Thánh Kinh Hàng Ngày
“Vả lại, có ai trong vòng các ngươi lo lắng mà làm cho đời mình dài thêm một khắc không?” – Ma-thi-ơ 6:27 (BTT)
Ngày nay, chẳng lạ gì khi chúng ta lo lắng về rất nhiều thứ. Chúng ta lo lắng về tiền bạc, về các mối quan hệ, con cái, nhà cửa. Chúng ta lo lắng về gần như tất cả mọi thứ.
Chúa Giê-xu hiểu rằng lo lắng là một vấn đề quan trọng xảy ra giữa chúng ta nên Ngài đã dành ra hẳn một phân đoạn nói về sự lo lắng trong bài giảng trên núi của Ngài.
Thực tế là trong bài giảng trên núi, Đức Chúa Giê-xu đã đưa ra bốn lý do vì sao chúng ta chẳng nên lo lắng về bất cứ điều gì.
1. Lo Lắng Lùa Bạn Đi Xa Khỏi Vấn Đề Ban Đầu
Trong Ma-thi-ơ 6:25 (BTT), Chúa Giê-xu phán rằng: “Đừng vì sự sống mình mà lo đồ ăn uống; cũng đừng vì thân thể mình mà lo đồ mặc. Sự sống há chẳng quí trọng hơn đồ ăn sao, thân thể há chẳng quí trọng hơn quần áo sao?”
Lo lắng phóng đại mọi vấn đề. Các nan đề của chúng ta sẽ chẳng co lại nếu ta cứ tiếp tục nghĩ về chúng. Chúng ta sẽ dần bị lùa xa khỏi giá trị cốt lõi của nan đề bởi chính suy nghĩ của mình.
Lo lắng khiến cho ta quên đi những giá trị thuở ban đầu mà Chúa ban cho.
2. Lo Lắng Là Trái Với Tự Nhiên
Con người là tạo vật duy nhất trên vũ trụ này có sự lo lắng. Con vật chẳng ôm ấp nỗi lo bao giờ. Chúng ta vốn sinh ra chẳng hề lo lắng, nhưng ta lại học điều đó.
Chúa Giê-xu phán trong Ma-thi-ơ 6:26 (BTT): “Hãy xem loài chim trời: Chẳng có gieo, gặt, cũng chẳng có thâu trữ vào kho tàng, mà Cha các ngươi trên trời nuôi nó. Các ngươi há chẳng phải là quí trọng hơn loài chim sao?”
Nếu Chúa nuôi loài chim trời, Ngài há chẳng chu cấp cho bạn sao? Trong Cựu Ước, Đức Chúa Trời đã nuôi dân Y-sơ-ra-ên bằng ma-na từ trời suốt 40 năm, Ngài cũng đã sai quạ nuôi Ê-li tại mé khe Kê-rít. Không những vậy Ngài đã cho các vua ngày xưa sự giàu có dư dật. Chúa ban cho vua Sa-lô-môn sự giàu có bậc nhứt trong các vua. Đừng lo lắng về sự chu cấp, vì Chúa của bạn là Đấng giàu có.
3. Lo Lắng Là Điều Vô Nghĩa
Chúa Giê-xu phán trong Ma-thi-ơ :27(BTT): “Vả lại, có ai trong vòng các ngươi lo lắng mà làm cho đời mình dài thêm một khắc không?”
Sự lo lắng chẳng làm bạn cao thêm một phân, cũng chẳng làm bạn thấp đi một phân. Lo lắng chẳng làm hao mòn nan đề, nhưng làm hao mòn tinh thần của bạn. Lo lắng chẳng khiến cuộc đời bạn dài hơn, nhưng có thể làm cuộc đời bạn ngắn đi. Lo lắng chẳng thể thay đổi quá khứ, không thể kiểm soát được tương lai, nhưng chỉ làm rối loạn ngày hôm nay.
Đối tượng duy nhất sự lo lắng làm cho thay đổi đó chính là bạn. Lo lắng chỉ làm khổ bạn.
4. Lo Lắng Phản Ánh Tình Trạng Thuộc Linh Của Chúng Ta
Trong Ma-thi-ơ 6:30 (BTT), Đức Chúa Giê-xu phán: “Hỡi kẻ ít đức tin, loài cỏ ngoài đồng, là giống nay còn sống, mai bỏ vào lò, mà Đức Chúa Trời còn cho nó mặc đẹp thể ấy thay, huống chi là các ngươi!”
Chúa gọi những người hay lo lắng là “kẻ ít đức tin”. Bạn có tin Chúa đang làm chủ và hành động đời sống của bạn hay không? Chúa đã tạo dựng bạn. Ngài đặt để Đức Thánh Linh trong lòng bạn khi bạn đặt niềm tin nơi Cứu Chúa Giê-xu. Bạn không cần phải lo lắng.
Hãy cầu nguyện cùng tôi:
“Con cảm tạ Chúa vì Ngài là Cha, là Chúa của cuộc đời con. Ngài đã biết con từ lúc con chưa sinh ra, nắn nên con từ trong bụng mẹ, Chúa ôi Ngài biết tất cả về con. Xin Ngài tha thứ con vì những lần con lo lắng mà quên đi những điều tốt lành mà Ngài đã hằng ban cho con và quên đi lý do cho sự tồn tại của con. Con xin trao phó mọi điều lo lắng của con cho Chúa và tin chắc rằng Ngài là Đấng chu cấp và giữ gìn con. Con sẽ chẳng cần phải lo lắng bất kì điều gì vì con biết con có Chúa là Chúa của đời sống con, là điều phước hạnh nhất trong cuộc đời con.
Trong danh Chúa Giê-xu con cầu nguyện. Amen! ”
Biên dịch: H.U.
Nguồn: Rick Warren
Bài vở cộng tác và góp ý xin gửi về tintuc@hoithanh.com
Ê-phê-sô 5:18-20 có chép “Đừng say rượu, vì rượu xui cho luông tuồng; nhưng phải đầy dẫy Đức Thánh Linh. Hãy lấy ca vịnh, thơ thánh, và bài hát thiêng liêng mà đối đáp cùng nhau, và hết lòng hát mừng ngợi khen Chúa. Hãy thường thường nhân danh Đức Chúa Jêsus Christ chúng ta, vì mọi sự tạ ơn Đức Chúa Trời, là Cha chúng ta. Hãy kính sợ Đấng Christ mà vâng phục nhau.”
Phân đoạn Kinh Thánh này đưa ra những bí quyết để giải quyết các xung đột trong mọi mối quan hệ giữa con người với nhau. Thật vậy, thiếu đi sự kính sợ Đức Chúa Trời là cội rễ của nhiều mối xung đột và chia rẽ với anh em mình trong chi thể Đấng Christ. Lẽ thường, chúng ta quá chăm về lợi riêng mình mà mất đi khả năng nhạy cảm với lợi ích của những người khác, vì thế mà dẫn đến việc gây tổn thương nhau và những tổn thương ấy trở nên vật cản giữa mọi người với nhau. Cơ đốc nhân đừng bao giờ quên rằng những mối quan hệ ta có được trong đời là một món quà và người đó là tặng phẩm Đức Chúa Trời ban cho chúng ta. Khi chúng ta cư xử không phải lẽ với người khác cũng đồng nghĩa với việc chúng ta đang đối xử không tốt với con cái của Chúa, những anh chị em trong Chúa của mình.
