Home Dưỡng Linh Radio Mana Thuộc Linh – Phần 32: Kiêng ăn cầu nguyện

Radio Mana Thuộc Linh – Phần 32: Kiêng ăn cầu nguyện

by Radio Mana Thuộc Linh
30 đọc

Kinh thánh:  Ma-thi-ơ 6:16-18
16Khi các ngươi kiêng ăn, chớ làm bộ buồn-rầu như bọn giả-hình; vì họ nhăn mặt, cho mọi người biết họ kiêng ăn. Quả thật, ta nói cùng các ngươi, bọn đó đã được phần-thưởng của mình rồi. 17Song khi ngươi kiêng ăn, hãy xức dầu trên đầu, và rửa mặt, 18hầu cho người ta không xem thấy ngươi đang kiêng ăn, nhưng chỉ Cha ngươi là Đấng ở nơi kín-nhiệm xem thấy mà thôi; và Cha ngươi thấy trong chỗ kín-nhiệm sẽ thưởng cho ngươi.

Lời ngỏ: 
Trong tập truyện “100 câu chuyện hay Đông Tây” có chuyện ngụ ngôn kể về việc ma quỷ đánh thức con cái Chúa vào sáng sớm để đi cầu nguyện. Thoạt nghe chúng ta tự hỏi tại sao lại có chuyện trái khoáy như thế nhỉ? Hãy xem nó lý luận thế này “khi ngủ quên không cầu nguyện, Cơ Đốc nhân sẽ hối hận, sẽ ăn năn, sẽ xin Chúa tha thứ và sẽ khiêm nhường hơn, như thế thì Cơ Đốc nhân đó sẽ nương cậy Chúa nhiều hơn. Còn nếu không ngủ quên, sẽ sốt sắng và do đó sẽ kiêu căng tự mãn. 
Câu chuyện ngụ ngôn trên cho thấy con cái Chúa rất dễ vướng vào cám dỗ tự kiêu khi có một sinh hoạt thuộc linh sốt sắng. Vấn đề mà đoạn Kinh Thánh hôm nay đề cập là sinh hoạt thuộc linh “kiêng ăn cầu nguyện”.

