“Vậy, hãy chép lấy những sự ngươi đã thấy, những việc nay hiện có và những việc sau sẽ đến,” – Khải-huyền 1:19
Khải-huyền 1:11 chép rằng, “Điều ngươi thấy, hãy chép vào một quyển sách mà gởi cho bảy Hội Thánh tại Ê-phê-sô, Si-miệc-nơ, Bẹt-găm, Thi-a-ti-rơ, Sạt-đe, Phi-la-đen-phi và Lao-đi-xê.” Giăng phải truyền đạt/gửi tất cả những gì mà ông đã nhìn thấy và nghe thấy – TOÀN BỘ Sách Khải Huyền – đến bảy Hội Thánh: Hội Thánh Ê-phê-sô, Si-miệc-nơ, Bẹt-găm, Thi-a-ti-rơ, Sạt-đe, Phi-la-đen-phi và Lao-đi-xê. Toàn bộ nội dung Sách Khải Huyền phải được gửi đến đồng thời cho bảy Hội Thánh này. Cả bảy lá thư cần được gửi đồng thời cho bảy Hội Thánh, thay vì được gửi đi một cách riêng biệt , bởi vì chúng chứa trọn vẹn thông điệp dành cho Hội Thánh của Đấng Christ như là một sự khích lệ và khiển trách đặc biệt đối với họ.
Từ Chương 4 trở đi, Hội Thánh trông có vẻ như sẽ không còn ở trên đất, nhưng chúng ta đều trông đợi những gì sẽ được thảo luận rộng hơn sau đây và trong các bài kế tiếp. Ý tưởng về việc Hội Thánh sẽ ở trên Thiên Đàng để quan sát những gì diễn ra trên trái đất từ một vị trí thuận lợi an toàn, mà không cần dự phần gì thêm nữa có vẻ như không hợp lý. Chính vì rất nhiều những điều đang khủng khiếp và thường không thể hiểu được đang diễn ra trên thế giới trong thời kì cuối cùng này mà Hội Thánh của Đức Chúa Giê-xu Christ cần phải hiểu biết về chúng. Họ sẽ trải qua chúng, vì vậy họ cần phải chuẩn bị cho chính mình, để không hoảng sợ khi các sự kiện của thời kì cuối cùng diễn ra.
Các Hội Thánh sống giữa thời kì của những sự thử thách và thống khổ phải hiểu và nhận biêt một sự thật rằng Đức Chúa Trời biết rõ về những thời kì này, và những điều này dường như PHẢI xảy ra, nhưng họ không hề ở ngoài sự tể trị của Chúa. Sự Mặc Khải về Đức Chúa Giê-xu Christ dành cho Sứ-đồ Giăng đã được ban cho để yên ủi dân sự của Chúa.
Giăng đã nghe một tiếng nói từ phía sau mình. Ông đã phải lắng nghe một cách cẩn thận những gì được phán TRƯỚC KHI được phép nhìn thấy ĐẤNG đang phán với mình. Tất cả mọi điều mà ông sẽ nghe và nhìn thấy phải được chép xuống, giống như Giê-rê-mi đã viết lại những Lời Chúa phán vào một cuộn sách. “Hãy lấy một cuốn sách, chép vào đó mọi lời Ta đã phán cùng ngươi nghịch cùng Y-sơ-ra-ên, Giu-đa, và các dân ngoại, từ ngfay ta khởi phán cùng ngươi, từ đời Giô-si-a, cho đến ngày nay.”… “Hãy lấy một cuốn khác, và chép vào đó mọi lời đã chép trong cuốn trước mà Giê-hô-gia-kim, vua Giu-đa, đã đốt đi.” (Giê-rê-mi 36:2 và 28). “Đức Giê-hô-va đáp lại cùng ta mà rằng: Ngươi khá chép lấy sự hiện thấy, và rõ rệt nó ra trên bảng, hầu cho người đương chạy đọc được. Vì sự hiện thấy còn phải ứng nghiệm trong kỳ nhứt định, sau cùng nó sẽ kíp đến, không phỉnh dối đâu; nếu nó chậm trễ, ngươi hãy đợi; bởi nó chắc sẽ đến, không chậm trễ.” (Ha-ba-cúc 2:2-3). Vì vậy cuộn sách đã được sử dụng giống như các bảng đất sét.