Tuy nhiên, vì vậy mà một số nhà bình luận hiểu câu 21 như một lời kêu gọi “vâng phục lẫn nhau,” vì vậy mà cả hai vơ chồng đều phải đặt mình dưới thẩm quyền của người kia. Tuy nhiên, chúng ta tin rằng Ê-phê-sô 5:21 thật sự có ý kêu gọi Cơ đốc nhân nhận biết và tôn trọng các thẩm quyền được Chúa kêu gọi vì chúng ta kính sợ Ngài. Không ngoại lệ, trong nguyên ngữ Hy Lạp từ “vâng phục”, hupotassõ, thường chỉ về sự vâng phục thẩm quyền được ban cho bởi Đức Chúa Trời. Vì vậy, “Hãy kính sợ Đấng Christ mà vâng phục nhau” có thể được diễn giải “những người ‘ở dưới uy quyền’ nên vâng phục những người có thẩm quyền đối với họ vì sự kính sợ Đức Chúa Trời”. Phân đoạn này được hiểu theo ngữ cảnh dưới đây:
Ê-phê-sô 5:22 – “Hỡi kẻ làm vợ, phải vâng phục chồng mình như vâng phục Chúa”
Ê-phê-sô 6:1 – “Hỡi kẻ làm con cái, hãy vâng phục cha mẹ mình trong Chúa, vì điều đó là phải lắm”
Ê-phê-sô 6:5 – “Hỡi kẻ làm tôi tớ, hãy run sợ, lấy lòng thật thà mà vâng phục kẻ làm chủ mình theo phần xác, như vâng phục Đấng Christ…”
Một nguyên tắc tiên quyết của sự vâng phục ở mỗi cấp độ không phải nằm ở việc liệu chúng ta có thể tin cậy người chúng ta đang chịu phục nhưng chúng ta có thể tin cậy Đức Chúa Trời để Ngài hành động qua người mà Chúa muốn chúng ta vâng phục ấy chăng.
Đầy dẫy Đức Thánh Linh là nền tảng của sự vâng phục nhau.
Đầy dẫy Đức Thánh Linh có nghĩa là ở dưới sự dẫn dắt của Đức Thánh Linh. Câu 21 là kết quả kết nối từ câu 18, “hãy đầy dẫy Đức Thánh Linh…”
Chúng ta được đầy dẫy Đức Thánh Linh khi Thánh Linh chiếm hữu và ngự trị lòng chúng ta và chúng ta đang sống với cảm xúc và cảm nhận trong Ngài. Ở đây, sứ đồ Phao-lô so sánh sự đầy dẫy Đức Thánh Linh với việc say rượu. Theo cách nào đó, một người đầy dẫy Đức Thánh Linh cũng tương tự với việc một người say rượu vì rượu làm say đắm cơ thể bạn, chi phối suy nghĩ và kiểm soát phản ứng của bạn. Mở rộng ra, khi bạn không được Đức Thánh Linh dẫn dắt thì bạn mới là người đang lèo lái cuộc đời mình. Nếu chúng ta được đầy dẫy Đức Thánh Linh thì các mối liên hệ của chúng ta cũng sẽ được đổ đầy sự vui mừng vì chúng ta kính sợ Đức Chúa Trời mà vâng phục lẫn nhau. Và sự vâng phục ấy cũng sinh ra sự vui mừng bởi vì chúng ta biết rằng Đức Chúa Trời ban cho chúng ta sự tốt lành tối thượng trong tâm trí chúng ta và sự vâng phục thẩm quyền theo ý muốn Chúa là sự vâng phục chính Ngài.
Nhưng đáng buồn thay, bản chất của con người sa ngã trong mỗi chúng ta lại không chịu lụy sự vâng phục. Thực tế, bản năng tự nhiên của chúng ta thường nổi loạn và kiểm soát. Cả những Cơ đốc nhân chúng ta cũng có thiên hướng mạnh mẽ chống lại thẩm quyền. Vì vậy, trước hết chúng ta phải học biết đầu phục Chúa hoàn toàn. Khi chúng ta kính sợ Đức Chúa Trời, chúng ta sẽ có thể học biết vâng phục những thế lực thẩm quyền khác nhau nơi con người được Ngài trao quyền cho vì ích lợi cho chúng ta.
Cũng vậy, những người nắm giữ thẩm quyền sống trong sự kính sợ Đức Chúa Trời sẽ không dám lạm dụng quyền lực mình có để làm theo tư lợi và ý riêng mình. Họ sẽ thực thi thẩm quyền mình được ban cho bởi tình yêu thương và khát khao mang lại ích lợi cao nhất cho những người sống dưới thẩm quyền của mình và biết rằng đến một ngày họ cần phải trình dâng mọi điều với Đấng uy quyền tể trị mọi sự. Vì vậy, chúng ta hãy nên luôn luôn nhìn nhận vai trò lãnh đạo không phải là cơ hội để làm lợi cho cá nhân nào nhưng là trọng trách lớn lao Đức Chúa Trời ban cho được thực thi dưới sự kính sợ Ngài.
Chúa ban phước cho bạn,
Dịch: Annie Nhỏ
Nguồn: Adrian Chua
Bài vở cộng tác và góp ý xin gửi về tintuc@hoithanh.com
“Hỡi Đức Giê-hô-va, Ngài đã dò xét tôi, và biết tôi.” (Thi-thiên 139:1)
Chúng ta là một bí ẩn đối với nhau. Bác sĩ có thể biết cơ thể của chúng ta, lập biểu đồ các gai xương, các tế bào ung thư khả nghi hoặc sự tích tụ mảng bám trong động mạch của chúng ta. Nha sĩ có thể biết thói quen đánh răng không đúng cách của chúng ta hoặc những răng nào cần được cạo vôi. Bác sĩ trị liệu của chúng ta có thể chẩn đoán chúng ta mắc chứng rối loạn thần kinh hay ám ảnh cưỡng chế. Người bạn đời lâu năm của chúng ta có thể tiếp lời khi chúng ta nói chưa dứt câu hoặc đọc được qua ánh mắt để biết chúng ta muốn nói là đã đến lúc phải rời khỏi bữa tiệc rồi. Chúng ta có thể nói những người này biết chúng ta rất rõ – hay là không?
Chúng ta nghiên cứu các thi thiên vì chúng giúp chúng ta biết Chúa. Chúa là Đấng chăn giữ của chúng ta. Ngài là nơi nương náu của chúng ta. Chúa là Vua. Ngày nay chúng ta nhớ rằng Đức Chúa Trời biết mọi thứ về chúng ta: Ngài biết liệu chúng ta có thể thực hiện động tác chống đẩy hay không, Ngài biết liệu chúng ta có thể uốn lưỡi hay không. Chúa Giê-xu nói có bao nhiêu sợi tóc trên đầu chúng ta Chúa cũng đã đếm hết rồi. Ngài biết chúng ta đang làm gì vào thời điểm này — và liệu chúng ta có tập trung hay tâm trí của chúng ta đang đi lan man.
