Home Chuyên Đề Sự Cứu Rỗi Qua Thập Tự Giá – Phần 3: Sự Bình An Của Thập Tự Giá

Sự Cứu Rỗi Qua Thập Tự Giá – Phần 3: Sự Bình An Của Thập Tự Giá

by Van Anh
30 đọc

“… bởi huyết Ngài trên thập tự giá đem bình an.”

CÔ-LÔ-SE 1:20

Việc đem bình an đến trên đất thật không dễ dàng, và kể cả khi sự bình an đã được thiết lập cũng khó để giữ được. Neville Chamberlain (1869-1940) đã học bài học đắt giá này ngay đầu thế chiến thứ II. Vào tháng chín năm 1938, khi còn giữ chức Thủ tướng Anh, Chamberlain đã kí Hiệp ước Munich với Adolf Hitler. Trong chuyến quay về Anh, ông tự hào tuyên bố rằng ông đã giành được “hòa bình trong thời đại của chúng ta.”

Mười hai tháng sau, Hitler xâm chiếm Ba Lan, và thế giới bị nhấn chìm trong vực thẳm chiến tranh. Neville Chamberlain là kiểu nhà tiên tri giống như những tiên tri mà Giê-rê-mi đã cảnh báo trong Cựu Ước: “Chúng bảo ‘bình an, bình an’, mà không bình an chi hết” (Giê-rê-mi 8:11).

Thời nay, người ta vẫn tiếp tục truyền tai nhau những tin đồn về hòa bình. Cứ thỉnh thoảng người ta lại công bố hoà bình ở vùng Balkan, Bắc Ai Len, Trung Đông hay nơi nào khác. Các lãnh đạo thế giới kí kết các hiệp ước. Họp truyền thông. Nhiều người ăn mừng. Nhưng chẳng hề có hòa bình thực sự. Trên thực tế, các chính trị gia không còn dùng từ “hòa bình” nữa, mà chỉ dùng từ “diễn tiến hòa bình.” Dù ai có nói gì đi nữa, tất cả vẫn chỉ là diễn tiến và rất ít hòa bình đã đạt được.

THÙ ĐỊCH VỚI ĐỨC CHÚA TRỜI

Có một lý do giải thích tại sao thế giới dường như luôn trong tình trạng chiến tranh. Đó là bởi vì loài người nổi loạn chống lại Chúa. Từ ngày A-đam và Ê-va ăn trái cấm, giữa Đức Chúa Trời và loài người mà Ngài đã tạo dựng luôn xảy ra tranh chiến không ngừng. Sự thù địch bắt đầu từ tội lỗi của hai tổ phụ và nhanh chóng gia tăng:

Bấy giờ mắt cả hai người đều mở ra và nhận biết mình trần truồng. Họ kết lá cây vả làm khố che thân. Khi nghe tiếng Giê-hô-va Đức Chúa Trời đi trong vườn lúc chiều mát, A-đam và vợ ẩn mình giữa các lùm cây trong vườn để tránh mặt Giê-hô-va Đức Chúa Trời. Giê-hô-va Đức Chúa Trời kêu A-đam và hỏi: “Con ở đâu?” A-đam thưa: “Nghe tiếng Chúa trong vườn, con sợ nên đi trốn, vì con trần truồng.” (Sáng thế ký 3:7-10).

Ngụy trang và lẩn trốn – là những mưu kế chiến tranh! A-đam và E-va biết rằng giữa họ và Chúa đã xảy ra sự gãy đổ. Âm thanh tiếng bước chân của Chúa, là điều mà trước kia từng mang đến niềm vui lớn cho họ, nay nhấn chìm họ trong sợ hãi. Qua việc che đậy và lẩn trốn, tổ phụ của chúng ta đã đang vẽ nên những chiến tuyến.

Mỗi một người đều là con trai của A-đam hoặc con gái của Ê-va. Vì thế, mọi người khi có mặt trên thế gian này là đã ở trong tình trạng thù địch với Đức Chúa Trời. Điều này đúng với mọi đứa trẻ được sinh ra trong thời chiến. Ngay từ khi ra đời, liên minh của đứa trẻ này đã được xác định.  Nó đã chọn hay đúng hơn là đã được chọn sẽ thuộc về phe nào. Tương tự như thế, mọi con người sinh ra trong thế gian này đều sẵn sàng để cầm vũ khí chống lại Chúa.

