Home Chuyên Đề Sách Khải Huyền – “Hãy Viết” Lần Thứ Tám

Sách Khải Huyền – “Hãy Viết” Lần Thứ Tám

by Hong An
30 đọc

“Ngươi cũng hãy viết cho thiên sứ của Hội Thánh Phi-la-đen-phi rằng: Nầy là lời phán của Đấng Thánh, chân thật, là Đấng có chìa khóa của Đa-vít, mở thì không ai đóng được, đóng thì không ai mở được. Ta biết công việc ngươi; nầy, Ta đã mở trước mặt ngươi một cái cửa không ai đóng được; vì ngươi có ít năng lực, mà đã giữ đạo Ta, và chẳng chối danh Ta.” – Khải-huyền 3:7-8

Phi-la-đen-phi là một thành phố nhỏ nằm tại một vùng thường xuyên xảy ra động đất, và vì vậy thường được xây dựng lại rất nhiều lần. Thành phố này đã nổi tiếng bởi ngành trồng nho và sản xuất được loại rượu thượng hạng, kết quả là thần Bacchus (Dionysius) – Thần Rượu của Hy-lạp đã được tôn thờ tại đây. Những trận động đất thường xuyên chính là lý do khiến cho nó mãi vẫn là một thành phố nhỏ. Tuy nhiên, địa danh nguy hiểm này đã không trở thành một nơi bị hủy hoại – trái ngược hoàn toàn với phần lớn những thành phố khác ở A-si được kể đến – và cho đến ngày nay vẫn có dân cư sống tại đó. Và vẫn còn một nhà thờ Cơ Đốc trong thành phố Hồi giáo này, được gọi là “Allasehir” có nghĩa là ‘The City of God’ (tạm dịch: Thành của Đức Chúa Trời).

Đây chẳng phải là một sự miêu tả sống động của phân đoạn này sao? Khi Chúa mở cửa, không ai đóng được – kể cả Hồi giáo, là tôn giáo đã “đóng” rất nhiều Hội Thánh Cơ đốc, hội đồng tôn giáo Cơ Đốc và cộng đồng giáo hội ở Thổ Nhĩ Kỳ, Bắc Phi và Trung Đông. Nhưng Hội Thánh ở Phi-la-đen-phi vẫn tồn tại.

‘Phi-la-đen-phi’ có nghĩa là ‘tình yêu thương anh em’. Sống tại một khu vực không có sự bảo toàn của thế giới, nơi mà thậm chí đất rúng động liên tục, họ bám chặt vào Đấng Christ và vào nhau. Đây là Hội Thánh thứ hai mà Đấng Christ không hề nói một từ chỉ trích nào. Đặc điểm quan trọng nhất của nó là Hội Thánh này đã tiếp tục trông đợi Chúa trở lại trong Vinh Quang Thiên Đàng.

Đấng Christ có uy quyền: chìa khóa để mở hoặc đóng. Ngài đã mở thì không ai đóng được và Ngài đóng thì không ai mở được. Uy quyền này cũng được áp dụng đối với sự chết cùng miền của sự chết. Sách Khải-huyền 1:17-18 chép “Vừa thấy người, tôi ngã xuống chân người như chết; nhưng người đặt tay hữu lên trên tôi, mà rằng: Đừng sợ chi, Ta là Đấng trước hết, và là Đấng sau cùng, là Đấng Sống, Ta đã chết, kìa nay ta sống đời đời, cầm chìa khóa của sự chết và Âm-phủ.”

