Home Dưỡng Linh Không Phải Kiểu Đầy Tớ Như Thế

Không Phải Kiểu Đầy Tớ Như Thế

by Sưu Tầm
30 đọc

“Không ai có thể làm tôi hai chủ; vì sẽ ghét chủ nầy mà yêu chủ kia, hoặc trọng chủ nầy mà khinh chủ kia. Các con không thể vừa phục vụ Đức Chúa Trời lại vừa phục vụ tiền tài nữa.” (Ma-thi-ơ 6:24, TTHĐ)

Trong xã hội ngày nay, việc những Cơ Đốc nhân đang hết lòng phục vụ Chúa lại chuyển sang quan tâm quá mức đến tiền bạc trở nên quá dễ dàng. Hậu quả là nhiều người sống trong cảnh lo âu thấp thỏm, mối bận tâm của họ về tài chính đã cướp đi niềm vui trong Chúa và cản trở việc làm chứng cho người khác.

Thế giới luôn tràn ngập những âm thanh, hình ảnh và tiếng nói vào đời sống con người, Cơ Đốc nhân không thể miễn nhiễm khỏi chúng. Chỉ cần họ mất tập trung vào Chúa trong giây phút, từng đợt sóng cám dỗ sẽ ập vào, cuốn họ ra xa khỏi bờ an toàn và rơi vào vùng nước xoáy của những điều mất khả năng kiểm soát, mất niềm vui, mất phước lành, mất ý nghĩa cuộc sống và càng ngày càng tuyệt vọng. Một trong những cơn sóng lớn nhất luôn là tiền bạc, bởi vì nó có khả năng làm người ta tin rằng nó sẽ đem đến một sự an ninh, đảm bảo nào đó cho họ – một sự an ninh giả tạo; họ tin rằng nó là cách để giúp họ có được điều mình muốn.

Phil và Beverly là một ví dụ cho sự sa lầy đó. Đôi vợ chồng Cơ Đốc trẻ tuổi đáng mến này đã từng yêu Chúa đơn sơ, hết lòng và đầu tư thời gian, tài năng, của cải mình để hầu việc Ngài ở hội thánh địa phương. Và rồi một ngày nọ, Phil nhìn thấy một giàn máy vi tính mà anh đang rất cần. Họ không có tiền, nhưng người bán hàng lại rất nhiệt tình và sẵn sàng gia hạn trả góp cho anh. Phil đem dàn máy về nhà tối hôm đó.

Đầu tiên, khi những hóa đơn bắt đầu xuất hiện, mọi chuyện cũng không đến nỗi quá tệ. Nhưng ít lâu sau, Beverly nhìn thấy 2 chiếc áo đầm rất đẹp được bán giảm giá, cô dùng thẻ tín dụng để mua nó. Rồi sau đó, chiếc xe của họ cũng bị hỏng. Dần dần, những khoản chi nhỏ nhặt nhất hàng tháng cũng ăn lấn vào số tiền dâng hiến, tiền tiết kiệm và các ngân quỹ khác của họ. Họ cảm thấy mình phải vật lộn với hết hóa đơn này đến hóa đơn khác, và họ bắt đầu cãi nhau xem lỗi do ai mà lại trở nên như thế.

Những niềm vui trước đây từng hiện diện trong cuộc sống của họ bây giờ lại đổi sang sự mệt mỏi và lo lắng. Cuối cùng, Phil buộc phải bỏ bớt một số công việc tình nguyện ở hội thánh để đi làm thêm. Còn người vợ cũng cảm thấy cần phải hy sinh thời gian làm vợ, làm mẹ của mình để đi làm nhằm thỏa mãn những “cái muốn”, thay vì những “cái cần” của gia đình. Hầu như vấn đề tiền bạc luôn là nguyên nhân chủ yếu gây nên căng thẳng cũng như va chạm trong hôn nhân của họ.

Kinh Thánh chép: “Ai vay mượn là đầy tớ của kẻ cho vay mượn” (Châm Ngôn 22:7). Bình thường chúng ta không hề nghĩ đến điều đó, những đó là sự thật.  Khi bạn mắc nợ một công ty thẻ tín dụng hay một ai đó, bạn trở nên tôi tớ của họ. Nợ càng cao thì sự lệ thuộc càng lớn, đó một dạng trói buộc hay nô lệ. Cơ Đốc nhân chúng ta luôn cầu nguyện và mong muốn có được tấm lòng của một tôi tớ, nhưng không phải kiểu tôi tớ đó – tôi tớ của tiền bạc – mà là tôi tớ của Đấng Christ.

