Home Văn Phẩm Đào Tạo Môn Đồ – Chương 6: Môn đồ hoá và Hội thánh

Đào Tạo Môn Đồ – Chương 6: Môn đồ hoá và Hội thánh

by daotaomondo.com
30 đọc

Đào Tạo Môn Đồ
Tác giả: Greg Laurie

Chương Sáu
Môn đồ hoá và Hội thánh

Mỗi ngày Chúa lấy những kẻ được cứu thêm vào Hội thánh. (Công vụ 2:47)

Đến chương này, chúng ta đã thấy hai yếu tố quan trọng đểa môn đồ Chúa Giê-su tăng trưởng: học Kinh Thánh và cầu nguyện.

Yếu tố thứ ba liên hệ với Hội thánh trong cuộc đời người môn đồ. Tôi không thể giảm đi tầm quan trọng của thông công và tham gia Hội thánh thường xuyên. Khi chúng ta đến Hội thánh và có vị trí trong đó, chúng ta có nghĩa vụ trao cho người khác những gì Chúa trao cho chúng ta. Mỗi Cơ đốc nhân có một vị trí quan trọng trong thân thể Đấng Christ, và Chúa trao ân tứ đặc biệt cho mỗi người.

Tuy nhiên, tôi không nhấn mạnh về những gì tín hữu nhận được ở nhà thờ, nhưng là những gì họ có thể đóng góp. Kinh Thánh bảo chúng ta “ai nấy hãy coi sóc nhau để khuyên giục về lòng yêu thương và việc tốt lành; chớ bỏ sự nhóm lại như mấy kẻ quen làm, nhưng phải khuyên bảo nhau, và hễ anh em thấy ngày ấy hầu gần chừng nào, thì càng phải làm như vậy chừng nấy” (Hê-bơ-rơ 10:24-25).

Hội thánh không chỉ là nơi chúng ta được dạy dỗ Lời Chúa và thờ phượng Ngài; đó cũng là nơi chúng ta đến để được trang bị để phục vụ.

Một Hội thánh khoẻ mạnh sẽ có nhiều môn đồ không chỉ khao khát nhận, mà còn ban ra. Thay vì có thái độ, “Chúc phước tôi; làm gì đó cho tôi,” họ sẽ muốn giúp đỡ người khác. Họ muốn theo tấm gương của Chúa Giê-su, Đấng đến không phải để được hầu việc, mà là để hầu việc (xem Ma-thi-ơ 20:28; Mác 10:45).

Tôi không có ý muốn nói là chúng ta không cần được mục vụ và nuôi dưỡng thuộc linh khi đến Hội thánh, trái lại chúng ta rất cần có những điều này. Ưu tiên đầu tiên khi chọn nhà thờ không phải là gần nhà hay cơ sở đẹp đẽ. Quan trọng nhất là phải hỏi, “Hội thánh có dạy Lời Chúa không?” Tôi không nói đến học theo các chủ đề, nhưng Kinh Thánh bày tỏ bạn có hành động dựa trên Kinh Thánh hay không. Có những lúc cần dạy theo chủ đề, nhưng mọi điều đều phải đến từ quan điểm Kinh Thánh. Mọi người nên mang Kinh Thánh đến Hội thánh để đọc trong buổi nhóm. Mục sư cũng nên giảng từ Kinh Thánh.

Nhưng khi chúng ta nhận lãnh, chúng ta cũng nên nhận ra quyền lợi và trách nhiệm ban ra. Nếu xuất hiện nhu cầu hoặc cơ hội, chúng ta nên sẵn lòng rời khỏi cái ghế êm ái và tình nguyện làm. Thái độ đúng đắn của Cơ đốc nhân biết ơn thật là, “Chúa ban cho tôi, bởi vậy, tôi muốn trao cho người khác.”

Chức năng của Ân tứ Thánh Linh

Chúa trao ân tứ cho mỗi người đặt đức tin nơi Đấng Christ, và Ngài trao cho chúng ta năng quyền qua Đức Thánh Linh. Bạn có đang sử dụng và trau dồi ân tứ Chúa cho bạn? Kinh Thánh nói rõ, là tín hữu, chúng ta sử dụng ân tứ khi đang chờ đợi Đấng Christ trở lại (xem 1 Cô-rinh-tô 1:7).