Ngài cầm chìa khóa của Đa-vít. Ngài là con cháu thuộc dòng dõi Vua Đa-vít và một ngày Ngài sẽ trở nên Vua muôn vua, Chúa các chúa để cai quản và thống trị trên trái đất này. Cả Mary, mẹ Ngài, và Giô-sép, người Cha thuộc thể của Ngài đều là hậu tự thuộc dòng dõi Vua Đa-vít. Ngài là Con người, nhưng cũng là Con Đức Chúa Trời, Đấng đã làm cha Ngài từ trong bụng của mẹ Ngài, Mary. Chúng ta đọc trong Ma-thi-ơ 1:18-25 “Vả, sự giáng sinh của Đức Chúa Giê-xu Christ đã xảy ra như vầy: Khi Mary, mẹ Ngài, đã hứa gả cho Giô-sép, song chưa ăn ở cùng nhau, thì người đã chịu thai bởi Đức Thánh Linh. Giô-sép, chồng người, là người có nghĩa, chẳng muốn cho người mang xấu, bèn toan đem để nhẹm. Song đang ngẫm nghĩ về việc ấy, thì thiên sứ của Chúa hiện đến cùng Giô-sép trong giấc chiêm bao, mà phán rằng: Hỡi Giô-sép, con cháu Đa-vít, ngươi chớ ngại lấy Mary làm vợ, vì con mà người chịu thai đó là bởi Đức Thánh Linh. Người sẽ sanh một trai, ngươi khá đặt tên là Giê-xu, chì chính con trai ấy sẽ cứu dân mình ra khỏi tôi. Mọi việc đã xảy ra như vậy, để cho ứng nghiệm lời Chúa đã dùng đấng tiên tri mà phán rằng: Nầy, một gái đồng trinh sẽ chịu thai, và sanh một con trai, Rồi người ta sẽ đặt tên con trai đó là Em-ma-nu-ên; nghĩa là Đức Chúa Trời ở cùng chúng ta [Ê-sai 7:14]. Khi Giô-sép thức dậy rồi, thì làm y như lời thiên sứ của Chúa đã dặn, mà đem vợ về với mình; song không hề ăn ở với cho đến khi người sanh một trai, thì đặt tên là Giê-xu.”

Trong sách Lu-ca 1:30-35 chúng ta đọc được: “Thiên sứ bèn nói rằng: Hỡi Mary, đừng sợ, vì ngươi đã được ơn trước mặt Đức Chúa Trời. Nầy, ngươi sẽ chịu thai và sanh một con trai mà đặt tên là Giê-xu. Con trai ấy sẽ nên tôn trọng, được xưng là Con của Đấng Rất Cao; và Chúa, là Đức Chúa Trời, sẽ ban cho Ngài ngôi Đa-vít là tổ phụ Ngài. Ngài sẽ trị vì đời đời nhà Gia-cốp, nước Ngài vô cùng. Mary bèn thưa rằng: Tôi chẳng hề nhận biết người nam nào, thì làm sao có được sự đó? Thiên sứ truyền rằng: Đức Thánh Linh sẽ đến trên ngươi, và quyền phép Đấng Rất Cao sẽ che phủ ngươi dưới bóng mình, cho nên con thánh sanh ra, phải xưng là Con Đức Chúa Trời.”

Khi Ê-li-a-kim (Ê-li-a-kim có nghĩa là: ‘Đức Chúa Trời sẽ dấy lên’) thay thế cho Sép-na, kẻ giám cung kiêu ngạo, thì có Lời Chúa phán: “Ta sẽ đem chìa khóa nhà Đa-vít để trên vai nó; hễ nó mở, không ai đóng được…” (Ê-sai 22:15-23). Người đầy tớ này của Đức Chúa Trời trong lịch sử của Israel đã được trao thẩm quyền trong những ngày đời người tại nhà của Vua Đa-vít và ông được quyền quyết định ai sẽ được tiếp kiến Nhà Vua. Ông chính là một hình ảnh tiên tri về Con Trưởng Nam nhà Đa-vít, Chúa Giê-xu Christ, Đấng quyết định ai sẽ được đến gần với sự hiện diện của Vua Chí Cao. Quyền chánh trị sẽ nấy trên vai Ngài, như trong Ê-sai 9:5-6 giải thích: “Vì có một con trẻ sanh cho chúng ta, tức là một con trai ban cho chúng ta; quyền cai trị sẽ nấy trên vi Ngài. Ngài sẽ được xưng là Đấng Lạ-lùng, là Đấng Mưu-luận, là Đức Chúa Trời Quyền-năng, là Cha Đời Đời, là Chúa Bình-an. Quyền cai trị và sự bình an của Ngài cứ thêm mãi không thôi, ở trên ngôi Đa-vít và trên nước Ngài, đặng làm cho nước bền vững, và lập lên trong sự chánh trực công bình, từ nay cho đến đời đời. Thật, lòng sốt sắng của Đức Giê-hô-va sẽ làm nên sự ấy!”

