Một bức ảnh nói lên ngàn lời. Hãy tưởng tượng, sau khi Chúa Giê-xu chịu chết trên thập tự giá, nếu ai đó chụp hình xác Ngài, những chuyên viên điều tra có thể từ tấm hình đó mà diễn lại cách chi tiết những gì đã xảy ra. Tấm vải liệm thành Turin được tin là tấm vải đã dùng để liệm Chúa Giê-xu sau khi Ngài chết trên thập tự giá. Nó có hình mờ nhạt của một người đàn ông đội mũ gai, hai tay và chân bị đóng đinh, với hàng trăm vết thương và vết máu. Với khoa học kỹ thuật hiện đại nhất hiện nay, một số nhà khoa học nghĩ rằng tấm hình này có thể là một tấm phim âm bản 3D ghi hình xác Chúa. Qua hàng trăm vết thương trên tấm hình, các nhà nghiên cứu đã miêu tả lại chi tiết những gì Chúa phải chịu từ khi bị bắt đến lúc chết trên thập tự giá và còn hơn thế nữa. Đây có thể là tấm ảnh miêu tả về sự thương khó của Chúa Giê-xu chi tiết hơn bất kỳ hình vẽ hay phim ảnh nào mà con người từng tạo nên.
Tấm vải liệm thành Turin là thánh vật mà những người đi Thập Tự Chinh đem về từ miền Đất Thánh và trưng bày ở Giáo Đường Turin miền Bắc nước Ý từ năm thế kỷ 12 đến nay. Vì ý nghĩa phi thường của nó, từ năm 1390 cho tới nay, tấm vải này đã trải qua vô số cuộc kiểm chứng xem là thật hay giả. Năm 1390, giám mục Pierre d’Arcis đã nói với Giáo Hoàng là tấm vải được làm giả cách khéo léo để giả làm thánh vật về Chúa Giê-xu để thu hút người hành hương [A]. Năm thập niên 1980, vài thí nghiệm định tuổi radio carbon nói rằng tấm vải này có tuổi khoảng 1260 đến 1390 [B]. Tuy vậy, xét nghiệm năm 2005 của tiến sĩ Raymon Rogers ở Mỹ cho thấy mẫu vải dùng để định tuổi radio carbon không thuộc về tấm vải nguyên thủy, mà là phần vá lại để sửa chỗ hư hỏng do bị cháy. Thành phần hóa chất của mẫu vải đó khác hẳn mẫu vải nguyên thủy. Nó là vải cotton được nhuộm cho giống màu, còn phần vải nguyên thủy là vải gai thuần khiết. Thử nghiệm hóa chất cho thấy tấm vải liệm có tuổi từ 1300 đến 3000 năm [B]. Thí nghiệm dùng tia hồng ngoại và quang phổ cho thấy tấm vải có từ năm 300 trước Chúa Giê-xu đến năm 400 sau Chúa, và có nhiều phấn hoa và bụi đất chỉ có ở vùng Đất Thánh [C]. Qua hơn 600 năm, các cuộc kiểm chứng vẫn đưa ra các kết luận nghịch nhau.
Tính chất phim âm bản 3D của tấm vải liệm thành Turin
Một điều đến giờ các nhà khoa học vẫn chưa giải thích được là bằng cách nào hình ảnh mờ nhạt trên tấm vải được tạo nên. Ngày nay, với khoa học kỹ thuật hiện đại, người ta phát hiện ra tấm hình đó có những tính chất vô cùng kinh ngạc
1. Đó không phải là một hình vẽ, mà là một tấm phim âm bản
Khi soi dưới kính hiển vi, người ta thấy hình ảnh trên vải liệm không phải là hình vẽ. Nếu là hình vẽ, mực vẽ sẽ thấm sâu vào lớp vải. Ngược lại, hình ảnh này được tạo ra do sự biến đổi chất của chỉ 0.0007mm bề mặt vải [G], tức 1/10 sợi tóc [L]. Điều kỳ lạ là ngược lại hình ảnh chỉ ở trên bề mặt, các vệt máu đều thấm sâu vào sợi vải. Điều này nghĩa là các vệt máu trên vải liệm có trước, rồi hình ảnh mới in lên trên sau. Đây là máu thật, nhóm máu hiếm AB, không phải là mực vẽ [D]
Tính chất của tấm hình giống như một phim âm bản. Trước khi có máy ảnh số, người ta dùng máy ảnh phim. Khi chụp hình, ánh sáng rọi vào tấm phim sẽ tạo ra phim âm bản, là ảnh nghịch màu với ảnh thật: chỗ sáng ra tối, và tối ra sáng. Để có ảnh thật dương bản ta phải đi rửa ảnh để chuyển ngược lại: sáng ra sáng, tối ra tối. Tấm hình trên vải liệm thành Turin là tấm phim âm bản như vậy: chỗ sáng ra tối và tối ra sáng. Đến năm 1933, khi nhiếp ảnh gia G. Enrie chụp hình tấm vải liệm thành Turin, phim âm bản của tấm hình ông chụp cho thấy ảnh dương bản, tấm hình thực của hình ảnh trên vải liệm[A].
