Home Chuyên Đề Blaise Pascal (1623-1662) – Phần 1: Quan điểm triết học duy tâm

Blaise Pascal (1623-1662) – Phần 1: Quan điểm triết học duy tâm

by Viethungpham.com
30 đọc

Mọi người đều biết Blaise Pascal là một thần đồng toán học và một nhà khoa học vĩ đại, nhưng ít người biết ông là người đầu tiên nêu lên bản chất giới hạn của toán học nói riêng và tư duy duy lý nói chung. Ba trăm năm sau, triết học của Pascal được chứng minh một cách toán học bởi Định lý Bất toàn của Kurt Gödel…

René Descartes và Blaise Pascal là hai nhà tư tưởng vĩ đại của nước Pháp và thế giới, sống cùng thời nhưng đối lập trong cái nhìn về sức mạnh của tư duy duy lý. Nếu Descartes đề cao tư duy duy lý như công cụ nhận thức mạnh nhất thì Pascal lại chỉ ra chỗ yếu của kiểu tư duy này và nhấn mạnh vai trò của trực giác. Nếu Descartes có ảnh hưởng rộng khắp vì sự thắng thế của chủ nghĩa duy lý trong mấy thế kỷ vừa qua thì Pascal có ảnh hưởng hẹp hơn, thậm chí bị nhiều người lãng quên vì tinh thần phê phán của ông đối với chủ nghĩa duy lý, và hơn nữa, vì đức tin tôn giáo rất mực thuần thành của ông. Nếu Descartes nổi tiếng với câu châm ngôn “Tôi tư duy, vậy tôi tồn tại” (Cogito Ergo Sum) và cuốn “Luận văn về Phương Pháp” (Discours de là méthode) thì Pascal nổi tiếng như một thần đồng toán học và đặc biệt, vì cuốn “Pensées” (Tư tưởng) – một tuyệt tác triết học thâm thuý đến nay vẫn còn nguyên giá trị. 

Pascal có một cuộc đời ngắn ngủi, chỉ có 39 năm, nhưng tư tưởng của ông là bất diệt. Tuy nhiên bức chân dung Pascal do sách báo và các nền giáo dục mô tả nói chung không đầy đủ: trong khi mọi người đều biết Pascal là một thần đồng toán học thì hầu như rất ít người biết rõ tư tưởng triết học và thần học của ông, mặc dù có thể đây mới là phần tài sản lớn nhất và quý giá nhất mà ông để lại cho hậu thế.

Vì Pascal trước hết là một nhà toán học, nên một trong những chủ đề triết học được ông thảo luận sâu sắc nhất là triết học toán học, hay nói rộng ra là triết học về nhận thức – triết học về những con đường nhận thức khác nhau và về giới hạn của nhận thức duy lý. Đọc những thảo luận triết học này, chúng ta có thể sẽ kinh ngạc nhận thấy tư tưởng của ông có nhiều điểm rất tương đồng với Gödel sau này. Với những gì Pascal đã viết, có thể nói ông chính là người đầu tiên vạch rõ bản chất hạn chế của tư duy lý trí và đề cao vai trò quyết định của cảm thụ trực giác trong hành trình khám phá sự thật. Câu ngạn ngữ “tư tưởng lớn gặp nhau” (les grands esprits se rencontrent) có thể áp dụng rất đúng cho trường hợp của Pascal và Gödel, mặc dù hai người sống cách nhau 3 thế kỷ!

Tư tưởng của Pascal tập trung trong cuốn PENSÉES (Suy tưởng), tác phẩm nổi tiếng nhất của ông, được xuất bản lần đầu tiên năm 1669, bảy năm sau khi ông mất, trong đó ông viết :

Bước cuối cùng của lý lẽ là nhận ra rằng tồn tại vô số thứ ở phía bên kia tầm với[1].

Thông điệp của tác giả rất rõ ràng:

Tư duy lý lẽ dù có giỏi đến mấy, rốt cuộc cũng chỉ đạt tới một ngưỡng nhất định không thể vượt qua. Bên kia cái ngưỡng ấy có rất nhiều sự thật mà con người muốn biết và rất nên biết, nhưng tư duy lý lẽ bất lực. Muốn vượt ngưỡng – muốn nắm bắt được những sự thật ở bên kia tầm với – con người phải vận dụng TRỰC GIÁC, cái mà Pascal thường gọi là khả năng nhận thức bằng trái tim. Ông nói:

Chúng ta nhận biết chân lý không chỉ bởi lý lẽ, mà còn bằng trái tim[2].

Thậm chí ông cho rằng trực giác có thể nhận biết được những sự thật mà lý trí bất lực :

Trái tim có những lý lẽ của nó mà lý trí chẳng hiểu gì cả[3]

Tại sao vậy ? Vì trực giác không bị giới hạn bởi hệ tiên đề, trong khi lý trí thì bị giới hạn.

Cuốn Pensées được viết theo kiểu liệt kê, đánh số từng câu. Rất nhiều câu đã trở thành châm ngôn đi vào lịch sử, được người đời trích dẫn rất nhiều, vì chúng quá sâu sắc. Nhưng bao nhiêu người thực sự hiểu được chiều sâu của những triết lý đó? Có một thực tế là, trong khi nhà trường dạy cho học trò nhiều thành tựu khoa học của Pascal như Tam giác Pascal, Định luật thủy tĩnh Pascal, Lý thuyết xác suất,… nhưng tuyệt nhiên không bao giờ nhắc đến triết học Pascal, tư tưởng tôn giáo của Pascal.

Tại sao vậy? Vì triết học của Pascal đi ngược với trào lưu đương thời – trào lưu tôn sùng khoa học, tôn sùng tư duy duy lý, tư duy chứng minh. Vì thế, chủ nghĩa duy lý không ưa triết học của Pascal, tương tự như sau này, nó cũng không ưa Định lý Bất toàn của Gödel.

(Còn tiếp)

Nguồn: Viethungpham.com

Bài vở cộng tác hoặc góp ý xin gửi về tintuc@hoithanh.com

Blaise Pascal (1623-1662) – Phần 2: Đóng góp cho triết học toán học

Blaise Pascal (1623-1662) – Phần 3 và hết: Nhờ cậy Chúa để khám phá chân lý

Bình Luận:

You may also like