Lời của Đức Chúa Trời phải được ghi lại. Truyền thống truyền khẩu có thể thêm hoặc bỏ sót tất cả những điều này, nhưng những gì được viết xuống tức là đã được ghi/lưu lại. Giống như chúng ta cũng ghi/lưu lại trên giấy bằng mực đen trắng. Rất nhiều điều có thể được nói ra và được hứa, nhưng sau đó trên những người không còn nhớ được minh mẫn thì sẽ gây ra những sự khác biệt rất lớn trong quan điểm (cá nhân). Đó là lý do vì sao chúng ta phải viết hợp đồng, văn bản pháp luật, luật lệ và những tài liệu hành chính để chắc chắn rằng những ghi chép rõ ràng đó được lưu giữ. Chính Đức Chúa Trời cũng ĐÃ VIẾT. Ngài đã làm gương và chỉ dẫn cho tôi tớ của Ngài, Môi-se, để chép xuống một cách chính xác mọi điều Ngài đã bày tỏ cho ông.
Trong Xuất 31:18 và 34:1, 27-28: “Khi Đức Giê-hô-va đã phán xong cùng Môi-se tại núi Si-nai-i, bèn cho người hai bảng chứng bằng đá, bởi ngón tay Đức Chúa Trời viết ra… Đức Giê-hô-va phán cùng Môi-se rằng: Hãy đục hai bảng đá như hai bảng trước; rồi Ta sẽ viết trên hai bảng nầy các lời đã ở nơi hai bảng kia, mà ngươi đã làm bể… Đức Giê-hô-va cũng phán cùng Môi-se rằng: Hãy chép các lời nầy; vì theo các lời nầy mà Ta lập giao ước cùng ngươi và cùng Y-sơ-ra-ên. Môi-se ở đó cùng Đức Giê-hô-va trong bốn mươi ngày và bốn mươi đêm, không ăn bánh, cũng không uống nước; Đức Giê-hô-va chép trên hai bảng đá các lời giao ước, tức là mười điều răn.” Tất cả mọi điều được bày tỏ với Môi-se về kiểu dáng chi tiết của Đền Tạm cũng đều phải được ghi chép lại (Xuất 25).
Tương tự như vậy, Giăng được phán bảo phải “chép lấy’ trong câu 19 Sách Khải Huyền chương 1.
Dù có bao nhiêu điều được viết bởi các nhà thần học, nhiều bài luận Cơ Đốc hay, truyền cảm hứng được in ra đi chăng nữa, thì chúng cũng không bao giờ mang uy quyền như “Các Sách Tiên Tri”. Được dẫn dắt bởi Thánh Linh, họ đã nói ra và viết lại – hoặc đọc chép – những gì họ được phán bảo bởi chính Đức Chúa Trời. Đó là lý do vì sao Kinh Thánh là quyển sách duy nhất trên thế giới có sự chính xác, mang uy quyền thiên thượng và đáng tin cậy hoàn toàn trong mọi mặt. Thiên Chúa ban lời hứa của Ngài trên ‘giấy trắng mực đen’, và Ngài giữ mọi lời đó.
Ngài, “Đấng hiện có, đã có, và còn đến” (Khải-huyền 1:4), đã bày tỏ một cách cá nhân cho Giăng về ‘những sự sẽ đến’. Ngài cũng sẽ nói cho chúng ta hay về ‘những sự sẽ đến’ thông qua Đức Thánh Linh, như Giăng 16:13 chép: “Lúc nào Thần Lẽ Thật sẽ đến, thì Ngài dẫn các ngươi vào mọi lẽ thật; vì Ngài không nói tự mình, nhưng nói mọi điều mình đã nghe, và tỏ bày cho các ngươi những sự sẽ đến.”
Theo sau mạng lệnh tối cao của Đấng Christ trong câu 11 – chép lấy mọi điều vào một quyển sách, mệnh lệnh phải viết xuống này giờ tiếp tục được lặp lại, nhưng cụ thể hơn. Những ghi chép đó chứa đựng những gì Giăng đã chứng kiến – đó là, Đấng Christ ở trong Vinh Quang Ngài. Ông đã được phép nhìn thấy Chúa một cách rõ ràng. Ông được cho phép nói với các Hội Thánh rằng Đấng Christ Vinh Hiển hiện đang sống và cai trị, và Ngài chính là Đấng đang đến! Ông được phép nói với họ về vẻ bề ngoài oai nghi, đáng kính sợ, nhưng đầy dẫy tình yêu thương của Ngài mà ông đã thấy trên đảo Bát-mô. Ông đã được phép nói với họ rằng Đấng Christ cầm chìa khóa – là quyền trên sự chết và Âm Phủ – đến nỗi sự chết chưa phải là hết. Giăng đã được chứng kiến điều đó, (Khải-huyền 1:9-18).
