Home Văn Phẩm Cơ Hội Để Hầu Việc Chúa – Chúng Ta Có Đang Keo Kiệt Với Chúa Mình?

Cơ Hội Để Hầu Việc Chúa – Chúng Ta Có Đang Keo Kiệt Với Chúa Mình?

by Hồ Galilê
30 đọc

Nếu ai hầu việc ta thì Cha ta ắt tôn quí người” (Giăng 12:26b)

Ngày xưa, khi bà Ma-ri xức dầu cho Chúa thì có vài người nổi giận và nói cùng nhau rằng:
“Sao xài phí dầu thơm ấy như vậy?”…

Ngày nay cũng thế:
– Xức dầu cho Chúa là phung phí…
– Đi nhà thờ là phí thời gian…
– Làm công việc Chúa là phí sức…
– Đọc Kinh Thánh & cầu nguyện là phí công…
– Dâng tiền cho Chúa là phí của…
– Bỏ nghề nghiệp để hầu việc Chúa trọn thời gian là phí đời, phí tương lai…

Những người đó lý luận rằng: Dầu thơm đó có thể bán được hơn 300 đơ-ni-ê, số tiền này nên dùng để bố thí cho kẻ nghèo (Giăng 12:4-6). Bình dầu quí như vậy nên sử dụng sao cho ý nghĩa… Số tiền này, thì giờ này, khả năng này, cuộc đời này sao lại đổ xuống chân như thế, phí phạm quá… Người đời luôn có những lý luận như thế. Lý luận nghe có vẻ thực tế và hợp lý vì: Người đời chẳng yêu Chúa. Thế gian chẳng từng biết Chúa. “Ngài đã đến trong xứ mình, song dân mình chẳng hề nhận lấy.” (Giăng 1:11)

Trong câu chuyện, không chỉ có ông Giu-đa và vài người phản đối, chính các môn đồ của Chúa cũng giận mà trách rằng: “Sao phí của như vậy?” (Ma-thi-ơ 26:8). Chính những người biết Chúa, theo Chúa mà còn có tư tưởng tiếc của với Chúa như vậy thì trách sao được người đời.

Nhưng bà Ma-ri thì lại không như thế. Bà suy nghĩ khác với mọi người nên không tiếc bình dầu.

Sau khi Chúa chết, Ni-cô-đem đã dùng một trăm cân một dược hòa với lư hội để tẩm liệm xác Ngài (Giăng 19:40-41). Ông Giô-sép còn dâng cái huyệt mới của mình để người ta chôn xác Chúa (Ma-thi-ơ 27:60).

Nếu chúng ta là những người khi đó chứng kiến bà Ma-ri xức dầu cho Chúa, chúng ta sẽ nói gì? Chúng ta sẽ đồng tình hay phản đối?

Thành thật mà nói, anh chị em có nhận ra rằng chúng ta đang phung phí quá nhiều cho bản thân mình. Tiệc tùng, vui chơi, chưng diện cho mình chúng ta không tiếc thứ gì, nhưng đối với Chúa chúng ta luôn tính toán, có lúc chúng ta còn hà tiện, lắm lúc chúng ta còn rất chi li với Ngài. 

Khi nhìn lại quãng đời thanh xuân đã qua, nhà Truyền-đạo Sa-lô-môn nuối tiếc nói rằng: “Ta không lấy làm vui lòng” (Truyền-đạo 12:1)

Các cụ chúng ta cũng thường nuối tiếc tuổi trẻ không hầu việc Chúa, để khi về già thì mất cơ hội. “Lúc ấy cây hạnh trổ bông, cào cào trở nên nặng và sự ước ao không còn nữa” (Truyền-đạo 12:5)

Ước chi chúng ta tiết kiệm với đời và phung phí cho Chúa như bà Ma-ri. Nhiều tín hữu kỳ cựu 20-30 năm theo Chúa mà chưa từng trải kinh nghiệm này. Thật ra, không phải là ta không xức dầu cho Chúa, ta không hầu việc Chúa, ta không dâng tiền bạc vào nhà Chúa, mà thật sự ta chỉ nhỏ vài giọt cho Ngài thôi. Chúng ta dâng vài đồng tiền lẻ nhàu nát, chúng ta dùng thì giờ rảnh mà chúng ta không biết làm gì để làm vài việc cho Chúa. Khi phục vụ cho đời, chúng ta rất là gương mẫu, đi đúng giờ, vui vẻ, kỷ luật cao, hòa thuận với mọi người, hoàn thành công việc một cách nghiêm túc. Nhưng khi thờ phượng, phục vụ Chúa chúng ta thường hay bê trễ và chểnh mảng. Chúng ta thụ động trong công việc, chúng ta chờ người khác mời gọi, năn nỉ, ỉ ôi… rồi hẹn lần hẹn lựa… Nhiều khi không muốn phung phí nhưng lại muốn người khác khen mình, chúng ta lại dâng dầu giả, loại dầu rẻ tiền cho Chúa, có khi chúng ta xức nước lả cho Chúa rồi lại hỏi: “Tại sao thân thể Chúa lại không có mùi thơm?”.

