Làm sao cắt nghĩa được tình yêu
Có nghĩa gì đâu một buổi chiều
Nó chiếm hồn ta bằng nắng nhạt
Bằng mây nhè nhẹ gió hiu hiu…
Tình yêu là như thế đó, chẳng ai cắt nghĩa được. Tình yêu đến thật nhẹ nhàng, như màu nắng nhạt, như áng mây qua, như làn gió thoảng nhưng có sức mạnh chiếm hữu cả hồn người. Ai đã từng yêu, đã từng hiểu tình yêu chi phối mình như thế nào cũng sẽ hiểu được tại sao nhà thơ viết những câu như thế. Khi ta yêu, ta như kẻ mất hồn. Cảm xúc của tình yêu mạnh đến đỗi có khi làm lý trí chao đảo, khiến ta chẳng còn hành động khôn ngoan nữa.
Tình yêu là một mũi tên lửa, ngọn lửa từ CHÚA. Mọi thứ lửa ta có thể lấy nước dập tắt. Nhưng lửa của tình yêu khi đã cháy rồi nước lũ cũng chẳng dập tắt được (Nhã Ca 8:6-7).
Tình yêu có mãnh lực khiến người ta có thể vì yêu mà hy sinh sự sống của bản thân. Kinh Thánh bảo rằng …Vì ái tình mạnh hơn sự chết (Nhã Ca 8:6b).
Phước thay cho những người yêu nhau và lấy được nhau.
Buồn thay cho những người yêu nhau mà không lấy được nhau, bởi hoàn cảnh, bởi điều kiện không cho phép. Vì tình yêu mãnh liệt như thế, cho nên dù không lấy được nhau họ vẫn mang nặng trong lòng mối tình ấy có khi cho đến lúc chết. Ai đã đọc quyển tiểu thuyết Cuốn Theo Chiều Gió (Margaret Mitchell, Gone With The Wind) đều sẽ thật ấn tượng với chuyện tình của bà Ellen, mẹ của Scarlet, nhân vật chính trong truyện. Bà lấy chồng và chu toàn bổn phận một cách tuyệt đối, nhưng suốt đời và mãi cho đến giây phút cuối cùng, mối tình thời thanh xuân của bà dành cho Philip, người yêu mà bà không lấy được, vẫn sống mãi trong tim.
Thế nhưng không phải ai đã thành hôn với người mình yêu say đắm thì cũng được hạnh phúc và thỏa nguyện. Bởi vì tình yêu là một cảm xúc – cho dù rất dữ dội, rất mãnh liệt, còn hôn nhân là cuộc sống thật, cùng với tất cả những ràng buộc và trách nhiệm trong đó.
Trong hôn nhân, hai người yêu nhau đã trở nên một
Vợ và chồng giờ đây không phải là hai nữa, mà là một. Cả hai sẽ trở nên một thịt là nhận định (Sáng Thế Ký 2:24). Người tôi yêu giờ thuộc về tôi và ngược lại tôi cũng thuộc về người. Đỉnh cao của tình yêu là đây. Sự kết hợp của một người nam và một người nữ trong hôn nhân đẹp đến nỗi đã được dùng làm hình ảnh nói lên tình yêu của Chúa Giê-xu dành cho Hội Thánh. Đám cưới Chiên Con là ngày hạnh phúc tuyệt đỉnh, ngày đó Hội Thánh mà Chúa Giê-xu yêu được đoàn tụ cùng Ngài nơi vinh hiển. Hôn nhân là điều cao quý do chính Thiên Chúa sáng lập, vì Ngài muốn con người yêu thương và được hạnh phúc và để cho con người sinh con cái và tồn tại trên mặt đất.
Tình yêu không đi đến mục đích hiệp nhất cuối cùng trong hôn nhân mà Thiên Chúa đặt ra chỉ là tình yêu vị kỷ, chiếm hữu, vô trách nhiệm. Am-nôn đã yêu Ta-ma, em cùng cha khác mẹ với mình (2 Sa-mu-ên 13) bằng thứ tình yêu nầy và mối tình đó đã dẫn đến một bi kịch trong gia đình vua Đa-vít.
Trong hôn nhân, tình yêu đối với người lân cận mà Chúa Giê-xu dạy đã trở thành cụ thể
Người vợ hay người chồng mà tôi yêu, qua hôn nhân đã trở thành người lân cận ở bên cạnh để tôi thể hiện điều Chúa dạy: Hãy yêu người lân cận như chính mình. Không nơi nào tình yêu thương tha nhân được thể hiện cụ thể như trong cuộc sống vợ chồng, khi sự chung đụng hằng ngày có những lúc thách thức bản ngã, cái tôi ích kỷ của chúng ta. Tôi có yêu thương và chăm lo đầy đủ cho người vợ hay người chồng cả vật chất lẫn tinh thần như cho chính bản thân tôi không? Tôi có đối đãi tử tế, xem trong người ấy thậm chí đáng quí, đáng tôn hơn mình không? (Ê-phê-sô…). Có yêu thương được người Chúa đặt bên mình, chúng ta mới có thể nhân rộng tình yêu của Chúa ra cho nhiều người khác. Hôn nhân bởi những lý do đó sẽ là một cơ hội để chúng ta thực hành điều Chúa dạy cho người yêu thương gần nhất với mình.