Làm thế nào mà chúng ta nói rằng chúng ta tranh chiến với Chúa? Thứ nhất, Lời Chúa làm chứng về điều này, lời Chúa nói rằng chúng ta ngày trước vốn xa cách Đức Chúa Trời, trở nên thù nghịch với Ngài bởi những ý tưởng và hành động xấu xa [của chúng ta] (Cô-lô-se 1:21). Chúng ta yêu mến mọi thứ mà thế gian này dâng tặng, nhưng “kết bạn với thế gian là thù nghịch với Đức Chúa Trời” (Gia-cơ 4:4). Chúng ta biết chúng ta là “kẻ thù của Chúa” bởi vì Kinh Thánh nói vậy (Rô-ma 5:10).

Và chính lương tâm bất an của chúng ta cũng là một bằng chứng. Bạn đã bao giờ cảm thấy tội lỗi về một điều bạn nghĩ, nói, hoặc làm chưa? Bạn đã bao giờ giận dữ một cách vô lý? Bạn đã từng nói dối chưa? Bạn đã từng lấy thứ gì đó không thuộc về mình? Hầu hết mọi người đều mang mặc cảm tội lỗi. Có những lúc họ muốn thà rằng Chúa không biết họ đã ở đâu, làm gì hoặc đang suy nghĩ gì. Mặc cảm tội lỗi là một tiếng còi báo hiệu chiến tranh. Nó làm chứng rằng tội lỗi chúng ta đã khiến chúng ta trở nên thù địch với Chúa.

Một dấu hiệu khác nữa chứng tỏ chúng ta không có hòa bình với Chúa đó là việc chúng ta không hòa thuận với người khác. Ly dị đang trên đà gia tăng. Lạm dụng trẻ em thì lan tràn. Hệ thống pháp luật quá tải bởi các vụ kiện tụng và phản tố. Chưa kể đến các mối hận thù dai dẳng giữa hàng xóm với nhau hay chuyện ngồi lê đôi mách trong công sở. Nếu chúng ta hòa thuận với Chúa, thì thời kỳ chúng ta sống sẽ có hòa bình. Nhưng trên thực tế, thế giới đang trong tình trạng chiến tranh.

CỦA LỄ BÌNH AN

Điều mà thế giới cần chính là sự bình an của thập tự giá. Thập tự giá của Đấng Christ chính là nơi kết thúc cuộc chiến của chúng ta chống lại thiên đàng: “Đức Chúa Trời đã vui lòng … nhờ Ngài [Chúa Giê-su] mà hòa giải muôn vật với chính mình, bởi huyết Ngài trên thập tự giá đem bình an đến cho cả những vật dưới đất và những vật trên trời.” (Cô-lô-sa 1:19-20).

Một trong những thuật ngữ Kinh Thánh dùng để mô tả sự hòa bình giữa Đức Chúa Trời và loài người là sự hòa giải. Hòa giải mang nghĩa cơ bản là trao đổi.1 Từ này đã được sử dụng ở giai đoạn trong Kinh Thánh để nói về việc trao đổi mua bán ở chợ. Giả sử bạn đưa cho tôi tờ một đô la. Nếu tôi trả lại cho bạn hai đồng 25 xen, hai đồng 10 xen, năm đồng 5 xen và năm dồng 1 xen thì nghĩa là chúng ta huề. Chúng ta đã thực hiện một giao dịch công bằng (tin tôi đi!).

Khi Kinh Thánh nói về sự hòa giải với Đức Chúa Trời, có nghĩa là một sự trao đổi đã diễn ra. Có một sự thay đổi trong mối quan hệ của chúng ta với Ngài. Lòng hận thù đã đổi lấy tình yêu thương. Chúng ta không còn là kẻ thù của Chúa nữa; mà bây giờ chúng ta là bạn của Ngài.