    Từ “kiêng ăn” theo tiếng Hy Lạp (là ngôn ngữ viết Kinh Thánh Tân Ước) có nghĩa là nhịn ăn, không ăn. Người Công giáo dịch là “ăn chay” nghĩa là có ăn nhưng không ăn mặn. Người không tin Chúa thường hiểu là “tuyệt thực” để tranh đấu cho một lý tưởng nào đó. Nhưng “kiêng ăn” trong Kinh Thánh có nghĩa là không ăn, nhiều khi còn không cả uống, nhưng không có ý đấu tranh mà hoàn toàn ngược lại. “Kiêng ăn” theo khái niệm này không phải  nhịn ăn, hay ăn kiêng, ăn chay, hoặc tuyệt thực. Có một hoạt động luôn luôn song song với hành động “kiêng ăn” là cầu nguyện. Người tin Chúa có thể cầu nguyện mà không kiêng ăn, nhưng không thể kiêng ăn mà không cầu nguyện. Kiêng ăn cầu nguyện là một hoạt động thuộc linh quan trọng mà mỗi người tin Chúa cần thực hành.
    Kiêng ăn, chúng ta đắc thắng được những đòi hỏi của xác thịt, để tâm linh trỗi lên kiểm soát đời sống chúng ta. Người có tâm trí xác thịt sẽ bị xác thịt quản trị, còn người có tâm trí thiêng liêng sẽ được tâm linh quản trị như lời Chúa chép trong Rô-ma 8:5-6 “Thật thế, kẻ sống theo xác thịt thì chăm những sự thuộc về xác thịt; còn kẻ sống theo Thánh Linh thì chăm những sự thuộc về Thánh Linh. Vả, chăm về xác thịt sanh ra sự chết, còn chăm về Thánh Linh sanh ra sự sống và bình an”. Câu Kinh Thánh trên cũng cho biết kết quả rõ rệt của đời sống hướng theo xác thịt hay theo Thánh Linh.
    “Kiêng ăn cầu nguyện” là đến với Chúa trong một tinh thần hạ mình và tìm cầu ý muốn Chúa. Cầu khẩn trong sự kiêng ăn bày tỏ tấm lòng hạ mình và muốn tập trung tấm lòng, tâm trí hướng về Chúa để tha thiết kêu cầu sự giúp đỡ, sự thêm sức, sự đoái xem, và hành động của Chúa. Tuy nhiên, không có bất cứ chỗ nào trong Kinh Thánh nói rằng Đức Chúa Trời thích nhậm lời cầu nguyện hơn khi con người cầu nguyện kèm theo kiêng ăn. Đúng hơn là, sự cầu nguyện kết hợp với kiêng ăn cho thấy sự thành khẩn của người đang cầu nguyện cũng như tình trạng nguy kịch mà họ đang đối diện và kêu cầu Chúa giải cứu với tấm lòng ăn năn hoặc nhu cầu thuộc linh sâu sắc.
    Kinh Thánh cho chúng ta nhiều ví dụ của những người đã kiêng ăn. Đa-vít đã kiêng ăn và cầu nguyện cho đứa con bị bệnh của mình, ông đã khóc lóc trước Chúa trong sự cầu thay thành khẩn (II Sa-mu-en 12:16). Hoàng hậu Ê-xơ-tê đã yêu cầu Mạc-đô-chê và các người Giu-đa hãy kiêng ăn vì bà chuẩn bị vào diện kiến vua (Ê-xơ-tê 4:16). Nê-hê-mi đã kiêng ăn và cầu nguyện bởi vì nỗi đau buồn sâu sắc của ông khi biết tin thành Giê-ru-sa-lem đã bị phá hủy. Những ngày ông cầu nguyện được miêu tả bằng nước mắt, sự kiêng ăn, sự xưng tội thay cho dân tộc ông và khẩn xin sự nhân từ của Đức Chúa Trời. Đa-ni-ên bày tỏ một thái độ giống như Nê-hê-mi khi hướng về quê hương đang đổ nát và dân sự đang tan lạc để xin Đức Chúa Trời bày tỏ sự nhân từ Ngài: “Ta để mặt hướng về Chúa là Đức Chúa Trời, lấy sự khấn nguyện, nài xin, với sự kiêng ăn, mặc bao gai, đội tro mà tìm” (Đa-ni-ên 9:3). Cũng có nhiều ví dụ về sự kiêng ăn và cầu nguyện trong Tân Ước, nhưng không đề cập đến sự ăn năn hay sự xưng tội. Bà tiên tri An-ne “chẳng hề ra khỏi đền thờ, cứ đêm ngày hầu việc Đức Chúa Trời, kiêng ăn và cầu nguyện” (Lu-ca 2:37). Ở tuổi 84, sự kiêng ăn và cầu nguyện của bà như là một phần hầu việc Chúa trong đền thờ Ngài khi bà chờ đợi Đấng Cứu Thế đã hứa ban cho dân Do Thái. Trong thời kỳ hội thánh hình thành, thì hội thánh tại thành An-ti-ốt đã kiêng ăn kết hợp với sự thờ phượng và nghe được Đức Thánh Linh phán bảo về việc sai phái Sau-lơ và Ba-na-ba đi truyền giáo. Lúc đó, họ đã kiêng ăn và cầu nguyện rồi đặt tay trên hai môn đồ rồi gửi họ đi.
