Home Văn Phẩm BÀN LUẬN VỀ SÁCH KHẢI HUYỀN – Phần 8: Các Diễn Viên Chính

BÀN LUẬN VỀ SÁCH KHẢI HUYỀN – Phần 8: Các Diễn Viên Chính

by Sưu Tầm
30 đọc

Tín hữu:

Sang đến chương 11, Khải Huyền có nói tới hai chứng nhân nói tiên tri. Hai người này là ai vậy?

Mục sư:

Đây là phần chen thứ hai, đệm giữa hai tiếng kèn 6 và 7 với mục đích giải thích. Cũng khó giải thích lắm, bởi vì họ bị giết rồi ba ngày rưỡi sau sống lại. Trong lịch sử chưa hề xảy ra, trừ Chúa Giê-xu, nên có thể nói đây là thời sau rốt.

  • Họ còn gọi lửa từ trên trời xuống và khiến mưa không rơi, cho nên có ý kiến đây là Môi-se và Ê-li, tượng trưng cho Luật Pháp và Tiên Tri, cũng từng làm phép lạ như vậy.
  • Có ý kiến khác cho đây là Ê-li và Ê-nóc, hai người duy nhất được đưa lên Thiên Đàng không qua sự chết (Sáng thế ký 5:24, 2 Các Vua 2:11).
  • Hoặc họ có thể là hai cây Ô-liu, là “hai người được xức dầu đứng hầu bên cạnh Đấng Chúa Tể của cả thế gian (Xa-cha-ri chương 4, đặc biệt câu 14).
  • Có ý kiến cho rằng đây là Cựu-ước và Tân-ước, vì cả hai đều được gọi là chứng ước của Chúa (Thi-thiên 19:7, Khải Huyền 19:10 1Giăng 5:6-12).
  • Lại có ý kiến cho rằng đây là Hội Thánh và Phúc Âm. Sự phục vụ của họ trong vòng 3,5 năm, đúng thời gian Thành Thánh được giao cho dân ngoại (11:2).
  • Khi Chúa phục sinh có hai người nam mặc áo trắng thông báo cho các phụ nữ thăm một Chúa (Lu-ca 24:4), khi Chúa thăng thiên có hai người nam mặc áo trắng thông báo cho các sứ đồ (Công vụ 1:10)

Tôi thấy các giải thích nào cũng có phần hợp lý. Nhưng chìa khóa để biết được danh tính hai vị này là “họ bị giết và sống lại”. Kinh Thánh cho biết: “Theo như đã định cho loài người, ai cũng phải chết một lần, và sau đó sẽ bị phán xét”, (Hê-bơ-rơ 9:27, Khải Huyền 20). Nếu Môi-se là nhân chứng thì ông đã chết một lần rồi không lẽ chết lại. Chỉ có Ê-li và Ê-nóc chưa hề bị chết, nên họ duy nhất có thể bị giết, để sống lại như mọi tín đồ. Khả năng khác như hai nhân chứng là Tân Ước, Cưụ Ước, hay Hội Thánh và Phúc Âm cũng hay; Hai cây đèn có thể là hai hội thánh được Chúa khen là Si-mẹc-nơ và Phi-la-đen-phia. Nhưng nếu vậy thì sao các nhân chứng này có thể chết và sống lại?

Về khía cạnh làm phép lạ thì Ê-nóc không làm mà chỉ giảng đạo, (Giu-đê 1:15) còn Ê-li thì cả gọi lửa và làm hạn hán, (2Các Vua 1; 1Các Vua 1:17, 18), nhưng ông không khiến nước thành huyết. Hai cây Ô-liu, thì mang tính biểu tượng nhiều, có thể ám chỉ Giê-ru-ba-ên và Giô-suê là vị lãnh đạo dân sự và lãnh đạo tâm linh sau thời đi đày.

Dường như đây là cách tác giả dùng sự “gợi nhớ Cựu Ước”, ám chỉ là sẽ có hai nhân chứng trong thời kỳ sau rốt, họ cũng giống như Môi-se, Ê-li, Ê-nóc, Giê-ru-ba-bên, Giô-suê, Hai cây đèn trong Xa-cha-ri vậy… Giống trong chức vụ, sự kêu gọi, hoặc giống trong sự thăng thiên, nhưng họ là các nhân vật tương lai, khác biệt, hoặc họ chỉ là biểu tượng về những khái niệm tâm linh v.v… Ở thời điểm này tôi khiêm nhường nói rằng tôi chưa đủ kiến thức để quyết định. Niềm an ủi quan trọng nhất được thấy ở câu 11:1, về những người thờ phượng Chúa đã được đo, tức là được đếm, để tai họa động đất và mưa đá không đụng đến họ.