2. Đó là phim âm bản 3D, không phải chỉ hình 2D
Với những kỹ thuật hiện đại nhất hiện nay, người ta phát hiện ra rằng tấm vải liệm chứa đựng “thông tin về khoảng cách” (distance information), một kỹ thuật ban đầu phát triển bởi NASA. Điều này có nghĩa rằng tấm hình này là một bản đồ 3D, không chỉ là tấm phim hình phẳng 2D mà ta chụp với máy ảnh phim khi xưa [D]. Dùng kỹ thuật hiện đại nhất hiện nay, các nhà khoa học đã có thể dựng mô hình và thậm chí in 3D hình tượng của Chúa Giê-xu theo tấm vải liệm. [F]
3. Nó được in bằng việc chiếu xung sáng cường độ cực cao trên vải gai
Theo nghiên cứu của tiến sĩ Paolo Di Lazzaro, cấu trúc dưới kính hiển vi của hình ảnh trên tấm vải được tạo nên do bề mặt sợi gai bị biến đổi khi bị xung sáng sáng cường độ cực cao chiếu vào [G]. Điều này giống như như cách tạo phim âm bản của máy ảnh. Điểm khác biệt là phim âm bản máy ảnh được làm bởi những vật liệu rất nhạy sáng để khi ánh sáng vừa chiếu vào, chúng sẽ biến chất, đổi màu và ghi lại hình ảnh. Còn tấm vải liệm làm bằng sợi gai vốn trơ với ánh sáng thường. Để tạo vết hình như vậy trên vải gai, cần “những xung sóng thời lượng ngắn hơn 1/40 tỷ của giây, và cường độ hàng triệu tỷ Watts”. Cường độ sáng này vượt trên tất cả các nguồn sáng biết đến hiện nay [G].
Tấm vải liệm thành Turin nói gì về sự thương khó và phục sinh của Chúa Giê-xu
Bài viết này không có ý định chứng minh tấm vải liệm thành Turin có thực là tấm vải liệm Chúa Giê-xu hay không, hay là của người ngoài hành tinh trêu đùa loài người, nhưng ta có thể chắc là người thời Trung Cổ không có kỹ thuật chụp hình 3D bằng xung sáng cường độ cực cao trên vải gai. Nhưng một bức hình nói lên ngàn lời, và hình ảnh 3D trên tấm vải liệm này miêu tả vô cùng chi tiết hàng trăm vết thương trên xác Ngài. Mục tiêu bài viết này là tổng kết lại những gì các chuyên gia thấy được khi nghiên cứu tấm phim âm bản 3D này về sự thương khó và phục sinh của Chúa Giê-xu
1. Ngài đã bị đánh đập nặng nề bằng cây roi đường kính 4.5cm (cỡ cây tầm vông)
Theo bác sĩ phẫu thuật Pierre Barbet, hình trên vải liệm cho thấy trước khi bị dẫn đến cây thập giá, đầu tiên Chúa Giê-xu đã bị đánh đập nặng nề bởi một cây roi đường kính khoảng 1.75 inch (4.5cm) “Các vết thương như vậy được thấy ở mọi nơi trên bề mặt, đặc biệt ở phần bên phải”. Bác sĩ Barbet tìm thấy “nhiều khối máu bầm bên dưới bề mặt đầy máu”. Các dấu đánh cho thấy Ngài bị đánh một kẻ đứng bên phải [E]. Mũi Ngài bị gãy qua vết nứt bên dưới sụn [E, J].
Theo tôi, đòn roi này có thể là hình phạt 39 roi của người Do Thái khi họ tra khảo và đánh đập Chúa Giê-xu ở nhà thầy tế lễ Cai-phe (Ma-thi-ơ 26:65-67).