Hôn Nhân Hạnh Phúc Là Nền Tảng Phát Triển của Hội Thánh
Một gia đình hạnh phúc thường cũng chính là chiếc nôi nuôi dưỡng đức tin và phát triển Hội Thánh. Hội Thánh ban đầu thường nhóm lại ở tư gia, người chủ nhà là chủ gia đình cũng là người dẫn dắt đời sống tâm linh cho vợ, các con và tôi trai tớ gái trong nhà. Phi-lê-môn mang hình ảnh của một người chủ nhà tin kính Chúa như vậy (Phi-lê-môn 1:1b), trong khi ở gia đình của bà Ly-đi, vai trò của bà trong công tác hầu việc Chúa dường như nổi bật hơn người chồng (Công Vụ 16:14-16). Vai trò của người chồng và người vợ hoán chuyển cho nhau một cách hòa hợp chứ không đối nghịch hoặc mâu thuẫn. Còn đôi vợ chồng A-qui-la và Bê-rít-xin đã tạo nên một hình ảnh thật hiện đại trong sự hầu việc Chúa: Sau khi làm quen với A-bô-lô, Bê-rít-xin và A-qui-la đã mời ông về nhà “giải thích Đạo Chúa“ cho ông cách chính xác hơn nữa (Công Vụ 18:26). Tác giả sách Công Vụ cố ý viết tên Bê-rít-xin trước như muốn nói rằng chính bà là người chủ động trong việc mời nầy. Câu Kinh Thánh còn cho chúng ta biết Bê-rít-xin cộng tác cùng chồng trong việc dạy đạo. Thật tuyệt vời vì đây là một việc hiếm thấy trong thời đại của ông Phao-lô.
Ngược lại, một gia đình chỉ một trong hai người tin nhận Chúa chúng ta thường thấy một hình ảnh khác. Ngày Chúa Nhật, người vợ hoặc người chồng tin Chúa đi nhà thờ lẻ loi một mình. Các cháu trong nhà nhiều khi bị xâu xé không biết theo ai. Có người người vợ hay người chồng không tin Chúa ngấm ngầm hoặc công khai chống đối việc cho con đi thờ phượng Chúa, đọc Kinh Thánh và sống đạo. Tình trạng nầy chắc chắn về lâu về dài sẽ làm mất hạnh phúc gia đình, đó là chưa kể người vợ hay người chồng tin Chúa cũng có thể vì vậy mà mất đức tin, hoặc trở nên nguội lạnh. Bởi đó đã có lời khuyên chớ nên “mang ách chung với kẻ chẳng tin“ (Kinh Thánh). Bạn có đang yêu một người chưa tin Chúa không? Xin Chúa cho bạn có thể làm chứng và dẫn đưa người ấy đến với Chúa trước khi lấy nhau. Xin Chúa cho bạn hãnh diện vì đức tin của bạn nơi Chúa và can đảm giới thiệu về Ngài. Vì nghĩ cho cùng, đem Phúc Âm của Chúa đến cho mọi người cũng chính là trách nhiệm thuộc linh của bạn với người chung quanh, có phải không?
Vấn Đề Gia Đình Hai Bên
Ngày nay môn đăng hộ đối không còn quá nặng như cách đây năm bảy mươi năm. Ngày nay hôn nhân không còn phân biệt chủng tộc hoặc quốc gia. Thế nhưng, ở các quốc gia thuộc Châu Á như ở đất nước chúng ta, kết hôn với nhau thường không phải là vấn đề tình cảm giữa hai người nam và nữ. Có khi chúng ta kết hôn là kết hôn với cả gia đình của vợ hoặc của chồng mình. Bối cảnh của gia đình chúng ta có khi rất khác với gia đình của người bạn trai hoặc bạn gái. Khác biệt là điều không thể tránh và là một thách thức: Thách thức khi quen biết nhau và thách thức khi đã thành hôn với nhau. Bởi vậy trước khi chọn người để yêu thương và đi đến hôn nhân, xin Chúa cho các bạn trẻ biết xin Chúa cho mình gặp được người được lòng cả gia đình mình và ngược lại, cũng cho mình được lòng gia đình của người mình yêu. Nếu có một lời khuyên thực tế nhất thì lời đó hẳn phải là lời dạy của Kinh Thánh: Cho nên người chồng phải lìa cha mẹ mình (Sáng Thế Ký…). Lìa là tách rời, là không còn lệ thuộc, không còn ở dưới ảnh hưởng hoặc áp lực của gia đình mình nữa. Hôn nhân chính chắn là khi người bạn trai có thể lo được cho người mình yêu thương, không cưới vợ về để bắt cha mẹ phải nuôi mình và nuôi cả người vợ của mình. Ngày nay, khi người phụ nữ trong xã hội chúng ta cũng được ăn học, có công ăn việc làm như người nam, thì việc đóng góp xây dựng hạnh phúc là của cả hai người chứ không chỉ riêng cho người nam. Không phải ai cũng có thể có được nhà cửa đầy đủ lúc mới bắt đầu dựng vợ, gả chồng, nhưng nếu cả hai bạn đều đã tốt nghiệp, có nhiệm sở ổn định thật là cần thiết. Vì ít nhất điều đó nói lên rằng hai bạn có thể sống và lo cho gia đình nhỏ của mình. Tế bào gia đình giờ được nhân bội và có sự sống riêng của nó.
