Câu nói nổi tiếng của nhà văn Mark Twain mô tả đức tin là “tin vào những điều mà lý trí của bạn biết là khó có thể xảy ra.” Có lẽ ông muốn ám chỉ niềm tin Cơ-đốc. Những Cơ-đốc nhân tin vào sự phục sinh của Chúa Giê-xu bất chấp suy nghĩ của nhiều người cho rằng điều đó phản khoa học.
Đấng Christ phục sinh là một sự kiện lịch sử. Nếu chúng ta có thể tin những gì được ghi lại trong lịch sử như sự kiện Caesar bị ám sát, Washington vượt sông Delaware, hay quân Đồng Minh vượt eo biển Măng-sơ… thì sự kiện Chúa phục sinh cũng như vậy.
Vào ngày 15 tháng 3 năm 44 TCN — Ngày Vọng Nhật của tháng 3 (Ides of March)—hàng chục thượng nghị sĩ La Mã đã ám sát Julius Caesar. Gần 77 năm sau, Chúa Nhật ngày 5 tháng 4 năm 33 SCN, Chúa Giê-xu Christ đã sống lại từ cõi chết.
Ta có thể kiểm chứng cả 2 sự kiện này bằng cách áp dụng 4 phương pháp mà các sử gia dùng để khám phá sự thật trong quá khứ:
1. Phân Biệt Phương Pháp Khoa Học Và Phương Pháp Nghiên Cứu Lịch Sử
Phương pháp khoa học là ghi chép lại các quan sát, lập ra các giả thuyết, đặt ra các suy đoán, thực hành các thí nghiệm lặp đi lặp lại, và phân tích các kết quả. Nhưng có vô số sự việc, hiện tượng không lặp lại thì không thể xác thực được bằng phương pháp khoa học.
Ví dụ như chẳng có bằng chứng khoa học nào cho thấy Julius Caesar đã vượt sông Rubicon vào tháng 1 năm 49 TCN, hay George Washington đã vượt sông Delaware vào ngày 25 tháng 12 năm 1776, hay quân Đồng Minh vượt eo biển Măng-sơ vào ngày 6 tháng 6 năm 1944. Nhưng những người có lý trí vẫn tin những sự kiện này thực sự đã xảy ra vì chúng được xác thực bằng phương pháp nghiên cứu lịch sử.
Sử gia Louis Gottschalk định nghĩa phương pháp nghiên cứu lịch sử là “dò xét và phân tích với tư duy phản biện những ghi chép và bằng chứng còn sót lại về quá khứ.” Những sử gia tận tâm gạt bỏ thành kiến cá nhân của mình để xem xét các tài liệu, kiểm tra các cổ vật, thu thập những dữ liệu, theo đuổi các bằng chứng… Rồi qua suy luận tổng hợp, họ trình bày một diễn giải phù hợp nhất với tất cả những thông tin thu thập được.
Trọng tâm của niềm tin Cơ-đốc là tuyên bố lịch sử về sự phục sinh của Chúa Giê-xu. Bác bỏ tuyên bố này dựa vào danh nghĩa khoa học là không biết những giới hạn của khoa học. Phao-lô thừa nhận “nếu Đấng Christ đã không sống lại thì sự rao giảng của chúng tôi là vô ích, và đức tin của anh em cũng vô ích” (1 Cô-rinh-tô 15:14). Không giống các tôn giáo khác, những tuyên bố trọng tâm của Cơ-đốc Giáo đều có thể kiểm chứng được và có thể chứng minh được thông qua phương pháp lịch sử.
2. Xem Xét Khoảng Thời Gian Từ Lúc Sự Kiện Xảy Ra Đến Thời Điểm Xuất Hiện Bản Ghi Chép Đầu Tiên Ghi Lại Sự Kiện Đó, Và Từ Bản Thảo Gốc Đến Những Bản Sao Hiện Có
Đầu tiên, hãy xem xét khoảng thời gian giữa sự kiện lịch sử và bản ghi chép đầu tiên ghi lại sự kiện đó. Khoảng thời gian này càng ngắn thì tác giả càng gần với sự kiện thực tế. Làm sao chúng ta biết Caesar bị ám sát vào năm 44 TCN? Chúng ta không có mặt ở đó để chứng kiến sự việc, nhưng chúng ta có lý do để tin nó cũng như tin hầu hết các sự kiện đã xảy ra trong quá khứ: những người chứng kiến viết lại lời chứng của mình, hay kể lại cho người nào đó viết.
