Home Dưỡng Linh Nhận Diện Chính Mình – Phần 1: Nguồn gốc của tâm linh mồ côi

Nhận Diện Chính Mình – Phần 1: Nguồn gốc của tâm linh mồ côi

by AdrianChua
30 đọc

Nhiều người không dành nhiều thời gian để suy ngẫm về nhận diện chính mình. Tuy nhiên, sự thật là hành vi, cảm xúc của chúng ta, cách chúng ta đối xử với bản thân và người khác, cũng như việc ra quyết định hàng ngày, có liên quan chặt chẽ đến cách mà chúng ta nhận thức về bản thân mình, mặc dù chúng ta có thể làm điều đó một cách vô thức.

Trên thực tế, theo các nhà tâm lý học và xã hội học, hầu hết các vấn đề liên quan đến mối quan hệ giữa người với người, dù là về mặt cảm xúc hay tinh thần, đều có thể bắt nguồn từ bản chất của chúng ta. Bản chất bị bóp méo của chúng ta bắt nguồn từ tâm linh mồ côi – một linh cổ xưa đã được đưa vào thế gian qua Sa-tan, cũng là kẻ mồ côi đầu tiên.

Sa-tan, sau khi phạm tội chống lại Đức Chúa Trời, đã bị ném ra khỏi thiên đàng, ngôi nhà ban đầu của hắn, xuống thế gian. Kể từ đó, hắn nếm trãi sự khước từ, bị bỏ rơi và cô đơn. Sa-tan đã mất đi sự hiện diện của Đức Chúa Cha. Vì ghen ghét loài người, mục tiêu hàng đầu của hắn là làm cho cả nhân loại trở nên giống như mình, không cha, không được thừa hưởng gia tài từ Chúa và hoàn toàn hư mất – một đứa trẻ mồ côi!

Do đó, nhiều tôn giáo do con người tạo ra thực chất cũng như “những đứa con mồ côi cha”  vì Sa-tan đến để “cướp giết và hủy diệt…” quyền được làm con vốn thuộc về chúng ta.

Nguồn gốc của Tâm linh mồ côi – Sự sa ngã của Lu-xi-phe

Trước khi Lu-xi-phetrở thành Sa-tan, hắn là một thiên sứ trưởng phụ trách việc thờ phượng, cũng giống như thiên sứ trưởng Gáp-ri-ên chịu trách nhiệm đưa tin và Mi-chen (Mi-ca-ên) tổng lãnh của các chiến binh thiên sứ. Lu-xi-pheđược mệnh danh là thiên sứ sáng láng, đầy dẫy sự khôn ngoan và sắc đẹp. Thật không may, vinh quang chói lọi và trí tuệ tuyệt vời đó đã che mắt Lu-xi-phevà khiến hắn lầm tưởng rằng mình có thể trở nên giống như Chúa. Sau khi phạm tội, Lu-xi-phebị chia cách khỏi Đức Chúa Trời và trở thành đứa con mồ côi đầu tiên.

 Ê-sai 14: 12-14  – “Hỡi sao mai, con trai của sáng sớm kia, sao ngươi từ trời sa xuống! Hỡi kẻ giày đạp các nước kia, ngươi bị chặt xuống đất là thể nào! Ngươi vẫn bụng bảo dạ rằng: Ta sẽ lên trời, sẽ nhắc ngai ta lên trên các ngôi sao Đức Chúa Trời. Ta sẽ ngồi trên núi hội về cuối cùng phương bắc. Ta sẽ lên trên cao những đám mây, làm ra mình bằng Đấng Rất Cao.”

Ê-xê-chi-ên 28: 11-16  – “Lại có lời Đức Giê-hô-va  phán cùng ta như vầy: Hỡi con người, hãy làm một bài ca thương về vua Ty-rơ và nói cùng người rằng: Chúa Giê-hô-va phán như vầy: Ngươi gồm đủ tất cả, đầy sự khôn ngoan, tốt đẹp trọn vẹn. Ngươi vốn ở trong Ê-đen, là vườn của Đức Chúa Trời. Ngươi đã có đầy mình mọi thứ ngọc báu, là ngọc mã não, ngọc vàng lợt, ngọc kim cương, ngọc thủy thương, ngọc sắc biếc, ngọc bích, ngọc sắc chàm, ngọc sắc xanh, ngọc thông hành, cùng vàng nữa. Nghề làm ra trống cơm ống sáo thuộc về ngươi; từ ngày ngươi mới được dựng nên đã sắm sẵn rồi. Ngươi là một chê-ru-bim được xức dầu đương che phủ; ta đã lập ngươi lên trên hòn núi thánh của Đức Chúa Trời; ngươi đã đi dạo giữa các hòn ngọc sáng như lửa. Đường lối ngươi trọn vẹn từ ngày ngươi được dựng nên, cho đến lúc thấy sự gian ác trong ngươi. Nhân ngươi buôn bán thạnh lợi, lòng ngươi đầy sự hung dữ, và ngươi đã phạm tội; vậy ta đã xô ngươi như là vật ô uế xuống khỏi núi Đức Chúa Trời; hỡi chê-ru-bim che phủ kia, ta diệt ngươi giữa các hòn ngọc sáng như lửa!”