Cũng vậy, không khám phá và sử dụng ân tứ Chúa trao sẽ khiến chúng ta dập tắt Đức Thánh Linh, mà Kinh Thánh ra lệnh cho chúng ta không được làm (xem 1 Tê-sa-lô-ni-ca 5:19). “Dập tắt” tức là phá huỷ. Nên khi Thánh Linh của Chúa nhắc nhở chúng ta làm hay nói điều gì đó mà chúng ta từ chối, chúng ta đang dập tắt Đức Thánh Linh.

Một vài Cơ đốc nhân cảm thấy không thích ân tứ Thánh Linh có lẽ bởi vì có quá nhiều người làm sai trong lĩnh vực này. Thường thì những người tuyên bố là họ đang sử dụng ân tứ Thánh Linh là những người kỳ cục. Kết quả, chúng ta kết luận rằng nếu là ân tứ Thánh Linh thì chúng ta không muốn liên hệ chút nào.

 Đừng nhìn vào ân tứ Thánh Linh như vậy. Hãy lùi lại và nhìn nhận theo cách cân bằng và theo Kinh Thánh. Tôi tin vào quyền năng Đức Thánh Linh, mà tôi tin đây là một quyền năng thực tế Chúa muốn chúng ta có trong đời mình, cũng là quyền năng đã giúp cho Hội thánh ban đầu xoay chuyển thế giới.

 Ê-phê-sô 4, một chương cụ thể về ân tứ Thánh Linh, giải thích tại sao Chúa trao chúng:

 “Ấy chính Ngài đã cho người nầy làm sứ đồ, kẻ kia làm tiên tri, người khác làm thầy giảng Tin Lành, kẻ khác nữa làm mục sư và giáo sư, để các thánh đồ được trọn vẹn về công việc của chức dịch và sự gây dựng thân thể Đấng Christ” (câu 11-12).

Đầu tiên, chúng ta thấy Chúa ban ân tứ Thánh Linh để hoàn thiện và rèn tập các thành đồ. Chúa đã dấy mục sư – giáo sư, nhà truyền giáo, và tiên tri để giúp chúng ta trưởng thành, để “chúng ta không như trẻ con nữa, bị người ta lừa đảo, bị mưu chước dỗ dành làm cho lầm lạc, mà day động và dời đổi theo chiều gió của đạo lạc, nhưng muốn cho chúng ta lấy lòng yêu thương nói ra lẽ chân thật, để trong mọi việc chúng ta đều được thêm lên trong Đấng làm đầu, tức là Đấng Christ.” Chúa cho chúng ta những ân tứ này, vận hành qua những người như mục sư-giáo sư, để chúng ta được trang bị và trưởng thành.

Thứ hai, Chúa cho chúng ta ân tứ Thánh Linh để chúng ta được trang bị làm tất cả những gì Chúa kêu gọi chúng ta làm trong nhà thờ. Chúa trao một ân tứ hay nhiều ân tứ cho bạn để sử dụng và chúc phước cho người khác. Ân tứ Thánh Linh không phải là sở thích để bạn chơi đùa, mà là công cụ để gây dựng và vũ khí để chiến đấu.

Thứ ba, Chúa cho chúng ta ân tứ Thánh Linh để mang đến sự hiệp một trong Hội thánh, “cho đến chừng chúng ta thảy đều hiệp một trong đức tin và trong sự hiểu biết Con Đức Chúa Trời, mà nên bậc thành nhân, được tầm thước vóc giạc trọn vẹn của Đấng Christ” (câu 13). Khi chúng ta sử dụng những ân tứ này, chúng ta thấy rằng không ai có tất cả các ân tứ. Chúa, trong ý muốn tể trị của Ngài, đã chọn cách trao một số ân tứ cụ thể cho mỗi người. Như Rô-ma 12: 4-6 nhắc nhở chúng ta, “Vả, như trong một thân chúng ta có nhiều chi thể, và các chi thể không làm một việc giống nhau, thì cũng vậy, chúng ta là nhiều người mà hiệp nên một thân trong Đấng Christ, và hết thảy chúng ta đều là các phần chi thể của nhau. Vì chúng ta có các sự ban cho khác nhau, tùy theo ơn đã ban cho chúng ta, ai được ban cho nói tiên tri, hãy tập nói theo lượng đức tin.”

