Home Chuyên Đề 9 Khác Biệt Giữa Tôn Giáo và Tin Lành

9 Khác Biệt Giữa Tôn Giáo và Tin Lành

by Richard Huỳnh
30 đọc

Bạn đang theo một tôn giáo hay bạn đang theo Tin Lành của Chúa Giê-xu? Sau đây là một so sánh sắc bén 9 khác biệt giữa việc theo “Tôn Giáo” và theo “Tin Lành” từ các bài giảng của Mục Sư Tim Keller. Mục sư Tim đã tỉ mỉ dò xét trái tim con người và cho thấy chúng ta thật dễ trượt ngã vào đường lối tự dựa vào chính mình. Như tôi thường nói mỗi Chúa Nhật, đường lối nô lệ thực sự với Kinh Thánh là đường lối tự dựa vào chính mình. Vậy nên, hãy đọc bản so sánh dưới đây một cách chú tâm và hạ mình. Nó sẽ tốt cho linh hồn bạn.

1. Lý Do Vâng Theo

Tôn Giáo: Tôi vâng theo – Vậy nên tôi được chấp nhận.
Tin Lành: Tôi được chấp nhận – Vậy nên tôi vâng theo.

Người theo Tôn Giáo sẽ vâng theo các lời dạy, các điều răn, lễ nghi, giáo luật, v.v… để được chấp nhận trước Chúa. Họ xem việc vâng theo và giữ lễ là điểm số và thành tích mình tích lũy để được vào thiên đường và được Chúa ban phước.  Ngược lại, người theo Tin Lành biết mình đã được Đức Chúa Trời chấp nhận qua việc tin nhận sự cứu chuộc của Chúa Giê-xu. Họ học và vâng theo lời Chúa không phải để được vào thiên đàng, mà là để xứng đáng với tình yêu thương cứu chuộc của Chúa và địa vị con cái Chúa của mình.

2. Động Cơ Vâng Theo

Tôn Giáo: Động cơ vâng theo dựa trên sự lo sợ và bất an.
Tin Lành: Động cơ vâng theo dựa trên sự vui vẻ và biết ơn.

Người theo Tôn Giáo sẽ vâng theo các lời dạy, lễ nghi bởi sự lo sợ và bất an vì họ sợ mất điểm trước Chúa. Còn người theo Tin Lành sẽ vâng theo lời Chúa bởi sự vui vẻ biết ơn những gì Chúa làm cho mình.

3. Mục Đích Vâng Theo

Tôn Giáo: Tôi vâng theo Chúa để được nhận các thứ từ Ngài.
Tin Lành:
Tôi vâng theo Chúa để Ngài vui lòng và tôi trở nên giống Ngài.

Người theo Tôn Giáo vâng theo lời Chúa với mục đích nhận các thứ từ Ngài: được nhận vào thiên đường, được ban phước, được bảo vệ, giúp đỡ, v.v… Còn người theo Tin Lành vâng theo lời Chúa với mục đích làm đẹp lòng Chúa và trở nên giống như Ngài cho xứng đáng là con cái Ngài.

4. Phản Ứng Trước Nghịch Cảnh

Tôn Giáo: Khi hoàn cảnh đời sống tôi xấu đi, tôi sẽ nổi giận với Chúa hay với chính minh, vì tôi tin, như bạn của Gióp, rằng ai sống tốt thì xứng đáng được một cuộc sống ấm cúng.
Tin Lành:
Khi hoàn cảnh đời sống tôi xấu đi, tôi tranh đấu nhưng tôi biết rằng mọi trừng phạt do tội lỗi tôi Chúa Giê-xu đã chịu, và dù Ngài cho phép điều này xảy ra để rèn luyện tôi, Ngài cũng sẽ thể hiện tình yêu thương của Cha Thiên Thượng giữa các khó khăn thử thách.

Người theo Tôn Giáo tin rằng sống tốt sẽ được Chúa ban phước bảo vệ và cho nhiều phước lành. Vậy nên khi gặp nghịch cảnh, họ sẽ nổi giận với Chúa vì sao Chúa lại không bảo vệ, ban phước cho họ, hoặc họ nổi giận với chính mình vì phạm lỗi thế nào mà để bị mất phước. Ngược lại, người theo Tin Lành biết rằng nghịch cảnh xảy đến cho tất cả mọi người, kể cả người được Chúa quí như Gióp. Họ sẽ xem đây là thử thách để rèn luyệt và ráng sức vượt qua với tình yêu thương của Chúa giữa khó khăn.