Sự hòa giải không có nghĩa là chúng ta chỉ đơn giản thay đổi suy nghĩ của chúng ta về Chúa. Ngay chính chúng ta cũng chẳng bao giờ thay đổi suy nghĩ của mình về Đức Chúa Trời. Chúng ta sẽ tiếp tục trong sự nổi loạn mãi. Sự hòa giải sẽ chẳng bao giờ có thể diễn ra. Để con người có thể hòa giải với Chúa, Chúa phải thực hiện bước đầu tiên. Ngài phải chủ động trước, và Ngài đã làm thế.

Leon Morris giải thích rằng không hề có nhiều từ ngữ nói về việc con người hòa giải với Chúa. Mà Ngài hầu như luôn luôn là chủ thể thực hiện hành động hòa giải loài người với Ngài. Cách nói này nhấn mạnh lẽ thật rằng tiến trình hòa giải bắt đầu từ Đức Chúa Trời. Chỉ bởi kết quả công việc của tình yêu Ngài mà con người có thể được đem vào trong mối quan hệ với Đấng tạo dựng nên họ.” Vì thế, bất cứ khi nào Kinh thánh nói về sự hòa giải, thì Chúa luôn luôn là Đấng thực hiện việc hòa giải. Cô-lô-se chương một là một minh họa rõ ràng: “Đức Chúa Trời đã vui lòng … hòa giải muôn vật với chính mình” (câu 19-20).

Sự hòa giải dạy một điều thật tuyệt với về bản tính của Chúa, đó là, Ngài làm bạn với kẻ thù của Ngài. Chúa yêu những người ghét Ngài. Ngài trao hòa bình cho những người gây chiến chống lại Ngài. Tuy Chúa là Đấng đã bị vu cáo, nhưng Ngài đã luôn thực hiện hành động đẹp. Và Ngài làm mọi điều này khi trận chiến vẫn đang nổ ra: “Vì nếu khi chúng ta là kẻ thù nghịch mà nhờ sự chết của Con Ngài, chúng ta còn được hòa giải với Đức Chúa Trời” (Rô-ma 5:10).

Cách mà Chúa hòa giải chúng ta với chính Ngài là qua thập tự giá của Đấng Christ, cụ thể là qua huyết của Đấng Christ. Chúa dùng “huyết Ngài trên thập tự giá đem bình an đến cho cả những vật dưới đất và những vật trên trời” (Cô-lô-se 1:20). Việc Chúa Giê-su Christ chịu đóng đinh là một của lễ bình an. Tội lỗi gây ra sự bất hòa giữa loài người và Đức Chúa Trời. Tội lỗi của chúng ta đã được trả và được xóa bỏ để cho sự hòa giải được diễn ra.

Hòa bình không bao giờ chỉ đơn giản diễn ra bằng cách làm ngơ điều đã khơi mào cuộc chiến lúc ban đầu. Một sự hòa giải thực sự phụ thuộc vào việc giải quyết vấn đề thực sự. H. Maldwyn Hughes giải thích rằng “sẽ không có hòa giải giữa người với người bằng cách làm ngơ căn nguyên sâu sa gây ra thù hận. Nếu muốn hòa giải diễn ra hoàn toàn và lâu bền, căn nguyên này cần phải được tiêu trừ tận gốc. Nếu Đức Chúa Trời và loài người được hòa giải, sự hòa giải này không phải do đơn thuần làm ngơ tội lỗi, nhưng chỉ bởi chiến thắng nó.”

                Đây là một trong những điều mà Chúa Giê-su đã làm trên thập giá. Ngài đã chuộc tội, đánh bại nó, và chiến thắng nó để chúng ta được hòa giải với Đức Chúa Trời. Tiên tri Ê-sai trình bày điều này rất đẹp đẽ: “bởi sự trừng phạt Ngài chịu chúng ta được bình an” (Ê-sai 53:5).