Đấng Christ mở cánh cửa dẫn đến mọi kho báu của Đức Chúa Trời (Xem Rô-ma 8:32; Cô-lô-se 2:2-3). Chính Ngài là Báu Vật chân thật của Đức Chúa Trời, Đấng Thánh khiết, Đấng Chân-thần, Đấng Thánh Duy Nhất. Ngài được nhắc đến theo cách như vậy hơn sáu mươi lần trong sách Ê-sai. Ví dụ như Ê-sai 6:3; đoạn 43:15 (Ta, Đức Giê-hô-va, là Đấng Thánh của các ngươi, Đấng tạo thành Y-sơ-ra-ên, tức Vua các ngươi.”), 65:16; Khải-huyền 19:11. Đấng Thánh là thánh và Ngài làm sự nên thánh. ‘Thánh khiết’ tức là tách biệt khỏi thế gian, biệt riêng ra cho công tác của Đức Chúa Trời – và điều đó áp dụng cả với chúng ta trong sự nên thánh, để trở thành một công cụ được biệt riêng trong tay Ngài. Y-sơ-ra-ên được tạo nên bởi Đức Chúa Trời và tách biệt khỏi các dân các nước trên thế giới, được kêu gọi  để làm ống dẫn phước cho các quốc gia và toàn thế giới. Được gọi để nên thánh là cách mà Phao-lô đề cập đến những người tin kính trong Rô-ma 1:5-7 – chắc chắn không có ‘thánh đồ’ theo danh nghĩa như của những người được Giáo Hội Công giáo La-mã tuyên bố là thánh, mà chỉ những người bình thường được biệt riêng, được làm nên thánh và trọn vẹn trong Đấng Christ mới được gọi là “thánh đồ” mà thôi (1 Cô-rinh-tô 1:30-31). Ngài là Đấng Thánh duy nhất của Đức Chúa Trời – Giăng 6:69; Công-vụ 3:14; 4:27 và 30 – và chúng ta ở trong Ngài để đem phước hạnh đến cho thế giới và cho đồng loại của chúng ta.

Chìa khóa để mở hoặc đóng, theo như Giáo Hội Công giáo La-Mã, đã được giao cho Sứ đồ Phi-e-rơ. Và sau ông là đến các Giáo hoàng trải qua các đời kế vị nối tiếp nhau – và cho đến các Giám mục và Thầy tế lễ theo như Hội Đồng Tren-tô (the Council of Trent) quy ước.

Phong trào Phản Cải Cách (tiếng Latin: Contra-Reformatio), cũng được gọi là Phong trào Phản Cải Cách Công giáo (tiếng Latin: Reformatio Catholica) hoặc là Phong trào Phục Hưng Công giáo (the Catholic Revival), nằm trong thời kì phục hồi  của Công giáo đã được khởi xướng để đáp trả lại Phong trào Cải Cách Tin lành. Nó đã bắt đầu với Hội Đồng Tren-tô (1545 – 1563) và đã kết thúc với Sắc Lệnh Khoan Dung năm 1781 trên quy mô lớn, mặc dù những vụ trục xuất nhỏ hơn đối với người Tin Lành vẫn tiếp tục diễn ra vào thế kỷ VIX. Hội Đồng này được khởi xướng để bảo tồn quyền lực, ảnh hưởng và sự giàu có vật chất mà Giáo hội Công giáo được hưởng và để đưa ra một thách thức thần học và vật chất đối với Cải cách. Phong trào Phản Cải Cách là một nỗ lực toàn diện bao gồm các tài liệu phản bác, chính trị. Việc cơ cấu lại Giáo hội là sắc lệnh của Hội Đồng Tren-tô. Điều đó đã dẫn đến một loạt các cuộc chiến tranh, điều động chính trị của Đế Quốc La-Mã thiêng liêng bằng cách lưu đầy những người Tin lành, bắt những trẻ em Tin Lành để nuôi dưỡng theo thể chế Công giáo, xét xử dị giáo và tòa án dị giáo, trở nên khét tiếng vì tra tấn và giết hại các Cơ Đốc Nhân. Ở một phần phía Nam của Châu Âu, hàng ngàn người Do Thái cũng đã bị thiêu sống, cùng với thập tự giá của Đấng Christ ngay trước mắt người dân của họ.