Nhiều khi chúng ta cứ tưởng là chúng ta đã phung phí cho Chúa, nhưng thật ra Chúa đã phung phí cho chúng ta trước rồi. Trước khi chúng ta đập vỡ bình dầu xức cho Chúa, thì Ngài đã đập vỡ thân thể Ngài trên thập tự giá đền tội cho chúng ta. Trước khi chúng ta dốc đổ cuộc đời cho Chúa, thì Ngài đã đổ huyết ra cho chúng ta. Thật vậy, khi chúng ta còn yếu đuối, Đấng Christ đã theo kỳ hẹn chịu chết vì chúng ta rồi (Rô-ma 5:6). Vì thế, không có gì là phung phí cho Chúa cả. Bình dầu tuy có quí, nhưng nó có là gì so với những điều Chúa ban cho chúng ta. Sở dĩ chúng ta được gọi Ngài là Chúa, được nói với Ngài rằng chúng ta yêu mến Ngài, được phục vụ Ngài, là vì ân sủng và tình yêu mà Đức Chúa Trời đã dành cho chúng ta. Khi mở mắt tâm linh ra chúng ta mới thấy giá trị đích thực của Chúa và của mình. Chúng ta thấy không việc gì chúng ta làm cho Chúa là phung phí cả.

Chúa đã khen ngợi việc làm của bà Ma-ri; cho đến tận hôm nay chúng ta còn nhắc lại câu chuyện này qua lời Ngài phán:

Quả thật, ta nói cùng các ngươi, trong khắp cả thế gian, hễ nơi nào Tin Lành nầy được giảng ra, việc người đã làm cũng được nhắc lại để nhớ đến người.” (Mác 14:9)

Thậm chí trong đời sống cầu nguyện của mình chúng ta cũng keo kiệt với Ngài. Trong tập thơ Vườn Hoa Tâm Linh của Tường Lưu – một cây đại thụ của nền thi ca Cơ-đốc, đã cho chúng ta biết sự yếu đuối của mình qua bài thơ:

LẠ KHÔNG?

Tôi cầu nguyện Chúa hằng ngày
Chúa cười Chúa bảo vẫn bài này sao?
Ta nghe ngươi đã từ lâu
Bài này không đổi chữ nào nhiều năm

Tôi thưa: Xin Chúa hiểu giùm
Bài con cầu nguyện thuộc chừng ấy thôi
Ôi! Cầu nguyện Chúa như tôi
Vậy mà muốn Chúa nhậm lời lạ không?

Một thiếu nữ bản xứ được một bà giáo sĩ nhận làm con nuôi, cô được bà rước về ở chung, bà yêu thương cô như con ruột, bà cho cô đi học và dạy Kinh Thánh cho cô, cô đã tìm gặp Chúa và tin nhận Ngài làm Cứu Chúa của cuộc đời mình. Bà giáo sĩ rất vui thỏa và thường khuyên cô sớm dâng đời sống mình cho Chúa để trở nên người phục vụ Ngài như bà, nhưng cô ấy cứ hẹn lần hẹn lựa không dứt khoát. Một ngày kia cô lâm trọng bệnh phải nằm viện điều trị, mỗi ngày bà đều đến thăm cầu nguyện và an ủi cô. Ngày đầu bà đến với bó hoa tươi thắm –  loại hoa mà cô yêu thích. Cô vui mừng lắm. Nhưng sau giờ thăm hỏi bà mang bó hoa đó về. Cô hơi buồn nhưng tự nhủ chắc là bà đang lo nghĩ về nhiều việc nên quên để bó hoa lại. Ngày thứ hai cũng bó hoa đó bà mang đến, một vài cánh hoa đã có dấu hiệu úa tàn, nhưng nhìn chung hãy còn đẹp. Cô tự an ủi dù có héo cũng không sao! Nhưng rồi bà cũng ôm bó hoa ra về sau khi thăm bệnh xong. Cô thất vọng vô cùng. Ngày thứ ba, bó hoa đã héo hẵn, những cánh hoa rũ xuống không còn đẹp đẽ gì. Lần này, trước khi ra về, bà đến bên giường bệnh ôn tồn:
“Mẹ tặng bó hoa này cho con, mong con được vui như những bông hoa này vậy”.

Cô bực tức nói: “Sao mấy ngày trước hoa còn tươi mẹ không tặng con, bây giờ hoa đã héo tàn mẹ mới tặng con…?”

Bà giáo sĩ nhẹ nhàng âu yếm:
“…Đời con như những bó hoa này vậy, mẹ khuyên con dâng cho Chúa để phục vụ Ngài, nhưng con cứ lần lữa mãi, con định để đến lúc đời con héo tàn bệnh hoạn con mới chịu dâng cho Chúa sao?”
Cô ân hận… ngậm ngùi…

Hồ Galilê

Bài vở cộng tác hoặc góp ý xin gửi về tintuc@hoithanh.com

Bình Luận:

You may also like