Chúng ta có xu hướng che giấu một phần con người thật của mình. Nếu mọi người biết về sự lo lắng hoặc chứng nghiện rượu của chúng ta, họ có thể bỏ rơi chúng ta. Những người khác có thể thu thập thông tin nội bộ để đe dọa làm tiền hoặc để chế nhạo chúng ta trước mặt người khác.
Nhiều người sử dụng những điều họ biết về chúng ta để làm điều gì đó chống lại chúng ta. Đức Chúa Trời thì lại sử dụng điều đó vì lợi ích của chúng ta. Ngài biết chúng ta là tội nhân. Và phản ứng của Ngài không phải là chế nhạo, coi thường hay đe dọa, mà là gửi đến một Đấng Cứu Rỗi.
Cầu nguyện
Lạy Chúa, xin tra xét con và biết lòng con; xin thử nghiệm con và biết tư tưởng con; thử xem con có lối ác nào không, và dẫn con vào con đường đời đời.Trong danh Chúa Giê-xu Christ, Amen.
Dịch: NTKA
Nguồn: Today’s Devotion
Bài vở cộng tác hoặc góp ý xin gửi về tintuc@hoithanh.com
“Phước cho người bị cám dỗ; vì lúc đã chịu nổi sự thử thách rồi, thì sẽ lãnh mão triều thiên của sự sống mà Đức Chúa Trời đã hứa cho kẻ kính mến Ngài.” (Gia-cơ 1:12)
Để chịu đựng được bất cứ điều gì xảy đến cho bạn và tiến bước trong đức tin, bạn phải trông đợi Chúa ban phước và giúp đỡ bạn. Ma-thi-ơ 9:29 chép: “Theo như đức tin các ngươi, phải được thành vậy.” Chúa nói rằng bạn có quyền chọn lựa mức độ giúp đỡ của Ngài trong những hoàn cảnh khó khăn. Nếu bạn trông đợi Chúa giúp, Ngài sẽ giúp! Lời Chúa hứa: “Phước cho người bị cám dỗ; vì lúc đã chịu nổi sự thử thách rồi, thì sẽ lãnh mão triều thiên của sự sống mà Đức Chúa Trời đã hứa cho kẻ kính mến Ngài.” (Gia-cơ 1:12) Và thêm một lời hứa nữa: “lại nếu chúng ta chịu thử thách nổi, thì sẽ cùng Ngài đồng trị.” (2 Ti-mô-thê 2:12)
Chúa Trời muốn bạn tăng trưởng trong đức tin khi bạn học biết trông đợi sự trợ giúp của Ngài, ngay trong ngày đen tối nhất. Khi gặp phải bóng tối, đừng bao giờ nghi ngờ những gì Chúa phán với bạn trong ánh sáng. Kinh Thánh chép: “Anh em đã được kêu gọi đến sự đó, vì Đấng Christ cũng đã chịu khổ cho anh em, để lại cho anh em một gương, hầu cho anh em noi dấu chân Ngài;” (1 Phi-e-rơ 2:21)
Khi gặp khó khăn, bạn gần gũi Chúa hơn hay xa cách Chúa hơn? Đó là lựa chọn của bạn. Bạn muốn gần Chúa chừng nào, bạn sẽ gần Chúa chừng nấy. Đức Chúa Trời muốn cất khỏi đời sống bạn những khó khăn người khác gây ra cho bạn với dụng ý xấu, và dùng nó làm ích lợi cho bạn. Nhịn nhục là một trong những đức tính Đức Chúa Trời muốn làm lớn lên trong chúng ta là những tín hữu. Bạn cần nhịn nhục để làm theo ý muốn Chúa và nhận lãnh điều Ngài đã hứa.
Tôi không biết hết những khó khăn bạn hiện đang phải trải qua. Nhưng Chúa biết. Và Ngài muốn bạn đọc những dòng này để tìm được sự khích lệ từ Lời Ngài, quyền năng Ngài và tình yêu Ngài hầu có thể chịu đựng. Có rất nhiều điều trong đời sống mà bạn không thể kiểm soát được. Nhưng tất cả điều đó nằm trong sự kiểm soát của Chúa, vì vậy bạn có thể đến với Ngài để có được sức chịu đựng.
Mục Sư Rick Warren
Bài vở cộng tác hoặc góp ý xin gửi về tintuc@hoithanh.com
“Nhưng phải thận trọng, kẻo quyền tự do của anh em gây cớ cho người yếu đuối vấp ngã. Nếu một người có lương tâm yếu đuối thấy bạn, là người hiểu biết, ngồi ăn trong đền miếu thần tượng thì chẳng phải người ấy được khuyến khích ăn của cúng thần tượng sao? Thế thì sự hiểu biết của bạn đã làm hư mất người yếu đuối ấy, là người anh em mà Đấng Christ đã chết thay cho. Như vậy, khi phạm tội đối với anh em, làm tổn thương lương tâm yếu đuối của họ là bạn đã phạm tội với Đấng Christ. Cho nên, nếu thức ăn tạo cớ vấp phạm cho anh em, thì tôi sẽ không bao giờ ăn thịt, để khỏi tạo cớ vấp phạm cho anh em tôi.” (1 Cô-rinh-tô 8:9-13)
Người Cô-rinh-tô viết thư cho Phao-lô. Trong thư, họ hỏi ông về nhiều vấn đề, một trong số đó liên quan đến việc ăn của cúng thần tượng.
Thế giới Hy Lạp-La Mã là thế giới đa thần. Việc thờ cúng các vị thần và nữ thần diễn ra ở khắp mọi nơi. Đó không chỉ là một hành động tôn giáo mà còn thâm nhập vào xã hội, vào đời sống (thậm chí đến rạp hát cũng đưa vấn đề dâng của cúng cho các vị thần lên sân khấu).
Trong Công-vụ 15, các trưởng lão ở Giê-ru-sa-lem cấm những Cơ Đốc Nhân không phải là người Do Thái ăn thịt đã cúng cho thần tượng. Nhưng rõ ràng là các tín đồ ở Cô-rinh-tô lại nêu vấn đề này trong bức thư gửi cho Phao-lô. Họ không còn tin vào các vị thần nữa; họ đã hướng về một Đức Chúa Trời chân thật duy nhất. Ăn thịt đã cúng cho thần tượng sẽ giúp họ “hòa nhập” vào đời sống xã hội với tư cách là công dân ở đây.
Tuy nhiên, Phao-lô đã nhìn thấy một vấn đề lớn. Ông nói về những người còn “khiếm khuyết” hoặc “yếu đuối” trong đức tin trái ngược với những tín đồ ở Cô-rinh-tô, vốn có kiến thức về lời Chúa. Những người này vẫn là người theo thuyết đa thần và vẫn chưa hoàn toàn chuyển sang đức tin Cơ Đốc.
Phao-lô nói với các tín đồ rằng sự tự do của họ không thể là nguồn gốc khiến người ngoại vấp phạm.
Nếu người ngoại nhìn thấy người tin Chúa ăn đồ cúng thần tượng, điều đó làm dấy lên nghi ngờ về việc liệu thông điệp của những người tin Chúa có đúng không. Tại sao họ giảng một đằng làm một nẽo. Điều đó thậm chí có thể khẳng định với người ngoại rằng họ có thể chỉ cần thêm Đức Chúa Trời và Chúa Giê-su vào danh sách các vị thần của họ. Phao-lô sẽ không cho phép điều này.