Sách Giáo Lý Vấn Đáp Heidelberg là một tài liệu chuyên môn về Tin Lành ở dưới dạng một chuỗi các câu hỏi và câu trả lời – tổng số là 52 câu, mỗi câu dành cho một Chủ nhật – để sử dụng cho việc dạy dỗ về giáo lý Tin Lành Cải Chánh, được viết vào năm 1563 tại Heidelberg (một thành phố của Đức). Trong phần hỏi đáp của ngày Chủ nhật thứ 31, sách giải thích về quyền năng, chìa khóa (Ma-thi-ơ 16:17-19) để mở và đóng, giống như việc tuyên xưng Phúc Âm và việc cấm hoặc loại bỏ Cơ Đốc nhân ra khỏi Nhà thờ Cơ Đốc. Hòn đá (được nhắc đến trong Ma-thi-ơ  16:18) là sự tuyên xưng đức tin mà Phi-e-rơ đã xưng ra, là sự mặc khải bởi Đức Chúa Trời cho ông về Chúa Giê-xu (chứ không phải ám chỉ đến chính Phi-e-rơ như một con người cụ thể).

Về cơ bản, chìa khóa này chính là sự truyền giảng Phúc Âm. Chìa khóa này mở ra cánh cửa đến sự cứu chuộc. Và nếu từ chối Tin Lành thì chính chìa khóa này đóng lại cánh cửa dẫn đến sự cứu chuộc ấy (Ma-thi-ơ 16:13-19 và  18:18). Sứ đồ Phi-e-rơ đã sử dụng chìa khóa này tại thành Giê-ru-sa-lem trong Ngày Lễ Ngũ Tuần (Công-vụ 2), ở Sa-ma-ri (Công-vụ 8:14) và trong thành Sê-sa-rê (tại nhà Cọt-nây trong Công-vụ 10). Mỗi tín đồ đều có thể sử dụng chìa khóa này bằng cách đem Tin Tức Tốt Lành đến với những người khác! Bằng cách giảng dạy Phúc Âm – Tin Lành của Đấng Christ, chính Chúa Giê-xu sẽ mở lòng của mọi người nghe bởi quyền năng của Đức Thánh Linh. Nầy chính là chìa khóa của đức tin thật dẫn đến sự vinh hiển đời đời và sự sống!

 Đức Thánh Linh trước hết đã được ban cho là người Do Thái và người cải đạo – là những người không thuộc Do Thái chuyển đổi sang Do Thái giáo, và sau đó thuộc về cộng đồng người Do Thái. Kế đó, Đức Thánh Linh đã được ban cho người Sa-ma-ri (những người mang nửa dòng máu Do Thái, trong Công-vụ 8); và cuối cùng Đức Thánh Linh được tuôn đổ xuống cho người ngoại (Công-vụ 10) tại nhà của Cọt-nây ở Y-ta-li, đội trưởng đội binh La-Mã cùng cả nhà người.

“Ta biết công việc ngươi; nầy, Ta đã mở trước mặt ngươi một cái cửa không ai đóng được; vì ngươi có ít năng lực, mà đã giữ đạo Ta, và chẳng chối danh Ta.” (Khải-huyền 3:8)

Chìa khóa của Đa-vít mở ra cánh cửa đến với Vương Quốc của Đấng Mê-si. Các Lãnh đạo Do Thái đã nói rằng họ có thể mở hoặc đóng cánh cửa bước vào Vương Quốc Đấng Christ, họ có thể ‘buộc’ hoặc ‘cởi’ (Mat 16:19), tức là đưa ra tuyên bố giáo lý về những gì được cho phép và những gì không được phép, và để áp dụng hoặc hủy bỏ một lệnh cấm. Tuy nhiên, Chúa Giê-xu phán với các lãnh đạo Do Thái ở thời của Ngài rằng: Các ngươi đã đóng cánh cửa của Vương Quốc Thiên Đàng trước mặt người ta, Ma-thi-ơ 23:13 chép “Khốn cho các ngươi, thầy thông giáo và người Pha-ri-si, là kẻ giả hình! Vì các ngươi đóng nước thiên đàng trước mặt người ta; các ngươi không vào đó bao giờ, mà có ai muốn gào, thì lại ngăn trở.”

