Home Văn Phẩm Tản Mạn Văn Thơ Về Mùa Thu

Tản Mạn Văn Thơ Về Mùa Thu

by Hồ Galilê
30 đọc

Không biết tôi yêu mùa thu tự bao giờ, ngay từ nhỏ mỗi khi nhìn những chiếc lá vàng rơi rụng đâu đó, cũng làm lòng tôi xao xuyến, một thoáng bâng khuâng xa vắng hiện về…

Thôi thì, tôi bắt đầu từ những năm vào Trung học Đại Lộc các bạn nhé!

Tôi ở trọ trong nhà thờ Tin Lành, mỗi hoàng hôn xuống, nhìn bên kia đường, con hẻm hun hút thấp thoáng có bóng cô bé mặc áo vàng nhạt, học sau tôi một năm, một vài lần chạm nhau qua ánh mắt, một chút sóng tình xôn xao. Ngày ấy tôi yêu thơ Đông Trình, và nhất là thơ Nguyên Sa nên mạo muội tặng cô bé có mái tóc đờ-mi vài câu trong bài Tuổi 13:

“Áo nàng vàng tôi về yêu hoa cúc
Áo nàng xanh tôi mến lá sân trường
Sợ thư tình không đủ nghĩa yêu đương
Tôi thay mực để vừa màu áo tím”.

…Và từ sau dạo ấy, tôi không còn gặp được cô bé đó nữa, nghe đâu gia đình chuyển ra Đà Nẵng, vì quê tôi lúc bấy giờ là vùng chiến sự.

Ngày vào Trung học có lẽ tôi không bao giờ quên bài “Tôi đi học” của Thanh Tịnh:

“Hằng năm cứ vào cuối thu, lá ngoài đường rụng nhiều và trên không có những đám mây bàng bạc, lòng tôi lại nao nức những kỷ niệm hoang mang của buổi tựu trường…

… Buổi sáng mai hôm ấy, một buổi mai đầy sương thu và gió lạnh. Mẹ tôi âu yếm nắm tay tôi dẫn đi trên con đường làng dài và hẹp. Con đường này tôi đã quen đi lại lắm lần, nhưng lần này tự nhiên tôi thấy lạ. Cảnh vật chung quanh tôi đều thay đổi, vì chính lòng tôi đang có sự thay đổi lớn”.

Tôi rất thích văn, nhất là văn trong nhóm Tự lực Văn đoàn. Tôi thích thuyết trình “Hồn bướm mơ tiên, Gánh hàng hoa” của Khái Hưng, “Đôi bạn” của Nhất Linh, “Hai đứa trẻ” của Thạch Lam, “Dế mèn” của Tô Hoài, rồi Thơ của Thế Lữ và Bàng Bá Lân v.v… và cứ thế yêu văn thơ lãng mạn.

Tôi thích thơ bà Huyện Thanh Quan hơn Hồ Xuân Hương!… vì thơ bà Huyện Thanh Quan có tính thanh tao trong sáng, đối vần, đối âm, đối nghĩa tuyệt vời. Còn thơ bà chúa thơ Nôm Hồ Xuân Hương, người có tên trong Phổ hệ Hồ tộc, nhưng tôi không thích lắm, điều này dành cho độc giả cảm nhận!

Tôi yêu thơ Nguyễn Bính, vì ông vốn là nhà thơ chân quê, như tôi yêu quê hương là chùm khế ngọt của Đỗ Trung Quân. Nét độc đáo của nhà thơ này viết về mùa thu khá ấn tượng, nhất là trên phạm trù tình cảm:

“Mùa thu hoa cúc lại tàn
Thuyền ai buộc mãi bên làn cây cong
Người về để lạnh phòng không
Thu rơi từng cánh cho lòng nhớ thương”…

Nữ sĩ Tương Phố thì quá buồn trong “Giọt lệ thu” vì bài thơ gây tiếng vang trên tạp chí Nam Phong số 131 năm 1928:

“Trời thu ảm đạm một màu
Gió thu hiu hắt thêm rầu lòng em
Trăng thu bóng ngả qua thềm
Tình thu ai để duyên em bẽ bàng”.