Nói chung chương 10 là chương khó, vì có một vị thiên sứ hùng mạnh, tiếng nói vang rền như tiếng sấm, có cầu vồng mặt sáng rực, chân như hai trụ lửa. Sự miêu tả khiến thiên sứ có phần nào giống như Đấng Christ trong chương 1. Nói vị này là Đấng Christ cũng không đúng, vì người phải đưa tay phải lên trời nhân danh Đấng Hằng sống mà thề, là điều Chúa Giê-xu không làm. Có ba thiên sứ hùng mạnh trong Khải Huyền, ở trong câu 5:1, 10:1 và 18:21. Không lẽ cả ba vị đều là Đấng Christ? Có thể đây là Mi-chi-ên trong Đa-ni-ên 10. Khải Huyền 12:7 là vị đánh bại được Sa-tan. Cũng có thể là Gáp-ri-ên, với ý nghĩa của tên là “người hùng mạnh của Đức Chúa Trời”. Tuy nhiên xác định danh tính vị này không quan trọng. Điều Giăng muốn độc giả biết là tính khẩn thiết của sứ điệp “không còn trì hoãn nữa” mà thiên sứ phán, và lời tiên tri trong cuốn sách nhỏ Giăng sẽ phải nói về các dân tộc, quốc gia ngôn ngữ.

Ngay sau đó là hai nhân chứng, con thú từ vực sâu, tiếng kèn thứ bảy và Chúa tái lâm trong chương 11.

Tín hữu:

Chúa tái lâm à, trong chương 11? Làm sao mục sư biết điều đó?

Mục sư:

Tôi đặc biệt nhắc nhở con để ý tới cụm từ “Đấng Hiện Có và Đã Có” trong câu 11:17 sau  tiếng Kèn Thứ Bảy. Con có thấy thiếu cụm từ “và Đang Đến” không? Sự khác thường này cũng được thấy ở 16:5 về chén thịnh nộ thứ ba.

Tín hữu:

À, con có thấy sự thiếu cụm từ “và Đang Đến”.  Chắc ở thời điểm này Chúa đã đến rồi. Con đang mong chờ mục sư giải thích thêm.

Mục sư:

Ừ con cứ yên tâm chờ mục sư giải thích sau.

Quay lại chủ đề các diễn viên. Trong chương 12-13 có liệt kê các “diễn viên như: Rồng Đỏ, Người Nữ và Con trai Người Nữ, Hai Con thú… Họ tượng trưng cho ai vậy?  Nếu nói về các diễn viên thì cũng nên kể cả hai nhân chứng và Con Thú từ vực sâu trong chương 11 nữa.

Đức Phật ngồi dưới gốc cây bồ đề để suy gẫm và đi đến kết luận về nguyên nhân đau khổ là sự ham muốn cá nhân. Còn Kinh Thánh cho biết sự đau khổ đến từ nguồn gốc thuộc linh. Ngay từ ban đầu Sa-tan đã cám dỗ Ê-va phạm tội. Nếu không có Sa-tan, con người vẫn hạnh phúc với Đức Chúa Trời ngày hôm nay. Tiếp đó, có ông Gióp, một người hoàn toàn công chính, nhưng bị tai họa giáng xuống: mất tài sản, mất con cái, bị bệnh tật ghê gớm. Người đương thời kể cả bạn bè cho rằng ông bị Đức Chúa Trời trừng phạt. Kinh Thánh hé mở một cảnh Thiên Đàng cho thấy việc Sa-tan xin phép thử thách ông Gióp (Gióp 1:6-19). Tiếp đó, trong lịch sử các vua, có giai đoạn Y-sơ-ra-ên bị Sy-ria tấn công, cả hai vua Y-sơ-ra-ên và Giu-đa hiệp sức ra trận, với các lời tiên tri đảm bảo phần thắng từ Đức Chúa Trời. Họ bị thất bại và trách Chúa. Kinh Thánh hé mở Thiên đàng và cho biết có một thần nói dối được phép nói qua miệng nhóm tiên tri giả lừa dối vua, vì nhà vua không chịu nghe tiên tri thật.(1 Các Vua 22:19-23)

