Home Chuyên Đề Ai Tạo Ra Đấng Sáng Tạo?- Phần 2 và Hết: Chúa Vượt Trên Mọi Logic của Con Người

Ai Tạo Ra Đấng Sáng Tạo?- Phần 2 và Hết: Chúa Vượt Trên Mọi Logic của Con Người

by Viethungpham.com
30 đọc

Con người vốn có khát vọng giải thích được mọi thứ, nhưng đó là một khát vọng không tưởng. Ngay từ thế kỷ 17, Blaise Pascal đã thảo luận rất kỹ về điều này. Một lần nữa, cháu hãy đọc bài “LỬA của PASCAL (PASCAL’s FIRE) đã dẫn ở trên để thấy rõ Pascal đã dạy chúng ta như thế nào về tính hạn chế của lý lẽ logic (logic có giới hạn, rất nhiều câu hỏi trong thực tế nằm ngoài phạm vi và khả năng của logic).

Tuy nhiên bao nhiêu lời khuyên của Pascal vẫn không đủ để làm cho các nhà khoa học hiểu được cái gì là có thể và cái gì là không thể. Vì thế đến thế kỷ 20 người ta vẫn lao vào nhiều lý thuyết ngông cuồng muốn trả lời được mọi câu hỏi. Phải đợi đến Định lý Bất toàn của Gödel thì con người mới bắt đầu tỉnh ngộ hơn một chút. Định lý này gửi một thông điệp rõ ràng và dứt khoát tới khoa học: “To explain everything is impossible” (Giải thích mọi thứ là bất khả), như chính Gödel tuyên bố.

Câu hỏi của cháu nằm trong cái bất khả đó. Tại sao?

Vì sự hiện hữu của Chúa, tức Đấng Sáng Tạo ra sự sống, và sáng tạo ra toàn bộ vũ trụ, là một Tiên đề, chứ không phải một định lý. Giới vô thần không chấp nhận tiên đề này. Đó là việc của họ. Họ đòi hỏi chứng minh sự hiện hữu của Chúa. Có nghĩa là họ không hiểu gì những điều Pascal hay Gödel nói. Có nghĩa là họ dốt.

Tóm lại, không thể đặt câu hỏi chất vấn cái gì tạo ra Đấng Sáng Tạo. Bản thân câu hỏi này là vô lý, là phi logic, vì nó không tuân thủ khái niệm Hệ Tiên đề trong khoa học logic và toán học.

Trong khi đó, giống như Euclid bằng trực giác tin vào sự đúng đắn của Tiên đề 5, rất nhiều người cũng bằng trực giác tin vào sự hiện hữu của Đấng Sáng tạo. Những người ấy là ai? Đó là:

Albert Einstein, Werner Heisenberg, Kurt Godel, Lord Kelvin, Louis Pasteur, Gregor Mendel, Lev Tolstoy, Isaac Newton, Galileio Galilei, Blaise Pascal, Johan Sebastian Bach,… toàn những nhân vật vĩ đại nhất của mọi thời đại, danh sách này có thể kéo dài bất tận.

Câu hỏi của cháu cho thấy ít nhiều cháu đã chịu ảnh hưởng của tư duy logic. Nhưng vì chưa hiểu rõ khái niệm logic nên cháu và rất nhiều người vẫn đặt câu hỏi chất vấn một tiên đề, giống như nhân loại đã chất vấn Tiên đề 5, để sau hơn 2000 năm mới biết là…. dại dột!