Có người nói tôi đa tình và nhạy cảm, và tôi cũng chủ quan nhìn nhận mình, có thể tôi cũng nghe được tiếng của mỗi mùa:

Xuân nồng – Hạ trắng – Thu mơ và Đông lạnh…

Phải chăng thơ Lưu Trọng Lư ai ai cũng thích, nhưng có mấy ai nghe được tiếng thu như nhà thơ đâu:

“Em không nghe mùa thu
Dưới trăng mờ thổn thức
Em không nghe rạo rực
Hình ảnh kẻ chinh phu

… Em không nghe rừng thu
Lá thu kêu xào xạc
Con nai vàng ngơ ngác
Đạp trên lá vàng khô?”…

Thú của tôi là rất thích Tùy bút, do vậy năm hai của bậc Trung học tôi thuộc làu bài Tùy bút Cảm Thu của Đinh Hùng:

“Thu năm nay, tôi lại đi trên con đường vắng này nghe từng chiếc lá rơi trên bờ cỏ nước trong như một cặp mắt tuyệt vời. Những cây liễu xanh đứng buồn như những nàng cung nữ thời xưa, và trong vườn nhà ai thấp thoáng, hoa phù dung nở trắng như một linh hồn còn non trẻ?…

Ba mươi năm sau, tôi viết nhiều truyện ngắn dự thi, và có một số bài được in vào Tuyển Tập Viết Cho Niềm Tin, tôi có trích Cảm Thu của thi sĩ Đinh Hùng trong truyện ký “Lối về hai mùa nhớ”:

“…Tôi nhớ một người lữ khách nào xưa, ra đi từ một mùa thu… Thế rồi cũng một mùa thu trở lại những bước đầu tiên trên con đường bạn, mắt buồn như nước, mảng tìm hồn mình hiu hắt trong hồn thu mới”…

Nhà thơ cách mạng Chế Lan Viên thì quá nổi tiếng, nhưng ông này cũng cất cớ không ít, vì ông ấy không thích mùa xuân, nên cứ muốn chắn, muốn ngăn, muốn chặn không cho nó đến, để nàng thu diễm tuyệt quyến rũ cứ ở mãi bên mình:

“Ai đâu trở lại mùa thu trước
Nhặt lấy cho tôi những lá vàng
Với của hoa tươi muôn cánh rã
Về đây đem chắn nẻo xuân sang.”

Ngày xưa, hồi còn hàn vi, cơ cực nhưng may mắn tôi có được chiếc Radio Sony 911 của Nhật… Nên hằng đêm, tôi áp nó sát vào tai để nghe chương trình Thơ Nhạc của đài Tiếng nói Hoa Kỳ lúc 22 giờ tối Chúa nhật hàng tuần, lúc ấy chưa có điện lưới Quốc gia về chốn thôn quê. Tôi thích nghe nhạc tiền chiến với tiếng hát Sĩ Phú hoặc Thái Thanh, tôi thích mục ngâm thơ, nhất là thơ nhạc của Ngô Thụy Miên, Hoàng Thi Thơ, thích nhạc sĩ Phạm Duy bài “Mùa thu chết” nhẹ nhàng:

“Ta ngắt đi một cụm hoa thạch thảo
Em nhớ cho: Mùa thu đã chết rồi!
Ôi ngát hương thời gian mùi thạch thảo
Em nhớ cho rằng ta vẫn chờ em”…

Sau này, thống nhất đất nước, ngày tôi lên đường nhập ngũ mang theo bóng hình người yêu, nhưng rồi chiến trường lửa khói biên thùy xứ Chùa Tháp dai dẳng làm tôi xa nàng vĩnh viễn. Ngày tôi trở về thì em đã sang sông, tôi không thể nguôi với bài thơ “Ngọn trúc đào” tình khúc nhạc xưa Bolero của Anh Bằng thơ Nguyễn Tất Nhiên:

“…Rồi mùa thu ấy qua đi
Chợt em mười tám chợt nghe lạnh lùng
Thuyền đành xa bến sang sông
Hàng cây trút lá tình đi lấy chồng”…

Tôi thích thi sĩ kiêm nhạc sĩ Vũ Đức Sao Biển, vì ông đa dạng phong cách về mùa thu, trong bài Thu hát cho người:

“Dòng sông nào đưa người tình đi biền biệt
Mùa thu nào cho người về thăm bến xưa
Hoàng hạc bay, bay mãi bỏ trời mơ
Về đồi sim ta nhớ người vô bờ”.

Ngô Thụy Miên ngọt ngào với những tình khúc bất hủ nhạc xưa êm đềm:

“Em có nghe mùa thu mưa giăng lá đổ
Em có nghe nai vàng hát khúc yêu đương
Và em có nghe khi mùa thu tới
Mang ái ân mang tình yêu tới
Em có nghe nghe hồn thu nói mình yêu nhau nhé”.

Đinh Hùng khóc thương vợ buồn não ruột, mỗi khi mùa thu sắp dần qua:

“Trời cuối Thu rồi em ở đâu
Nằm bên đất lạnh chắc em sầu
Thu ơi đánh thức hồn ma dậy
Dắt em vào thăm nấm mộ sâu”.

Tạm dừng Đinh Hùng vì buồn quá, tôi rẽ tắt ngang Đoàn Chuẩn & Từ Linh để nghe nhạc phẩm “Thu quyến rũ” để được thả hồn theo mây khói mộng mơ:

“Anh mong chờ mùa thu
Dìu thế nhân dần vào chốn Thiên thai
Và cánh chim ngập ngừng không muốn bay
Mùa thu quyến rũ anh rồi”…

Tôi thật đa đoan, thích Chinh phụ ngâm của Đoàn Thị Điểm, mỗi khi có vấn đề hai vợ chồng bất bình, sinh sầu thảm:

“Càng trông lại là càng chẳng thấy
Thấy xanh xanh những mấy ngàn dâu
Ngàn dâu xanh ngát một màu
Lòng chàng ý thiếp ai sầu hơn ai”.

Còn tham lam hơn, qua Đoạn trường Tân thanh hay truyện Kiều của Nguyễn Du, cho nên nhiều bạn có lúc than phiền tôi viết dài quá, tôi xin thưa hai câu kết truyện Kiều:

“Lời quê góp nhặt dông dài
Mua vui cũng được một vài trống canh”.

… Vậy nên, cụ tổ Nguyễn Du một đại thi hào dân tộc có mấy câu thơ về mùa thu, tuy chân quê nhưng rất tài hoa và nó mang tính tượng hình và ẩn dụ sâu sắc:

“Sầu đong càng lắc càng đầy
Ba thu dọn lại một ngày dài ghê”…

Tôi ở Quảng Nam nhưng rất yêu mến Hà Nội, vì nơi đó tôi có nhiều người bạn trên Facebook cùng niềm tin, thỉnh thoảng về đêm có nói chuyện tâm tình, xin đừng hiểu sai, vì tôi rất nghiêm túc, vì tôi là người hầu việc Chúa!