Thứ tư, Chúa trao ân tứ Thánh Linh để Cơ đốc nhân tăng trưởng thuộc linh và Hội thánh gia tăng số lượng: “Ấy nhờ Ngài mà cả thân thể ràng buộc vững bền bởi những cái lắt léo, khiến các phần giao thông với nhau, tùy lượng sức mạnh của từng phần, làm cho thân thể lớn lên, và tự gây dựng trong sự yêu thương” (câu 16). Khi Hội thánh được lập nền trong Lời Chúa và tiếp năng lượng bởi Đức Thánh Linh, Hội thánh sẽ vươn ra và sẽ không chịu ở yên. Hội thánh sẽ lan tỏa, thách thức và chỉnh đốn văn hóa của chúng ta. Đó là quyền năng có mục đích.

Nhiều người thì trở thành những khán giả thụ động trong Hội thánh, thành viên đăng ký của “Câu Lạc Bộ Chúc Phước Cho Tôi.” Suy nghĩ này đã gây nên sự đình trệ thuộc linh. Chúa không định cho chúng ta nhận lấy mà không bao giờ giờ ban ra.

Bí quyết của Hội thánh Ban đầu

Để hiểu hơn về cách chúng ta thực hiện chức năng môn đồ trong nhà thờ, chúng ta cần nhìn vào Hội thánh Tân Ước khi Chúa Giê-su thành lập. Công vụ 2 ghi lại những ngày đầu tiên trong cuộc đời Hội thánh. Chúng ta thấy những môn đồ của thế kỷ đầu thực sự hành động. Họ cũng tìm thấy những nguyên tắc khiến cho Hội thánh hiệu quả và vị trí của môn đồ thật trong đó.

Nhìn qua, phân đoạn này miêu tả Hội thánh ban đầu hoàn toàn khác biệt rất nhiều với Hội thánh ngày nay. Những điều bình thường với họ lại là những điều vô cùng mạnh mẽ với chúng ta. Môn đồ hóa thực sự là “sống đời sống Cơ đốc mạnh mẽ.” Cơ đốc nhân thông thường sống như được ghi trong Tân Ước sẽ năng động, đầy dẫy quyền năng Thánh Linh, và biệt riêng cho Chúa và Lời của Ngài.

Chúng ta phải luôn nhớ rằng Hội thánh ban đầu được hướng dẫn bởi Đức Thánh Linh. Để trở thành Cơ đốc nhân hiệu quả, chúng ta cũng phải phụ thuộc vào năng quyền của Đức Thánh Linh. Có một chiều kích năng quyền có sẵn cho mỗi Cơ đốc nhân vượt trổi hơn cả kinh nghiệm cải đạo. Khi chúng ta trở thành Cơ đốc nhân, Đức Thánh Linh ngự trong chúng ta. Ngài ở đó để dẫn dắt chúng ta tới mọi lẽ thật. Ngài ở đó để đóng dấu chúng ta với sự đảm bảo của Ngài rằng chúng ta là con cái Chúa.

Nhưng có một chiều kích năng quyền khác có sẵn cho chúng ta là những người tin. Chúa Giê-su nói với môn đồ của Ngài “Nhưng khi Đức Thánh Linh giáng trên các ngươi, thì các ngươi sẽ nhận lấy quyền phép, và làm chứng về ta tại thành Giê-ru-sa-lem, cả xứ Giu-đê, xứ Sa-ma-ri, cho đến cùng trái đất” (Công vụ 1:8). Từ “trên” Chúa Giê-su sử dụng khác với các từ được sử dụng ở những chỗ khác khi nói về Đức Thánh Linh đến ngự bên trong chúng ta. Kinh nghiệm này là kinh nghiệm đầy năng quyền cho chúng ta sự dũng cảm cần có để sống cuộc đời Cơ đốc. Đó là quyền năng để sống cuộc đời kiên định, để dũng cảm chia sẻ đức tin.