Ông cũng đã viết về những gì từ ngày đó và những gì thuộc ngày nay – về sự hiện diện của Thầy Tế Lễ Nhà Vua và Đấng Phán Xét ở giữa vòng Hội Thánh của Ngài, về thông điệp bảy mặt đối với bảy Hội Thánh, cũng chính là thông điệp dành cho Một Hội Thánh hiệp nhất của Ngài thuộc mọi thời đại (Khải-huyền 2 và 3). Và, sau cùng, Giăng đã được phép chép lấy những gì sẽ diễn ra sau đó, hay nói cách khác chính là: “những gì sẽ đến”. Điều này tiếp tục diễn tiến trong tương lai, (Khải-huyền 4 và các chương nối tiếp sau).
Ngay trong thời của mình, Sứ đồ Giăng đã viết về ‘những gì sẽ đến’: “Hỡi các con cái ta, giờ cuối cùng là đây rồi, các con đã nghe nói rằng Kẻ địch lại Đấng Christ phải đến. Vừa lúc bây giờ, có nhiều kẻ địch lại Đấng Christ; bởi đó, chúng ta biết rằng ấy là giờ cuối cùng. Chúng nó đã từ giữa chúng ta mà ra, nhưng vốn chẳng phải thuộc về chúng ta; vì nếu chúng nó thuộc về chúng ta, thì đã ở cùng chúng ta; song điều đó đã xảy đến, hầu cho tỏ ra rằng mọi kẻ ấy chẳng thuộc về chúng ta vậy. Về phần các con, đã chịu xức dầu từ nơi Đấng Thánh, thi đã biết mọi sự rồi. Ta đã viết cho các con, chẳng phải vì các con không biết lẽ thật, nhưng vì các con biết lẽ thật, và hiểu rằng chẳng có sự dối trá nào bởi lẽ thật mà ra. Ai là kẻ nói dối, há chẳng phải kẻ chối Đức Chúa Jesus là Đấng Christ sao? Ấy đó là Kẻ địch lại Đấng Christ, từ là kẻ chối Đức Chúa Cha và Đức Chúa Con! Ai chối Con, thì cũng không có Cha: ai xưng Con, thì cũng có Cha nữa. Còn như các con, điều mình đã nghe từ lúc ban đầu phải ở trong các con. Nếu điều các con đã nghe từ lúc ban đầu ở trong mình, thì các con cũng sẽ ở trong Con và trong Cha. Lời hứa mà chính Ngài đa hứa cùng chúng ta, ấy là sự sống đời đời” (1 Giăng 2:18-25).
Thời kì cuối cùng đã bắt đầu, kể từ Sự Đến Thứ Nhất của Đấng Christ. Vì vậy, Giăng viết trong bức thư đầu tiên của mình rằng: “…thần của Kẻ địch lại Đấng Christ, mà các con đã nghe rằng hầu đến, HIỆN NAY ĐÃ Ở TRONG THẾ GIAN RỒI.” Nhưng một Anti-Christ – Kẻ Đối Địch khác, kẻ cuối cùng phải đến, kẻ sẽ nắm quyền trong thế gian, người tội ác – một ngày nào đó sẽ xuất hiện – ‘kẻ mà Đức Chúa Giê-xu sẽ hủy diệt tại Sự Ngài Đến’.
