Trong sách Sáng-thế-ký chúng ta thấy những ghi chép về các sự kiện được viết xuống, là những điều mà chính tác giả ‘đã thấy và nghe’ – có thể được viết lại bằng ngôn ngữ và chữ viết Hê-bơ-rơ sơ khởi. Vì vậy những ghi chép bằng một ngôn ngữ chung đã được sử dụng trước và sau Cơn Nước Lụt cho đến và trong suốt thời kì xây dựng Tháp Ba-bên. Cho đến khi Đức Chúa Trời ‘làm lộn xộn tiếng nói của cả thế gian’.
Các ghi chép có lẽ đã được chép trên các bảng đất sét. Một số người cho rằng người ta tìm thấy cấu trúc phiến đất sét này một cách khá rõ ràng trong sách Sáng-thế-ký. Sau đó Môi-se đã biên tập lại những gì viết trên các phiến đất sét này, và do đó, sách Sáng-thế-ký đã trở thành sách đầu tiên trong số ‘Năm Sách Ngũ Kinh của Môi-se’: Sáng-thế-ký, Xuất Ê-díp-tô ký, Lê-vi ký, Dân-số ký và Phục truyền Luật-lệ ký. Môi-se biên tập các ghi chép cổ này trong sách Sáng-thế-ký, và có lẽ cũng đã biên soạn 14 chương cuối của sách, và chắc hẳn ông đã sử dụng chính những ghi chép của Giô-sép, vì có nhiều từ ngữ và cách diễn đạt thuần túy của Ai-cập trong đó.
Sự tương đồng được ghi chép lại giữa văn hóa của Ai-cập và của Sumer đã xuất hiện bởi những người có thể đọc và viết bằng cả chữ tượng hình Ai-cập cũng như chữ hình nêm của người Sumer. Môi-se, sinh sau Giô-sép 64 năm, đã thông thạo tất cả sự khôn ngoan của người Ai-cập. Ông có lẽ có thể đọc và viết được cả chữ tượng hình Ai-cập cũng như chữ hình nêm.
Trong phần nói về Giô-sép bắt đầu bằng câu “và Giô-sép được 17 tuổi”, kết thúc bằng câu “…người ta xông thuốc thơm cho xác Giô-sép, và liệm trong một cái quan tài tại xứ Ê-díp-tô”. Môi-se đã thêm chi tiết về sự chết của Giô-sép cùng việc ướp xác. Theo cách này, Môi-se đã nối kết những ghi chép cổ xưa trong sách Sáng-thế ký nối tiếp sang sách Xuất Ê-díp-tô ký. Từ đó trở đi ông viết ra những lời Đức Chúa Trời phán với ông. So sánh Ha-ba-cúc 2:2 “Đức Giê-hô-va đáp lại cùng ta mà rằng: Ngươi khá chép lấy sự hiện thấy, và rõ rệt nó ra trên bảng, hầu cho người đương chạy đọc được.”
Kết cấu của sách Sáng-thế-ký vẫn có thể nhìn thấy được trong ‘toledoth’ (Nhiều nhà bình luận chỉ ra rằng, Sáng-thế-ký được cấu trúc bởi 10 cách sử dụng từ ‘TOLEDOTH’ – có nghĩa là ‘CÁC THẾ HỆ’) – cách diễn đạt được sử dụng bởi chính các tác giả đã viết chúng, có thể thấy trong câu ‘Nầy là dòng dõi của…’ Cấu trúc này được sử dụng đến 11 lần trong sách Sáng-thế-ký, không phải ở phần ‘tiêu đề, chú thích, lời nói đầu hoặc giới thiệu’ trên mỗi bảng, mà được viết ở dưới cùng. Đây cũng là một phương pháp sử dụng được tìm thấy trên các bảng đất sét cổ của Ba-by-lôn. Những chú thích dưới cùng của bảng đề cập đến nội dụng của những gì vừa được viết, đến tên của tác giả. Họ chốt lại những gì vừa viết xuống, bao gồm cả tên của người viết. Như một dạng chữ ký!
Cấu trúc này được sử dụng ở các địa chỉ Kinh Thánh sau:
Sáng 2:4 ‘Ấy là gốc tích trời và đất…’
Sáng 5:1 ‘Đây là sách chép dòng dõi của A-đam…’
Sáng 6:9 ‘Nầy là dòng dõi của Nô-ê…’
Sáng 10:1 ‘Đây là dòng dõi của Sem, Cham và Gia-phết…’
Sáng 11:10 ‘Đây là dòng dõi của Sem…’
Sáng 11:27 ‘Đây là dòng dõi của Tha-rê…’
Sáng 25:12 ‘Đây là dòng dõi của Ích-ma-ên…’
Sáng 25:19 ‘Đây là dòng dõi của Y-sác…’
Sáng 36:1 ‘Đây là dòng dõi của Ê-sau…’
Sáng 36:9 ‘Đây là dòng dõi của Ê-sau…’
Sáng 37:2 ‘Đây là chuyện dòng dõi của Gia-cốp…’
Loạt bảng đá thứ 1 chứa Sáng-thế-ký 1:1-2:4 – Đây là sách về nguồn gốc của trời và đất như những gì Đức Chúa Trời đã kể với Adam.
Loạt bảng đá thứ 2 chứa Sáng-thế-ký 2:5-5:2 – Đây là sách về nguồn gốc của Adam cùng dòng dõi ông.