Hội thánh ban đầu bắt đầu và tiếp tục trong năng quyền Thánh Linh. Nếu chúng ta muốn tăng trưởng và hiệu quả trong Lời chứng về Chúa Giê-su, thì chúng ta phải bắt đầu trong năng quyền Đức Thánh Linh và phụ thuộc vào năng quyền đó cho tới ngày cuối cùng.

“Những người ấy bền lòng….”

Trong Công vụ 2:42, chúng ta tìm thấy chìa khóa đầu tiên để các môn đồ ban đầu thành công: “Vả, những người ấy bền lòng giữ lời dạy của các sứ đồ, sự thông công của anh em, lễ bẻ bánh, và sự cầu nguyện.” Cơ đốc nhân ban đầu có sự khao khát để tham gia vào cuộc sống với Hội thánh. Họ không chỉ có sự nhiệt tình trong việc làm mà còn kiên trì, bền lòng nữa. Nhiệt tình và bền lòng là chìa khóa để giúp họ làm theo ý muốn Chúa.

Cũng vậy, những tín hữu ban đầu không lợi dụng đặc quyền  nhóm lại. Tôi càng đi nhiều, tôi càng biết ơn về con người Chúa cho tôi trở thành bởi những điều Chúa đang làm tại đây trong đất nước chúng ta, trong Hội thánh của chúng ta. Các mục sư tại Tây Âu bảo tôi rằng rất khó để làm những gì Chúa muốn họ làm bởi sự cấm đoán từ chính quyền. Có mục sư tại Ê-thi-ô-pi-a nói với tôi rằng họ và các thành viên hội chúng bị đánh đập và bỏ tù vì đã rao giảng phúc âm và theo Chúa Giê-su. Chúng ta sống tại Mỹ và có quyền tự do. Chúng ta không nên coi thường điều đó. Chúng ta phải nhớ cầu nguyện cho những anh chị em sống ở các quốc gia mà quyền tự do tôn giáo bị xâm phạm.

Thái độ của bạn với việc đi đến Hội thánh là gì? Bạn có đến nhà thờ với sự đói khát sữa thuộc linh là Lời Chúa (xem 1 Phi-e-rơ 2:2)? Bạn có thèm khát không? Sự khao khát đó chắc chắn sẽ tạo nên sự khác biệt. Niềm khao khát của những tín hữu ban đầu được dẫn dắt tới “giáo lý của các sứ-đồ”. Hội thánh ban đầu tiếp tục học Lời Chúa. Là môn đồ, chúng ta cũng phải như vậy.

Cũng vậy, khao khát của những tín hữu ban đầu dẫn thẳng đến sự thông công. Chúng ta đôi khi đánh mất ý nghĩa thực sự của từ “thông công.” Thường thì chúng ta nghe thấy từ này khi nhà thờ nhóm lại, khi chúng ta có “đồ ăn, chơi và thông công” nhưng liệu đấy có phải là những gì Hội thánh ban đầu thực sự kinh nghiệm? Vậy, thông công chính xác là gì?

Đầu tiên, thông công không phải là các hoạt động Cơ đốc. Dù nó kèm theo một vài hoạt động như vậy, nhưng thông công thật sự đòi hỏi một kết ước lớn hơn. Từ được sử dụng cho từ thông công trong Tân Ước là một từ Hi Lạp: koinonia. Có thể dịch là “đồng công,” “hợp tác,” “đóng góp,” và “chia sẻ.” Mỗi một từ trên đều mang đến các khía cạnh khác nhau của từ koinonia.

Trên thực tế, thông công là một từ thường được kết nối với những từ khác bao gồm tình bạn, thân mật thuộc linh, hiệp một và hợp tác trong công tác hầu việc Chúa trên đất.

Từ “đồng công” nói về tình bạn và sự mật thiết. Chúa muốn chúng ta có tình bạn và sự mật thiết không chỉ với Ngài mà còn với người khác. Đó là sự ràng buộc đưa Cơ đốc nhân đến gần nhau, hơn cả những sự ràng buộc khác, thậm chí hơn cả sự ràng buộc với gia đình. Hai tín hữu chia sẻ những sự trao đổi đặc biệt khi Đức Thánh Linh hành động trong cuộc đời họ.

