Lời Chúa trong I Phi-e-rơ 2:13-17 có chép: “Vì cớ Chúa, hãy phục theo mọi phép tắc loài người lập lên, hoặc vua, như đấng rất cao, hoặc các quan, như người vua sai ra để phạt kẻ làm dữ và khen người làm lành. Vì anh em làm điều lành để ngăn miệng những kẻ ngu muội dại dột, ấy là ý muốn của Đức Chúa Trời. Hãy ăn ở như người tự do, nhưng chớ dùng tự do làm cái màn che sự hung ác, song phải coi mình là tôi mọi Đức Chúa Trời. Hãy kính mọi người; yêu anh em; kính sợ Đức Chúa Trời; tôn trọng vua”.
Trong suốt triều đại hoàng đế Nero, Cơ đốc nhân đã đối diện với các cuộc bức hại kinh hoàng trong lịch sử. Vào thời bấy giờ, hoàng đế Nero ban lệnh bao vây và giết hại tất cả Cơ đốc nhân. Đau lòng thay, một số Cơ đốc nhân bị chó xé xác, một số khác thì bị thiêu sống thành ngọn đuốc người. Tuy nhiên, ngay cả khi các nhà cầm quyền xưa hung ác như thế sứ đồ Phao-lô vẫn khuyên răn các tín hữu tại Rô-ma phải vâng phục bậc cầm quyền hung bạo ấy.
Theo như lời Chúa được chép trong Rô-ma 13:1-6 rằng “Mọi người phải vâng phục các đấng cầm quyền trên mình; vì chẳng có quyền nào mà không đến bởi Đức Chúa Trời, các quyền đều bởi Đức Chúa Trời chỉ định. Cho nên ai chống cự quyền phép, tức là đối địch với mạng lịnh Đức Chúa Trời đã lập; và những kẻ đối địch thì chuốc lấy sự phán xét vào mình. Vả, các quan quyền không phải để cho người làm lành sợ, mà để cho người làm dữ sợ. Ngươi muốn không sợ quyền phép chăng? Hãy làm điều lành, sẽ được khen thưởng; vì quan quyền là chức việc của Đức Chúa Trời để làm ích cho ngươi. Song nếu ngươi làm ác, thì hãy sợ, vì người cầm gươm chẳng phải là vô cớ; người là chức việc của Đức Chúa Trời để làm ra sự công bình và phạt kẻ làm dữ. Vậy nên cần phải vâng phục, chẳng những vì sợ hình phạt thôi, nhưng cũng vì cớ lương tâm. Ấy cũng bởi lẽ đó mà anh em nộp thuế, vì các quan quyền là đầy tớ của Đức Chúa Trời, hằng giữ việc ấy”.
Thật vậy, cả hai phân đoạn Kinh Thánh trên đã trình bày rất rõ ràng về việc không vâng phục bậc cầm quyền cũng được kể như sự dữ, tội lỗi và không đẹp lòng Đức Chúa Trời. Dễ thường chúng ta lại chống đối Đức Chúa Trời cả khi chúng ta nghĩ mình đang tôn vinh Ngài. Cả hai sứ đồ Phi-e-rơ lẫn sứ đồ Phao-lô đều khẳng định rằng Đức Chúa Trời, Đấng tối cao cầm quyền trên cả muôn loài vạn vật và vì mọi quyền đều đến bởi Đức Chúa Trời nên không vâng phục bậc cầm quyền được xem như chống lại Đức Chúa Trời tối cao.
Vì vậy, cho dù đó là sự khiếu nại về việc nộp thuế hoặc từ chối nộp thuế cách tôn trọng hay phủ nhận quyền lực của chính quyền và chế giễu các quan chức chính phủ thì chúng ta cần phải ăn năn với Chúa về điều mình đã vi phạm.
Sự kêu gọi vâng phục bậc cầm quyền được đặt trên nền tảng “vì cớ Đức Chúa Trời”.