Có nhiều bạn nhã ý mời có dịp ra Hà Nội thăm, tôi ao ước lắm, nơi ấy tôi cũng có gia đình anh chị chú bác thúc bá cùng đầu một ông Cố chung. Bởi vậy, tôi cũng rất thích những bài hát về Hà Nội, tôi thích nữ ca sĩ Hồng Nhung trong bài Hà Nội mùa thu:

“Hà Nội mùa thu đi giữa mọi người
Lòng như thầm hỏi, tôi đang nhớ ai
Sẽ có một ngày trời thu Hà Nội trả lời cho tôi
Sẽ có một ngày từng con đường nhỏ trả lời cho tôi
Hà Nội mùa thu, mùa thu Hà Nội, nhớ đến một người …
Để nhớ mọi người”…

Tôi rất thích các bài viết trên diễn đàn Cơ-đốc, các Website thuần túy Tin Lành không phân biệt Hệ phái. Tôi thích thơ Tin Lành từ Báo Rạng Đông, Hừng Đông và trang Tuổi Hồng trước 1975, tôi yêu mến Thánh Kinh Báo, Thánh Kinh Nguyệt San và trang thơ của cố thi sĩ mục sư Lưu Văn Mão, và bây giờ con ông là Lưu Tường Lư kế thừa thân phụ. Những năm gần đây tôi thích Báo Đuốc Thiêng Paris của HTTLVN tại Châu Âu, tôi cũng thích Tạp chí Hướng Đi tại Texas Hoa Kỳ, Mới đây tôi có bài “Tùy bút: NÓ” và Thơ: “Thi Khúc Giao Mùa” được đăng trên Tạp chí Cội Nguồn kỳ số 6 chủ đề Người Bên Lề tại California Hoa Kỳ.

Cây đại thụ của nền thi ca Cơ-đốc có hàng ngàn thi phẩm, không thể không nhắc đến Tường Lưu xứ Quảng, tôi đang sở hữu 5 tập thơ photocopy của ông:

“Bâng khuâng nắng thu vàng trên lá
Sầu lên tầng mây trắng… giang hồ
Nghe con chim hót sao buồn quá
Chạnh lòng nhớ câu hát mẹ ru.”

Và đây là một bài thơ nữa về mùa thu, của Hồ Thi Thơ (Hồ Galilê) xin được trình làng, vì tôi sợ rằng thu sẽ đi qua, sang năm mới thu trở lại, mà không biết mình có còn sống đến ngày ấy không nhỉ. Thôi thì, nói như thánh Gia-cơ nếu Chúa muốn và ta còn sống…

ĐẾM LÁ THU RƠI

Ta ngồi đếm lá thu rơi
Một, hai, ba, bốn… chơi vơi cõi lòng
Thời gian không đợi chẳng trông
Thu đi, đông đến, xuân hồng đóng khuôn

Hạ chưa át tiếng ve buồn
Mà nay thu đã chiều buông lá vàng
Ta ngồi đếm lá thu sang
Giật mình đã thấy chiều hoang tuổi đời

Lá ơi xin hãy thôi rơi!
Để cây còn chút men đời xanh hoa
Đời người một cảnh Ta bà
Kẻ vào Tử lý người qua Thiên triều

Ta ngồi suy niệm bấy nhiêu
Mà nghe thổn thức lòng nhiều ưu tư
Hóa công qui luật cộng trừ
Diệt, sinh, sinh, diệt… đến từ Trời cao

Thu sang ta hãy tự hào
Mình là con Chúa điểm tô bốn mùa.

Lời kết luận:

Tôi chỉ tìm thấy duy nhất trong Kinh Thánh nói về mùa thu:

“Nếu anh chị em trung tín vâng giữ các điều răn tôi truyền lại cho anh chị em hôm nay, tức là hết lòng hết linh hồn kính yêu CHÚA, Đức Chúa Trời của anh chị em và phục vụ Ngài,

Ngài sẽ cho mưa xuống trên xứ đúng mùa, cả mưa vào mùa thu lẫn mưa vào mùa xuân để anh chị em thu hoạch hoa màu, rượu mới và dầu.

Ngài cũng cho cỏ xanh tốt ngoài đồng để nuôi gia súc, và anh chị em sẽ được ăn uống thỏa thích”.

Phục truyền 11:13-15 Bản Dịch Mới.

Hồ Galilê – Thu 2020

Bài vở cộng tác hoặc góp ý xin gửi về tintuc@hoithanh.com

Bình Luận:

You may also like