“Bệnh Viện Đà Nẵng” bốn chữ lớn được mạ sáng rực trông thật đẹp, là tên của một công trình lớn, được xem như nét son của thành phố Đà Nẵng. Dẫu vậy, ngoài những người phục vụ ở đó thì đa số người vào đây đều có một tâm trạng hồi hộp, lo lắng trong một tình thế bị ép buộc phải đến.
Ngoài cổng chính của bệnh viện tiếng còi xe cấp cứu inh ỏi khiến người ta nổi da gà, những bệnh nhân được đưa đến đó để được khám, chẩn đoán sức khoẻ và sau đó chuyển đến các khoa. Khoa Hồi Sức Cấp Cứu – Tích Cực Chống Độc nổi tiếng là bệnh nhân vào cổng trước ra cổng sau – không mấy ai vào đây mà sống sót – Hàng trăm người không biết số người còn lại có thể đém trên đầu ngón tay không! Tiếng “tin, tin…” của máy đo huyết áp, nhịp tim,…với các cao độ và âm lượng khác nhau cùng những đèn nháy xanh, vàng, cam, đỏ báo hiệu tình trạng sức khoẻ của bệnh nhân, nghe đến là thấy rợn cả người, có lúc tiếng “tin” đó “tít” dài làm người nghe như đứng tim. Tất cả trộn lẫn và kéo dài tạo nên bản nhạc khiến con tim người nhà ngồi bên ngoài thay vì cảm nhận được cảm giác thư thái từ âm nhạc thì thấy nhức nhối, bối rối, âu lo.
Hôm nay 1,2,3 người, ngày mai 1,2,3…7,8 người, ngày kia 1,2,3,4 người. Dường như không có ngày nào là không có người qua đời. Bên trong tiếng tin tin, bên ngoài tiếng khóc của người thân. Ôi! Một cảnh tượng khiến tâm trí, tinh thần người ta bị hãi hùng, kinh hoàng. Nhìn thấy những người bên cạnh mình khóc than, những người xung quanh ngồi im lặng, có người nhìn một chút rồi quay đi, có người cố gắng an ủi một lời “cố lên”, lắm lúc thấy lòng người ở đây như bị đóng băng trước những giọt nước mắt. Nhưng sự thật không phải vậy, vì ai nấy có người thân vào trong phòng này đều mang một tâm trạng tương tự nhau, và vào giờ phút cuối cùng của người thân yêu mình thì cung bậc cảm xúc đã lên đến đỉnh điểm và người ta chỉ biết gào khóc.
Những người lớn tuổi có trách nhiệm với người qua đời bắt đầu có kế hoạch lo tang chế. Thật buồn khi đa số người ở đây, việc đầu tiên của họ là coi thầy – “coi thầy tìm lối đi”. Họ coi thầy để xem đem người bệnh về nhà vào giờ nào là tốt, xem khi nào chết để làm sao đem về sớm và không chết trong bệnh viện hay ở ngoài đường,… mục đích là để cho con cái không bị xui xẻo và làm ăn được. Vậy, tất cả là vì tình yêu đối với người sắp qua đời phải không? Mọi người trong cơn bối rối đều vâng lời và làm y theo ý của thầy bà, không cần biết đúng hay sai, có lý hay không. Trong lúc bất an vô cùng và con người tìm cho mình một chút bình an, nhưng tiếc thay họ tìm và gặp phải một vị thầy mà chúa của sự đau khổ và tổn thương làm giáo sư lớn của vị thầy đó. Cuối cùng, cả thầy bà lẫn người nghe thầy đều là nạn nhân trong bàn tay của Sa-tan. Ngẫm và nghĩ thì cũng chỉ có một cách là họ phải làm là “coi thầy tìm lối đi”, nhưng họ sẽ thật sự nhận được bình an chỉ khi tìm gặp đúng thầy – Thầy đó phải thật sự biết đường đi.
Tạ ơn Chúa vô cùng, là những Cơ Đốc nhân, nếu ở trong hoàn cảnh tương tự chúng ta cũng thật bối rối, nhưng chúng ta đã có Thầy, Thầy này không những biết đường đi nhưng Ngài cũng chính là đường đi, lẽ thật và chân lý. Bởi ơn và sự thương xót của Ngài ta được gặp Ngài và hưởng trọn ý nghĩa và phước hạnh sự Giáng sinh, sự Thương khó, sự Phục sinh và sự Thăng thiên của Ngài, là Đức Chúa Trời tối cao trong thân vị là Chúa Giê-xu. Ngài đã thăng thiên rồi ban Chúa Thánh Linh đến để ở cùng chúng ta, giúp chúng ta sống và trải nghiệm bình an của Ngài trong những ngày ở trọ trên đất. Cũng như bao người khác cuộc sống không thiếu những giọt nước mắt nhọc nhằn đau thương, nhưng phước thay cho ta khi trong cảnh nào ta vẫn không thất vọng, cô đơn và cùng đường vì Chúa Thánh Linh vẫn luôn ở bên, sẻ chia, hướng dẫn và bảo vệ ta và cho ta giải pháp.
Chúa đã thăng thiên không phải để mang khỏi ta những giọt nước mắt của cuộc đời. Song, Thần của Ngài đã đến để cùng chúng ta trong cả những lúc nước mắt phải rơi.
“Ta đã bảo các ngươi những điều đó, hầu cho các ngươi có lòng bình yên trong ta. Các ngươi sẽ có sự hoạn nạn trong thế gian, nhưng hãy cứ vững lòng, ta đã thắng thế gian rồi!” (Giăng 16:33)
XÊRA