Cũng vậy, khi chiến tranh, động đất, đói khát, bệnh tật và các tai họa khác thường xảy ra, đặc biệt trong thời Tận thế mà con người không thể hiểu nổi, họ sẽ đổ lỗi cho Đức Chúa Trời. (Khải Huyền 16:21). Kinh thánh lại mở màn cho biết sự thực về chiến trận thuộc linh mà mắt thường không thấy. Sau đây là các diễn viên trong màn kịch Khải Huyền chương 12-14:

  1. Người Nữ, mặc áo phủ Mặt Trời, đạp Mặt Trăng, đội vương miện có 12 ngôi sao. Sinh Con Trai và bị con rồng bắt bớ. Độc giả Cựu Ước biết rằng việc người nữ sinh con đây nói về Y-sơ-ra-ên theo Mi-chê 4:10 và mối thù hằn giữa Con Rắn và con Người Nữ nói về Sa-tan và Chúa Cứu Thế theo Sáng Thế 3:15-16. Người Nữ phải chạy trốn sau khi sinh Con Trai, nói về giai đoạn Y-sơ-ra-ên bị mất nước từ năm 70 S.C.N (theo hiểu biết của độc giả nguyên thủy) cho đến thời điểm tái lập quốc gia năm 1948 (theo tính toán của độc giả hiện đại). Ý chính là Y-sơ-ra-ên bị bắt bớ và Đức Chúa Trời bảo vệ Y-sơ-ra-ên.
  2. Con Trai Người Nữ, dùng gậy sắt thống trị các dân tộc và được rước lên Đức Chúa Trời, tận ngai của Ngài. Điều này ám chỉ về Đấng Mê-si-a, Chúa Giê-xu từ Thi-thiên 2 và Công vụ 1:11.
  3. Các con khác của người nữ: 12:17 bị Con Rồng bắt bớ, là Hội Thánh hoặc người Do-thái tin Chúa trong lịch sử hoặc kỳ Đại nạn.
  4. Con Rồng Lớn mảu đỏ: Sa-tan, con rắn xưa, ma quỷ, kẻ lừa dối nhân loại. Mặc dầu hắn mang ý tưởng kiêu ngạo muốn được ngang hàng với Đức Chúa Trời, nhưng thực tế không có quyền năng quyền phép như Đức Chúa Trời. Bằng chứng nó thua trận đối với thiên sứ Mi-ca-ên (12:7).
  5. Bảy đầu muời sừng: Đầu và sừng tượng trưng cho vua và chúa. Con số bảy và con số mưởi nói về con số trọn vẹn, tổng số tối đa. Vậy bảy đầu mười sừng không nhất thiết phải là bảy vị vua, mười vị chúa trong nhóm G7, G10 v.v…. với tên tuổi cụ thể, nhưng tượng trưng cho hệ thống độc quyền toàn cầu bị Sa-tan điều khiển.
  6. Các ngôi sao trên trời: Thiên sứ. Khải huyền 12:7 nói về một “chiến tranh giữa các vì sao”. Một phần ba các vì sao – không mang tính chất số lượng, nhưng tượng trưng số đông, nhưng không toàn bộ. Điều này giải thích ma quỷ tà linh ô uế ngự trị trong con người mà Chúa Giê-xu đuổi ra trong những câu chuyện Phúc Âm. Có trường hợp Chúa Giê-xu hỏi tên ma quỷ ngự trong người sống ở mồ mả. Chúng xưng là “quân đoàn” – một quân đoàn La-mã thường có 6.000 lính. Sáu ngàn tà linh ở trong thân thể một con người cho thấy biết bao nhiêu tà linh cho mỗi cá nhân trên trần gian tìm cách hãm hại họ. Cùng với Sa-tan, các tà linh là tác nhân của sự dữ, đau khổ và tai họa.
  7. Con Thú Thứ Nhất (13:1-10), “bảy đầu, muời sừng”… tượng trưng cho toàn bộ hệ thống chính trị, “từ biển” tượng trưng cho nguồn gốc dân ngoại, “được ban quyền hành trên các bộ tộc. các dân, các thứ tiếng, các nước” ám chỉ ‘Trật Tự Thế Giới Mới” dưới quyền của một lãnh tụ chính trị. Hệ thống chính trị này được quyền gây chiến đối với con cái Chúa và hành hạ họ. Đối với độc giả nguyên thủy đây là các hoàng đế La-mã, và đối với độc giả ngày nay: các chính quyền độc tài và chính quyền theo chủ nghĩa nhân bản mang tính chất toàn cầu. Biểu tượng của Con Thú Thứ Nhất là 666. Con Thú Thứ Nhất với bảy đầu mười sừng cũng là Con Thú Đỏ Đậm mà dâm phụ Ba-by-lôn cưỡi trong Khải Huyền 17:3. Bảy đầu cũng còn có nghĩa là 7 ngọn đồi xung quanh thành phố mà Dâm Phụ Ba-by-lôn ngự. Điều này dường chúng tỏ địa danh, thủ phủ của hệ thống “Trật Tự Thế Giới Mới” là thành Rô-ma hoặc Giê-ru-sa-lem theo cách nhìn lịch sử.