Nhiều người tin chuyện Caesar bị ám sát đơn giản vì từ thời cấp 3 họ đã đọc vở kịch Julius Caesar nổi tiếng của Shakespeare, được trình diễn lần đầu tiên vào năm 1599. Nguồn thông tin của Shakespeare là bản dịch tiếng Anh năm 1579 của Thomas North quyển “Những Cuộc Đời Song Hành” của Plutarch. Nhưng Plutarch viết quyển Những Cuộc Đời này vào thế kỷ thứ 2 SCN, khoảng 160 năm sau sự kiện ám sát, nên ông không thể là người chứng kiến. Vậy ai là nguồn thông tin của Plutarch?
Plutarch đã lấy quyển “Cuộc Chiến Chinh Phục Xứ Gauls” của Caesar làm nguồn tư liệu của mình, và Caesar chắc chắn là ‘người trong cuộc’, nhưng ông không thể viết được nhiều về ngày mình bị ám sát. Cicero có lẽ là người chứng kiến tận mắt, nhưng ông chết một năm sau đó mà không viết lại chi tiết về cái ngày định mệnh ấy. Plutarch không tiếp cận được nhân chứng nào của sự kiện này vì ông không sống cùng thời với họ. Nhưng với tư cách thành viên nổi bật trong xã hội La Mã, ông có thể đã được tiếp cận những tài liệu hay các câu chuyện truyền miệng mà ngày nay đã bị thất truyền. Vậy nên khoảng cách giữa sự kiện Caesar bị ám sát và bản ghi chép đầu tiên kể lại sự kiện này của Plutarch là khoảng 160 năm.
Để so sánh, Tân Ước được viết bởi những người chứng kiến sự phục sinh của Chúa Giê-xu và người thân cận với họ. Trong khi Plutarch viết 160 năm sau cái chết của Caesar, các tác giả Tân Ước viết trong thời những nhân chứng vẫn còn sống; những người này có thể xác nhận hay phủ nhận 2 tuyên bố trọng tâm của niềm tin Cơ-đốc: ngôi mộ trống và sự hiện ra của Đấng Christ phục sinh.
Ngay từ năm 50 SCN, Phao-lô đã chép lại rằng Chúa Giê-xu sống lại từ cõi chết (Ga-la-ti 1:1). Nếu Chúa Giê-xu chết vào năm 33, khoảng cách giữa sự kiện Chúa Giê-xu phục sinh tới bản ghi chép sớm nhất là chưa tới 20 năm. Chúng ta không có bản thảo gốc của Plutarch hay bất cứ tác giả Tân Ước nào. Đây là điều bình thường trong lịch sử cổ đại. Đó là lý do tại sao khoảng thời gian thứ hai là rất quan trọng.
Khoảng thời gian thứ hai là khoảng thời gian giữa bản thảo gốc tới các bản sao hiện có. Phương pháp nghiên cứu lịch sử áp dụng kỹ thuật phê bình văn bản (textual criticism) để tái tạo bản gốc từ các bản sao hiện có. Khoảng thời gian này càng ngắn càng tốt.
Khoảng thời gian giữa bản gốc của Plutarch và bản sao sớm nhất hiện còn của quyển “Những Cuộc Đời Song Hành” là hơn 800 năm. Trong khi đó, khoảng thời gian giữa bản gốc của Phúc Âm Giăng và các phần bản sao hiện còn là 50 năm.
Học giả Tân Ước Darrell Bock kết luận, “Các sách Phúc Âm là nguồn tư liệu về Chúa Giê-xu tốt hơn hẳn so với các sách cổ đại khác về Caesar. Nếu nguồn tư liệu về Caesar là đáng tin cậy thì nguồn tư liệu về Chúa Giê-xu cũng vậy.”
3. So Sánh Số Lượng Bản Thảo
Thông thường, giống như những người làm chứng đáng tin cậy trước tòa, có càng nhiều bản thảo càng tốt. Ngay cả những nhân chứng thành thật nhất cũng bỏ qua những chi tiết họ không thấy, hay thêm vào những chi tiết họ nghĩ là mình đã thấy. Khi tất cả những lời chứng được xem xét cách tổng thể, sẽ có những khác biệt nhỏ về những chi tiết bên lề, nhưng cái chính về những gì đã xảy ra sẽ rõ ràng.