Rồi từ “hợp tác” chỉ sự làm việc chung. Thông công không chỉ là đồng công thuộc linh, mà còn rất thuộc thể. Bao gồm giúp đỡ và làm việc với người khác, cũng như cầu thay và thờ phượng với cá nhân đó.

Tiếp theo có những yếu tố về đóng góp và chia sẻ. Những từ này chỉ về sự giúp đỡ thiết thực cho các tín hữu bằng cách chia sẻ đồ ăn, quần áo, và những nhu cầu khác. Kinh Thánh nói rằng nếu chúng ta thấy anh chị em mình thiếu thốn mà không giúp đỡ họ thì chúng ta không có đức tin. Khi chúng ta hành động cho tình huống đó, chúng ta cần phải vâng Lời Chúa và giúp các Cơ đốc nhân khác. Đó là đồng công. Chúng ta thấy yếu tố đồng công rõ ràng được thực thi trong Hội thánh ban đầu khi chúng ta đọc thấy họ “lấy mọi vật làm của chung” (xem câu 44).

Chúa vui mừng khi dân sự Ngài đến cùng nhau để koinonia. Thực ra Chúa hứa sẽ bày tỏ chính Ngài cách đặc biệt vào những thời điểm này. Tác giả Thi Thiên viết rằng Chúa ngự trong sự ngợi khen của dân Y-sơ-ra-ên (Thi thiên 22:3). Khi chúng ta, cùng những tín hữu khác, đặt để đôi mắt và tấm lòng cao hơn hoàn cảnh và tập trung vào Cha mình, thì mọi thứ sẽ có ý nghĩa. Sự hiện diện của Chúa sẽ được cảm nhận đặc biệt trong lúc này.

Chúa còn bày tỏ chính Ngài theo cách đặc biệt trong các cuộc nói chuyện của chúng ta với các Cơ đốc nhân khác. Ma-la-chi 3:16 cho biết, “Bấy giờ những kẻ kính sợ Đức Giê-hô-va nói cùng nhau, thì Đức Giê-hô-va để ý mà nghe; và một sách để ghi nhớ được chép trước mặt Ngài cho những kẻ kính sợ Đức Giê-hô-va và tưởng đến danh Ngài.” Trong bản gốc tiếng Hê-bơ-rơ, câu “Đức Giê-hô-va để ý mà nghe” nghĩa là “vểnh tai lên và cúi xuống để không bỏ lỡ một từ nào.”

Tức là Chúa đang nói, “Khi dân Ta đến cùng nhau và nói chuyện về Ta, Ta sẽ vểnh tai lên. Ta sẽ phải cúi xuống và lắng nghe cẩn thận để không mất một từ nào.” Đây là một điều thật thú vị và cũng đáng sợ. Bạn biết rằng Chúa Giê-su là Đấng lắng nghe vô hình mọi cuộc đối thoại. Hãy nghĩ về điều này. Khi Chúa Giê-su lắng nghe chúng ta nhắc đến danh Ngài với các Cơ đốc nhân khác, thì là Ngài đang nói, “Họ đang nói về Ta. Ta muốn nghe. Và nếu thế chưa đủ thì có một cuộn giấy được chép trước mặt Ngài, chứa tên của những người kính sợ Ngài và tôn kính danh Ngài trong sự đồng công thật theo Kinh Thánh.

Cùng với sự đồng công, Cơ đốc nhân ban đầu cũng “bền lòng … cầu nguyện” (câu 42). Từ “cầu nguyện” có thể được dịch là “khao khát bền bỉ.” Như tôi đã nhắc đến trong chương trước, cầu nguyện là nhân tố chính để trở thành môn đồ Chúa Giê-su. Nhưng nó cũng là nhân tố cần thiết cho một Hội thánh hiệu quả. Hội thánh ban đầu được khắc hoạ bằng những lời cầu nguyện tha thiết bền lòng.

Vui vẻ Thật thà

Môn đồ ở thế kỷ đầu rất “vui vẻ thật thà” (câu 46). Bạn có vui mừng khi đến giờ đến nhà thờ? Đa-vít viết, “Tôi vui mừng khi người ta nói với tôi rằng: ‘Ta hãy đi đến nhà Đức Giê-hô-va’” (Thi thiên 122:1). Ngày nay nhiều người có thể nói là mình rất tức khi nghe họ nói rằng, “Tôi vui mừng khi người ta nói với tôi rằng: ‘Ta hãy đi đến nhà Đức Giê-hô-va’”!