Theo quan điểm biểu tượng, Bảy núi cũng có thể là đỉnh cao của bảy lĩnh vực ảnh hưởng xã hội như (1) gia đình,  (2) tôn giáo, (3) giáo dục, (4) chính quyền, (5) kinh tế (gồm thương mại, công nghệ và khoa học), (6) truyền thông, (7) thần tượng  (trong nghệ thuật, âm nhạc, thể thao).

  • Con Thú Thứ Hai (13:11- 18) từ đất, tượng trưng từ Y-sơ-ra-ên. Nó có hai sừng như con chiên, nói như con rồng ám chỉ đây là tiên tri giả, christ-giả. Nó có khả năng làm được phép lạ và hướng mọi người tôn thờ con thú thứ nhất. Đây nói về một lãnh tụ tôn giáo, có quyền phép thuộc linh và có mục đích ép con người thờ lạy Con Thú Thứ Nhất. Đối với các độc giả nguyên thủy, đây là tôn giáo thờ hoàng đế La-mã. Nhưng có một câu hỏi là nếu Con Thú Thứ Nhất là một trong các hoàng Đế La-mã thì Con Thú Thứ Hai là ai, vì trong lịch sử chưa có ai là Tiên Tri Giả với khả năng làm phép lạ và ép buộc mọi người thờ phượng lãnh tụ chính trị. Ngày nay có những người lãnh đạo tôn giáo làm phép lạ như làm tượng chảy máu, tượng khóc, sờ chân tượng được chữa lành bệnh. Nhưng ảnh hưởng của họ đã đến mức độc đoan, toàn cầu chưa? Độc giả ngày nay đang trông chờ sự hiện ra của Kẻ Chống-Đấng-Christ, (1 Giăng 2:22) hay Người Đại Ác / Kẻ Vô Luật, (1 Thê-sa-lô-ni-ca 2:3-12) và Tiên Tri Giả cộng tác với hắn.
  • Hai Nhân Chứng. Trong chương 11, nhiều tai họa nghiêm trọng xảy ra, trời không mưa, nước thành huyết, các tai họa tùy ý và động đất… rồi có người chết đi sống lại. Độc giả cần biết ai là tác nhân và lý do sự việc. Chúng ta để ý tai họa mang tính chất Thiên nhiên là sự thịnh nộ của Đức Chúa Trời đối với người bất tin, còn áp lực và sự bắt bớ đối với tín đồ trên thế gian có nguồn gốc từ Sa-tan qua trung gian của hệ thống chính trị và tôn giáo.
Con Rồng Đỏ, Con Thú Thứ Nhất và Con Thú Thứ Hai

Tín hữu:

Điều bản thân con, cũng như mọi người, lo lắng nhất là con số 666, biểu tượng của Con Thú Thứ Nhất mà mọi người phải bị ép in trên trán hoặc tay phải. Không có dấu sẽ bị giết, hoặc không thể mua bán. Điều này nên hiểu theo nghĩa đen hay nghĩa bóng?

Mục sư:

Ngữ cảnh cả chương nói về quyền hành của một “Trật Tự Thế Giới Mới”, tức là hệ thống Chính Trị, Tôn Giáo thù hằn với Đức Chúa Trời. Tôi nghĩ đây là tổ hợp của chủ nghiã nhân bản và sự bội đạo. Dưới sự thống trị của nó, thánh đồ phải lựa chọn sự đầu phục hay sự bền đỗ đến mức tử đạo. Vậy chi tiết về biểu tượng 666 cần được cân nhắc một cách nghiêm túc.

