Home Chuyên Đề BÀN LUẬN VỀ SÁCH KHẢI HUYỀN – Phần 4: Các quan điểm giải kinh

BÀN LUẬN VỀ SÁCH KHẢI HUYỀN – Phần 4: Các quan điểm giải kinh

by Sưu Tầm
30 đọc

Tín Hữu:

Thưa mục sư, cái gì là trọng tâm sai lầm và đúng đắn mà độc giả ngày nay cần biết khi đọc và nghiên cứu sách Khải huyền?

Mục sư:

Độc giả thường thuộc về 4 nhóm giải kinh:

            – Nhóm Quá Khứ (Preterist) tin Khải Huyền hoàn toàn là quá khứ, chỉ xảy ra cuối thế kỷ thứ nhất, trong thời Giăng viết mà thôi.

            – Nhóm Lịch Sử (Historicist) tin Khải Huyền là một quá trình lịch sử SCN từ Chúa Giế-su thăng thiên tới ‘Tận Thế và Trời, Đất Mới’.

            – Nhóm Tương Lai (Futurist) tin Khải Huyền chỉ nói về thời Tận Thế. Có thể là thế hệ chúng ta.

            – Nhóm Duy Linh (Idealist) tin Khải Huyền chỉ mang tính chất tượng trưng, biểu tượng .

Nhóm Quá khứ chỉ quan tâm đến độc giả nguyên thủy và tác giả, dựa vào các hội thánh lịch sử vùng Tiểu Á, và câu 1:3, 4:1 “Thì giờ gần rồi”, “những điều xảy ra sau các việc ấy”. Điểm khó chấp nhận là nếu vậy thì Chúa đã Tái Lâm trong thế kỷ thứ hai. Họ cũng bỏ qua tính ứng nghiệm kép (double fulfilment) của một số lời tiên tri.[1] Trong Khải Huyền, những tiên tri cho giai đoạn đầu của Hội Thánh có thể lặp lại cho giai đoạn cuối.

Nhóm Lịch sử là nhóm phổ thông nhất, coi 2000 năm lịch sử Hội Thánh chia làm 7 giai đoạn với 7 hội thánh tượng trưng:

– Thời các sứ đồ (33-70 SCN), (Tượng trương bởi Ê-phê-sô)

-Thời bắt bớ (70-313), (tượng trưng bởi Si-mẹc-nơ)

-Thời thoả hiệp (313-500) (tượng trưng bởi Bẹc-găm)

-Thời các giáo hoàng (500 tới thế kỷ 16) (tượng trưng bởi Thya-ti-ra)

– Thời Phục hưng (thế kỷ 16 tới 19)(tượng trưng bởi Sẹc-đơ)

-Thời truyền giáo 19-20 (tượng trưng bởi Phi-la-đen-phia)

– Thời tận thế ngày nay (tượng trưng bởi Lao-đi-cê-a)

Quan điểm này uyển chuyển dễ ứng dụng vì giai đoạn nào HT cũng phải chịu bắt bớ, cũng cần cảnh tỉnh, và chờ đợi Chúa tái lâm. Tuy nhiên nó chỉ phù hợp với cách nghĩ của người phương Tây nhấn mạnh trình tự thời gian, sự kiện, và bằng chứng khoa học. Nó không phù hợp với cách tư duy của người phương Đông, là tác giả, độc giả nguyên thủy, thể loại văn chương, biều tượng, khái niệm tư duy nhấn mạnh về ý tưởng, và mối quan hệ. Nhóm này cũng bỏ qua các chi tiết xảy ra trong lịch sử nhưng không được chép trong Khải Huyền, ví dụ nếu Lao-đi-xê tượng trưng cho HT ngày nay, hay thời tận thế, thì sao trong KH 3:14-22 không nói đến sự bắt bớ, hay tà giáo. Trong khi hội thánh ở Bắc Mỹ, Tây Âu không bị bắt bớ thì hội thánh ở châu Á, châu Phi bị bắt bớ đến mức tử đạo khủng khiếp nhất từ trước đến nay. 

Nhóm Tương Lai xem nhẹ về quá khứ và lịch sử, chỉ quan tâm đến thời Kẻ Chống Chúa, cơn Đại Nạn và Chúa Tái Lâm.

Nhóm Quá Khứ và Tương Lai chia sẻ một điểm tương đồng là hai con thú trong chương 13. Trong một thời điểm được coi là tận thế phải có một lãnh tụ chính trị độc quyền và một lãnh tụ tôn giáo theo đuôi. Ở thế kỷ thứ nhất có hoàng đế Đô-mi-xi-an và đạo thờ hoàng đế. Ở thế kỷ cuối cùng có Kẻ Nghịch Chúa và có Tiên Tri Giả. Trong các giai đoạn trung gian có vị này thì không có vị kia một cách rõ ràng. Dường như bối cảnh của độc giả nguyên thủy giúp độc giả ngày nay hiểu được bối cảnh tận thế.

Nhóm Duy Linh thì nhấn mạnh vế nghĩa các biểu tượng, coi Khải Huyền là cuốn sách mô tả tổng quát Nước Trời trong thời kỳ “Giằng Co” (Age of Tention), tức là giai đoạn “Nước Trời đã đến nhưng chưa trọn”, Thế Gian chống cự lại Nước Trời. Giai đoạn này bắt đầu khi Chúa thăng thiên và chung kết là Chúa Tái Lâm. [2]

Điểm chung của các nhóm giải kinh là chăm chú tìm tòi trong Khải Huyền thời điểm Chúa Tái Lâm. Đây là cao điểm tranh cãi và cũng vì đó các nhà giải kinh lại bị chia làm 3 nhóm nữa[3]: Nhóm A tin thời điểm Chúa tái lâm trước cơn Đạn Nạn (Hội Thánh  không phải chịu sự bắt bớ của Kẻ Chống Chúa), Nhóm B tin thời điểm ấy giữa cơn Đại Nạn (Hội Thánh chỉ chịu bắt bớ 3,5 năm) và nhóm C tin thời điểm sau cơn Đại Nạn (Hội Thánh bị bắt bớ suốt 7 năm ). Một khi đã có định kiến thì nhà giải kinh sàng lọc các câu Kinh Thánh và sắp xếp phù hợp với quan điểm thần học của mình.