Ngày nay chúng ta thích nói về “sự tự do” và “quyền tự do”. Chúng ta thường dè dặt trước bất cứ điều gì có vẻ như xâm phạm đến quyền của chúng ta với tư cách là Cơ Đốc Nhân. Phao-lô đã chỉ thị cho người Cô-rinh-tô hãy tự giới hạn quyền tự do của họ vì lợi ích của những người yếu đuối trong đức tin.
Là người tin Chúa, chúng ta sống vì người khác, không phải vì chính mình. Cuộc sống của chúng ta phải phản ánh Chúa Giê-su.
Sự tự do của chúng ta có đang gây cho người khác vấp phạm không? Thế gian và những người ở trong đó đang dõi theo chúng ta. Đời sống của chúng ta có cho họ thấy Đức Chúa Trời chân thật không? Hay chúng ta khuyến khích họ chỉ cần thêm Chúa Giê-su vào danh sách những vị thần mà họ đang thờ lạy, mà không phải là vứt bỏ hết những thần tượng hư không đó để bước đi theo Chúa mà thôi?
Cha ơi, xin giúp chúng con hôm nay biết sống cho người khác, nhất là những người chưa biết đến danh Cha. Xin cho họ thấy nơi chúng con một đời sống quy phục Cha, một đời sống thu hút nhiều người đến với Cha. Amen.
Dịch: Eunice Tu
Nguồn: cbnisrael.org
Bài vở cộng tác hoặc góp ý xin gửi về tintuc@hoithanh.com
Radio Mana Thuộc Linh: Thi Thiên | Khi Người Kính Sợ Chúa Không Còn Nữa
Có khi nào bạn có cảm giác như quanh mình tràn ngập sự gian ác, con người sống dối trá, sống hai lòng, nịnh hót bề trên, đạp đổ, hà hiếp kẻ dưới. Bạn thấy kẻ khốn cùng bị bóc lột. Bạn nghe người thiếu thốn rên siết… Chưa hết, lối sống vô đạo đức, kiêu ngạo, xem thường Chúa, không có lòng nhân ái với đồng loại giờ được nâng lên thành quan điểm sống hoặc âm thầm hoặc được công khai thừa nhận. Điều ác được tôn cao giữa vòng loài người, kẻ ác thong dong dạo quanh như chỗ không người! Đây là điều mà tác giả Thi Thiên 12 đã từng trải qua. Xin mời các bạn cùng suy ngẫm Thi Thiên 12:1-8 trong giờ tĩnh nguyện hôm nay với chủ đề KHI NGƯỜI KÍNH SỢ CHÚA KHÔNG CÒN NỮA.
1 Lạy CHÚA, xin giải cứu chúng tôi. Vì người kính sợ Chúa không còn nữa, Và kẻ trung tín biến mất giữa vòng loài người.
2 Người ta nói dối lẫn nhau. Chúng là người hai lòng, nói bằng môi dua nịnh.
3 Nguyện CHÚA cắt hết môi dua nịnh, Lưỡi khoe khoang.
4 Tức là kẻ nói rằng: chúng ta sẽ thắng nhờ miệng lưỡi. Môi miệng là của chúng ta, ai sẽ là Chúa chúng ta?
5 Vì kẻ khốn cùng bị bóc lột, Người thiếu thốn rên siết. Chính Ta sẽ đứng dậy, CHÚA phán: Ta sẽ đặt người nơi an toàn, là nơi người mong muốn.
6 Lời CHÚA là lời trong sạch. Như bạc luyện trong lò nung bằng đất, Tinh luyện đến bảy lần.
7 Lạy CHÚA, chính Ngài canh giữ người khốn cùng. Ngài bảo vệ người khỏi thế hệ này cho đến đời đời.
8 Kẻ ác dạo quanh bốn phía. Khi điều ác được tôn cao giữa vòng loài người.
(Kinh Thánh Bản Dịch Mới)
Họ ở đâu rồi những người kính sợ Chúa, yêu mến, vâng giữ lời dạy cùng điều răn của Ngài, thương yêu tha nhân, sống chân thật, đem lại khích lệ, an ủi, nâng đỡ bạn, cho bạn niềm tin để tiếp tục hành trình? Họ ở đâu rồi, những người đại diện cho tiếng nói của công bình, ngay thẳng? Họ ở đâu rồi, những người trung tín, kiên trì trong sự thờ phượng Chúa, vâng lời, phục vụ Chúa hết lòng? Những con người trung tín cầu nguyện, dâng hiến, làm những việc lớn và nhỏ không mỏi mệt, đã từng là tấm gương đức tin cho bạn? Họ ở đâu rồi? Phải chăng họ không còn nữa? Phải chăng họ đã biến mất giữa vòng loài người?
Lời than thở trong bài cầu nguyện của Đa-vít ở đây có thể là lời cầu nguyện của bạn và của tôi khi thấy quá nhiều điều gian ác xảy ra chung quanh, mà chúng ta thì quá bé nhỏ và bất lực. Sức ép trên cuộc sống đôi khi quá lớn, quá mạnh. Ê-li có lần cũng đã thưa với Chúa rằng “chỉ còn một mình con” (I Các Vua 19:14).
Thưa không, bạn ơi và lòng của tôi ơi, Đức Chúa Trời vĩ đại mà chúng ta thờ lạy không để chúng ta đơn côi và chiến đấu một mình đâu. Ngài đã bày tỏ cho Ê-li rằng: Có 7000 tiên tri nữa cùng đứng với ông trong trận chiến vì Chúa để dành những người đó cho Ngài (I Các Vua 19:18). Sau đó, Chúa truyền cho Ê-li đến xức dầu cho Ê-li-sê để làm tiên tri thế cho ông. Chúa thấy nhu cầu có những người đồng hành ở bên Ê-li, nên đã ban cho ông một người học trò gần ông không rời, có đuổi cũng không đi! (II Các Vua 2:1-12).
Chúa sẽ trỗi dậy để cứu kẻ khốn cùng và người bị bức hiếp vì “Ngài là Cha kẻ mồ côi, và quan xét của người góa bụa, cũng là Đấng vì lòng nhân từ sắm sửa vật tốt cho kẻ khốn cùng, làm cho kẻ cô độc có nhà ở, đem kẻ bị tù ra hưởng được may mắn” (Thi Thiên 68:5, 6, 10).
Đa-vít có quyền tin cậy vào lời mà chính miệng Chúa đã phán: Chính Ta sẽ đứng dậy, CHÚA phán: Ta sẽ đặt người nơi an toàn, là nơi người mong muốn. Đa-vít biết lời Chúa là lời tinh sạch, giống như bạc đã được sàng lọc qua lửa đến bảy lần, đáng để cho chúng ta đem lòng tin cậy trọn vẹn. Lời của con người là lừa dối, là gian manh, là dua nịnh sẽ không có chút giá trị nào. Và Chúa là Đấng có đủ quyền năng để giữ lời phán hứa đó của Ngài.