Một điều ấn tượng ở đây là khi Kinh Thánh nói về sự bình an của thập tự giá, Kinh Thánh dùng thì quá khứ. Theo cách này hay cách khác, Kinh Thánh muốn nói rằng Chúa Giê-su đã giải hòa con người với Đức Chúa Trời trên thập tự giá rồi. Đây là vì sự việc đóng đinh Chúa là một sự kiện thuộc lịch sử. Nên, việc hòa giải giữa Chúa và loài người đã hoàn tất. Theo nhà thần học người Xcốt-len, “Sự hòa giải đã hoàn tất trong sự chết của Đấng Christ. Phao-lô đã không giảng một sự hòa giải diễn ra dần dần. Ông giảng điều mà lời thiêng liêng đã từng gọi là công việc hoàn tất… Ông giảng điều đã được làm một lần đủ cả.”

Sự hòa giải đã được hoàn tất! Nhưng sự bình an của thập tự giá vẫn cần phải được đón nhận. Một tội nhân sẽ không được hòa giải với Chúa nếu người ấy không thực sự đến với thập tự giá để được giải hòa. Chỉ bởi tin vào công tác hoàn tất của Đấng Christ mà một người tìm được hòa bình với Đức Chúa Trời.

PHƯỚC CHO NHỮNG NGƯỜI HÒA GIẢI

Tuy nhiên, hòa thuận với Đức Chúa Trời thôi vẫn chưa đủ. Những ai hòa giải với Chúa rồi, còn phải sống hòa thuận với người khác nữa. “Đức Chúa Trời … đã cho chúng ta được hòa giải với Ngài qua Đấng Christ, và giao cho chúng tôi chức vụ hòa giải. Ấy là, trong Đấng Christ, Đức Chúa Trời đã cho thế gian được hòa giải với Ngài, không kể tội lỗi cho loài người, và ủy thác cho chúng tôi sứ điệp hòa giải” (2Cô-rinh-tô 5:18-19).

Nói cách khác, có hòa bình với Chúa nghĩa là sống hòa thuận với mọi người. Cơ Đốc nhân phải có mối quan hệ thuận hòa với gia đình, bạn bè, láng giềng và đồng nghiệp. Ai có kẻ thù thì phải đối xử với họ như Chúa đã đối xử với kẻ thù của Ngài, tức là chủ động giải hòa với họ. Điều này không phải lúc nào cũng dễ dàng, nhưng Kinh Thánh dạy rằng “Hãy tìm cách sống hòa thuận với mọi người” (Hê-bơ-rơ 12:14). Một dấu hiệu cho thấy chúng ta ở hòa thuận với Chúa là chúng ta tìm cách ở hòa thuận với nhau.

Một lần kia, có hai người phụ nữ bất bình nhau, mặc dù đã đi nhóm chung trong một hội thánh với nhau trong nhiều năm và còn là bạn thân của nhau. Nhưng người này đã gây cho người kia vấp phạm nghiêm trọng. Và người kia cay đắng rời khỏi hội thánh. Tình bằng hữu thân thiết đã biến ra thù địch. Họ không thèm nhìn mặt nhau hay nói chuyện với nhau trong nhiều năm.

Rồi một ngày kia, họ hòa giải với nhau. Chuyện xảy ra trong một gian hàng sữa tại siêu thị. Người phụ nữ bị xử tệ cúi xuống nhặt một hộp sữa. Khi bà đứng lên thì kẻ thù của bà đang ở đó mở rộng vòng tay. Họ ôm lấy nhau, và người phụ nữ kia đã xin lỗi vì những điều bà đã làm, rồi họ hòa giải với nhau.

Sự bình an giữa hai người phụ nữ đó tuôn chảy từ sự bình an của thập tự giá. Sự hòa giải mà họ có là một phần nhỏ của điều mà Kinh Thánh muốn nói đến trong câu: “Vì Đức Chúa Trời đã vui lòng đặt để mọi sự viên mãn của mình ở trong Ngài, và nhờ Ngài mà hòa giải muôn vật với chính mình, bởi huyết Ngài trên thập tự giá đem bình an đến cho cả những vật dưới đất và những vật trên trời” (Cô-lô-se 1:19-20). Nếu chúng ta đã kinh nghiệm sự bình an này qua công tác hòa giải của Chúa Giê-su Christ, thì chúng ta sẽ tìm cách sống hòa thuận với nhau.

(Còn tiếp)

Nguồn: Vietnamese Missionary Institute

Bình Luận:

You may also like