Trong Ma-thi-ơ 16:19, Chúa Giê-xu phán với Phi-e-rơ rằng: “Ta sẽ giao chìa khóa nước thiên đàng cho ngươi; hễ điều gì mà ngươi buộc dưới đất, thì cũng sẽ phải buộc ở trên trời, và điều gì mà ngươi mở dưới đất, thì cũng sẽ được mở ở trên trời.” Chúa Giê-xu, Đấng đã sống lại, ban uy quyền này để nói ra những tuyên bố đầy mạnh mẽ dành cho các môn đệ của Ngài bởi Đức Thánh Linh, không chỉ cho Phi-e-rơ, mà cho tất cả các môn đồ ở đó lúc bấy giờ.

Giăng 20:19-23 chép: “Buổi chiều nội ngày đó, là ngày thứ nhứt trong tuần lễ, những cửa nơi các môn đồ ở đều đương đóng lại, vì sợ dân Giu-đa, Đức Chúa Giê-xu đến đứng chính giữa các môn đồ mà phán rằng: Bình an cho các ngươi! Nói đoạn, Ngài giơ tay và sườn mình cho môn đồ xem. Các môn đồ vừa thấy Chúa thì đầy sự mừng rỡ. Ngài lại phán cùng môn đồ rằng: Bình an cho các ngươi! Cha đã sai Ta thể nào, Ta cũng sai các ngươi thể ấy. Khi Ngài phán điều đó rồi, thì hà hơi trên môn đồ mà rằng: Hãy nhận lãnh Đức Thánh Linh. Kẻ nào mà các ngươi tha tội cho, thì tội sẽ được tha; còn kẻ nào các ngươi cầm tội lại, thì sẽ bị cầm cho kẻ đó.”

Các môn đồ trở thành các Sứ đồ – những người được “sai đi”. Uy quyền này không chỉ được ban cho họ, nhưng cũng được ban cho tất cả các thành viên của Hội Thánh lúc bấy giờ – và cũng cho chúng ta nữa. Chúng ta đọc thấy trong Ma-thi-ơ 18:15-18 rằng, “Nếu anh em ngươi phạm tội cùng ngươi, thì hãy trách người khi chỉ có ngươi với một mình người; như người nghe lời, thì ngươi được anh em lại. Ví bằng không nghe, hãy mời một hai người đi với ngươi, hầu cứ lời hai ba người làm chứng mà mọi việc được chắc chắn. Nếu người không chịu nghe các người đó, thì hãy cáo cùng Hội Thánh, lại nếu người không chịu nghe Hội Thánh, thì hãy coi người như kẻ ngoại và kẻ thâu thuế vậy. Quả thật, Ta nói cùng các ngươi, hễ điều gì mà các ngươi buộc ở dưới đất thì cũng sẽ buộc ở trên trời, và điều gì mà các ngươi mở ở dưới đất thì cũng sẽ mở ở trên trời.” Đây là uy quyền đã được chuyển giao. Đó là uy quyền để tạo ra lời tuyên bố mạnh mẽ. Để chúng ta có thể nói rằng: “Tội lỗi của bạn đã được tha trong Đấng Christ, trong Danh của Ngài.”

Vì Ngài là Đấng Duy Nhất có quyền ‘buộc’ và ‘cởi’. Chúng ta có thể tuyên xưng về Ngài, và bởi uy quyền trong Danh Chúa mà nói rằng: “Hãy tin quyết rằng Ngài đã gánh thay tội lỗi của bạn; bạn được tự do, dựa trên nên tảng của Lời Chúa phán.”

Phi-e-rơ đã sử dụng chìa khóa này lần đầu tiên khi ông giảng trong Ngày Lễ Ngũ Tuần. Ông đã được vinh dự khi là người đầu tiên công bố tin tức tốt lành về Sứ Điệp Vui Mừng của Thiên Chúa, (xem Công-vụ 2:14-40).

Phao-lô thì đã sử dụng chìa khóa này khi ông phó Hy-mê-nê và A-léc-xan-đơ cho quỷ Sa-tan, để hầu cho họ học biết đừng phạm thượng nữa (1 Ti-mô-thê 1:20).