5. Phản Ứng Khi Bị Chỉ Trích

Tôn Giáo: Khi bị chỉ trích, tôi giận dữ hoặc sụp đổ vì quan trọng nhất là tôi phải thấy mình là một ‘người tốt’. Những điều đe dọa đến hình ảnh ‘người tốt’ của tôi phải bị dẹp bỏ bằng mọi giá.
Tin Lành:
Khi bị chỉ trích, tôi gặp khó khăn, nhưng việc tôi thấy mình là một ‘người tốt’ không quan trọng. Hình ảnh của tôi không đến từ thành tích hay việc làm của tôi nhưng từ tình yêu thương của Chúa dành cho tôi qua đấng Christ. Tôi có thể nhận lời chỉ trích.

Người theo Tôn Giáo khi bị chỉ trích sẽ cảm thấy thành tích ‘người tốt’ của mình bị tấn công và phản ứng cách giận dữ để bảo vệ hình ảnh cá nhân mình, hay sụp đổ khi nhận ra mình chưa đủ tốt. Ngược lại, người theo Tin Lành biết mình vẫn là con người còn nhiều tội lỗi sai phạm, nhưng được Chúa yêu thương qua đấng Christ. Vậy nên họ có thể nhận lời chỉ trích, chấp nhận lỗi lầm của mình để chỉnh sửa.

6. Mục Tiêu Cầu Nguyện

Tôn Giáo: Lời cầu nguyện của tôi phần lớn là các lời cầu xin và nó chỉ nóng cháy khi tôi đang gặp khó khăn. Mục tiêu chính của tôi trong cầu nguyện là kiểm soát hoàn cảnh xung quanh.
Tin Lành:
Lời cầu nguyện của tôi bao gồm những đoạn dài ngợi khen ca tụng Chúa. Mục tiêu chính của tôi là tâm giao với Ngài.

Người theo Tôn Giáo cầu nguyện chủ yếu để xin sự bảo vệ giúp đỡ và các phước lành của Chúa. Vậy nên sự cầu nguyện của họ chủ yếu là các lời cầu xin, và lên xuống theo hoàn cảnh khó khăn hay êm đềm. Còn người theo Tin Lành cầu nguyện với mục tiêu chính là tâm giao với Chúa và cảm ơn ca ngợi Ngài. Họ cầu nguyện luôn luôn và tâm giao với Chúa như với một người Cha, một người Bạn luôn ở bên cạnh mình. Họ chia sẻ các tâm sự, cảm nhận và suy nghĩ của mình với Chúa.

7. Cách Đánh Giá Mình

Tôn Giáo: Cách tôi nhìn mình dao động giữa hai thái cực. Nếu và khi tôi đang sống đạt chuẩn của mình, tôi cảm thấy tự tin, nhưng khi đó tôi dễ trở nên tự kiêu và thiếu đồng cảm với những người đang vấp ngã. Nếu và khi tôi không sống đạt chuẩn của mình, tôi cảm thấy bất an và thiếu sót. Tôi không tự tin. Tôi cảm thấy như mình là kẻ thất bại.
Tin Lành:
Cách tôi nhìn mình không dựa trên việc nhìn tôi là một người đạt chuẩn đạo đức. Trong đấng Christ, tôi vừa là một người còn nhiều tội lỗi, nhưng vẫn được chấp nhận trong đấng Christ. Tôi xấu xa đến độ Ngài phải chết thay cho tôi, nhưng tôi được yêu quí đến độ Ngài vui lòng chết thay cho tôi. Điều này khiến tôi ngày một khiêm nhường nhưng cũng tự tin cách sâu sắc hơn. Không kiêu ngạo nhưng cũng không âu sầu.

Người theo Tôn Giáo tự nhìn mình qua thành tích sống tốt của mình. Vậy nên sự tự tin và giá trị cá nhân của họ dựa trên thành tích sống tốt. Khi sống đạt chuẩn, họ thấy tự tin và cao trọng. Khi không đạt, họ thấy thất bại và coi thường. Còn người theo Tin Lành đặt sự tự tin và giá trị của mình trên đấng Christ. Vậy nên dù quá khứ có xấu xa hay hiện tại có vấp phạm, họ vẫn vững tin vào tình yêu thương của Chúa cho mình trong đấng Christ. Nhờ đó, người theo Tin Lành vừa có sự khiêm nhường do biết mình còn nhiều thiếu sót, vừa có sự tự tin ở tình yêu thương của Chúa trong đấng Christ.

8. Cách Đánh Giá Người Khác

Tôn Giáo: Cách tôi nhìn mình và cảm nhận giá trị bản thân mình chủ yếu dự vào việc tôi chăm chỉ thế nào, hay đạo đức ra sao. Vậy nên tôi xem thường những kẻ tôi thấy là lười biếng hay hư hỏng. Tôi xem thường và cảm thấy cao trọng hơn ‘những người đó’
Tin Lành:
Cách tôi nhìn mình và cảm nhận giá trị bản thân mình tập trung vào Đấng đã chết cho kẻ thù nghịch mình, người bị từ chối vì tôi. Tôi được cứu chuộc bởi ân điển diệu kỳ. Vậy nên tôi không xem thường những người tin hay làm những điều khác tôi. Chỉ bởi ân điển mà tôi được nên như ngày nay. Tôi không có nhu cầu phải chiến thắng cuộc tranh cãi.