2. Ngài bị đội lên hai mũ miện bằng gai [I]
Giáo sư Alan Whanger ở Trung Tâm Nghiên Cứu Y Khoa của Duke University tại Durham đưa ra báo cáo rằng hình mũ miệng gai trên trên tấm vải liệm thành Turin thực ra gồm hai phần: phần mũ kín trùm đầu ở trên, và một vòng tròn bện bằng rơm giống y hệt bảo vật “Mũ Miện Gai” nổi tiếng được trưng bày ở nhà thờ Đức Bà tại Paris. Dù Kinh Thánh không nói hai mũ miện, điều này càng cho thấy hình ảnh người trên vải liệm là Chúa Giê-xu, vì người thời Trung Cổ sẽ không thể tưởng tượng đến 2 mũ miện, nhưng điều này lại phù hợp với những gì chúng ta biết về thời La Mã cổ đại.
Giáo sư Whanger nghĩ rằng ban đầu bọn lính tính tính mỉa mai Chúa Giê-xu như Hoàng Đế La Mã, với mũ miện vòng tròn và áo choàng tím (Giăng 19:5). Đây chắc là việc ngẫu hứng, chúng bện vài sợi rơm lại, quấn vài sợi gai lên vòng rơm và dập vào đầu Chúa. Sau đó, chúng ắt muốn chế nhạo Chúa Giê-xu là thầy tế lễ cả Do Thái, dẫn đến việc làm một mũ miện lớn hơn, nhìn như cái nón của thầy tế lễ cả bằng cây gai Gundelia tournefortii như được xác nhận bởi Avinoam Danin, giáo sư thực vật học ở Hebrew University ở Jerusalem. Gai cây Gundelia sắc và cứng đến nỗi người làm hẳn phải đeo găng tay da. Điều này giải thích tại sao “Mũ Miện Gai” ở Paris không có gai, vì những sợi gai chỉ được dính vào vòng rơm lúc đầu, khi lấy ra nó dính vào cổ người bị đóng đinh, hay rơi ra khỏi rơm sau đó. Nó cũng giải thích tại sao hình người trên mũ miện có hơn 40 vết thương với nhiều vết máu đâm từ giữa trán tới sau cổ. Những vết thương trên đỉnh đầu là do mũ miện gai kiểu thầy tế lễ, còn vết thương từ giữa trán tới sau cổ đến từ vòng gai của hoàng đế. (Xem hình 1, phần đầu)
Theo tôi, việc đội 2 mũ miện gai với hơn 40 cây gai đâm vào đầu sẽ khiến cho mọi cử động của đầu Ngài, dù đó là gió thổi, nheo mắt, hay lắc đầu, đều vô cùng đau đớn. Hãy nhớ việc bị kim đâm đau thế nào, và hãy tưởng tượng cơn đau khi cử động với hơn 40 cây kim găm trong da thịt.
3. Ngài bị lột truồng và quất bằng dây roi gắn bi chì
Sau khi bị đánh bằng roi, Ngài bị hai người dùng “flagrum” – cây roi nổi tiếng của người La Mã với các viên bi sắt chì ở đầu để xé sâu vào da thịt. Bác sĩ Barbet tìm thấy hơn 50 vết thương như vậy: “Tất cả các vết thương đều có cùng hình dạng, như một dây nhỏ dài 3cm. Hai vòng tròn là những viên bi chì… Chúng ta có thể tin là khi bị quất roi Ngài hoàn toàn trần truồng vì những vết thương hình dây được thấy ở khắp vùng xương chậu, vốn thường được bảo vệ.” [E] (Xem hình 1, các vệt máu toàn thân)
Có lẽ chúng ta đã từng bị cái gì xé rách da. Vết thương rất đau, nhất là khi cử động, chảy nhiều máu. Không cẩn thận vết thương có thể nưng mủ, sưng và gây sốt. Đó là điều Chúa Giê-xu phải chịu, và với hơn 50 vết thương như vậy trên toàn thân.
