Chẳng có gì là không thể với Đức Chúa Trời, Đấng làm những việc lớn lao qua những người tiếp nhận Lời Ngài bằng đức tin.
Lu-ca 1:18-25
18 Xa-cha-ri thưa với thiên sứ: “Làm sao tôi biết việc nầy sẽ xảy ra? Vì tôi đã già, vợ tôi đã cao tuổi rồi.” 19 Thiên sứ đáp: “Ta là Gáp-ri-ên hằng đứng trước mặt Đức Chúa Trời. Ta được sai đến nói với ngươi và báo tin mừng nầy cho ngươi. 20 Nầy, ngươi sẽ bị câm, không thể nói được, cho đến ngày các điều ấy xảy ra, vì ngươi không tin lời ta, là lời sẽ được ứng nghiệm đúng thời điểm.”
21 Trong lúc ấy, dân chúng đang đợi Xa-cha-ri; họ ngạc nhiên vì ông ở lâu trong đền thờ. 22 Lúc đi ra, Xa-cha-ri không nói được với dân chúng thì họ mới hiểu rằng ông đã thấy một khải tượng trong đền thờ. Ông ra dấu cho họ vì vẫn còn bị câm. 23 Khi những ngày phục vụ đã mãn, ông trở về nhà.
24 Sau những ngày ấy, vợ ông là Ê-li-sa-bét mang thai và ẩn mình trong năm tháng. Bà nói rằng: 25 “Chúa đã ban ơn cho tôi. Trong những ngày nầy, Ngài đoái thương tôi và cất đi sự hổ nhục của tôi giữa mọi người.”
Suy ngẫm và hiểu
Thật ra, đối với Xa-cha-ri, việc thiên sứ của Chúa công bố dường như là không thể, nên ông đã không tin điều thiên sứ đã nói. Hậu quả là ông đã không thể thực hiện được nhiệm vụ của mình công bố tin mừng này cho mọi người (c.18, 21-23). May mắn thay, “tin mừng” của Đức Chúa Trơi không bị giới hạn bởi sự nhận thức về thực tế của chúng ta. Cho dù chúng ta có tin hay không, “đến thời điểm” Đức Chúa Trời sẽ thực hiện lời Ngài (c.19-20, 24-25).
Đức Chúa Trời là Đấng như thế nào?
C.25 Như đã hứa, Đức Chúa Trời đã cho phép Ê-li-sa-bét mang thai một con trẻ. Cũng giống như An-ne (1 Sa-mu-ên 2:1), Đức Chúa Trời đã biến đổi một người phụ nữ vô sinh và đau đớn ra vui mừng và ngợi khen. Đây là một hành động nhân từ của Đức Chúa Trời quan tâm đến dân Y-sơ-ra-ên, dân đang trải qua một giai đoạn dài bị sỉ nhục. Chúng ta có sống trong sự đau đớn và hổ nhục khiến chúng ta dường như không thể thoát khỏi không? Thay vì cứ đeo bám vào sự chỉ trích của người khác hoặc cảm thấy có lỗi với bản thân, chúng ta hãy trông cậy vào Đức Chúa Trời và chờ đợi thời điểm thương xót của Ngài.
Ngài ban cho tôi bài học gì?
C.18 Xa-cha-ri nghĩ hoàn cảnh hiện tại của ông là thực tế hơn và quan trọng hơn lời hứa của Đức Chúa Trời, và hậu quả là ông đã nghi ngờ Lời Chúa. Chúng ta xem điều gì là quan trọng hơn: Lời của Đức Chúa Trời hay những hoàn cảnh mà chúng ta đang ở trong đó? Chúng ta có giới hạn Đức Chúa Trời vì chúng ta quá bận rộn toan tính đến nguồn lực và khả năng của riêng mình, không?
Tham khảo
1:20 ngươi sẽ bị câm. Dấu hiệu mà Gáp-ri-ên đưa ra vừa nhân từ, vừa là một sự quở trách; điều đó dẫn đến hậu quả là bị câm (và có lẽ cũng bị điếc nữa, được ngụ ý ở trong c.62). Nhưng cho đến ngày những điều này xảy ra khẳng định rằng lời hứa vẫn sẽ được thực hiện.
1:24-25 Lý do khiến Ê-li-sa-bét ở ẩn mình trong năm tháng không được rõ, nhưng điều đó giữ bí mật việc bà mang thai trong một thời gian và cho phép bà có thời gian để thờ phượng Đức Chúa Trời (c.25) và chuẩn bị cho đứa trẻ đặc biệt này. Cất đi sự hổ nhục của tôi.Sự vô sinh được xem như là một điều ô nhục (Sáng Thế Ký 30:23; Ê-sai 4:1).
Cầu nguyện: Lạy Chúa, Đấng dõi theo chúng con, xin hãy giúp chúng con sống cả năm nay với đức tin và sự nhịn nhục nơi lời hứa của Ngài.
Đọc Kinh Thánh trong năm: Sáng Thế Ký 4-6