Sứ đồ Phao-lô viết trong 2 Tê-sa-lô-ni-ca 2:1-12 “Luận về sự đến của Đức Chúa Jesus Christ chúng ta, và về sự chúng ta hội hiệp cùng Ngài, thì, hỡi anh em, xin chớ vội bối rối và kinh hoảng hoặc bởi thần cảm giả mạo, hoặc bởi lời nói hay là bởi bức thơ nào tựa như chúng tôi đã gởi mà nói rằng ngày Chúa gần đến. Mặc ai dùng cách nào, cũng đừng để họ lừa dối mình. Vì phải có sự bỏ đạo đến trước, và có người tội ác, con của sự hư mất hiện ra, tức là kẻ đối địch, tôn mình lên trên mọi sự mà người ta xưng là Đức Chúa Trời hoặc người ta thờ lạy, rất dỗi ngồi trong ‘đền Đức Chúa Trời’…”
Phao-lô có ý nói gì đối với cụm từ ‘đền Đức Chúa Trời’? Một đền thờ nhỏ tại Jerusalem sao? Nhưng Phao-lô trong tất cả những ghi chép/thư tín của mình chưa bao giờ đề cập đến đền thờ như thế ở Jerusalem. Thế thì, có phải ông đang đề cập đến Hội Thánh? Cơ Đốc giáo nói chung, như Phao-lô nói trong 2 Cô-rinh-tô 6:14-16 “Chớ mang ách chung với kẻ chẳng tin. Bởi vì công bình với gian ác có hội hiệp nhau được chăng? Sự sáng với sự tối có thông đồng nhau được chăng? Đấng Christ và Bê-li-an nào có hòa hiệp chi, hay là kẻ tin có phần gì với kẻ chẳng tin? Có thể nào hiệp đền thờ Đức Chúa Trời lại với hình tượng tà thần? Vì chúng ta là đền thờ của Đức Chúa Trời hằng sống, như Đức Chúa Trời đã phán rằng: Ta sẽ ở và đi lại giữa họ; ta sẽ làm Đức Chúa Trời của họ, và họ làm dân ta.” Chúng ta có nhìn thấy trong vòng Cơ Đốc ngày nay ‘thần của tội ác’ (antichrist) này đang dần nắm quyền, tự xưng mình là thánh như thế nào không?
Phao-lô tiếp tục viết về ‘người tội ác’ rằng hắn sẽ “…chính mình tự xưng là Đức Chúa Trời. Anh em há không nhớ khi tôi còn ở với anh em, thì đã nói về những sự đó sao? Hiện nay anh em biết rõ điều làm ngăn trở nó, hầu cho nó chỉ hiện ra đúng thời kì nó thôi. Vì đã có sự màu nhiệm của điều bội nghịch đương hành động rồi; song Đấng còn ngăn trở cần phải cất đi. Bấy giờ kẻ nghịch cùng luật pháp kia sẽ hiện ra, Đức Chúa Jesus sẽ dùng hơi miệng Ngài mà hủy diệt nó, và trừ bỏ nó bởi sự chói sáng của sự Ngài đến. Kẻ đó sẽ lấy quyền của quỷ Sa-tan mà hiện đến, làm đủ mọi thứ phép lạ, dấu dị và việc kỳ dối giả; dùng mọi cách phỉnh dỗ không công bình mà dỗ những kẻ hư mất, vì chúng nó đã không nhận lãnh sự yêu thương của lẽ thật để được cứu rỗi. Ấy vì thế mà Đức Chúa Trời cho chúng nó mắc phải sự lầm lạc, là sự khiến chúng nó tin điều dối giả, hầu cho hết thảy những người không tin lẽ thật, song chuộng sự không công bình, đều bị phục dưới sự phán xét của Ngài.”
Trong sách Khải Huyền, Sứ đồ Giăng gọi Anti-Christ là “Con Thú”, chương 13:1. Mọi thứ đang hướng đến một cao trào, nhưng đồng thời, tương lai đáng sợ đó đã hiện diện trong lịch sử của Hội Thánh Đấng Christ trên đất này. Bảy Hội Thánh đã có thể đồng cảm với sự đau khổ lường trước được. Hận thù và bắt bớ đã hiện diện rất nhiều, đặc biệt là trong bảy Hội Thánh đó. Các Hội Thánh này nằm ở Châu Á và những địa điểm được nhắc đến đều là những trong tâm của quyền lực và trong tâm của ‘Đế Vương’. Chúng không còn nằm ở Israel nữa, nhưng trên thế giới – thế giới của đế chế La Mã – mà trong đó Triết học Hy-lạp và ma thuật thần bí phương Đông, kết hợp với việc thực thi quyền lực thống trị của La Mã, đã tạo ra một bầu không khí tâm linh khiến cho Hội Thánh của Đấng Christ khó mà thở nổi. Vào thế kỷ thứ III và IV sau Công Nguyên, Ro-ma đã chọn vị trí của Jerusalem thành trung tâm của Cơ Đốc giáo.