Loạt bảng đá thứ 3 chứa Sáng-thế-ký 5:3-6:9a – Đây là những nguồn gốc (hoặc lịch sử) của Nô-ê.
Loạt bảng đá thứ 4 chứa Sáng-thế-ký 6:9b – Nguồn gốc (hoặc lịch sử) về các con trai của Nô-ê.
Loạt bảng đá thứ 5 chứa Sáng-thế-ký 10:2-11:10a – Gốc tích (hoặc lịch sử) về Shem.
Loạt bảng đá thứ 6 chứa Sáng-thế-ký 11:10b-11:27a – Gốc tích (hoặc lịch sử) về Tha-rê.
Loạt bảng đá thứ 7 – 8 chứa Sáng-thế-ký 11:27b-25:19a – Gốc tích (hoặc lịch sử) về Ích-ma-ên và Y-sác.
Loạt bảng đá thứ 9 – 11 chứa Sáng-thế-ký 25:19b-37:2a – Gốc tích (hoặc lịch sử) về Ê-sau và Gia-cốp.
Theo cách này, Môi-se chỉ rõ nguồn gốc những thông tin có sẵn cho ông và kể tên những người ban đầu sở hữu những bảng đất sét mà nhờ đó ông có được những sự hiểu biết này. Đây không phải là sự phân chia một cách tùy tiện tự phát minh ra.
Vì vậy ‘việc viết lách’ đã được chứng minh bằng những phát hiện hiện đại về hàng ngàn bảng đất sét được tìm thấy ở khu vực Trung Đông và chúng có lâu đời hơn nhiều so với những Quan điểm Phê Bình Kinh Thánh dựa trên Lịch sử được phát triển vào thế kỉ 18 và 19 sau Công Nguyên, tiếp tục vào thế kỷ 20.
Một lần nữa: Quan điểm Phê Bình Kinh Thánh dựa trên lịch sử đã được phát minh vào thế kỷ 19 sau Công Nguyên, trước khi sự giàu có của các nguồn chữ viết này trên các bảng đất sét hoặc giấy cói bằng nhiều ngôn ngữ được tìm thấy bởi các nhà khảo cổ học có kiến thức uyên thâm ở Trung Đông. Chính những phát hiện bằng văn bản này – hàng ngàn trong số chúng – đã khiến quan điểm ‘Kinh Thánh có nguồn gốc từ truyền thống truyền khẩu’ thành một sự lỗi thời, cổ lỗ, không còn giá trị. Kinh Thánh được chép lại bởi chính những người “đã nghe và thấy” những sự kiện ấy. Và vì vậy nên Kinh Thánh hoàn toàn đáng tin cậy. Và ‘việc viết lách’ cũng có niên đại lâu đời như chính lịch sử loài người.
Sự tôn trọng đối với những bản văn Kinh Thánh của Cựu Ước là vô cùng lớn đối với người Do Thái, đến nỗi các từ ngữ của nó phải được sao chép bằng tay một cách chính xác ‘không có lỗi’. Mọi phương thức kiểm chứng đã tồn tại để kiểm nghiệm điều này. Ví dụ, chữ cái giữa của Cuộn Sách đã được xác định, và nếu chữ cái đó không phải là chữ cái nằm giữa một cuộn sách mới được chép lại, thì bản sao chép đó phải bắt đầu lại từ đầu, và bản bị lỗi kia phải bị hủy bỏ luôn, không cần cố gắng tìm thêm một lỗi nào khác nữa. Bắt đầu chép lại từ đầu!
Có rất nhiều các bản ghi chép Kinh Thánh trong các Cuộn Biển Chết được tìm thấy vào năm 1947 tại Qumran. Trong số đó là một cuộn hoàn chỉnh của sách Ê-sai. Vì vậy, các Học giả Kinh Thánh đã có thể xác định chính xác công việc của các ra-bi đã sao chép các cuộn sách trong nhiều thế kỉ như thế nào, vì đã có một khoảng thời gian hơn một ngàn năm giữa những Cuộn Biển Chết và các bản mã viết tay cổ nhất được biết đến cho đến thời điểm đó. Codec Leningrad (tiếng Latin: Codex Leningradensis, bộ mã của Leningrad) là bản thảo hoàn chỉnh lâu đời nhất của Kinh Thánh tiếng Hê-bơ-rơ, bằng tiếng Hê-bơ-rơ, sử dụng chữ Masoretic và cách phát âm Tiberian. Nó được xác định niên đại năm 1008 sau Công Nguyên (hoặc có lẽ là 1009) theo như những lời tái bút ghi ở cuối Cuộn Sách cổ. Trước sự ngạc nhiên của nhiều người, người ta phát hiện ra rằng các bản văn Kinh Thánh của Cuộn Biển Chết thực sự giống hệt với các bản thảo Kinh Thánh sau này. Từng từ, từng chữ. Chúa bảo vệ Lời của Ngài qua nhiều thế kỷ! Không có bản văn cổ xưa nào khác ngoài Kinh Thánh có thể tự hào về độ tin cậy và tính chính xác giống như vậy.
Tác giả: Willem J.J Glashouwer – Christians for Israel International
Lược dịch & Biên tập: Cơ Đốc Nhân Vì Israel Quốc Tế
*Vui lòng bấm vào link để đọc bài viết trước: https://hoithanh.com/55214/sach-khai-huyen-hay-viet-lan-thu-nhat-phan-1.html