  1. Đối với độc giả nguyên thủy, việc thường có là nô lệ bị đóng dấu vào trán, vào tay như bằng chứng bị sở hữu bởi một chủ nhân. Chi tiết trong câu 13:16, không chỉ người “nhỏ, nghèo… nô lệ’ nhưng cả “người lớn… giàu… tự do…” đều bị đóng dấu chứng tỏ họ đều thuộc quyền sở hữu của hoàng đế La-mã. Bởi các chữ cái La-mã đều có giá trị con số, vì vậy nên con số trong dấu được ám chỉ một cá nhân nào đó. Tên Hoàng Đế Nê-rô được đánh vần với những chứ cái có giá trị ghép lại là 666. Dưới thời Nê-rô đó bắt đầu xuất hiện đạo thờ hoàng đế. Cực điểm của đạo này vào giai đoạn hoàng đế Đô-mi-xi-an. Ai không thờ hoàng đế sẽ bị loại bỏ khỏi xã hội về mặt kinh tế và sinh mạng. Những tín đố trung kiên thà chết chứ không chấp nhận hoàng đế là thần. Điều phản biện là Nê-rô có trước thời Giăng viết Khải huyền, nên Giăng đâu cần phải tiên tri? Còn tên Đô-mi-xi-an hay các hoàng đế sau ông không đủ cộng lại thành 666. Vậy giả thiết 666 là Nê-rô hay một vị nào khác không đủ thuyết phục, nhưng khiến độc giả nguyên thủy vẫn hồi hộp lo âu.
  2. Từ đó tới nay có nhiều giả thiết về một số cá nhân, những lãnh tụ tôn giáo, chính trị và nhà độc quyền có tên mang giá trị 666, như Mô-ha-mét, Hít-le nhưng các tên này không trọn vẹn thích hợp với sự mô tả trong Kinh Thánh. Dù tên của họ có thể ghép lại thành 666, nhưng trong thời họ sống không thấy Tiên Tri Giả xứng đáng, không thấy “Ba-by-lôn” sụp đổ, không thấy Chúa tái lâm.
  3. Nhiều người cho rằng với công nghệ hiện đại, người ta có thể cấy những con “chíp” nhỏ như hạt gạo vào tay vào trán để kiểm soát thông tin cá nhân. Không có con chíp đó thì không thể mua bán được. Cách giải thích này hợp lý chỉ một phần của câu 13:17. Tuy nhiên vẫn còn nhiều lỗ hổng trong giả thiết này.
  4. Ngày nay, quyền hành không nằm trong tay một cá nhân, nhưng hệ thống toàn cầu, vậy con số 666 mang biểu tượng cho một thế gian “khiếm toàn” – “khiếm toàn” – “khiếm toàn” ;  hay “nhân bản” – “nhân bản” – ‘nhân bản”. Những người chịu mang dấu 666 là những người chịu đầu phục thần linh thế gian. Sáu tức là thiếu một thành bảy, được minh họa trong Rô-ma 3:23: “Vì mọi người (6) đều đã phạm tội (6) thiếu mất (6) sự vinh hiển của Đức Chúa Trời (7)”
  5. Hệ thống Chính Trị – Tôn Giáo chống nghịch Chúa ép buộc mọi người mang dấu của Con Thú là sự trả lời việc Đức Chúa Trời đóng dấu cho 144 ngàn người được chọn để họ khỏi chịu đựng tai họa trên đất (Khải Huyền 7:3-4). Hình như ở thời điểm hai Con thú ép buộc mọi người mang dấu, xã hội bị chia làm ba nhóm, một nhóm đã được Đức Chúa Trời đóng dấu, một nhóm chấp nhập sự ép buộc của hai Con Thú, và một nhóm trung gian: họ không được đóng dấu bởi Đức Chúa Trời, nhưng không chịu đầu phục hai Con Thú. Theo một quan điểm thần học, nhóm người này được gọi là thánh đồ trong thời kỳ Đại Nạn. Họ sẽ là nhóm người bị bắt bớ và sát hại.
  6. Con dấu 666 biểu tượng sự trung thành với Con Thú Thứ Nhất (tức hệ thống chính trị), nhưng phải nhờ Con thú Thứ Hai (tức hệ thống tôn giáo) thúc giục mọi người. Điều này nói lên sự trung thành với một hệ thống chính trị không phải là luật pháp ép buộc, nhưng sự tự nguyện lựa chọn cá nhân do ảnh hưởng tôn giáo. Giả thiết con “chíp” không thỏa mãn ờ điểm này. Dấu hiệu 666 không phải là biểu tượng như quyền công dân, nhưng biểu tượng của sự tôn thờ. Ví dụ một số thanh niên ngày nay xăm hình, tên người yêu trên tay mình, có người xăm cả tên hình của Sa-tan nữa. Họ không chấp hành luật bắt buộc xăm hình, nhưng tình nguyện để chứng tỏ sự hứa nguyện của tình cảm và tâm linh.
  7. Vì sao con dấu được đóng trên trán và trên tay phải? Phải chăng theo ý nghĩa biểu tượng thì ám chỉ tư duy và hành động theo nhân văn nghịch lại ý tưởng Đức Chúa Trời. Nó gợi nhớ việc thầy tế lễ được phong chức trong Xuất Ê-díp-tô Ký, được bôi huyết vào tay phải, ngón tay phải và ngón cái chân phải, ám chỉ ông phải nghe, làm và đi theo đường lối của Đức Chúa Trời.