Kinh Thánh cũng cho biết rằng: “Sự sách thủ tiền tài làm cho kẻ khôn ra ngu” (Châm Ngôn 7:7a). Mọi kế hoạch chúng ta đang tính toán để đảm bảo tương lai, để tạo nên hình ảnh và giá trị bản thân, để thỏa mãn những điều mình ưa thích, để xây dựng cơ đồ, vương quốc riêng – thậm chí dù chúng ở dưới hình thức “làm cho Chúa” nhưng với động cơ kín giấu của sự ích kỷ, kiêu ngạo, thiếu trông cậy Chúa là Đấng tiếp trợ và nuôi dưỡng duy nhất cho nhu cầu mỗi ngày, Đấng duy nhất có quyền và năng lực hoàn thành việc của Ngài – thì những kế hoạch đó đều có thể trở thành cái bẫy, là liều thuốc độc khiến môn đồ của Chúa Giê-xu trở nên ngu dại.

Tôi tin rằng một trong những cách làm chứng thiết thực nhất chúng ta có thể thể hiện cho người xung quanh là cách chúng ta sử dụng tiền bạc. Bởi vì nếu chúng ta thật sự vâng theo mọi mạng lệnh của Đức Chúa Trời trong vấn đề tiền bạc, đời sống và thái độ của chúng ta sẽ hoàn toàn đi ngược lại với người thế gian. “Vì mọi sự trong thế gian như dục vọng của xác thịt, ham muốn của mắt, và sự kiêu ngạo về cuộc sống, đều không đến từ Đức Chúa Cha mà đến từ thế gian. Thế gian với những dục vọng của nó đều qua đi, hưng ai làm theo ý muốn của Đức Chúa Trời thì còn lại đời đời” (1 Giăng 2:16–17).

Cầu xin Đức Chúa Trời giúp chúng ta biết quản lý khôn ngoan những gì Ngài đã ban cho chúng ta. Cầu xin Chúa dạy chúng ta luôn luôn về sự thành tín của Ngài trong việc chu cấp MỌI nhu cầu cho con cái Ngài. Đức Chúa Trời là Đấng sáng tạo và nuôi giữ cả vũ trụ, Đấng tể trị tuyệt đối trên vạn vật, Đấng tốt lành trong mọi việc Ngài làm, Đấng lớn hơn tất cả, khôn ngoan hơn tất cả và kế hoạch của Ngài vĩ đại hơn tất cả. Chẳng lẽ Ngài không thể chăm sóc cho chúng ta, những người đặt lòng tin nơi Ngài hay sao? Phần của chúng ta là hãy học bài học về sự tin cậy trọn vẹn và kính sợ Chúa để quản lý mọi thứ Chúa đặt vào tay mình. Chúng ta có thể an tâm tuyệt đối vì CHÚA của trời và đất luôn ở bên chúng ta! “Chớ tham tiền, hãy hài lòng với những gì mình có, vì chính Đức Chúa Trời có phán: “Ta sẽ chẳng lìa con, chẳng bỏ con đâu.” (Hê-bơ-rơ 13:5).

Kính lạy Chúa của con, kể từ hôm nay, con sẽ không lo lắng tự hỏi: ‘Mình sẽ ăn gì?’ ‘Uống gì?’ ‘Mặc gì?’ nữa, vì tất cả những điều nầy người chưa kinh nghiệm Chúa vẫn luôn tìm kiếm. Nhưng con đã được biết đến Chúa, Ngài là Cha trên trời của con. Cha biết hết mọi nhu cầu của con. Cha dạy con chớ tham tiền, nhưng phải hài lòng với những gì mình có, bởi vì Cha không bao giờ lìa bỏ con. Vậy nên, con sẽ chỉ tập trung tìm kiếm chính Cha, các giá trị và tiêu chuẩn trong vương quốc Cha, sự công chính của Cha, và con sẽ làm theo, vì khi làm như thế thì con tin Cha sẽ ban cho con mọi điều con cần. Vì Ngài là Cha Tốt lành và Yêu thương nhất trên đời này. A-men! Ngài sẽ ban cho các con mọi điều ấy nữa.” (dựa theo Kinh Thánh Hê-bơ-rơ 13:5; Ma-thi-ơ 6:31–33).

Dịch: Blessing

Nguồn: Bill Bright

Bài vở cộng tác hoặc góp ý xin gửi về tintuc@hoithanh.com

Bình Luận:

You may also like