Vấn Đề Tín Ngưỡng
Một người vợ/chồng tốt là do CHÚA ban cho (Châm Ngôn…) phải là điều chúng ta mong ước trở nên và nhận được. Chúa có thể cho chúng ta một người vợ tốt, một người chồng tốt nhưng “đạo anh/cô anh/cô giữ, đạo tôi tôi giữ hay không?“ Hỏi là đã tự trả lời rồi! Có lẽ chúng ta cũng không muốn các con mình ngày sau sẽ bị phân tán, không biết theo đạo của cha hay đạo của mẹ. Ngay từ lúc mới chớm yêu thương nhau hãy nghiêm túc với vấn đề nầy để tránh những đau khổ về sau. Nếu Chúa là nguồn của mọi phước hạnh thì hãy chọn Ngài. Bạn có thể chết trong lòng một ít vì phải quyết định chia tay với người mình yêu vì không thể đem người ấy đến với Chúa. Nhưng tôi tin chắc Chúa sẽ ban lại cho bạn một người bạn gái hoặc bạn trai cùng đi với bạn trên con đường đức tin cho đến ngày cuối. Đừng quên rằng bạn là đền thờ của Chúa và Thánh Linh đang ở trong bạn.
Tình yêu là nhất thời, là cảm xúc bồng bột có thể đánh lừa bạn. Tình yêu có thể đến và đi. Còn hôn nhân là cuộc sống mỗi ngày của bạn, hôn nhân kéo dài đến cả cuộc đời. Hôn nhân xứng đáng để bạn suy nghĩ và quyết định một cách chín chắn trước khi dấn thân bước vào.
Tôi Có Yêu Chúa Đủ Để Nhờ Ngài Quyết Định Vấn Đề Hôn Nhân của Tôi Không?
Nếu bạn yêu Chúa đủ, bạn sẽ không muốn cho Chúa buồn lòng vì một hành động vô tín của mình.
Nếu bạn yêu Chúa đủ để tin cậy Ngài sẽ ban cho bạn một người yêu xứng đáng, dẫn bạn đi đến hạnh phúc, bạn sẽ không do dự đặt tất cả vào trong tay của Chúa.
Bạn không bao giờ muốn lầm lỡ trong việc chọn chồng hay chọn vợ, phải không? Vậy, hãy trao cho Chúa niềm ưu tư đó. Ngài biết đâu là Ê-va và đâu là A-đam của bạn. Ngài sẽ đưa nàng, hay đưa chàng đến với bạn, Ngài bảo đảm đó là cái xương sườn của chính bạn. Khi lắp vào bạn sẽ thấy đầy đủ, trọn vẹn và hạnh phúc.
Thế còn bao nhiêu cảm xúc như thơ, như mơ mà bạn có được nơi một anh chàng hay một cô nàng nào đó… phải chăng đó là điều không quan trọng?
Tôi không biết A-đam có cảm xúc yêu đương say đắm, khó tả như những câu thơ ở trên lần đầu khi gặp chiếc xương sườn của mình hay không! Nhưng câu nói đầu tiên của ông: Người nầy là xương bởi xương tôi, thịt bởi thịt tôi mà ra. Ông nhận biết ngay Ê-va ấy thuộc về mình. Cảm giác ấy thật an toàn, thật bình an. Và có lẽ Ê-va cũng nhận biết được cái chỗ cần thiết của chàng để lấp vào, ngay cạnh bên trái tim yêu thương ấy, nàng đã nương tựa và được thỏa lòng. Nhận biết, bạn ơi, chính là điều quan trọng trong hôn nhân. Cầu xin Chúa cho bạn nhận ra được cái người thuộc về mình, người đã được Chúa tạo dựng nên cho nhu cầu của mình. Để từ đó bạn thỏa lòng và biết ơn Thiên Chúa, Đấng làm tất cả ở đằng sau để cho bạn một người chồng, một người vợ đúng là của bạn.
Và khi đúng là người Chúa ban cho bạn, bạn sẽ kiên nhẫn đợi chờ. Bạn có thể thấy 7 năm làm công để cưới được vợ như Gia-cốp bằng chừng đôi ba bữa (Sáng Thế Ký 29:20).
Lạy Cha thiên thượng, là Chúa của tình yêu và Đấng sáng lập nên hôn nhân, xin cho con một tình yêu và một hôn nhân thật tốt đẹp, hoàn toàn theo ý muốn của Cha. Con tin cậy nơi Cha. Amen
Ân Điển
Bài vở cộng tác hoặc góp ý xin gửi về tintuc@hoithanh.com