Đối với bản thân là mục sư, tôi tìm cách tránh sự ngộ nhận và giải kinh giật gân. Tôi nghiêng về quan điểm dấu hiệu 666 mang tính chất tượng trưng cho sự hứa nguyện trung thành mang tính chất tôn giáo đối với một hệ thống chính trị chống nghịch Chúa. Mô hình tiêu biểu là Bắc Triều Tiên, Trung Quốc hôm nay, nhưng ở mức độ toàn cầu. Tôi tin chắc mình đã thuộc trong nhóm đầu tiên được Đức Chúa Trời dấu ấn và có tên trong Sách Sự Sống, nên tôi cảm thấy bình an. Nếu tôi hiểu sai, thì Thi-thiên 23 cũng đủ đảm bảo tôi khỏi lo lắng sợ hãi. Trong trường hợp xấu nhất mình sẽ tử vì đạo, cũng như bao nhiêu tín đồ đã phải chịu đựng, không phải trong thời kỳ cuối cùng nhưng trong cả hai mươi thế kỷ qua. Tử vì đạo tức là về nước Chúa một cách vinh quang như Ê-tiên, Phao-lô, Phi-e-rơ, và như chính Chúa Giê-xu.

Tín hữu:

Thưa mục sư, ngay trong chương sau, tức chương 14 con thấy 144 ngàn người được đóng dấu ở cùng với Chiên Con, tức ở trên Thiên đàng (14:1-5). Nhưng con cũng còn thấy các thánh đồ các dân tộc dưới đất ở trong câu 12?

Mục sư:

Ở thời điểm này, trong các câu 14:6-11 con thấy ba thiên sứ (chứ không phải tín đồ và hội thánh) bay ra truyền giảng. Ba sứ điệp của ba thiên sứ là “kính sợ Đức Chúa Trời, dâng vinh hiển cho Ngài”, “Ba-by-lôn đã sụp đổ” và “ai nhận dấu Con thú sẽ nhận chén thịnh nộ của Đức Chúa Trời”. Những sứ điệp này khác với sứ điệp của Hội Thánh là “ăn năn, nhân danh Chúa Giê-xu nhận phép Báp-tem” (Công vụ 2:38). Dường như Chúa Giê-xu đã tái lâm và mọi người đã biết Chúa Giê-xu, chứ không cần đức tin nữa. Câu 12 có nói “Đây là lòng nhẫn nhục của các thánh đồ những người giữ các điều răn của Đức Chúa Trời và Đức Tin nơi Chúa Giê-xu.” Những người giữ điều răn của Đức Chúa Trời là thánh đồ Cựu Ước và người tin nơi Chúa Giê-xu, chắc thuộc về Tân Ước. Nhưng thánh đồ Cựu Ước (như Đa-vít) đã chết từ lâu và họ không biết đến Chúa Giê-xu. Vậy câu này ám chỉ nhóm tín đồ Do-thái, sẽ tin Chúa trong cơn đại nạn.