Trong bối cảnh của Ê-xê-chi-ên 28, mười câu đầu tiên liên quan đến vua Ty-rơ (người bị kết án vì tự xưng là thần mặc dù chỉ là con người). Tuy nhiên, từ câu 11 đến câu 19, có vẻ như là tập trung vào Lu-xi-phe vì đây là những điều không thể áp dụng cho con người. Ví dụ, nhà vua được miêu tả là một chê-ru-bim  (câu 14),  người được trọn vẹn và vô tội (câu 15) và người đã nhận một bản án khác với con người bình thường là bị ném ra khỏi núi Đức Chúa Trờibị hạ xuống đất vì tội kiêu ngạo (câu 16).

Vâng, chúng ta chỉ có thể suy luận như vậy bởi vì chúng ta đang áp dụng lối giải nghĩa tượng hình ở đây, vì vậy không thể xác chứng theo quan điểm giáo điều. Cách giải thích này cho đến nay, vẫn chưa có bất kỳ nhà thần học nào không đồng ý về những suy luận này.

Rõ ràng, điều này đại diện cho sự khởi đầu thực sự của tội lỗi trong toàn cõi vũ trụ – xảy ra trước sự sa ngã của con người đầu tiên là A-đam, một khoảng thời gian không xác định. Bị Đức Chúa Cha chối bỏ, Sa-tan trở thành “đứa con mồ côi đầu tiên” và là nguồn gốc của linh mồ côi. Trong cơn giận dữ, hắnquyếtlàm cho cả nhân loại phải đau khổ như mình – phải sống trong sự trói buộc của linh mồ côi. Để làm điều đó, hắnbắt đầu cám dỗ A-đam và Ê-va, thật không may là hắnđã thành công.

Tâm linh mồ côi trên nhân loại

Từ hậu quả sự sa ngã của A-đam và Ê-va, linh mồ côi được truyền lại cho mọi thế hệ tiếp theo. Tất cả chúng ta đều được sinh ra với một tấm lòng mồ côi. Do đó, chúng ta luôn đấu tranh với nhân thân của mình. Một tấm lòng mồ côi luôn có những khao khác nhưng luôn cảm thấy rằng mình không có một nơi an toàn và nơi an toàn đó là ở trong trái tim của người cha, nơi mà người đó cảm thấy được yêu thương, có giá trị và được khẳng định.

Các triệu chứng của một tấm lòng mồ côi là:

– Không ngừng đấu tranh với nỗi sợ hãi, lo lắng, ghen tị và bất an

– Khao khát được chú ý, khẳng định và công nhận.

– Tranh chiến với lòng tự trọng và giá trị thấp của bản thân

– Tranh đấu để được nhìn nhận như người quan trọng vì chỉ cảm nhận được giá trị bản thân qua những thành tích mà mình đạt được

– Hay ganh đua, xem điểm mạnh của người khác là lý do để cạnh tranh chứ không phải là một điều ích lợi

– Vui mừng trước thất bại của người khác vì nó khiến bản thân cảm thấy tốt hơn

– Đấu tranh với sự đồng phụ thuộc – luôn muốn người khác cần đến mình

– Khát khao một mối quan hệ  – một trái tim khao khát sự thân mật sâu sắc

Chúng ta đang sử dụng thuật ngữ “tấm lòng mồ côi” để đề cập đến một điều kiện thuộc linh mà bề ngoài chúng ta tuyên xưng rằng mình biết Chúa là Cha nhưng lại trải qua một mâu thuẫn với niềm tin này từ bên trong. Sâu xa hơn chúng ta phải tranh chiến để hiểu được lẽ thật rằng Đức Chúa Trời thực sự yêu chúng ta. Chúng ta vẫn còn cảm giác bị bỏ rơi, sợ hãi, cảm thấy mình không xứng đáng hoặc bị khước từ.

Nếu chúng ta thành thật với chính mình, tất cả chúng ta ở một mức độ nào đó, đều chịu đựng và bộc lộ linh mồ côi này trong đời sống của mình. Chúng ta có thể được tái sinh và vẫn có một tâm linh mồ côi. Việc chúng ta được cứu không tự động tạo ra cảm giác an toàn, yêu thương và được chấp nhận là con trai hay con gái của Đức Chúa Trời; đây là hai việc khác nhau. Sự sanh lại trong Đấng Christ khiến chúng ta trở nên con trai hay con gái của Ngài nhưng không có nghĩa là chúng ta sẽ tự động bước vào trải nghiệm cá nhân một cách đầy đủ về mối quan hệ yêu thương đó với Ngài như với một người cha.