Phải chăng những ngày cuối cùng mà Phao-lô bảo trước với Ti-mô-thê rằng: Người ta sẽ trở nên vị kỷ, tham tiền, khoe khoang, kiêu ngạo, lộng ngôn, không vâng lời cha mẹ, bạc bẽo, bất khiết, không có tình người, bất nhân, vu khống, ngông cuồng, dữ tợn, ghét điều lành, bội bạc, nông nổi, tự phụ, ham thích lạc thú hơn là yêu mến Đức Chúa Trời, giữ hình thức tin kính, nhưng chối bỏ quyền năng của sự tin kính đó (II Ti-mô-thê 3:2-5) có rất nhiều thứ giống với những gì đang xảy ra ngày hôm nay, xung quanh bạn, xung quanh tôi.
Hãy tin cậy và hy vọng như Đa-vít. Rằng Chúa vẫn giữ lời hứa giải cứu của Ngài. Ngài sẽ bồng ẵm anh chị em và tôi đi qua khổ đau và hoạn nạn.
Hãy tin rằng Chúa vẫn còn để dành một số người rất đông, những anh chị em trong Chúa của chúng ta đang chịu khổ vì danh Ngài, đang gặp thử thách, hoạn nạn như chúng ta trên khắp thế giới.
Hãy cầu nguyện cho nơi mình đang sống như Áp-ra-ham cầu nguyện cho thành Sô-đôm và Gô-mô-rơ, khi quả thật trong thành đã không còn người công nghĩa nữa.
Và hãy “truyền giảng lời Chúa, kiên trì dù trong thuận cảnh hay nghịch cảnh, hãy thuyết phục, khiển trách, khích lệ với tất cả lòng nhẫn nhục” như điều Phao-lô khuyên Ti-mô-thê (II Ti-mô-thê 4:2).
Chỉ có những ai vững lòng tin cậy Chúa mới có thể nhìn cuộc sống bằng đôi kính đầy lạc quan và yêu mến, trung tín hầu việc Chúa, yêu thương và phục vụ tha nhân bất chấp mọi hoàn cảnh. Đó mới là những con người sẽ đem niềm tin để thay đổi thế giới tội lỗi, tối tăm. Đó mới chính là những con người xứng đáng được chủ mùa gặt gửi tới trong đồng lúa đã chín vàng, hứa hẹn một mùa gặt bội thu cho Ngài.
Cầu nguyện
Lạy Chúa, xin giúp con hết lòng tin cậy vào sự giải cứu của Chúa. Xin thêm sức để con vẫn tiếp tục kính sợ Chúa và trung tín với Ngài, cho dẫu có khi dường như chẳng còn ai quanh con. Và Chúa ơi, đang khi điều ác đang được tôn cao giữa xã hội chúng con đang sống và kẻ ác đang thong dong đi như chỗ không người, con vẫn tin rằng Chúa sẽ trỗi dậy, chính Ngài canh giữ người khốn cùng. Ngài bảo vệ người khỏi thế hệ này cho đến đời đời. Con cầu nguyện nhân danh Đức Chúa Jesus Christ. Amen.
Nguồn: radiomanavn.blogspot.com
Bài vở cộng tác hoặc góp ý xin gửi về tintuc@hoithanh.com
Bạn nghĩ điều gì làm nên sự khác biệt giữa giá trị của con người bạn và giá trị của người khác?
“Đức Chúa Trời dựng nên loài người như hình Ngài; Ngài dựng nên loài người giống như hình Đức Chúa Trời; Ngài dựng nên người nam cùng người nữ.” – Sáng Thế Ký 1:27 (BTT)
Dễ thường con người ta định giá trị của người khác bằng việc nhìn vào cách người khác đối xử với chúng ta, sự thành công của bản thân, dựa vào thương hiệu của bộ đồ ta đang mặc trên người, cuộc đời đẹp đẽ mà ta đã sống. Vậy thì nếu bạn định giá trị của bản thân dựa vào thành tựu, số tiền mà bạn kiếm được, sự tụng ngợi của người khác cho mình thì liệu khi mất một trong những điều đó, giá trị của bạn có giảm đi không? Câu trả lời là không.
Bạn có thể mua một căn nhà lớn hơn, lái một chiếc xe sang trọng hơn, nhưng những điều đó không có nghĩa là bạn có giá trị hơn. Vì bạn sẵn đã là vô cùng giá trị ngay cả khi bạn đang sống trong một căn nhà nhỏ và không có một chức danh gì to lớn. Vị thế có thể làm tăng tầm ảnh hưởng của bạn, nhưng không làm tăng giá trị của bạn. Vì giá trị của một con người là một thứ không thể thay đổi.
“Đức Chúa Trời dựng nên loài người như hình Ngài; Ngài dựng nên loài người giống như hình Đức Chúa Trời; Ngài dựng nên người nam cùng người nữ.” – Sáng Thế Ký 1:27 (BTT)
Giá trị của bạn không dựa trên những điều bạn làm và những thứ bạn có. Nhưng giá trị của bạn đến từ Đấng Tạo Hóa. Đức Chúa Trời đã hà sanh khí của Ngài vào con người bạn để bạn được sống động. Bạn có trong mình ADN của Đấng Toàn Năng. Bạn được kể trong hàng hoàng tộc bởi dòng huyết cứu chuộc của Đấng Christ.
Việc nhìn nhận được giá trị của bản thân đôi khi không phải là điều dễ dàng. Kẻ thù là ma quỉ sẽ không ngừng hoành hành khiến cho chúng ta hạ thấp giá trị của người khácvà thậm chí là giá trị của chính bản thân mình.
Trong Lu-ca chương 4, Chúa Giê-xu được Đức Thánh Linh đưa đến trong đồng vắng, là nơi Ngài đã bị cám dỗ ba lần. Ngài ở đó 40 ngày không ăn chi hết. Kẻ thù nói với Ngài trong Lu-ca 4:13 (BTT)–“Nếu ngươi là Con Đức Chúa Trời, thì hãy khiến đá nầy trở nên bánh đi.” Nó muốn Ngài thể hiện giá trị của Ngài qua việc biểu diễn quyền phép – “Nếu ngươi có thể khiến đá này trở nên bánh, chứng tỏ ngươi là Con Đức Chúa Trời, nhờ đó mà ngươi cảm thấy tốt hơn về bản thân. Vì ngươi có thể thể hiện quyền phép.” Nhưng Chúa Giê-xu đáp trong Lu-ca 4:4 (BTT) – “Loài người được sống chẳng phải chỉ nhờ bánh mà thôi.” Đồng thời Ngài cũng khẳng định rằng Ngài chẳng phải làm bất cứ điều gì để thể hiện Ngài là ai, Ngài chẳng phải biểu diễn quyền phép để cảm thấy tốt hơn về bản thân vì Ngài biết Ngài là ai.
Chính vì không thể lừa gạt Ngài thể hiện giá trị qua thực hiện phép lạ, nó đem Chúa Giê-xu lên, cho xem mọi nước thế gian. Nó nói rằng Ngài có thể có mọi thứ nếu ngài sấp mình xuống trước mặt nó. Nhưng Chúa Giê-xu một lần nữa thể hiện rằng Ngài không cần vật sở hữu để thể hiện giá trị của bản thân hay thứ mà người khác nghĩ là quan trọng cảm thấy tốt hơn về bản thân.