Con cũng nên nhớ rằng Khải huyền không được viết theo trình tự thời gian của sự kiện, nhưng theo trình tự xếp đặt của khải thị hay kịch bản. Những chữ “rồi tôi thấy” có thể là sự hồi tưởng một sự kiện đã xảy ra, hoặc viễn tưởng một sự kiện sẽ tới. Ví dụ thiên sứ thứ hai nói: “Ba-by-lôn đã bị sụp đổ” nhưng thực sự điều đó xảy ra ở 4 chương sau đó, tức là chương 18. Và trong cơn đại nạn hầu như tuyệt vọng vẫn còn có sự kêu gọi đầu phục Đức Chúa Trời.

Tôi tin rằng ở thời điểm ba thiên sứ loan truyền sứ điệp, các tín đồ Tân-ước như chúng ta đã ở trên trời cùng với nhóm 144 ngàn người được chọn. Lại nói về con số 144 ngàn, tức là (12 x12)x(10x10x10).

Số 12 trong các gợi nhớ Cựu Ước hầu hết đều ám chỉ Y-sơ-ra-ên. 12×12 có nhấn mạnh hàm ý đây là người thực sự Y-sơ-ra-ên, hay Hê-bơ-rơ của Hê-bơ-rơ. Mỗi số 10 mang biểu tượng trọn vẹn, được nhắc ba lần mang hàm ý nhấn mạnh, 10x10x10 có nghĩa hàng hà, xa số… Tổng hợp lại 144 ngàn có nghĩa là hàng ngàn dân Y-sơ-ra-ên chân chính.

Nếu số 12 không những tượng trưng cho các con của Gia-cốp, nhưng cho cả các sứ đồ, (12 cửa và 12 nền trong Khải huyền 21:12) thì 144 ngàn có nghĩa là vô vàn dân tuyển Cựu Ước và Tân Ước. Tóm lại có hai khả năng: (a) nhóm Y-sơ-ra-ên chân chính được cứu trong cơn đại nạn,  hoặc (b) nhóm được đóng dấu và nhóm từ các dân tộc, thực ra hai nhóm là một nhóm: tất cả con dân của Chúa. Khả năng (a) có vẻ dễ tin hơn vì lý do dưới đây.

Đặc điểm của nhóm 144 ngàn là họ (1) không bị ô uế với phụ nữ, vẫn còn trinh nguyên, (2) không lời dối trá, không chỗ chê trách và (3) theo Chiên Con mọi nơi, được chuộc làm trái đầu mùa, . Điểm (1) khó giải thích nhất. Phải chăng người có quan hệ vợ chồng là bị ô uế mất trinh? Chính Chúa chúc phước cho loài người trong việc sinh sản mà (Sáng 1:28). Tuy nhiên điều ở đây liên hệ tới luật Môi-se, (Xuất 19:15, Lê-vi 15:18), hay Tân Ước (1 Cô-rinh-tô 7:5), cũng như chuyện vua Đa-vít và tùy tùng muốn ăn bánh thánh từ tay thầy tế lễ, (Sam 21:1-6). Quan hệ vợ chồng được Chúa chúc phước trong lĩnh vực sinh sản. Tuy vậy, dân ngoại thường quan hệ nam nữ (kể cả kỹ nữ) trước cửa đền thờ, trong đền thờ như một hình thức cầu xin các thần phù hộ ban phước cho mùa màng, bầy đàn, sinh đẻ con cái v.v… Chúa muốn dân tuyển của Chúa phải khác biệt với dân ngoại. Chính vì vậy mà luật Môi-se coi người mới quan hệ sinh lý là người không sạch, không được tham gia thờ phượng. Còn điểm (2), nhóm 144 ngàn là những người không lời dối trá, không chỗ chê trách… Đức hạnh của họ thật tuyệt vời, không phải vì họ toàn hảo, nhưng vì họ không chủ ý phạm tội và mọi tội của họ được thanh tẩy bởi huyết Giê-xu. Điểm (3) giải thích thắc mắc về điểm (2).

(Còn tiếp)

Nếu quý độc giả có bình luận hoặc thắc mắc gì về bài viết trên xin liên hệ với tác giả qua email: ChanlyChanTinh@yahoo.com

Mục sư: Nguyễn Ngọc Hà

Bài vở cộng tác hoặc góp ý xin gửi về tintuc@hoithanh.com

Bình Luận:

You may also like