chúa tái lâm. Giăng có thể mượn ví dụ các hoàng đế La-mã để minh họa thời kỳ cuối cùng của đế quốc “La-mã Phục Hồi” được gọi là Ba-by-lôn lớn.

Tín hữu:

Con thích quan điểm Lịch sử, Còn mục sư?

Mục sư:

Trong trí óc, tôi cũng thích cách giải thích của các quan điểm lịch sử, nhưng trong tâm linh tôi thích cách giải thích của quan điểm Duy Linh về Một Trật Tự Thế Giới bao gồm các lãnh vực ảnh hưởng và thống trị thế gian (tức là tôn giáo, gia đình, giáo dục, chính quyền, kinh tế, truyền thông và thần tượng xã hội), trong mọi giai đoạn và đặc biệt trong thời kỳ sau rốt. Sự đóng dấu Con Thú là tư tưởng và công việc chống nghịch lại Đức Chúa Trời.

Tín hữu:

Vì sao trong chương 17, 18 không thấy nói đến Con Thú Thứ Hai, tức Là Tiên Tri Giả? Phải chăng y cũng là Ba-by-lôn, vì cả hai đều mang tính chất Tôn Giáo?

Mục sư:

Con Thú Thứ Hai đến từ đất, có nghĩa đến từ dân Do-thái, còn Ba-by-lôn đến từ biển, dân ngoại. Sau Trận Chiến Ha-ma-ghê-đôn, hai Con Thú bị quăng vào hồ lửa, còn Ba-by-lôn một thành lớn – chỉ bị sụp đổ như hòn đá bị ném xuống biển. Điều này khiến tôi nghĩ Hai Con Thú là hai cá nhân, hay hai thủ lĩnh Chính Trị và Tôn Giáo, còn Ba-by-lôn là hệ thống chính trị, tôn giáo, thương mại văn hóa… toàn cầu mà hai thủ lĩnh này dựa vào để hành động chống Chúa trong thời kỳ cuối cùng. Điều quan trọng nhất mà độc giả trong mọi thời đại cần nhớ, là bất cứ danh tính của ba nhân vật này là ai, cả ba sẽ biến mất khi Chúa Tái Lâm.

Tín hữu:

Con xin lỗi vì con hỏi hơi nhiều, nhưng mục sư nghĩ sao về 10 vị vua là mười cái sừng và Con Thú sẽ ghét Dâm Phụ, ruồng bỏ nó, ăn thịt nó, và thiêu cháy nó trong lửa… (17:16)

Mục sư:

Không sao, mục sư không thể trả lời hết các câu hỏi, nhưng mục sư cũng từng hỏi và tìm câu trả lời trong lời Chúa và cảm hứng của Đức Thánh Linh. Mười vị vua có thể là mười lãnh tụ quốc gia hùng cường cộng tác với Con Thú, nhưng số mười cũng là biểu tượng của sự tối đa, nên 10 vị vua có thể nói sức mạnh chính trị toàn cầu, ví dụ Hội Đồng Bảo An Liên Hiệp Quốc ngày nay…

Nhưng vì sao các thế lực lại thù ghét hệ thống đã xây dựng họ lên và đi tới việc hủy phá nó. Đây là điều khó hiểu, nhưng thành Rô-ma từng đã bị Nê-rô đốt. Bản thân đế quốc La-mã bị sụp đổ bởi sự nổi dậy của các nước chư hầu. Trong lịch sử Cựu-ước Chúa cho phép kẻ thù tự hủy hoại lẫn nhau, như trong Ê-sai 37:37, Các Quan Xét 7:22 và chương 9, 10. Trong Thế chiến Thứ Nhất và Thứ Hai (và Thế Chiến Thứ Ba nếu xảy ra), con người tự hủy diệt con người, không cần đến bàn tay của Đức Chúa Trời. Trong cả hai chương 17, 18 nói về sự sụp đổ của Ba-by-lôn, là cả vì sự nổi loạn của 10 vua và cả vì sự trừng phạt tối hậu của Đức Chúa Trời qua động đất, mưa đá, sấm chớp sau Tiếng Kèn Thứ Bảy (Khải Huyền 16:17-21). Điều an ủi cho các độc giả là không có tín đồ trong sự hủy diệt Ba-by-lôn, bởi trong Khải Huyền 18:4, Chúa kêu gọi: “hỡi dân Ta, hãy ra khỏi Ba-by-lôn…”

(Còn tiếp)

Nếu quý độc giả có bình luận hoặc thắc mắc gì về bài viết trên xin liên hệ với tác giả qua email: ChanlyChanTinh@yahoo.com

Mục sư: Nguyễn Ngọc Hà

Bài vở cộng tác hoặc góp ý xin gửi về tintuc@hoithanh.com

Bình Luận:

You may also like