    Tóm lại, kiêng ăn để cầu nguyện là thể hiện sự ưu tiên mà người cầu nguyện muốn bày tỏ trong sự dốc tấm lòng khẩn nguyện với Chúa mà không còn quan tâm đến nhu cầu của thể xác, chỉ ưu tiên cho nhu cầu thuộc linh của mình để có thể tương giao cách trọn vẹn với Chúa. Sự khẩn nguyện này sẽ được bày tỏ bằng cách kiêng ăn trong một khoảng thời gian ngắn mà không quan tâm đến những nhu cầu bình thường của thuộc thể như ăn và uống để tận hưởng khoảng thời gian tương giao trọn vẹn với Cha thiên thượng. Kiêng ăn và cầu nguyện có thể xem là một hoạt động thờ phượng Chúa và cầu xin sự thương xót của Ngài trên vấn đề mà mình đang cưu mang . Đây cũng là một trong những kỷ luật thuộc linh mà con cái Chúa cần thực hành. Tuy nhiên, kiêng ăn và cầu nguyện không nên là một gánh nặng hay một trách nhiệm của Cơ Đốc nhân, nhưng đúng hơn là tán dương về sự nhân từ và thương xót của Đức Chúa Trời dành cho chính mình.
    Trong lời dạy hôm nay, Chúa Giê-xu cảnh cáo thái độ kiêng ăn cầu nguyện phô trương và đây cũng là tình trạng mà những người lãnh đạo tôn giáo trong thời Chúa Giê-xu đã mắc phải. Theo luật pháp Chúa truyền dạy cho con dân Chúa thời Cựu Ước, mỗi người  phải kiêng ăn một lần vào Ngài Đại lễ Chuộc tội trong năm. Nhưng những lãnh đạo Do Thái giáo đã tự nguyện kiêng ăn (nhưng thực ra là nhịn ăn) mỗi tuần hai lần để gây ấn tượng trên dân chúng về sự “thánh thiện” của họ và muốn được thiên hạ ngợi khen. Thực ra Chúa Giê-xu không hề lên án việc kiêng ăn mà lên án thói đạo đức giả – nhịn ăn để được thiên hạ khen ngợi. Qua đó, Chúa khích lệ hết thảy chúng ta là con cái của Ngài, khi kiêng ăn cầu nguyện phải thực hiện cách kín đáo và chân thành, vì đó là cam kết của chúng ta với Đức Chúa Trời, và Chúa biết tận sâu trong đáy lòng của chúng ta.
    Lời Chúa dạy khi kiêng ăn cầu nguyện “hãy xức dầu trên đầu và rửa mặt” nói đến việc chúng ta phải giữ các sinh hoạt khác cách bình thường. Dù đang kiêng ăn, chúng ta không cần tỏ ra là mình đau khổ, diện mạo sa sút… Kiêng ăn như vậy chỉ một mình Chúa biết và chắc chắn chúng ta sẽ được ban thưởng. Sự kiêng ăn như thế mới xuất phát từ tấm lòng hạ mình trước mặt Chúa, ăn năn và tìm cầu Chúa cách chân thật.
Bài học áp dụng: 
Nếu bạn có những sự khủng hoảng trong cuộc sống thì điều trước hết cần làm là phải đến với Chúa trong sự cầu nguyện, đồng thời nếu kết hợp với sự kiêng ăn sẽ bày tỏ thái độ khẩn thiết hơn trước Chúa. Tuy trong cái nhìn của nhiều người thì kiêng ăn cầu nguyện có vẻ là quá thụ động, và không thiết thực, nhưng thật ra đó mới chính là giải pháp hữu hiệu để cầu xin sự can thiệp siêu nhiên của Đức Chúa Trời  vào trong cuộc đời của chúng ta. 
Đặc biệt Chúa muốn dùng mỗi Cơ Đốc nhân chúng ta trong cương vị là tế lễ nhà vua cần phải cầu thay cho người khác. Vậy thì chúng ta cần cầu nguyện và kiêng ăn cách kín đáo hầu trong những nơi kín nhiệm đó, Chúa sẽ là đấng đáp lời cầu xin của chúng ta cho gia đình, cho quê hương, cho dân tộc thân yêu của chúng ta. 

Cầu nguyện
Lạy Chúa!
Là con người nên con dễ vấp phải sự cám dỗ về sự phô trương và kiêu ngạo thuộc linh. Xin Ngài tha thứ cho con. Xin giúp con có một sinh hoạt thuộc linh đẹp lòng Chúa. Giúp con có sự cầu nguyện và tập tành sự kiêng ăn theo ý muốn của Ngài. Con cầu nguyện trong Danh Chúa Giê-xu Christ. Amen.

Nguồn: Radiomanavn.blogspot.com

Bài vở cộng tác hoặc góp ý xin gửi về tintuc@hoithanh.com

Bình Luận:

You may also like