Giá trị sở hữu và cả giá trị biễn diễn đều không có tác dụng với Ngài. Vì vậy, ma quỉ đưa Chúa Giê-xu lên nóc đền thờ, ở dưới rất đông người. Nó nói: “Nếu ngươi là Con Đức Chúa Trời, hãy gieo mình xuống đi, vì có chép rằng: Chúa sẽ truyền cho thiên sứ gìn giữ ngươi.”(Lu-ca 4:9-10 BTT) Nó muốn khiến Chúa Giê-xu bộc lộ giá trị mình bằng cách thể hiện bản thân qua việc nhảy xuống. Mọi người sẽ trầm trồ và Ngài sẽ lập tức nổi tiếng. Đức Chúa Giê-xu đáp: “Ngươi đừng thử Chúa, là Đức Chúa Trời ngươi.” Ngài không cần vật sở hữu, Ngài chẳng cần danh tiếng, cũng chẳng biểu diễn để cảm thấy có giá trị, rằng “Ta biết Cha ta, ta biết ta là ai, và ta chính là Con của Đức Chúa Trời hằng sống.”
Bạn có thực sự cảm nhận được giá trị của mình cũng như giá trị của anh em mình khi bạn được nghe cụm từ “địa vị làm con của Đức Chúa Trời” hay không?
Bạn không phải lao lực để bản thân trở nên giá trị hơn, vì bạn vốn dĩ là quý giá trong mắt Đức Chúa Trời. Bạn đã có giá trị từ lúc Ngài nặn nên con người bạn, và chẳng một ai giá trị hơn bạn vì Ngài tạo ra mỗi con người một linh hồn riêng biệt và ảnh tượng giống Ngài. Ngài không tạo ra một “bạn” khác trên thế giới này. Bạn được yêu chẳng phải bởi sự cố gắng của chính bạn. Bạn cũng chẳng bị “bớt yêu” bởi sự bất toàn của bạn. Nhưng bạn được yêu và yêu một cách dư dật vì Chúa chính là tình yêu. Sự bất toàn của con người không ảnh hưởng đến sự toàn hảo của Chúa. Con người không bất tín không làm Chúa bớt thành tín. Vì sự thành tín của Chúa đến đời đời không thay đổi.
Chẳng một ai, vật sở hữu, hay chính bạn có thể định đoạt được giá trị của bạn. Bạn sẽ cảm thấy vô cùng tự do nếu như bạn nhận ra bạn chẳng cần phải làm người khác ấn tượng. Hãy cởi bỏ sự căng thẳng vì việc phải tranh cạnh, thể hiện, làm người khác ấn tượng đều khiến bạn tốn năng lượng để thể hiện điều bạn sẵn có. Nếu bạn định giá trị của mình dựa trên những gì người khác nhìn nhận bạn, ủng hộ bạn, chấp nhận bạn, thì một ngày khi họ ngừng làm điều đó, bạn sẽ cảm thấy sụt giảm giá trị. Họ có thể nói: “Bạn thật tuyệt vời!” ngày hôm nay, và “tôi chẳng thèm quan tâm đến bạn” vào ngày hôm sau. Người ta có thể tung hô “Hô-sa-na!” ngày Chủ Nhật, và rồi “Đóng đinh hắn!” hôm thứ Sáu.
“Vì chính Chúa nắn nên tâm thần tôi. Dệt thành tôi trong lòng mẹ tôi. Tôi cảm tạ Chúa, vì tôi được dựng nên cách đáng sợ lạ lùng.” – Thi-thiên 139:13-14 (BTT)
Bạn chính là kiệt tác của Đấng Tạo Hóa. Ngài đã dựng nên bạn một cách đáng sợ lạ lùng từ tâm thần cho đến hình dạng. Bạn không còn lệ thuộc bởi tư tưởng, sự định giá của thế gian.Vậy hãy mạnh dạn vì bạn thuộc về Chúa.
Hãy cầu nguyện cùng tôi:
“Ha-lê-lu-gia cảm tạ Chúa vì Ngài dựng nên con một cách đáng sợ lạ lùng. Con nhận biết cuộc đời con phước hạnh thay vì con có Ngài là Chúa của con, là Đấng đã dùng cũng chính quyền năng tạo dựng nên vũ trụ vạn vật mà dựng nên con. Nay con đã được tự do khỏi sự định giá trị của thế gian này vì con biết con giá trị trong Ngài. Ý tưởng của Ngài dành cho con là ý tưởng bình an. Và Ngài đã lấy tình yêu thương đời đời mà yêu con, nên đã lấy sự nhân từ mà kéo con đến. Con nguyện dâng đời sống con lên cho Chúa, nguyện xin Ngài là Đấng Quan Phòng tiếp tục dõi theo và hướng dẫn cuộc đời con.
Trong danh Chúa Giê-xu con cầu nguyện. Amen!”
Biên dịch: H.U
Nguồn: Sermon.love
Bài vở cộng tác hoặc góp ý xin gửi về tintuc@hoithanh.com
“Ta đã bảo các ngươi những điều đó, hầu cho các ngươi có lòng bình yên trong Ta. Các ngươi sẽ có sự hoạn nạn trong thế gian, nhưng hãy cứ vững lòng, Ta đã thắng thế gian rồi!” – Giăng 16:33
Được sống trên thế giới này là một đặc ân mà Đức Chúa Trời ban cho loài người. Dù đức tin mạnh mẽ hay yếu đuối, dù là cơ đốc nhân hay người ngoại, mỗi chúng ta đều phải đối mặt với mọi điều thế giới này mang lại. Nhưng có những Lời Hứa chắc chắn trong Kinh Thánh mà Chúa ban cho những người đặt niềm tin nơi Ngài, rằng Ngài sẽ không bao giờ lìa bỏ chúng ta và để chúng ta phải chống chọi một mình trong những bão táp của cuộc đời. Hãy đến vui hưởng sự bình an của Chúa và cầu xin Ngài giúp chúng ta đương đầu với mọi thử thách trong đời:
Cha ơi,
Chúng con hát xướng ngợi khen Danh Cao quý và Thánh của Ngài. Tạ ơn Cha vì mọi điều Ngài đã làm cho chúng con.
Xin hãy đồng hành cùng chúng con mỗi ngày; dẫn dắt và bảo vệ chúng con khi chúng con vượt qua thử thách trên bước đường chúng con đi. Thưa Cha nhân từ, xin dẫn chúng con bước đi trong đường lối công bình của Ngài và ban phước cho chúng con y theo sự giàu có và thương xót của Ngài.
Xin ban cho chúng con sức lực của Chúa để kiên trì và chiến thắng mọi nghịch cảnh xảy đến trong cuộc đời chúng con vì biết rằng sự thử thách đức tin của chúng con sinh ra sự nhịn nhục (Gia-cơ 1:2) . Cho dù đó là những điều Chúa dùng để khiến chúng con trở nên mạnh mẽ hay là những cám dỗ đến từ ma quỷ đang cố gắng đánh bại chúng con đi chăng nữa thì những ý định đó của Sa-tan không thể nào thắng được, vì Chúa Giê-xu đã chiến thắng trên thập tự giá rồi và chúng con cũng sẽ chiến thắng như cách Ngài chiến thắng thế gian vậy.