Tôi thấy lạ là mọi cuộc tranh cãi bắt đầu khi chuẩn bị đến nhà thờ, đặc biệt khi cần phải đi đâu đó. Chúng ta bắt đầu tạo nên một chuỗi các biện minh cho lý do chúng ta không thể đi vào ngày đó: “Trời hôm nay trông như sắp mưa,” hay, “Đông quá.” Trong khi đó chúng ta lại không cân nhắc nhiều khi đi đến cửa hàng vào ngày mưa, ngay cả nếu phải đỗ xe cách lối vào đến một dặm. Tất cả đều là vấn đề của sự ưu tiên.

Tôi từng nghe thấy “biện minh” được định nghĩa là “bề mặt của lý do bao phủ lời dối trá.” Những tín hữu ban đầu không hề có những biện minh này. Thay vào đó, họ có sự “thật thà.” Cuộc sống của họ có một mục đích và được chỉ định đến một hướng.

Khi nhắc đến các môn đồ ngay trong Bài giảng trên Núi, Chúa Giê-su nói, “Con mắt là đèn của thân thể. Nếu mắt ngươi sáng sủa thì cả thân thể ngươi sẽ được sáng láng; nhưng nếu mắt ngươi xấu, thì cả thân thể sẽ tối tăm. Vậy, nếu sự sáng láng trong ngươi chỉ là tối tăm, thì sự tối tăm nầy sẽ lớn biết là dường bao!” (Ma-thi-ơ 6:22-23). Nếu chúng ta được biệt riêng cho Chúa và cho mục đích riêng của Ngài, chúng ta sẽ tìm kiếm Ngài trước, và cuộc đời của chúng ta sẽ đầy dẫy sự sáng. Ngược lại nếu chúng ta để mắt tới sự tối tăm, có nghĩa là chúng ta đang có hai tầm nhìn. Mặc dù chúng ta có thể nhìn Chúa, chúng ta cũng đang nhìn vào thế gian. Và khi chúng ta cố gắng đeo đuổi điều Chúa và thế gian mang lại, cuộc đời của chúng ta sẽ đầy dẫy sự tối tăm và bối rối.

Hội thánh ban đầu tập chú vào những gì quan trọng, và họ không để thứ gì vướng chân họ. Nếu chúng ta để chính mình mình tiếp tục bị ảnh hưởng bởi những điều thuộc về thế gian, thì nó sẽ làm lu mờ sự khao khát Lời Chúa và sẽ kéo chúng ta ra khỏi Ngài. Nó cũng làm giảm đi niềm yêu thích cầu nguyện và khao khát được ở với Chúa của dân sự Ngài.

Nhưng khi chúng ta sống như người môn đồ, chúng ta sẽ mong đợi đi đến nhà thờ thường xuyên. Gặp gỡ những tín hữu khác như là đến ốc đảo thuộc linh để được tươi mới. Đó sẽ là dịp để khích lệ lẫn nhau khi chúng ta đi ra ngoài sống trong thế gian như những chứng nhân cho Chúa Giê-su.

 Cuối cùng chúng ta đọc được rằng “mỗi ngày Chúa lấy những kẻ được cứu thêm vào Hội thánh” (câu 47). Hội thánh lành mạnh là Hội thánh tăng trưởng. Tương tự, một tín hữu lành mạnh là người sẽ tỏa sáng trong thế giới tối tăm này. Ngay cả khi Chúa thêm vào Hội thánh mỗi ngày, môn đồ Chúa Giê-su sẽ là công cụ cho Chúa, kéo mọi người tới Đấng Christ bằng cách làm phần của mình trong Hội thánh.

 Phần thưởng Tương lai cho chúng ta

 Sẽ có một ngày bạn đứng trước Chúa, và Ngài sẽ thưởng bạn vì sự trung tín với Ngài. Ngài sẽ không coi thường kể cả người nhỏ nhất và không được chú ý đến trong vương quốc Ngài. Chúa Giê-su nói rằng khi chúng ta hầu việc Chúa, kể cả khi người ta không thấy thì Chúa nhìn thấy: “Cha ngươi, là Đấng thấy trong chỗ kín nhiệm, sẽ thưởng cho ngươi” (Ma-thi-ơ 6:4).