Nói cách khác, chúng ta không vâng phục bậc cầm quyền vì điều đó là ích lợi của chúng ta. Chúng ta không vâng phục vì các nhà cầm quyền đang làm điều đúng còn chúng ta cần phải lách luật vì lợi ích của mình. Chúng ta không vâng phục vì mọi thứ đang diễn ra như điều chúng ta mong muốn. Nhưng không, chúng ta phải vâng phục họ vì điều đó làm đẹp lòng Đức Chúa Trời. Sự vâng phục của chúng ta trên các bậc cầm quyền bày tỏ sự kính sợ Đức Chúa Trời và vâng phục quyền tể trị tối cao của Ngài trên mọi sự.
Sứ đồ Phi-e-rơ khẳng định rằng: “Vì anh em làm điều lành để ngăn miệng những kẻ ngu muội dại dột, ấy là ý muốn của Đức Chúa Trời”. Hãy để ý rằng cụm từ “làm điều lành” được đặt song song với lời kêu gọi đầu tiên “hãy vâng phục”. Điều này có nghĩa là khi chúng ta tự nguyện thuận phục, vâng lời và tôn trọng người mà Đức Chúa Trời trao quyền cho thì chúng ta cũng đang “làm điều lành” và tôn vinh Đức Chúa Trời qua nếp sống của mình.
Sự vâng phục ở đây không chỉ đơn thuần là sự vâng phục bằng hành động hữu hình thôi đâu mà còn là sự vâng phục trọn vẹn qua cả thái độ vâng phục lẫn tấm lòng của chúng ta nữa. Nếu chúng ta chỉ nói mình vâng phục mà vẫn cứ hoài lằm bằm và chỉ trích thì rõ ràng chúng ta chưa vâng phục. Bởi lẽ chúng ta thường có khuynh hướng chỉ vâng phục khi nghĩ điều đó xứng hợp. Nếu chúng ta vừa vâng phục vừa làm bằm thì đó hoàn toàn không phải là sự vâng phục Thánh Kinh nhắc đến. Chúng ta cần phải vâng phục bằng cả tâm thần lẫn tâm trí của mình.
Là Cơ đốc nhân chúng ta phải sống trong tinh thần “Chớ sỉ nhục người cai trị dân mình” (Công vụ 23:5, Xuất Ê-díp-tô ký 22:28).
Mặt khác, “Hãy ăn ở như người tự do”, “sự tự do” được nhắc đến ở đây là sự tự do để phục vụ Đức Chúa Trời chứ không phải phục tùng chính chúng ta. Đó là lý do tại sao sứ đồ Phi-e-rơ nói thêm rằng “nhưng chớ dùng tự do làm cái màn che sự hung ác”. Sự tự do chúng ta được ban cho trong Đấng Christ không được phép trở nên cái cớ để chúng ta đặt mình cao hơn các bậc cầm quyền mà Đức Chúa Trời đã đặt để. Cũng vậy, sự tự dó ấy cũng không trở nên cái cớ cho chúng ta được phủ nhận quyền lực của họ và phỉ bang họ. Nếu ai trong chúng ta hành xử thế ấy cũng bị kể như tội chống nghịch với quyền tể trị tối cao Đức Chúa Trời, như thế không khác gì chúng ta cho rằng Đức Chúa Trời đang sai lầm khi trao quyền cho họ còn chúng ta thì biết điều tốt hơn Ngài.
Xin đừng hiểu lầm sự vâng phục phải lẽ được đề cập đến ở đây. Chúng ta không có ý phải chấp nhận tất cả mọi điều luật hay chính sách được ban hành. Nếu các điều luật ủng hộ cộng đồng đồng tính LGBT hay ủng hộ đạo luật phá thai thì điều đó thật rất gớm ghiếc trước mặt Đức Chúa Trời. Chúng ta không nói về việc vâng phục điều sai để rồi làm ngơ trước tội lỗi. Vậy nên, có những lần và những điều chúng ta phải bất phục. Chính sứ đồ Phi-e-rơ đã có khi chọn cách bất tuân thẩm quyền của con người bởi lẽ họ đang trực tiếp trái với mạng lệnh của Đức Chúa Trời.
Phân đoạn Kinh Thánh Công vụ 4:17-18 và 5:28-29 đã ký thuật lại câu chuyện ấy.