Thưa Cha yêu thương, xin hãy kéo chúng con gần Ngài hơn trong những giai đoạn bấp bênh này. Chúng con thừa nhận rằng chúng con cần Ngài trong mọi giây phút của cuộc đời mình và chúng con sẽ không thể chiến thắng được nếu không có Ngài. Xin Chúa cất bỏ mọi rào cản ngăn trở chúng con đến gần Chúa, hoặc nếu những điều đó nằm trong kế hoạch của Ngài thì xin Chúa sử dụng chúng để khiến chúng con bám chặt lấy Ngài hơn. Xin nhắc nhở chúng con mỗi ngày rằng những sự hoạn nạn nhẹ và tạm này sẽ sanh cho chúng con sự vinh hiển cao trọng đời đời, vô lượng vô biên (2 Cô-rinh-tô 4:17). Tạ ơn Cha vì mọi sự hiệp lại làm có ích cho những kẻ yêu mến Ngài (Rô-ma 8:28).
Trong Danh Chúa Giê-xu con cầu nguyện, Amen.
Ê-sai 57:14 “Người sẽ nói rằng: Hãy đắp đường, hãy đắp đường! Hãy ban cho bằng! hãy cất lấy sự ngăn trở khỏi đường dân ta!”
Phi-líp 4:6 “Chớ lo phiền chi hết, nhưng trong mọi sự hãy dùng lời cầu nguyện, nài xin, và sự tạ ơn mà trình các sự cầu xin của mình cho Đức Chúa Trời.”
HÃY BÁM VÀO LỜI CHÚA VÀ TRÔNG CẬY TRONG MỌI SỰ
Hồng Ân biên dịch
Nguồn: https://christianstt.com
Bài vở cộng tác hoặc góp ý xin gửi về tintuc@hoithanh.com
Kính Sợ Chúa – Phần 18: Vâng Phục Bậc Cầm Quyền Trong Sự Kính Sợ Đức Chúa Trời
Lời Chúa trong I Phi-e-rơ 2:13-17 có chép: “Vì cớ Chúa, hãy phục theo mọi phép tắc loài người lập lên, hoặc vua, như đấng rất cao, hoặc các quan, như người vua sai ra để phạt kẻ làm dữ và khen người làm lành. Vì anh em làm điều lành để ngăn miệng những kẻ ngu muội dại dột, ấy là ý muốn của Đức Chúa Trời. Hãy ăn ở như người tự do, nhưng chớ dùng tự do làm cái màn che sự hung ác, song phải coi mình là tôi mọi Đức Chúa Trời. Hãy kính mọi người; yêu anh em; kính sợ Đức Chúa Trời; tôn trọng vua”.
Trong suốt triều đại hoàng đế Nero, Cơ đốc nhân đã đối diện với các cuộc bức hại kinh hoàng trong lịch sử. Vào thời bấy giờ, hoàng đế Nero ban lệnh bao vây và giết hại tất cả Cơ đốc nhân. Đau lòng thay, một số Cơ đốc nhân bị chó xé xác, một số khác thì bị thiêu sống thành ngọn đuốc người. Tuy nhiên, ngay cả khi các nhà cầm quyền xưa hung ác như thế sứ đồ Phao-lô vẫn khuyên răn các tín hữu tại Rô-ma phải vâng phục bậc cầm quyền hung bạo ấy.
Theo như lời Chúa được chép trong Rô-ma 13:1-6 rằng “Mọi người phải vâng phục các đấng cầm quyền trên mình; vì chẳng có quyền nào mà không đến bởi Đức Chúa Trời, các quyền đều bởi Đức Chúa Trời chỉ định. Cho nên ai chống cự quyền phép, tức là đối địch với mạng lịnh Đức Chúa Trời đã lập; và những kẻ đối địch thì chuốc lấy sự phán xét vào mình. Vả, các quan quyền không phải để cho người làm lành sợ, mà để cho người làm dữ sợ. Ngươi muốn không sợ quyền phép chăng? Hãy làm điều lành, sẽ được khen thưởng; vì quan quyền là chức việc của Đức Chúa Trời để làm ích cho ngươi. Song nếu ngươi làm ác, thì hãy sợ, vì người cầm gươm chẳng phải là vô cớ; người là chức việc của Đức Chúa Trời để làm ra sự công bình và phạt kẻ làm dữ. Vậy nên cần phải vâng phục, chẳng những vì sợ hình phạt thôi, nhưng cũng vì cớ lương tâm. Ấy cũng bởi lẽ đó mà anh em nộp thuế, vì các quan quyền là đầy tớ của Đức Chúa Trời, hằng giữ việc ấy”.
Thật vậy, cả hai phân đoạn Kinh Thánh trên đã trình bày rất rõ ràng về việc không vâng phục bậc cầm quyền cũng được kể như sự dữ, tội lỗi và không đẹp lòng Đức Chúa Trời. Dễ thường chúng ta lại chống đối Đức Chúa Trời cả khi chúng ta nghĩ mình đang tôn vinh Ngài. Cả hai sứ đồ Phi-e-rơ lẫn sứ đồ Phao-lô đều khẳng định rằng Đức Chúa Trời, Đấng tối cao cầm quyền trên cả muôn loài vạn vật và vì mọi quyền đều đến bởi Đức Chúa Trời nên không vâng phục bậc cầm quyền được xem như chống lại Đức Chúa Trời tối cao.
Vì vậy, cho dù đó là sự khiếu nại về việc nộp thuế hoặc từ chối nộp thuế cách tôn trọng hay phủ nhận quyền lực của chính quyền và chế giễu các quan chức chính phủ thì chúng ta cần phải ăn năn với Chúa về điều mình đã vi phạm.
Sự kêu gọi vâng phục bậc cầm quyền được đặt trên nền tảng “vì cớ Đức Chúa Trời”.
Nói cách khác, chúng ta không vâng phục bậc cầm quyền vì điều đó là ích lợi của chúng ta. Chúng ta không vâng phục vì các nhà cầm quyền đang làm điều đúng còn chúng ta cần phải lách luật vì lợi ích của mình. Chúng ta không vâng phục vì mọi thứ đang diễn ra như điều chúng ta mong muốn. Nhưng không, chúng ta phải vâng phục họ vì điều đó làm đẹp lòng Đức Chúa Trời. Sự vâng phục của chúng ta trên các bậc cầm quyền bày tỏ sự kính sợ Đức Chúa Trời và vâng phục quyền tể trị tối cao của Ngài trên mọi sự.
Sứ đồ Phi-e-rơ khẳng định rằng: “Vì anh em làm điều lành để ngăn miệng những kẻ ngu muội dại dột, ấy là ý muốn của Đức Chúa Trời”. Hãy để ý rằng cụm từ “làm điều lành” được đặt song song với lời kêu gọi đầu tiên “hãy vâng phục”. Điều này có nghĩa là khi chúng ta tự nguyện thuận phục, vâng lời và tôn trọng người mà Đức Chúa Trời trao quyền cho thì chúng ta cũng đang “làm điều lành” và tôn vinh Đức Chúa Trời qua nếp sống của mình.