 Tìm kiếm thời điểm Chúa Tái Lâm là sai lầm giống việc các môn đồ hỏi Chúa khi đi ngang qua Đền thờ thành Giê-ru-sa-lem (Ma-thi-ơ 24:3). Nhưng Chúa Giê-su cảnh cáo: “Còn về ngày và giờ đó thì không ai biết được, cả thiên sứ trên trời hay là Con cũng vậy, chỉ một mình Cha biết mà thôi.” Ma-thi-ơ 24:36, và “Kỳ hạn và thì giờ mà Cha đã tự quyền định lấy, đó là việc các con không cần biết” Công vụ 1:7. Tìm kiếm thời điểm Chúa Tái Lâm là một điều không thể, nhưng Kinh thánh luôn nhắc nhở việc trung tín công tác, chịu đựng bắt bớ và sẵn sàng ra đi – một sứ điệp thích hợp trong cả 20 thế kỷ qua.

Trọng tâm và thái độ đúng đắn khi đọc và nghiên cứu sách Khải Huyền là THỜ PHƯỢNG. Sách Khải Huyền mô tả Chúa Giê-su uy nghi tráng lệ, hùng cường đến mức Giăng vừa thấy Ngài liền quỵ ngã như chết, Khải Huyền 1:12-20. Sau đó Giăng được thấy cảnh thờ phượng trên Thiên Đàng với Đấng Ngồi Trên Ngai, cùng các sinh linh, thiên sứ, trưởng lão ngày đêm ca hát các bài hát tôn vinh Đấng Tạo Hóa, (chương 4). Sau đó Chiên Con hiện ra, dàn đồng ca thiên thượng cùng thánh đồ chuyển hướng ca ngợi công cuộc cứu chuộc, (chương 5). Tiếp đến là buổi thờ phượng của đoàn người đông không ai đếm được, từ các dân tộc, thứ tiếng… (chương 7:9- 12). Chương 8:1-5 có buổi thờ phượng yên lặng với lời cầu nguyện của thánh đồ. Chương 11 có sự kinh hoàng và dâng vinh quang cho Đức Chúa Trời sau động đất và các tai họa, tiếp đến là buổi thờ phượng sau tiếng kèn thứ bảy (11:15-19). Khi Sa-tan bị ném xuống đất cũng có buổi thờ phượng xảy ra (12:10-12).  Chương 14 có buổi thờ phượng cùng 144 ngàn người được chọn (14:1-5), được tiếp tục bởi những người chiến thắng con thú và hát bài hát Mô-sê (cả chương 15). Khi thiên sứ đổ chén tai họa xuống sông, biển…. họ cũng lên tiếng thờ phượng (16:5-7). Lời ca thờ phượng cũng vang ra khi Ba-by-lon sụp đổ vả có tiệc cưới Chiên Con (cả chương 19). Sự thờ phượng cũng xảy ra trong Trời mới, Đất mới và Giê-ru-sa-lem mới và sự Tái Lâm. (cả chương 21-22).

Chúng ta thấy mức độ và cường độ thờ phượng chiếm hầu hết các chương, trong hoàn cảnh Hội Thánh và thánh đồ chịu bắt bớ bởi chính quyền và tôn giáo, đến mức mất đi mạng sống. Qua đây chúng ta thấy thờ phượng là vũ khí thuộc linh, thờ phượng là hướng sự chú ý vào Đấng tể trị, quyền năng, yêu thương và trung tín, Đấng luôn khải hoàn trong mọi chiến trận. Càng nan đề nhiều đến đâu, Hội Thánh càng cần phải tránh tập trung vào kẻ thù, nhưng tập trung vào Đức Chúa Trời cùng Chiên Con. Đây là chân lý cho Hội Thánh bị bắt bớ trong thời Sứ Đồ Giăng và cho Hội Thánh ngày ngay.

Tín hữu: Cám ơn mục sư, mục sư nói đúng tâm lý của con. Từ trước đến nay con chăm chú nghiên cứu sự kiện mà quên mất tìm kiếm thờ phượng Đấng Điều-khiển Sự-kiện. Bây giờ xin mục sư tóm tắt những bức thư gởi cho bảy hội thánh cho con thấy nội dung tổng quan đi.

Nếu quý độc giả có bình luận hoặc thắc mắc gì về bài viết trên xin liên hệ với tác giả qua email: ChanlyChanTinh@yahoo.com


[1]                Ví dụ về ứng nghiệm kép là tiên tri về một thiếu nữ trẻ sinh hạ con trai được ứng nghiệm thời vua A-cha, năm 722 TCN, Êsai 7:14 và thời Mari sinh hạ Chúa Giê-su Mat 1:21.

[2]                Giai đoạn giằng co, xem phụ lục

[3]                (A) Pre-tribulation, (B) Mid-tribulation, (C) Post-tribulation.

Mục sư: Nguyễn Ngọc Hà

Bài vở cộng tác hoặc góp ý xin gửi về tintuc@hoithanh.com

Bình Luận:

You may also like