Người theo Tôn Giáo sẽ đánh giá người khác qua thành tích sống đạo đức của người đó. Như người Pha-ri-si trong Lu-ca 18:9-14, người theo Tôn Giáo hay xem thường và cảm thấy mình cao trọng hơn những người còn thiếu sót vấp phạm. Ngược lại, người theo Tin Lành ý thức rõ rằng mình là một tội nhân được cứu chuộc bởi đấng Christ, và đời sống mình còn nhiều thiếu sót so với chuẩn thánh của Đức Chúa Trời. Bởi ý thức về ân điển tha thứ của Chúa, họ cũng xem trọng và hay tha thứ cho những người vấp phạm, cũng như có ý thức dẫn người đó đến sự cứu chuộc của Chúa Giê-xu.

9. Điều Quí Nhất Trên Đời

Tôn Giáo: Vì tôi nhìn vào gia phả hay thành tích của chính mình để tâm linh được chấp nhận trước Chúa, tim tôi tạo ra các thần tượng. Đó có thể là tài năng của mình, thành tích đạo đức của mình, kỷ luật cá nhân của mình, địa vị của mình, v.v… Tôi nhất quyết phải có chúng để chúng làm niềm hi vọng, ý nghĩa, niềm vui, nguồn an toàn, và giá trị chính của tôi, dù tôi có nói tôi tin Chúa thế nào.
Tin Lành:
Tôi có nhiều điều tốt trong đời sống, gia đình, công việc, rèn luyện tâm linh, v.v… Nhưng chẳng điều chi trong chúng là điều tối quan trong với tôi. Chẳng cái gì là điều tôi nhất thiết phải có. Vậy nên khi chúng bị đe dọa hay mất đi, tôi chỉ cảm thấy lo lắng, cay đắng, và chán nản một cách giới hạn.

Người theo Tôn Giáo sẽ xem thành tích sống của mình là điều quí nhất trên đời. Nó là niềm hy vọng, là ý nghĩa, là niềm vui, là nguồn an toàn và giá trị của mình. Có thể nói họ quan tâm đến nó hơn cả Chúa vì nó là thứ khiến Chúa chấp nhận mình. Ngược lại, người theo Tin Lành xem mối quan hệ với Đức Chúa Trời qua Chúa Giê-xu là điều quí nhất. Thành tích sống tốt, việc rèn luyện tâm linh, đời sống, gia đình, công việc là những điều tốt và quan trọng, nhưng không quí bằng Chúa. Chỉ cần có Chúa là họ bình an thỏa lòng, còn những điều kia có bị đe dọa hay mất đi cũng không làm họ sụp đổ.

Ở trên là 9 điểm khác biệt giữa việc theo Tôn Giáo và theo Tin Lành. Với thế gian, thì Tin Lành cũng chỉ là một loại tôn giáo như bao tôn giáo khác, và thực sự thì nhiều người theo Tin Lành cũng như theo một Tôn Giáo. Tuy nhiên, như ta thấy ở trên, theo Tin Lành và theo Tôn Giáo Tin Lành là hai điều rất khác nhau. Nó dẫn tới kết quả rất khác nhau trong thái độ sống, sự bình an và tự tin, cách cầu nguyện, cách nhìn mình, cách nhìn người khác và mối quan hệ giữa một người với Đức Chúa Trời.

Vậy bạn hãy tự dò xét lòng mình, xem mình có đang theo Tôn Giáo, hay là theo Tin Lành? Bạn đang sống theo đường lối dựa vào chính mình và thành tích sống tốt của mình, hay dựa vào sự cứu chuộc của Chúa Giê-xu và mối quan hệ thân yêu với Đức Chúa Trời?

  1. Lý do để bạn được chấp nhận trước Chúa là gì?
  2. Động cơ vâng theo Lời Chúa của bạn là gì?
  3. Mục đích vâng theo Lời Chúa của bạn là để làm gì?
  4. Bạn phản ứng thế nào trước những nghịch cảnh trong đời sống?
  5. Bạn phản ứng thế nào trước những chỉ trích và những thiếu sót trong đời sống mình?
  6. Mục tiêu cầu nguyện của bạn là gì?
  7. Cách đánh giá mình của bạn là gì? Bạn nghĩ Chúa đánh giá bạn thế nào?
  8. Cách đánh giá người khác của bạn là gì? Bạn nghĩ Chúa đánh giá người khác thế nào?
  9. Đâu là điều quí nhất trên đời của bạn? Đâu là điều giúp bạn an tâm đứng trước Chúa?

Richard Huynh

Theo ChristianPost.com

Bài vở cộng tác hoặc góp ý xin gửi về tintuc@hoithanh.com

Bình Luận:

You may also like