Và trong thời kì của chúng ta, ngày nay Jerusalem một lần nữa là trung tâm của một Quốc gia Israel độc lập, Rô-ma sẽ không thể dễ dàng không thừa nhận vị trí mà Israel đã có được. Cuộc giằng co để có được Jerusalem đã đạt cao trào. Tuy nhiên, Chúa Giê-xu đang trở lại và Jerusalem sẽ là trung tâm của thế giới, bất chấp mọi nỗ lực mà Rô-ma đang thực hiện để thay thế Jerusalem. Những sự kiện cuối cùng đã bắt đầu phát triển. Hội Thánh đã chuẩn bị sẵn sàng cho những điều này chưa? Đó là lý do tại sao Giăng được phép và phải viết lại để Hội Thánh sẵn sàng với sự trở lại của Đấng Christ!
Từ “vậy” trong “Vậy hãy chép…” (Khải-huyền 1:19) cũng có thể được dịch là “cho nên” – ‘Cho nên hãy chép…’. Từ này kết nối câu Kinh Thánh này với câu trước đó. Giăng phải viết xuống bởi vì Đấng Christ là Đấng Sống, Đấng có sự sáng và sự sống ở trong Ngài và có quyền ban sự sống cho những ai Ngài yêu mến. Giăng 1:4 và I Giăng 1:1-4 “Trong Ngài có sự sống, sự sống là sự sáng của loài người… Điều có từ trước hết, là điều chúng tôi đã nghe, điều mắt chúng tôi đã thấy, điều chúng tôi đã ngắm và tay chúng tôi đã rờ, về Lời sự sống; – vì sự sống đã bày tỏ ra, chúng tôi có thấy, và đang làm chứng cho, chúng tôi rao truyền cho anh em sự sống đời đời vốn ở cùng Đức Chúa Cha và đã bày tỏ ra cho chúng tôi rồi; – chúng tôi lấy điều đã thấy đã nghe mà truyền cho anh em, hầu cho anh em cũng được giao thông với chúng tôi. Vả, chúng tôi vẫn được giao thông với Đức Chúa Cha, và với Con Ngài là Đức Chúa Jesus Christ. Chúng tôi viết những điều đó cho anh em, hầu cho sự vui mừng của chúng tôi được đầy dẫy.”
Rô-ma là một thành phố thực chất được nhắc đến trong Sách Công-vụ và trong các thư tín của Phao-lô, nhưng cái tên này không được nhắc đến trong Sách Khải Huyền. Có sự tương phản lớn giữa Babylon và Jerusalem. ‘Babylon’ đại diện cho sức mạnh đã được thành hình ở ‘Rô-ma’, cũng như ‘Jerusalem’ đại diện cho bầu không khí thuộc linh được thôi thúc bởi Đức Chúa Trời. Babylon là thành của ‘con người’ cai trị và chống lại Jerusalem, thành của Chúa.
Tầm quan trọng của Jerusalem đối với Cơ Đốc nhân bước vào một thời kì suy tàn trong Cuộc Đàn Áp Cơ Đốc nhân ở Đế Chế La-mã, tuy nhiên lại được phục hồi lại bởi cuộc hành hương của Helena (mẹ của Hoàng đế Constantine Đại Đế) đến Thánh Địa vào năm 326 – 328 sau Công Nguyên. Vị trí ban đầu của quyền lực Đế quốc La-mã đã sau đó trở thành trung tâm quyền lực của Giáo Hội, phát triển qua từng thập kỷ và được công nhận trong thời kì của Bảy Hội Đồng Giáo Hội Toàn Cầu. Năm 300 sau Công Nguyên, có rất nhiều Cơ Đốc nhân trong Đế Chế của Hoàng Đế Constantine, tất cả những người Rô-ma đã chuyển đổi sang Cơ Đốc giáo và vì thế Cơ Đốc giáo trở thành niềm tin chính thức của Rô-ma.
Tác giả: Willem J.J Glashouwer – Christians for Israel International
Biên dịch: Cơ Đốc Nhân Vì Israel Quốc Tế
*Vui lòng bấm vào link để đọc bài trước: https://hoithanh.com/55366/sach-khai-huyen-hay-viet-lan-thu-nhat-phan-cuoi.html