4. Sự thương khó trên thập tự giá
Hình trên tấm vải liệm có một vết thương lớn ở cổ tay, cho thấy Chúa Giê-xu có lẽ bị đóng đinh ở cổ tay, không phải lòng bàn tay như nhiều hình vẽ miêu tả. Bác sĩ Barbet nói hình chỉ có 4 ngón tay vì việc đóng đinh cổ tay đụng vào dây thần kinh giữa của tay, khiến ngón trỏ dính vào lòng bàn tay [J]. Dây thần kinh giữa của tay không chỉ là trung tâm điều khiển hành động, mà còn là trung tâm cảm giác. Những ai từng bị thương ở trung tâm thần kinh biết rằng vết đau ở đó là sự tra tấn kinh khủng [E]. (Xem hình 1, vệt máu ở tay)
Các vết máu chảy dọc trên cánh tay trong hình cho thấy Ngài bị đóng đinh hình chữ Y, không phải chữ T như nhiều tranh vẽ. Tư thế chữ Y đau đớn hơn rất nhiều so với tư thế chữ T, và khiến việc thở khó khăn hơn nhiều. Tay giờ lên càng cao thì càng đau đớn [K]. Hình 3D tạo lại ảnh Chúa từ tấm vải liệm cho thấy khi chết, khớp vai phải Ngài đã bị trật ra. Điều này hẳn đã gây tổn thương thần kinh ở vai và tạo ra cơn đau đớn tột cùng. [F]
Một vết thương lớn cũng được thấy ở bàn chân trong tấm hình, cho thấy Chúa Giê-xu cũng bị đóng đinh ở chân [J]. Khi bị đóng đinh hình chữ Y, lồng ngực Ngài bị ép lại khiến không thở được. Để thở, Ngài phải chấp nhận cơn đau dữ dội khi tì xương và thịt chân mình vào cây đinh để nâng người lên mà thở. Mỗi nhịp thở được đánh đổi bằng một cơn đau kinh người.
Cứ như vậy, trên thập tự giá, Ngài chịu tất cả các cơn đau khi bị đánh đập ở nhà thầy tế lễ Cai-phe, từ trận đòn roi của người La Mã, hơn 40 cây gai của mũ miệng gai đâm vào đầu, vết đinh ở tay và chân, tư thế treo căng đến trật khớp vai. Ngài khát, sưng, sốt, máu chảy tràn, phổi bị ép, mỗi nhịp thở là phải chịu một cơn đau kinh người… cho đến khi “mọi việc đã được trọn; rồi Ngài gục đầu mà trút linh-hồn.” (Giăng 19:30)
Ở giữa xương sườn thứ năm và thứ sáu bên phải hình người có một vết thương lớn. Nó trông có vẻ như vật gì đó như lưỡi gươm, ngọn giáo hay ngọn thương đâm vào xương sườn Người và xuyên qua tim. Vết thương sau khi đã chết này sẽ khiến đổ ra rất nhiều máu và chất dịch nước [J]. (Xem hình 1, vết thương ở hông)
5. Tấm vải liệm còn nguyên vẹn và nguồn sáng siêu nhiên
Theo như lời Kinh Thánh, sau khi Ngài chết, Giô-sếp ở thánh A-ri-ma-thê đến với Phi-lát và xin nhận thi thể Đức Chúa Giê-xu. Ông khâm liệm bằng vải gai sạch rồi đặt trong ngôi mộ mới của mình mà ông đã cho đục trong đá (Ma-thi-ơ 27:59-60). Các môn đồ chắc đã tắm sạch cho Ngài trước khi quấn liệm nên tấm vải liệm không loang lổ máu. Nhưng các vết thương sâu chắc vẫn còn dính máu, và vệt máu thấm vào tấm vải. Tấm vải liệm chỉ có thể được quấn trên xác tối đa vài ngày; nếu không, sự phân hủy xác sẽ làm hỏng nó [E]. Rồi có lẽ, một nguồn sáng siêu nhiên với cường độ vượt trên tất cả các nguồn sáng hiện biết, với “xung sóng thời lượng ngắn hơn 1/40 tỷ của giây, và cường độ hàng triệu tỷ Watts” [G] đã phát ra, in hình ảnh xác Chúa Giê-xu lên tấm vải gai đang quấn xung quanh, biến nó thành một tấm phim 3D ghi lại sự thương khó với hàng trăm vết thương mà Chúa đã chịu để cứu chuộc loài người. Đây có lẽ là ánh sáng vinh hiển mà Phi-e-rơ đã nhìn thấy khi Chúa Giê-xu hóa hình và tỏ rõ thần tính của mình (Ma-thi-ơ 17:1-8). Và với ánh sáng vinh hiển thể hiện thần quyền này, Chúa Giê-xu đã phục sinh.