Vậy thay vì chất vấn như thế, cháu hãy dùng TRỰC GIÁC để cảm nhận sự hiện hữu của Thượng Đế. Blaise Pascal, một trong những nhân vật lỗi lạc nhất của mọi thời đại, nói: “C’est le coeur qui sent Dieu, et non la raison” (Chính trái tim cảm nhận sự hiện hữu của Chúa chứ không phải lý lẽ logic). Tùy theo trực giác của mỗi người, mức độ cảm nhận khác nhau. Bác thường cảm nhận sự hiện hữu của Chúa một cách gián tiếp thông qua những kỳ quan do Chúa tạo ra. Chẳng hạn, thông qua âm nhạc của Johann Sebastian Bach. Thí dụ hãy nghe bản “Jesu, Joy of Man’s Desiring” (video ở cuối bài). Ôi tuyệt vời lắm. Tuyệt vời đến nỗi có lúc bác tưởng như đang lạc vào Thiên đường. Mà có lẽ không phải là lạc vào đó, dường như lúc ấy ta đang thực sự sống ở Thiên đường vậy! Và lúc ấy ta tin chắc rằng Chúa đã ứng vào linh hồn của Bach mà soạn ra những nét nhạc thiêng liêng kỳ diệu tuyệt mỹ đó. Con người bình thường không thể sáng tạo ra những kỳ quan như thế. Không chỉ có một, mà có hàng trăm hàng vạn hàng triệu hàng tỷ kỳ quan như thế. Bản thân mỗi chúng ta là một kỳ quan. Có cỗ máy nào phức tạp và kỳ diệu như con người chúng ta không? Càng hiểu sinh học, càng kinh ngạc trước sự phức tạp và kỳ diệu của con người. Có cỗ máy nào có linh hồn biết tư duy và biết cảm xúc như chúng ta không? Mà chẳng cần nói đến con người, cứ quan sát loài vật cũng thấy chúng quá kỳ diệu rồi. Hãy quan sát các loài cá dưới biển sâu. Một thế giới huyền ảo, lạ lùng, đa dạng, phong phú, có hàng trăm loài khác nhau, mỗi loài có những đặc điểm kỳ lạ khác nhau. Cơ chế tiến hóa đơn giản do ông Darwin tưởng tượng ra, cái gọi là chọn lọc tự nhiên, một sự chọn lọc dựa trên những đột biến ngẫu nhiên, tức là những biến đổi mù quáng, vô mục đích, hoàn toàn có tính chất may rủi, mà lại có thể tạo ra những điều kỳ lạ như phép lạ như thế ư? Thật là vớ vẩn, đó là một loại chuyện thần thoại tầm thường nhất mà bác từng biết. Chỉ có những người ngây thơ hoặc những người đã bị tẩy não thì mới có thể tin rằng chim từ bò sát mà ra, rằng cá voi xuất thân là động vật có vú trên cạn nhưng chán đất liền, tìm nước để sống… Những chuyện bịa đặt hoàn toàn vô bằng chứng như vậy mà đánh lừa được cả thế giới. Tất nhiên, nó đánh vào cái NGU của đám đông mà Albert Einstein đã vô cùng thất vọng nói toạc ra.

Thà tin như cháu, rằng sinh vật đã được thiết kế theo một nguyên lý nào đó từ trước còn dễ hơn gấp trăm vạn triệu lần so với những niềm tin bịa đặt 100% của ông Darwin. Xét cho cùng thì người ta khác nhau ở chỗ sau đây cháu ạ:

“Có hai cách để sống: bạn có thể sống như thể chẳng có cái gì là phép mầu; hoặc bạn có thể sống như thể mọi thứ đều là phép mầu / There are two ways to live: you can live as if nothing is a miracle; you can live as if everything is a miracle” (Albert Einstein).

Giới vô thân thuộc loại một. Loại hai gồm rất nhiều nhà khoa học bậc nhất, có thể kể ra hàng đống ví dụ. Bác thích nhất câu nói của Louis Pasteur:

“Càng nghiên cứu tự nhiên tôi càng kinh ngạc trước những công trình của Đấng Sáng Tạo / The more I study Nature, the more I stand amazed at the work of the Creator”

Những người như Pasteur không bao giờ dại dột đặt câu hỏi ai sáng tạo ra Đấng Sáng Tạo, bởi vì Đấng Sáng tạo vượt ra ngoài và vượt lên trên mọi câu hỏi logic của con người, cháu ạ.

Cám ơn cháu lần nữa, vì đã tạo cảm hứng để bác viết bài trả lời này.

Nguồn: Viethungpham.com

Bài vở cộng tác và góp ý xin gởi về tintuc@hoithanh.com

Ai tạo ra Đấng Sáng tạo?- Phần 1: Không Thể Chứng Minh Một Hệ Logic

Bình Luận:

You may also like