Sự vâng phục ở đây không chỉ đơn thuần là sự vâng phục bằng hành động hữu hình thôi đâu mà còn là sự vâng phục trọn vẹn qua cả thái độ vâng phục lẫn tấm lòng của chúng ta nữa. Nếu chúng ta chỉ nói mình vâng phục mà vẫn cứ hoài lằm bằm và chỉ trích thì rõ ràng chúng ta chưa vâng phục. Bởi lẽ chúng ta thường có khuynh hướng chỉ vâng phục khi nghĩ điều đó xứng hợp. Nếu chúng ta vừa vâng phục vừa làm bằm thì đó hoàn toàn không phải là sự vâng phục Thánh Kinh nhắc đến. Chúng ta cần phải vâng phục bằng cả tâm thần lẫn tâm trí của mình.
Là Cơ đốc nhân chúng ta phải sống trong tinh thần “Chớ sỉ nhục người cai trị dân mình” (Công vụ 23:5, Xuất Ê-díp-tô ký 22:28).
Mặt khác, “Hãy ăn ở như người tự do”, “sự tự do” được nhắc đến ở đây là sự tự do để phục vụ Đức Chúa Trời chứ không phải phục tùng chính chúng ta. Đó là lý do tại sao sứ đồ Phi-e-rơ nói thêm rằng “nhưng chớ dùng tự do làm cái màn che sự hung ác”. Sự tự do chúng ta được ban cho trong Đấng Christ không được phép trở nên cái cớ để chúng ta đặt mình cao hơn các bậc cầm quyền mà Đức Chúa Trời đã đặt để. Cũng vậy, sự tự dó ấy cũng không trở nên cái cớ cho chúng ta được phủ nhận quyền lực của họ và phỉ bang họ. Nếu ai trong chúng ta hành xử thế ấy cũng bị kể như tội chống nghịch với quyền tể trị tối cao Đức Chúa Trời, như thế không khác gì chúng ta cho rằng Đức Chúa Trời đang sai lầm khi trao quyền cho họ còn chúng ta thì biết điều tốt hơn Ngài.
Xin đừng hiểu lầm sự vâng phục phải lẽ được đề cập đến ở đây. Chúng ta không có ý phải chấp nhận tất cả mọi điều luật hay chính sách được ban hành. Nếu các điều luật ủng hộ cộng đồng đồng tính LGBT hay ủng hộ đạo luật phá thai thì điều đó thật rất gớm ghiếc trước mặt Đức Chúa Trời. Chúng ta không nói về việc vâng phục điều sai để rồi làm ngơ trước tội lỗi. Vậy nên, có những lần và những điều chúng ta phải bất phục. Chính sứ đồ Phi-e-rơ đã có khi chọn cách bất tuân thẩm quyền của con người bởi lẽ họ đang trực tiếp trái với mạng lệnh của Đức Chúa Trời.
Phân đoạn Kinh Thánh Công vụ 4:17-18 và 5:28-29 đã ký thuật lại câu chuyện ấy.
“Dầu vậy, hầu cho việc khỏi đồn ra trong dân nữa, chúng ta nên lấy lời ngăm dọa, cầm họ, từ rày về sau, chớ lấy danh đó dạy dỗ không cứ là ai. Họ bèn đòi hai người vào, rồi cấm tiệt, chẳng cho nhơn danh Đức Chúa Jêsus mà nói hay là dạy”.
“Chúng ta đã cấm ngặt các ngươi, không cho lấy danh đó mà dạy dỗ, song các ngươi lại làm cho thành Giê-ru-sa-lem đầy dẫy đạo giáo mình. Vậy, các ngươi muốn khiến máu người ấy đổ lại trên chúng ta sao! Phi -e-rơ và các sứ đồ trả lời rằng: Thà phải vâng lời Đức Chúa Trời còn hơn là vâng lời người ta”.
Thât vậy, khi ấy sứ đồ Phi-e-rơ cùng các sứ đồ khác đã dõng dạc tuyên bố rằng: “Thà vâng lời Đức Chúa Trời còn hơn vâng lời người ta”.
Lời mời gọi ở đây là sự vâng phục mọi điều không chống nghịch với luật pháp của Đức Chúa Trời và kính trọng những ai Đức Chúa Trời đã ban quyền trên chúng ta. Không những thế, điều này còn hoàn toàn giúp Cơ đốc nhân bày tỏ nếp sống Cơ đốc yêu thương và công chính trong đời sống mình thêm hơn cũng như hành động để thay đổi luật pháp và các chính sách để chúng quay trở lại với lẽ thật của Đức Chúa Trời và bày tỏ sự tốt lành của Ngài.
Trong suốt những năm tháng sống trên đất, Đức Chúa Giê-xu không chỉ vâng phục Đức Chúa Trời mà còn thuận phục các bậc cầm quyền. Ngài cũng vâng phục họ và im lặng trước những lời cáo buộc của họ nữa.
Như lời Chúa được chép trong I Phi-e-rơ 2:21-23 rằng: “Anh em đã được kêu gọi đến sự đó, vì Đấng Christ cũng đã chịu khổ cho anh em, để lại cho anh em một gương, hầu cho anh em noi dấu chơn Ngài; Ngài chưa hề phạm tội, trong miệng Ngài không thấy có chút chi dối trá; Ngài bị rủa mà chẳng rủa lại, chịu nạn mà không hề ngăm dọa, nhưng cứ phó mình cho Đấng xử đoán công bình;”
Cũng vậy, bởi lòng vâng phục Đức Chúa Trời, Đức Chúa Giê-xu đã thuận phục chịu chết để đền tội và chuộc mua chúng ta khỏi ách nô lệ của tội lỗi hầu cho chúng ta được bước trong ánh sáng tuyệt diệu của Ngài. Vì vậy mà hết thảy chúng ta nên noi theo gương Chúa Giê-xu phó dâng hoàn toàn cho Đức Chúa Trời qua việc thuận phục các nhà cầm quyền trong Chúa.
Lời Chúa trong I Sa-mu-ên 15:23 cũng có chép“Sự bội nghịch cũng đáng tội bằng sự tà thuật; sự cố chấp giống như tội trọng cúng lạy hình tượng. Bởi ngươi đã từ bỏ lời của Đức Giê-hô-va, nên Ngài cũng từ bỏ ngươi không cho ngươi làm vua”.
Thật vậy, sự nổi loạn chống lại nhà cầm quyền do chính Đức Chúa Trời trao quyền được kể như tội lỗi nghiêm trọng. Cũng như xưa Satan sa ngã cũng vì muốn đoạt lấy uy quyền tối thượng của Chúa. Vì thế mà chúng nó cũng cám dỗ con người sa ngã như vậy. Vậy nên, chúng ta biết rằng tất cả sự bất chấp chống lại uy quyền của Đức Chúa Trời và quyến dụ con người chống lại uy quyền của Chúa đều đến từ Satan.
Chúa ban phước cho bạn,
Dịch: Annie Nhỏ
Nguồn: Adrian Chua
Ảnh: Faithful
Bài vở cộng tác và góp ý xin gửi về tintuc@hoithanh.com