Phi-líp, người phụ tá, đã dùng chìa khóa này khi ông công bố về Phúc âm cho người hoạn quan Ê-thi-ô-bi, (Công-vụ 8:26-40).

Còn Phi-e-rơ, là khi ông rao giảng Phúc Âm cho Cọt-nây (Công-vụ 10). Phao-lô và Si-la, thì là khi họ ở trong tù, (Công-vụ 16:19-34).

Và theo cách tương tự, một cánh cửa mở ra cũng được ban cho Hội Thánh Phi-la-đen-phi – một sự công bố Phúc Âm được phước và dồi dào, một công tác truyền giáo đầy năng quyền, một cánh cửa mở ra đến với ngai Ân điển của Đức Chúa Trời, một cánh cửa mở ra những tấm lòng con người, một cánh cửa vĩ đại mà không ai có thể đóng được. Và tiếp đó là lý do được đưa ra: “…vì ngươi có ít năng lực, nhưng… ĐÃ GIỮ ĐẠO TA, VÀ CHẲNG CHỐI DANH TA.”

Bí mật của Hội Thánh này đó là họ không hề dùng sức riêng, nhưng hoàn toàn trông cậy vào Đấng Thánh Duy Nhất, là Đấng nắm giữ chìa khóa. Như Phao-lô nói trong 2 Cô-rinh-tô 12:7-10 rằng ‘Vì khi tôi yếu đuối, ấy là lúc tôi mạnh mẽ.’  Hỡi bầy nhỏ, đừng sợ chi; vì Cha các ngươi đã bằng lòng cho các ngươi nước thiên đàng (Lu-ca 12:32).

Hội Thánh này không có sức mạnh nào khác ngoài Lời Chúa. Những Lời sống và linh nghiệm, thấu vào đến nỗi chia hồn linh cốt tủy (Hê-bơ-rơ 4:12). Lời này giống như búa có thể nghiền nát thậm chí cả những tấm lòng cứng cỏi nhất; như lửa khiến lòng tan ra thậm chí cả những tấm lòng lạnh lẽo nhất (Giê-rê-mi 23:29).

Hội Thánh này đã không hề chối bỏi “danh hiệu” là đã tin theo Chúa Giê-xu. Những người Do Thái có lẽ đã ném những sự buộc tội dưới chân họ – giống như việc Chúa Giê-xu đã bị buộc tội lộng ngôn – Ma-thi-ơ 26:63-66 chép “Nhưng Đức Chúa Giê-xu cứ làm thinh. Thầy cả thượng phẩm lại nói với Ngài rằng: Ta khiến ngươi chỉ Đức Chúa Trời hằng sống mà thề, hãy nói cho chúng ta, ngươi có phải là Đấng Christ, Con Đức Chúa Trời chăng? Đức Chúa Giê-xu đáp rằng: Thật như lời; vả lại, ta nói cùng các ngươi, về sau các ngươi sẽ thấy Con người ngồi bên hữu quyền phép Đức Chúa Trời, và ngự trên mây từ trời mà xuống. Thầy cả thượng phẩm bèn xé áo mình mà nói rằng: Nó đã nói phạm thượng; chúng ta còn cần gì người làm chứng nữa sao? Các ngươi vừa nghe lời phạm thượng đó, thì nghĩ làm sao? Chúng trả lời rằng: Nó đáng chết!”. Ngài đã bị buộc tội phạm thượng chống lại chính “Danh Xưng” được xưng là Con Đức Chúa Trời. Thế nhưng, Ngài chính là Đấng Duy Nhất có thể công bố điều đó về chính Ngài!

Quyền được trừ bỏ một ai đó trong Hội Thánh đã được thực hiện theo như nguyên tắc được chép trong Ma-thi-ơ 18:15-17. Tuy nhiên, mục đích của nguyên tắc này không mang tính chất để loại bỏ một ai đó trong Hội Thánh mà là để được lại anh chị em mình thay vì trừ bỏ họ!

Tác giả: Willem J.J. Glashouwer – Christians for Israel International

Dịch & Biên tập: Cơ Đốc Nhân Vì Israel Quốc Tế

* Vui lòng bấm vào link để đọc bài trước: https://hoithanh.com/56429/sach-khai-huyen-hay-viet-lan-thu-bay.html

Bình Luận:

You may also like