Khi nói về ngày này trong tương lai, Kinh Thánh nói, “Bởi vì chúng ta thảy đều phải ứng hầu trước tòa án Đấng Christ, hầu cho mỗi người nhận lãnh tùy theo điều thiện hay điều ác mình đã làm lúc còn trong xác thịt” (2 Cô-rinh-tô 5:10).

Đừng nhầm lẫn điều này với sự phán xét tại Toà Lớn Và Trắng (xem Khải huyền 20), nơi những ai không có tên viết trong Sách Sự Sống bị ném xuống Hồ Lửa. Sự phán xét tại Toà Lớn Và Trắng chỉ dành cho kẻ không tin.

Chúng ta tìm thấy phân đoạn về toà án Đấng Christ (Toà Phán Xét), dành cho tín hữu, trong 1 Cô-rinh-tô 3:

“Vì, chẳng ai có thể lập một nền khác ngoài nền đã lập, là Đức Chúa Jêsus Christ. Nếu có kẻ lấy vàng, bạc, bửu thạch, gỗ, cỏ khô, rơm rạ mà xây trên nền ấy, thì công việc của mỗi người sẽ bày tỏ ra. Ngày đến sẽ tỏ tường công việc đó; nó sẽ trình ra trong lửa, và công việc của mỗi người đáng giá nào, lửa sẽ chỉ ra. Ví bằng công việc của ai xây trên nền được còn lại, thì thợ đó sẽ lãnh phần thưởng mình.” (câu 11-14)

Theo đoạn này và những đoạn khác, sự hiện diện của chúng ta trong vương quốc được đảm bảo bởi Lời hứa của Chúa. Nhưng vị trí của chúng ta trong vương quốc sẽ đạt được hay mất đi bởi chất lượng công việc chúng ta đang làm ở đây và bây giờ. Sự cứu rỗi là món quà cho chúng ta bởi chúng ta đã đặt đức tin nơi Chúa Giê-su. Thật vinh dự khi nhận phần thưởng vì đã hầu việc Chúa Giê-su. Tức là nhận phần thưởng cho những gì bạn đã làm cho Chúa. Gỗ, cỏ, hay rơm tượng trưng cho sự lãng phí tài nguyên và thời gian – có khi là cả cuộc đời.

Không sai khi có sự nghiệp. Nhưng nếu sự nghiệp quan trọng hơn Chúa trong cuộc đời bạn thì bạn gặp vấn đề rồi. Nếu vật sở hữu, hay một thói quen, hay một sở thích hay cả mục vụ quan trọng hơn Chúa, thì tại toà án Đấng Christ, lửa sẽ đi qua những thứ này và sẽ chẳng gì còn lại để trưng ra cuộc đời bạn.

 Đến một ngày, Chúa sẽ muốn biết bạn đã làm gì với ân tứ Ngài trao cho bạn. Mỗi người trong chúng ta đã được trao những kỹ năng và ân tứ nhất định. Chúng ta phải có gì đó mang đến để hầu việc Chúa.

Nhưng nhiều lần chúng ta không sử dụng ân tứ này để làm vinh hiển Ngài. Thay vào đó chúng ta theo đuổi những điều chúng ta muốn trong đời. Kinh Thánh dạy chúng ta rằng chúng ta được đặt để trên đất này để mang vinh hiển cho Chúa. Đấy là lý do chúng ta ở đây. Chúa phán, “tức là những kẻ xưng bằng tên ta, ta đã dựng nên họ vì vinh quang ta; ta đã tạo thành và đã làm nên họ” (Ê-sai 43:7).

Hãy ghi nhớ điều này trong tâm trí và tấm lòng của chúng ta. Chúng ta được sinh ra để làm vinh hiển Ngài trong mọi điều chúng ta làm với cuộc đời mình.

Nguồn: daotaomondo.com

Bài vở cộng tác hoặc góp ý xin gửi về tintuc@hoithanh.com

Bình Luận:

You may also like