Đây không phải là một sản phẩm tự động của sự cứu rỗi. Biết Đức Chúa Trời là Cha là một chuyện, nhưng để kinh nghiệm Ngài như Cha một cách cá nhân sâu sắc lại là một chuyện khác. Một tấm lòng mồ côi không thể bị loại bỏ, nó cần được chữa lành, cần được phục hồi!

Chúng ta được dựng nên để trở thành con cái của Đức Chúa Trời

Trong quá trình khám phá cây gia phả của Chúa Giê-xu, Sách Lu-ca cho chúng ta một sự mặc khải thiêng liêng giúp chúng ta thay đổi cách nhìn đối với nhân loại và cuối cùng là cách mà chúng ta nhìn vào chính mình. Chính trong tay của một người Cha yêu thương, con người đầu tiên đã được đưa đến với thế gian này.

Lu-ca 3:38 “Cai-nam con Ê-nót, Ê-nót con Sết, Sết con A-đam, A-đam con Đức Chúa Trời.”

Chúa đã dựng nên chúng ta để trở thành con trai và con gái của Ngài, A-đam không chỉ là kiệt tác của Chúa. Hơn thế nữa, ông còn là con trai của Chúa. Do đó, tâm linh nguyên thủy mà Đức Chúa Trời ban cho con cái của Ngài là tâm linh được làm con chứ không phải tâm linh mồ côi. Chúng ta được dựng nên theo hình ảnh của Đức Chúa Trời. Chỉ có con cái mới mang hình hài của cha mẹ.

Vườn Ê-đen là ngôi nhà đầu tiên dành cho người nam và người nữ đầu tiên. Nhưng bởi tội lỗi, A-đam và Ê-va phải rời khỏi nhà của họ giống như cách mà Lu-xi-phephải rời khỏi ngôi nhà ban đầu của hắn trên thiên đàng.

Sáng-thế ký 3: 24 “Vậy, Ngài đuổi loài người ra khỏi vườn, rồi đặt tại phía đông vườn Ê-đen các thần chê-ru-bim với gươm lưỡi chói lòa, để giữ con đường đi đến cây sự sống.”

Tâm linh mồ côi trên nhân loại là do hậu quả sự sa ngã của A-đam và Ê-va. Từ “mồ côi” có nghĩa là tình trạng bị ruồng bỏ, cô đơn, bị xa lánh và cô lập. Kể từ khi A-đam và Ê-va xa lánh Đức Chúa Cha trong Vườn Ê-đen, linh mồ côi đã lan tràn trên đất, gây ra tình trạng hỗn loạn trong xã hội.

Vấn đề càng tồi tệ hơn khi trong xã hội ngày nay, cùng với sự tan vỡ của các gia đình và sự thụ động của những người cha, rất nhiều người không chỉ xa lánh Đức Chúa Trời, họ còn lớn lên mà không có được sự chăm sóc yêu thương và đảm bảo an ninh từ chính người cha trên đất của mình. Điều này khiến tâm linh mồ côi ngày càng ăn sâu vào trong tấm lòng của con người chúng ta.

Một gia đình rối loạn tạo ra một cá nhân rối loạn, cuối cùng dẫn đến một xã hội rối loạn. Ngày nay, rất nhiều người phải tranh chiến trong việc kết nối với bạn đời, con cái của họ và những người có thẩm quyền thuộc linh. Nhiều người cũng gặp khó khăn trong việc chấp nhận và yêu thương bản thân vì họ gặp phải vấn đề về nhân thân mình và bị thúc đẩy phải thành công bằng mọi giá nhằm có được sự công nhận của người cha, đây là một lỗ hổng quá lớn để lấp đầy. Trên thực tế, tất cả các bệnh về tâm lý, thể chất và tinh thần của xã hội đều bắt nguồn từ việc con người cảm thấy xa lánh Đức Chúa Trời và với chính những người cha trần thế của họ.

Trước khi Chúa Giê-xu rời khỏi thế gian, Ngài đã nói trong Giăng 14: 18 rằng, “Ta không để cho các ngươi mồ côi đâu…” Tuy nhiên, hiện tại có hàng triệu người nam và người nữ đang phải đối mặt với cuộc sống bạo lực và nổi loạn vì họ chưa bao giờ trải nghiệm đầy đủ tình yêu của Đức Chúa Cha, đồng thời cảm thấy bị bỏ rơi bởi những người cha ruột thịt của mình.

Dịch: Hoàng Gia

Nguồn: Adrian Chua

Bài vở cộng tác hoặc góp ý xin gửi về tintuc@hoithanh.com

Bình Luận:

You may also like