Khác với các tôn giáo và niềm tin khác, Tin Lành và niềm tin Cơ Đốc có một sự kiện siêu nhiên trong lịch sử được ghi lại để chứng thực cho lẽ thật của mình. Sự phục sinh của Chúa Giê-xu là hành động siêu nhiên của Đức Chúa Trời làm để chứng thực rằng Chúa Giê-xu là nhà tiên tri đến từ Ngài và lời Chúa nói đúng là thông điệp của Ngài (Ma-thi-ơ 16:21). Nó chứng nhận Chúa Giê-xu là Con Của Đức Chúa Trời quyền năng (Rô-ma 1:4), và sự hi sinh cứu chuộc của Ngài đã được Đức Chúa Cha chấp nhận (Rô-ma 4:25). Sự phục sinh của Chúa Giê-xu đã khiến các môn đồ đang sợ hãi lẫn trốn của Ngài trở nên những người mạnh mẽ, can đảm, đầy tự tin truyền bá Tin Lành, sự chết và sự sống lại của Chúa Giê-xu. Họ sẵn sàng trả cái giá đắt nhất cho sứ điệp của mình vì họ biết đó là lẽ thật và là sự sống đời đời cho những ai tin nhận.
Kết luận
“Bánh nầy là thân thể Ta vì các con mà phó cho, hãy làm điều nầy để nhớ đến Ta.Chén nầy là giao ước mới trong huyết Ta; hễ khi nào các con uống, hãy làm điều nầy để nhớ Ta.” – Lu-ca 22:19
Mỗi lễ tiệc thánh, Cơ đốc nhân trên toàn thế giới ở mọi thời đại lại tưởng niệm sự thương khó của Chúa Giê-xu. Rất nhiều tranh vẽ, kịch nghệ, phim ảnh đã miêu tả lại sự thương khó của Chúa Giê-xu trên thập tự giá, nhưng không gì có thể miêu tả chi tiết và tỉ mỉ như tấm vải liệm thành Turin. Mỗi khi ăn bánh và uống nước tiệc thánh, ta hãy nhớ những đau đớn mà Chúa Giê-xu đã chịu để chuộc tội cho chúng ta: Ngài bị đánh đập, mũi Ngài gãy, người Ngài đầy cái vết bầm bởi cây roi to 4.5cm, đầu Ngài có hơn 40 mũi gai găm vào, thân Ngài có hơn 50 vết cắt bởi roi gắn chì. Cổ tay Ngài bị đóng đinh, hai tay Ngài bị kéo căng đế nỗi vai Ngài bị trật ra và ngực Ngài bị ép lại không thở được. Mỗi nhịp thở là một cơn đau dữ tợn khi xương và thịt chân Ngài phải trụ vào cây đinh để nâng người lên mà thở…
Nhớ đến sự thương khó của Chúa Giê-xu, ta cũng phải nhớ đến sự phục sinh của Ngài. Và sự phục sinh của Chúa Giê-xu là vật chứng cho Tin Lành và niềm tin Cơ Đốc, rằng Đức Chúa Trời đã dùng quyền năng siêu nhiên để làm chứng cho lời của Giê-xu “Vì Đức Chúa Trời yêu-thương thế-gian, đến nỗi đã ban Con một của Ngài, hầu cho hễ ai tin Con ấy không bị hư-mất mà được sự sống đời đời.” (Giăng 3:16)
Nếu Chúa Giê-xu đã chịu thương khó như vậy để cứu linh hồn của ta, liệu ta có thể chịu thương chịu khó để góp phần vào Đại Mạng Lệnh của Ngài cho công cuộc cứu rỗi linh hồn không?
Richard Huynh
Tài Liệu Tham Khảo
[A] Shroud of Turin
https://en.wikipedia.org/wiki/Shroud_of_Turin
[B] Turin Shroud is not medieval forgery, says US scientist
[C] Turin Shroud ‘is not a medieval forgery’
[D] What Does the Shroud of Turin Prove about Easter?
https://www.nationalreview.com/2015/04/shroud-turin-easter-sunday-myra-adams/
[E] Reading the Shroud of Turin
https://www.nationalreview.com/2005/03/reading-shroud-turin-barbara-m-sullivan
[F] Professor Creates ‘Precise’ 3D Image of Jesus Using Shroud of Turin
[G] Why Shroud of Turin’s Secrets Continue to Elude Science
[H] This 3D “carbon copy” of Jesus was created using the Shroud of Turinhttps://aleteia.org/2018/03/28/this-3d-carbon-copy-of-jesus-was-created-using-the-shroud-of-turin/
Bài vở cộng tác và góp ý xin gửi về tintuc@hoithanh.com