Home Chuyên Đề Ai tạo ra Đấng Sáng tạo?- Phần 1: Không Thể Chứng Minh Một Hệ Logic

Ai tạo ra Đấng Sáng tạo?- Phần 1: Không Thể Chứng Minh Một Hệ Logic

by Viethungpham.com
30 đọc

We are living in the era of science, then our thinking has been influenced so much by science. That’s why some people think that the following question is logical: “If the Creator creates everything, so who creates the Creator?”. I would like to discuss on this question, make clear what logic is, and how to sense God,…

Chúng ta đang sống trong thời đại khoa học, nên tư duy của chúng ta chịu ảnh hưởng rất nhiều bởi khoa học. Đó là lý do vì sao một số người nghĩ rằng câu hỏi sau đây là logic: “Nếu Đấng Sáng tạo sáng tạo ra mọi thứ thì ai sáng tạo ra Đấng Sáng tạo?”. Tôi sẽ thảo luận câu hỏi này, làm rõ logic là gì, và làm thế nào để cảm nhận Chúa,…

Ngày 17/09/2016 bạn Trần Thị Hiền có một bình luận thú vị về bài “Kelvin refuted Darwinism / Kelvin bác bỏ học thuyết Darwin” trên PVHg’s Home. Bình luận của bạn Hiền như sau:

“Thưa bác,
Cháu cảm ơn bài viết rất hay, cung cấp nhiều thông tin hữu ích của bác. Từ lâu, cháu vẫn tin rằng có những quy luật, nguyên lý xây dựng nên những bản thiết kế, được dùng để tạo ra sự sống nhưng có một điều cháu không hiểu, đó là: nếu sự sống phải được tạo ra từ sự sống, vậy Đấng Tạo Hóa có phải cũng được tạo ra từ sự sống không bác? Và theo cháu hiểu thì, phi vật chất – là không phải vật chất, phản vật chất và cũng không phải năng lượng vậy thì bản chất thực sự của phi vật chất là gì ạ? Cảm ơn bác và chúc bác luôn khỏe mạnh!”

Tôi cảm thấy câu hỏi của bạn Hiền rất chân thành, và có lẽ đó cũng là mối ưu tư của nhiều người, nên thay vì trả lời cá nhân bạn Hiền trong mục bình luận, tôi công bố câu hỏi và câu trả lời này như một bài viết chính thức trên PVHg’s Home. Hy vọng được bạn đọc quan tâm chia sẻ. Sau đây là ý kiến của tôi trả lời bạn Hiền.

Bạn Trần Thị Hiền thân mến,

Cảm ơn cháu vì ý kiến rất chân thành.

Có người được Chúa hoặc thần linh hiện ra trước mặt. Trường hợp này được gọi là hiển thị (nhìn thấy rõ ràng). Cháu có thể đọc bài LỬA của PASCAL (PASCAL’s FIRE) trên PVHg’s Home để hiểu thế nào là hiển thị. Những người có cái may mắn được Chúa hoặc thần linh hiển thị thường là những người đặc biệt, có một sứ mệnh đặc biệt mà chúng ta không hiểu hết được. Trong khi đó, đại đa số chúng ta không có cái may mắn đó. Nhưng những người không được trực tiếp nhìn thấy Chúa mà tin Chúa lại là những người có phúc, vì Kinh Thánh đã nói: “Phúc cho ai không thấy mà tin / Blessed are those who have not seen and yet have believed” (John 20:29).

Nhưng bác và cháu đều có cái may mắn là tin vào sự tồn tại của những quy luật, những nguyên lý thiết kế nên sự sống, và do đó suy ra ắt phải có Đấng ban hành những quy luật ấy, những nguyên lý ấy. Đấng ấy chính là Thượng Đế, hoặc Chúa, tùy theo cách gọi của cháu, mà tiếng Anh gọi là God, tiếng Pháp là Dieu, tiếng Việt trước đây gọi là Ông Trời.

Thượng Đế có hình thù ra sao? Liệu Ngài có giống con người chúng ta không? Kinh Thánh nói Chúa sáng tạo ra con người theo hình ảnh của Ngài. Vậy chúng ta có quyền tin rằng Thượng Đế có hình ảnh giống chúng ta. Nhưng vì Thượng Đế có quyền năng vô hạn và tuyệt đối ─ Thượng Đế muốn sao nên vậy. Vì thế Thượng Đế có thể xuất hiện dưới bất kỳ hình thức nào, thậm chí dưới hình thức hư vô, không có hình thù nào cả. Đến đây có thể nhận xét rằng những người bận tâm tranh cãi về hình dạng của Thượng Đế, theo bác, là không hiểu gì về Thượng Đế cả.