Khi so sánh số bản thảo của các sách Tân Ước với các tài liệu cổ xưa khác, bằng chứng lịch sử của Tân Ước rõ ràng vượt trội hơn. Chúng ta có chưa tới 10 bản thảo của quyển Những Cuộc Đời của Plutarch, so với 23,986 bản thảo của các sách Tân Ước. Điều này thật đáng kinh ngạc.
Học giả Tân Ước Dan Wallace ước tính rằng nếu chúng ta chồng tất cả những bản thảo Tân Ước hiện có sẽ cao hơn 4 lần tòa nhà Empire State ở Mỹ (khoảng 1600m). Ngược lại, chồng bản thảo hiện có của tất cả các tác phẩm Hy Lạp cổ điển sẽ chỉ cao khoảng 1.2m.
4. Cân Nhắc Động Cơ Của Lời Chứng
Ngay cả khi chúng ta có được bản thảo gốc, làm sao chúng ta biết được liệu tác giả đang kể lại sự thật hay bịa chuyện?
Thông thường có hai động cơ để nói dối: để đạt được lợi ích, hay để tránh đau đớn. Đến thời của Plutarch, chuyện kể việc Julius Caesar bị ám sát đã được chấp nhận rộng rãi. Plutarch không viết cái gì gây tranh cãi hay nguy hiểm về mặt chính trị có thể gây tổn thương tới danh tiếng và địa vị xã hội của mình. Tác phẩm chỉ nâng cao vị thế của ông trong giới tinh hoa. Ông mất rất ít mà được lại rất nhiều khi viết ra những tuyên bố lịch sử của mình, điều ông đạt được tương đương với một hợp đồng xuất bản sách thời cổ đại.
Về sự phục sinh, những môn đồ đầu tiên của Chúa Giê-xu hoặc đang nói sự thật, hoặc không. Nhưng tại sao họ lại nói dối? Những tuyên bố táo bạo của họ gây tranh cãi và nguy hiểm về mặt chính trị. Vì lời chứng của mình (Công-vụ 1:22), họ bị mất địa vị xã hội, mất tài sản, mất tự do, và với một số người, mất cả tính mạng.
Các sử gia xem những đau khổ phải chịu đó là bằng chứng cho sự đáng tin cậy của một văn bản. Như Gottschalk lưu ý, “Khi một lời chứng gây phương hại cho người làm chứng, cho người thân, hay lý tưởng của họ, thì khả năng cao tuyên bố đó là sự thật.” Bằng việc khẳng định đã thấy Chúa Giê-xu Christ phục sinh, các môn đồ đã gây tổn hại rất lớn cho bản thân, gia đình, và bạn bè thân thiết của họ. Giải thích tốt nhất cho lời chứng nhất quán và vững chắc của họ là họ đang nói sự thật.
Tất nhiên, nhiều người cuồng tín sẵn sàng chết cho niềm tin của mình. Nhưng dù nhiều người sẵn sàng chết cho điều họ nghĩ là đúng, chẳng ai chết cho điều họ biết là giả dối. Các môn đồ không làm chứng cho sự phục sinh vì nó đem lại ích lợi cho họ. Họ làm chứng cho sự phục sinh của Chúa Giê-xu vì đó là sự thật.
Thời nay, Ngày Vọng Nhật của tháng 3 chắc chỉ được tưởng nhớ bởi một số ít những người đam mê lịch sử, nhưng nó không phải ngày lễ chính thức được công nhận. Tuy nhiên vào lễ Phục Sinh, hàng tỷ người trên khắp thế giới sẽ kỷ niệm sự phục sinh của Chúa Giê-xu Christ. Julius Caesar đã cho thế giới lịch Julian (mà ta hiện dùng), nhưng có một điều gì đó đã xảy ra vào thế kỷ thứ nhất khiến chúng ta phải tính số năm của mình bằng ngày sinh của con trai người thợ mộc. Đó chẳng phải vì những gì Chúa dạy, vì các giáo sư đến rồi đi. Chẳng phải vì cái chết của Ngài, vì đã có vô số kẻ thù của La Mã bị đóng đinh trên cây thập tự.
Vào thời điểm này 2068 năm trước, Julius Caesar chết ở Rome và thế giới chấp nhận thông tin này như một sự kiện lịch sử. Chỉ 77 năm sau, Chúa Giê-xu Christ đã phục sinh từ cõi chết tại Giê-ru-sa-lem, và thế giới không bao giờ như trước nữa.
Dịch: Richard Huynh
Nguồn: thegospelcoalition.org
Bài vở cộng tác hoặc góp ý xin gửi về tintuc@hoithanh.com