“Dầu vậy, hầu cho việc khỏi đồn ra trong dân nữa, chúng ta nên lấy lời ngăm dọa, cầm họ, từ rày về sau, chớ lấy danh đó dạy dỗ không cứ là ai. Họ bèn đòi hai người vào, rồi cấm tiệt, chẳng cho nhơn danh Đức Chúa Jêsus mà nói hay là dạy”.
“Chúng ta đã cấm ngặt các ngươi, không cho lấy danh đó mà dạy dỗ, song các ngươi lại làm cho thành Giê-ru-sa-lem đầy dẫy đạo giáo mình. Vậy, các ngươi muốn khiến máu người ấy đổ lại trên chúng ta sao! Phi -e-rơ và các sứ đồ trả lời rằng: Thà phải vâng lời Đức Chúa Trời còn hơn là vâng lời người ta”.
Thât vậy, khi ấy sứ đồ Phi-e-rơ cùng các sứ đồ khác đã dõng dạc tuyên bố rằng: “Thà vâng lời Đức Chúa Trời còn hơn vâng lời người ta”.
Lời mời gọi ở đây là sự vâng phục mọi điều không chống nghịch với luật pháp của Đức Chúa Trời và kính trọng những ai Đức Chúa Trời đã ban quyền trên chúng ta. Không những thế, điều này còn hoàn toàn giúp Cơ đốc nhân bày tỏ nếp sống Cơ đốc yêu thương và công chính trong đời sống mình thêm hơn cũng như hành động để thay đổi luật pháp và các chính sách để chúng quay trở lại với lẽ thật của Đức Chúa Trời và bày tỏ sự tốt lành của Ngài.
Trong suốt những năm tháng sống trên đất, Đức Chúa Giê-xu không chỉ vâng phục Đức Chúa Trời mà còn thuận phục các bậc cầm quyền. Ngài cũng vâng phục họ và im lặng trước những lời cáo buộc của họ nữa.
Như lời Chúa được chép trong I Phi-e-rơ 2:21-23 rằng: “Anh em đã được kêu gọi đến sự đó, vì Đấng Christ cũng đã chịu khổ cho anh em, để lại cho anh em một gương, hầu cho anh em noi dấu chơn Ngài; Ngài chưa hề phạm tội, trong miệng Ngài không thấy có chút chi dối trá; Ngài bị rủa mà chẳng rủa lại, chịu nạn mà không hề ngăm dọa, nhưng cứ phó mình cho Đấng xử đoán công bình;”
Cũng vậy, bởi lòng vâng phục Đức Chúa Trời, Đức Chúa Giê-xu đã thuận phục chịu chết để đền tội và chuộc mua chúng ta khỏi ách nô lệ của tội lỗi hầu cho chúng ta được bước trong ánh sáng tuyệt diệu của Ngài. Vì vậy mà hết thảy chúng ta nên noi theo gương Chúa Giê-xu phó dâng hoàn toàn cho Đức Chúa Trời qua việc thuận phục các nhà cầm quyền trong Chúa.
Lời Chúa trong I Sa-mu-ên 15:23 cũng có chép“Sự bội nghịch cũng đáng tội bằng sự tà thuật; sự cố chấp giống như tội trọng cúng lạy hình tượng. Bởi ngươi đã từ bỏ lời của Đức Giê-hô-va, nên Ngài cũng từ bỏ ngươi không cho ngươi làm vua”.
Thật vậy, sự nổi loạn chống lại nhà cầm quyền do chính Đức Chúa Trời trao quyền được kể như tội lỗi nghiêm trọng. Cũng như xưa Satan sa ngã cũng vì muốn đoạt lấy uy quyền tối thượng của Chúa. Vì thế mà chúng nó cũng cám dỗ con người sa ngã như vậy. Vậy nên, chúng ta biết rằng tất cả sự bất chấp chống lại uy quyền của Đức Chúa Trời và quyến dụ con người chống lại uy quyền của Chúa đều đến từ Satan.
Chúa ban phước cho bạn,
Dịch: Annie Nhỏ
Nguồn: Adrian Chua
Ảnh: Faithful
Bài vở cộng tác và góp ý xin gửi về tintuc@hoithanh.com