Bây giờ vào câu hỏi của cháu: Sự sống chỉ ra đời từ sự sống (Định luật Tạo sinh của Louis Pasteur), vậy nếu sự sống do Chúa tạo ra thì bản thân Chúa phải là sự sống, vậy sự sống nào tạo ra Chúa?

Câu hỏi của cháu có 2 ý cần thảo luận:

Một, chữ “tạo ra” (create) khác với chữ sinh ra (to be born). Chúng ta được sinh ra từ cha mẹ. Nhưng hai người đầu tiên là Adam và Eva do Chúa tạo ra. Cách Chúa tạo ra Adam và Eva khác với cách cha mẹ chúng ta sinh ra chúng ta. Kể từ Adam và Eva, con người được sinh sôi nẩy nở theo những chương trình do Chúa cài đặt từ thủa khai thiên lập địa. Chúa không tạo ra Adam và Eva theo chương trình mà cha mẹ chúng ta sinh ra chúng ta. Kinh Thánh kể rằng Chúa tạo ra Adam từ đất sét, rồi Ngài thổi linh hồn và đó, làm cho nó trở thành một vật sống động. Còn Eva được tạo ra từ một chiếc xương sườn của Adam. Giới vô thần không tin những chuyện này. Nhưng những người tin Chúa là Đấng quyền năng vô hạn thì tin. Vấn đề tin hay không tin không phụ thuộc vào khoa học, mà phụ thuộc vào trực giác. Nhưng dù thế nào chăng nữa thì Định luật Tạo Sinh của Pasteur chỉ áp dụng kể từ Adam và Eva về sau, chứ không thể áp dụng đối với Chúa.

Hai, câu hỏi của cháu mang tính chất suy luận logic. Vậy thử suy nghĩ xem câu hỏi của cháu có logic không nhé.

Theo toán học và lý thuyết tiên đề (Axiomatics), bất kỳ một hệ logic nào cũng phải xây dựng trên một Hệ Tiên đề. Thí dụ: Hình học Euclid (hình học học sinh học ở nhà trường) dựa trên 5 tiên đề do Euclid nêu lên (sau này Hilbert nêu lên 20 tiên đề).

Trong các tiên đề đó, Tiên đề 5 có vẻ như có thể chứng minh được. Trong vòng hơn 20 thế kỷ, kể từ khi Euclid nêu lên Tiên đề 5, rất nhiều nhà toán học tài giỏi bậc nhất đã lao vào chứng minh Tiên đề 5, nhưng đều…………….. THẤT BẠI! Mãi tới thế kỷ 19, ba nhà toán học là Karl Gauss, Janos Bolyai và Lobachevsky mới đồng thời nêu lên kết luận rằng Tiên đề 5 không thể chứng minh được, mà thực sự là một tiên đề, nhân loại phải thừa nhận nó, và đừng nên mất thì giờ chứng minh nó nữa. Từ đó 3 nhà toán học này đồng thời khám phá ra một thứ hình học mới, trái ngược với hình học Euclid, được gọi là Hình học Phi-Euclid, được lịch sử coi là một trong những khám phá vĩ đại nhất của nhân loại. Từ đó nhà toán học Bernhard Riemann tổng kết và khái quát hóa hình học thành một lý thuyết về không gian trong đó hình học Euclid được coi như một trường hợp đặc biệt của Hình học Phi-Euclid với độ cong bằng 0, và Albert Eisntein đã sử dụng hình học Riemann làm cái khung vật chất cho Thuyêt Tương đối Tổng quát của ông.

Câu chuyện dài dòng của bác ở trên chỉ nhằm nhấn mạnh một kết luận cực kỳ quan trọng:

Không thể chứng minh, giải thích, hoặc chất vấn một tiên đề, hoặc một hệ tiên đề của một hệ logic. Chúng ta chỉ có thể dùng trực giác để thừa nhận (để tin) vào một hệ tiên đề mà thôi. Niềm tin đó sẽ chịu thử thách bởi thực tế cuộc sống. Nếu nó dẫn tới những hệ quả trái với thực tế thì niềm tin đó sẽ bị bác bỏ, nếu phù hợp thì nó sẽ tồn tại.

(Còn tiếp)

Nguồn: Viethungpham.com

Bài vở cộng tác và góp ý xin gởi về tintuc@hoithanh.com

Ai Tạo Ra Đấng Sáng Tạo?- Phần 2 và Hết: Chúa Vượt Trên Mọi Logic của Con Người

Bình Luận:

You may also like